Giải mã câu đố bí ẩn trong văn học Anh sau 130 năm
Một trong những bí ẩn văn chương nổi tiếng nhất trong nền văn học Anh Quốc cuối cùng đã được giải mã.

Giới học thuật luôn tin rằng Song of Wade — bài thơ vô cùng nổi tiếng thời kỳ Trung cổ — là một sử thi huyền ảo đầy rẫy quái vật. Kết luận này dựa trên việc đọc một số dòng thơ còn sót lại, vì tác phẩm không được lưu truyền trọn vẹn. Những dòng thơ được nghiên cứu xuất hiện trong bài giảng của một nhà truyền giáo. Chúng khiến các học giả thời Trung cổ bối rối vì thể loại huyền ảo không phù hợp với những gì mà các văn nhân lừng danh như Chaucer từng nhắc tới về nội dung bài thơ và các nhân vật trong đó.
Khám phá mang tính bước ngoặt được trình bày chi tiết trên tạp chí The Review of English Studies.
Tiến sĩ James Wade và tiến sĩ Seb Falk thuộc Trường Girton, Cambridge, cho rằng những phân đoạn còn sót lại của Song of Wade đã bị “hiểu sai hoàn toàn” trong 130 năm qua.
Những khám phá cách nhau 130 năm

Quay ngược thời gian trở về năm 1896, học giả M.R. James trong lúc xem các bài thuyết giảng bằng tiếng Latin từ thư viện của Trường Peterhouse, Cambridge đã bất ngờ phát hiện những đoạn viết bằng tiếng Anh. Ông bèn hỏi ý kiến của học giả Cambridge khác là Israel Gollancz và hai người cùng tuyên bố các đoạn tìm thấy là những câu thơ từ bài thơ lãng mạn thất lạc nổi tiếng ở thế kỷ 12 là Song of Wade. Học giả M.R. James hứa rằng mình sẽ bình luận thêm nhưng đáng tiếc là không có sau đó.
Gần 130 năm trôi qua mà không có thêm bằng chứng mới xuất hiện. Một số học giả đã nỗ lực tìm hiểu ý nghĩa của những câu trích của Wade xuất hiện trong bài thuyết giảng và đưa ra nhiều suy đoán về nội dung của bài thơ trong truyền thuyết.
“Rất nhiều người vô cùng thông minh đã phải vò đầu bứt tóc vì chính tả, dấu câu, bản dịch theo nghĩa đen, ý nghĩa và ngữ cảnh của vài dòng chữ”, James Wade cho biết.
James Wade và Seb Falk lập luận rằng có ba từ mà các học giả đã đọc sai, vì những lỗi gây nhầm lẫn này là do người chép lại bài giảng. Vấn đề lớn nhất là các chữ cái “y” và “w” khiến người đọc rối trí.
Việc sửa những lỗi này và các sai sót khác đã biến đổi bản dịch từ: “Một số là yêu tinh và một số là rắn độc, một số là yêu quái sống bên vùng nước: không có con người nào mà chỉ có Hildebrand” trở thành “Do đó họ có thể nói, với Wade: “Một số là sói và một số là rắn độc; Một số là rắn biển sống bên vùng nước. Không hề có người nào ngoài Hildebrand”.
Hildebrand được cho là thân phụ của Wade. Một số truyền thuyết dân gian và sử thi mô tả Hildebrand là người khổng lồ, thế nhưng nếu truyền thuyết về Wade là câu chuyện lãng mạn hiệp sĩ, thì nghiên cứu này cho rằng Hildebrand có thể hiểu là một người đàn ông bình thường.
“Việc chuyển từ yêu tinh (elves) sang sói (wolves) mang lại sự khác biệt rất lớn”, Seb Falk nói. “Nó biến đổi truyền thuyết này từ quái vật và người khổng lồ thành trận chiến của con người giữa các đối thủ hiệp sĩ”.
Chaucer và Wade

“The Song of Wade“.
Song of Wade vô cùng phổ biến ở thời Trung cổ. Trong nhiều thế kỷ, nhân vật trung tâm của tác phẩm là một anh hùng lãng mạn lớn lao, sánh bên các hiệp sĩ nổi tiếng khác như Lancelot và Gawain. Nhà thơ Chaucer từng hai lần nhắc tới Wade vào khoảng thời gian giữa giai đoạn này, trong những năm cuối 1300, song những lần đề cập lại gây hoang mang cho nhiều thế hệ học giả nghiên cứu Chaucer.
Trong một khoảnh khắc quan trọng trong bài thơ Troilus and Criseyde, Pandarus kể “câu chuyện về Wade” cho Criseyde sau bữa tối. Nghiên cứu mới đây cho rằng việc kể truyền thuyết về Wade mang lại lợi ích cho Pandarus, bởi ông ta không chỉ giữ được nàng Criseyde ở lại muộn mà còn khơi dậy những đam mê trong lòng nàng. Việc nghiên cứu mới chỉ ra Wade là một câu chuyện lãng mạn hiệp sĩ khiến đề cập của Chaucer trong bối cảnh âm mưu chốn cung đình trở nên hợp lý hơn nhiều.
Trong The Merchant’s Tale, nhân vật chính của Chaucer là một hiệp sĩ 60 tuổi tên January đã nhắc tới chiếc thuyền của Wade khi cho rằng cưới thiếu nữ thì tốt hơn cưới bà già. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc độc giả của Chaucer hẳn sẽ hiểu điều này theo bối cảnh lãng mạn hiệp sĩ, thay vì chuyện dân gian hay sử thi, là điều quan trọng.
Bài thuyết giảng
Lần đầu tiên, nhóm nghiên cứu xác định được tác giả của bài giảng Humiliamini nhiều khả năng là Alexander Neckam (1157–1217) – một nhà văn lớn cuối thời Trung cổ, qua nhiều điểm tương đồng trong các lập luận và văn phong. Humiliamini là một bài học về tính khiêm nhường – mối quan tâm chính của các nhà thần học Trung cổ. Song, bài giảng này có một điểm vô cùng thú vị và khác biệt: nó đan cài chất liệu văn hóa đại chúng để thu hút khán giả. Đây là một trong những ví dụ sớm nhất về hành vi này.
Bài giảng tập trung vào Adam suy đồi và so sánh hành vi của con người với đặc điểm ở động vật. Nó thể hiện con người mạnh mẽ trở nên giống sói vì họ cướp bóc thứ không thuộc về mình. Và nó so sánh hành động của kẻ xảo quyệt, trí trá và tham lam với rắn độc hoặc rắn nước.
“Bài giảng này vẫn còn nguyên giá trị với thời nay”, James Wade nói. “Nó cảnh báo rằng chính con người chúng ta mới gây ra mối đe dọa lớn nhất, chứ không phải quái vật”.
Nhà thuyết giảng đã đưa vào một chất liệu thứ hai để nhấn mạnh quan điểm này. Ông kể chuyện một hiệp sĩ và chiến binh thập tự chinh có thật tên Hugh xứ Gournay, người đã đổi phe bốn lần giữa Anh và Pháp. Câu chuyện này dường như không xuất hiện trong bất kỳ nguồn tài liệu còn tồn tại nào, nhưng theo cách nhà truyền giáo kể thì ông nhất định biết rằng các thính giả sẽ nhận ra nó.
“Đó là một hình ảnh táo bạo”, Seb Falk nói. “Hiệp sĩ Hugh hối hận tròng thòng lọng quanh cổ và cầu xin sự khoan hồng của vua Pháp là một biểu tượng mạnh mẽ và cực kỳ mới mẻ về tính khiêm nhường của hiệp sĩ”.
“Nhiều lãnh đạo nhà thờ lo lắng về chủ đề của truyện lãng mạn hiệp sĩ — ngoại tình, đổ máu và nhiều chủ đề tai tiếng khác – nên thật ngạc nhiên khi thấy một nhà thuyết giáo đưa ‘nội dung người lớn’ như vậy vào trong bài giảng” — James Wade chỉ ra.
Dù tác giả là Neckam hay một thầy giúp lễ nào đó, người viết nhất định phải quen thuộc với Wade và tự tin rằng đối tượng khán giả sẽ hiểu ý.
Phương Anh dịch từ University of Cambridge
Nguồn: https://www.cam.ac.uk/stories/song-of-wade-lost-english-legend-decoded