Giải Nobel về khoa học kinh tế năm 2005: Xung đột và hợp tác qua lăng kính của lý thuyết trò chơi

Giải Nobel về Khoa học Kinh tế năm 2005 đã được trao cho Robert Aumann và Thomas Schelling vì những đóng góp của hai ông trong việc “nâng cao hiểu biết của chúng ta về các hành vi xung đột và hợp tác thông qua các phân tích của lý thuyết trò chơi”

Tại sao một nhóm người, một tổ chức, hay một số quốc gia có thể làm nảy nở và duy trì sự hợp tác, trong khi ở những nơi khác lại tồn tại xung đột giữa các bên? Những công trình của Robert Aumann và Thomas Schelling đã cho thấy lý thuyết trò chơi – hay lý thuyết ra quyết định trong các điều kiện tương tác chiến lược – là một cách tiếp cận hiện đang chiếm ưu thế trong việc trả lời cho câu hỏi muôn thuở này. Bài diễn văn của Viện khoa học Hoàng gia Thụy Điển nhiệt thành tuyên dương hai ông đã có những đóng góp to lớn trong việc “nâng cao hiểu biết của chúng ta về các hành vi xung đột và hợp tác thông qua việc mở rộng và áp dụng lý thuyết trò chơi – một phương pháp được sử dụng để phân tích các tương tác chiến lược giữa các tác nhân với nhau. Những công trình của họ đã vượt xa khỏi ranh giới của kinh tế học và góp phần chuyển hóa các môn khoa học xã hội khác. Các nghiên cứu của Aumann và Schelling tiếp tục định hướng cho các thảo luận về sự hình thành các thể chế xã hội”.
Thomas Schelling
Đàm phán trong nỗi ám ảnh của chiến tranh lạnh
Các nghiên cứu của Thomas Schelling, được tổng kết trong cuốn sách kinh điển “Chiến lược của xung đột” (The Strategy of Conflict) hình thành trong bối cảnh của cuộc chạy đua hạt nhân vào những năm 1950 giữa hai cường quốc thế giới lúc bấy giờ là Liên Xô và Mỹ. Ông đã rất ngạc nhiên và thích thú khi phát hiện ra rằng ưu thế của mỗi bên trên bàn đàm phán chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, đặc biệt là các lựa chọn khả hữu của mỗi bên cũng nhưng khả năng chủ động thay đổi những lựa chọn này của họ. Bằng các công cụ toán học, ông đã chứng minh được một “nghịch lý” rằng, trước một tình huống xung đột với đối thủ, một bên có thể chiếm ưu thế bằng cách “phế bỏ” một số lựa chọn đangcó của mình. Kết luận này làm chúng ta nhớ lại câu “đặt vào chỗ chết thì sống, đặt vào chỗ mất thì còn” trong binh pháp Tôn Tử hay tích “qua sông đốt thuyền” của Hàn Tín. Trong thời đại ngày nay, những chiến lược như thế này vẫn tiếp tục được vận dụng một cách linh hoạt. Bill Gates nổi tiếng của nước Mỹ cũng thường nói: “Chúng ta đặt cược cả công ty vào Internet!” Còn ở bán cầu bên kia của trái đất, Triệu Tử Dương đã kiên quyết “tự buộc” Chính phủ Trung Quốc vào những cam kết nghiêm ngặt với cộng đồng thế giới khi gia nhập WTO để đẩy mạnh cải cách trong nước vì ông hiểu rõ rằng, khó khăn lớn nhất của Trung Quốc không phải là trên bàn đàm phán mà là ở các thế lực chống đối của các nhóm lợi ích trong nước. Thế mới thấy trực giác của người xưa và trí tuệ thời này dường như có một sự tương thông tuyệt hảo, chỉ khác là ngày nay các nhà khoa học sử dụng những công cụ phân tích thông qua các mô hình toán ngày càng tinh vi và chặt chẽ hơn.
Schelling cũng chỉ ra rằng trong các tình huống có xung đột, chính khả năng “trả đũa” (chứ không phải là khả năng kháng cự hay tấn công) mới là điều quan trọng. Hơn thế, ông còn cho rằng trả đũa “xuất kỳ bất ý” sẽ làm cho đối thủ “ngán” hơn nhiều, và vì vậy giúp tăng cường độ tin cậy và hiệu quả cho các biện pháp trả đũa. Điều này làm chúng ta nhớ tới tài cầm quân xuất quỷ nhập thần của Gia Cát Lượng thời Tam Quốc.
Không chỉ quan tâm tới xung đột, Schelling còn nghiên cứu các quá trình thiết lập môi trường cho sự tin cậy, nhờ đó sự hợp tác trong dài hạn tác có thể được duy trì. Trong quá trình hợp tác này, các bên cũng sẽ nhận thấy về lâu về dài họ cùng có thể được lợi nếu như ban đầu họ chịu hy sinh một phần quyền lợi của mình.
Schelling cũng quan tâm tới khả năng hợp tác của các cá nhân trong hoàn cảnh không tồn tại xung đột đáng kể về lợi ích giữa các bên, nhưng tất cả các bên sẽ cùng phải trả một giá khá đắt khi sự hợp tác bị phá vỡ. Trong nghiên cứu của mình, đặc biệt là trong những thí nghiệm ở trên lớp với sinh viên, Schelling phát hiện ra rằng các kết cục hợp tác (mà ông gọi là tiêu điểm) thường xảy ra nhiều hơn so với dự đoán của lý thuyết. Năng lực hợp tác xem ra phụ thuộc vào khung quy chiếu chung của các bên. Các quy ước và chuẩn mực xã hội (tục lệ, tập quán, quan niệm về đạo đức v.v.) là một bộ phận hữu cơ của khung quy chiếu chung này. Công trình của Schelling trong lĩnh vực này là nguồn cảm hứng cho nhà triết học David Lewis (mặc dù không phải là người đầu tiên) đi đến ý tưởng cho rằng ngôn ngữ được hình thành như là phương tiện để phối hợp các hoạt động có tính tập thể của cộng đồng.
Tại sao nảy sinh hiện tượng cô lập giữa các nhóm người?
Một chủ đề lặp đi lặp lại trong các nghiên cứu của Schelling là câu hỏi “điều gì sẽ xảy ra khi kế hoạch và mô thức hành vi của các cá nhân va chạm với nhau trong các bối cảnh xã hội” và đây cũng là chủ đề chính trong cuốn sách nổi tiếng nhất của Schelling, “Động cơ vi mô và hành vi vĩ mô” (Micromotives and Macrobehavior) xuất bản năm 1978. Trong cuốn sách này tác giả cung cấp những lời giải thích hết sức lý thú về mô thức (pattern) xuất hiện các hiện tượng vĩ mô là hệ quả của những tương tác vi mô dường như hoàn toàn “ngẫu nhiên”. Dùng lý thuyết của mình, Schelling có thể lý giải tại sao phân bổ về khu vực sinh sống giữa người giàu và người nghèo ở nhiều thành phố châu Âu và Mỹ lại xảy ra theo một mô thức nhất định nào đó, hay cách thức một người chọn ghế ngồi trong một rạp hát hay sân vận động, cũng như các vấn đề về phân biệt chủng tộc và giới tính v.v.
Robert Aumann
Nếu như Schelling xuất thân là một nhà kinh tế học thì Robert Aumann lại được đào tạo để trở thành một nhà toán học.

 
 R. Aumann, nhà toán học Mỹ gốc Israel. Anh AFP

Cũng vì lý do nguồn gốc nghề nghiệp khác nhau như thế nên mặc dù hai ông chia sẻ nhiều quan điểm chung nhưng cách tiếp cận của Schelling thiên về trực giác, trong khi đó Auman lại say sưa với những mô hình toán học tinh vi và chặt chẽ.
Hợp tác lâu dài
Một trong những quan tâm chủ yếu của Aumann là khả năng duy trì hợp tác giữa các bên (ngay cả khi chúng có mâu thuẫn về lợi ích) nhờ những tương tác lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian đủ dài. Theo Aumann, trong những quan hệ như thế này, chỉ cần một bên “thất tín” thì bên kia có thể “trừng phạt” một cách có hiệu quả vì khi tương tác có tính lặp đi lặp lại thì sức nặng của đòn trừng phạt sẽ cao hơn nhiều. Vì vậy, chính sự lặp đi lặp lại của những tương tác này trong một khoảng thời gian đủ dài là cơ sở để duy trì sự hợp tác tự nguyện của các bên vì mỗi bên đều  “tin” rằng bên kia không có động cơ để thất tín.
Đọc đến đây độc giả có thể tự nhủ: Khoan đã, thế lý thuyết của Aumann giải thích sự kiện điện kế điện tử vừa qua như thế nào? Rõ ràng là quan hệ giữa công ty điện lực TP. Hồ Chí Minh và người dân sử dụng điện là một tương tác lặp, kéo dài trong một khoảng thời gian dài và không biết trước điểm dừng.


  “Thông tin” hay “hiểu biết” của các bên chơi sẽ ảnh hưởng thế nào tới kết cục của cuộc chơi? Điều này đã được Aumann giải thích trong “Lý thuyết của trò chơi”


Theo lý thuyết thì đây là một hoàn cảnh lý tưởng để hai bên “thủ tín” với nhau, đặc biệt là về phía công ty điện lực luôn phải có động cơ chăm sóc khách hàng thật chu đáo mới đúng. Ấy thế mà trên thực tế điều ngược lại đã xảy ra, vậy lý thuyết của Aumann không áp dụng được ở Việt Nam sao? Thực ra thì không phải vậy. Trong lý thuyết của Aumann, ông giả định rằng cả hai bên đều có những phương tiện nhất định để “trừng phạt” bên kia một khi bị bội tín, trong đó phương tiện trừng phạt tối thiểu nhất là không… chơi với kẻ bội tín nữa mà đi tìm đối tác khác vì “nhất độ thất tín, vạn sự bất tin”. Người tiêu dùng điện của Việt Nam, đáng tiếc, lại không có lựa chọn này và vì vậy chỉ còn biết kêu lên nhà nước. Chỉ khi nào có một môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn thì người dân mới có khả năng tự bảo vệ mình (dù là tối thiểu) trước những hành vi lạm dụng quyền lực thị trường của các công ty độc quyền mà không cần phải cầu cứu sự can thiệp của nhà nước.
Từ những kết quả thu được về khả năng duy trì hợp tác nhờ những tương tác lặp đi lặp lại mà ta có thể giải thích những hiện thực khác của cuộc sống. Chẳng hạn như tại sao trong giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới và cho đến tận ngày nay người ta nói nhiều đến hành vi kinh doanh chộp giật của nhiều doanh nghiệp. Một nguyên nhân cơ bản là nếu giao dịch giữa các bên thường chỉ xảy ra một lần và nếu khả năng chế tài của hệ thống luật pháp yếu thì ứng xử “tối ưu” của nhiều doanh nghiệp tư nhân khi ấy là “đánh quả” rồi… bay chạy cao xa!
Từ một góc độ khác, chúng ta cũng có thể giải thích tại sao trên thực tế tồn tại các phường hội kinh doanh và tại sao các mối quan hệ bạn hàng lại quan trọng đến như vậy. Đây là một ví dụ về việc trong bối cảnh luật pháp chưa đủ tin cậy thì các thể chế phi chính thức (phường hội) sẽ ra đời để thay thế các thể chế chính thức (luật) nhằm điều chỉnh hành vi của những người trong cuộc. Vì tương tác giữa các thành viên trong cùng một phường hội lặp đi lặp lại và gần như mọi người đều biết danh tính của những thành viên còn lại, chỉ cần một người thất tín thì sức mạnh của phường hội sẽ phát huy tác dụng thông qua cơ chế… “hội đồng tổng cốc” – tức là trừng phạt tập thể. Một lần nữa, chính bản chất của tương tác lặp đã giúp cơ chế trừng phạt trở nên đáng tin cậy.
Qua những ví dụ trên chúng ta cũng thấy khung thời gian của tương tác đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc ảnh hưởng tới hành vi của các bên. Chẳng hạn nếu ai cũng biết là giao dịch chỉ kéo dài trong một thời gian nhất định thì họ có thể hợp tác trong giai đoạn đầu, nhưng gần đến khi giao dịch kết thúc, nếu có điều kiện (ví dụ khi hệ thống luật pháp yếu kém) thì để tối đa hóa lợi ích của mình, các bên sẽ có động cơ bội ước vì họ biết rằng bên kia không còn cơ hội để trừng phạt mình nữa. Có thể thấy điều này trong các hành vi “hạ cánh an toàn” ở Việt Nam, “triệu chứng 59 tuổi” ở Trung Quốc hay các “chu kỳ chính trị” phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới.
Hiểu biết chung (common knowledge) và các cân bằng tương quan (correlated equilibria)
Một đóng góp quan trọng nữa của Aumann là về cơ sở nhận thức (cognitive foundation) của lý thuyết trò chơi, cụ thể là thông tin (information) hay hiểu biết (knowledge) của các bên có ảnh hưởng thế nào đến kết cục của “cuộc chơi”. Ở đây hiểu biết này không chỉ là hiểu biết của các bên về chính mình, mà còn bao gồm hiểu biết của các bên về hiểu biết của các bên còn lại theo kiểu “tôi biết rằng anh biết tôi biết…”

Trong buổi bình minh của lý thuyết trò chơi, các bài toán thường giả định một cách đơn giản thái quá rằng tất cả các bên tham gia trò chơi biết mọi khía cạnh về trò chơi, bao gồm cả niềm tin hay các thông tin cá nhân khác của tất cả các bên còn lại. Điều này có vẻ giống như trong thế giới của vật lý học khi ta giả sử rằng các vật chuyển động trong môi trường chân không và không hề có ma sát. Thế nhưng cuộc sống thì sinh động và phức tạp hơn thế nhiều. Hiểu biết không đồng đều cũng là một nguồn gốc của sự bất bình đẳng trong thế giới này. Những thua thiệt của các nhà sản xuất tôm cá của Việt Nam trước các đối thủ cạnh tranh ở Mỹ trong thời gian qua là một ví dụ điển hình. Rõ ràng một số hiệp hội ở Mỹ khi biết rằng chúng ta không hiểu hết những điều lắt léo trong luật pháp của nước Mỹ và luật thương mại quốc tế đã tận dụng hiểu biết này để ép chúng ta. Thế nhưng cũng không nên ngộ nhận rằng có nhiều thông tin hơn bao giờ cũng tốt. Dân gian có câu “khuất mắt trông coi” quả không sai. Nếu ai trong chúng ta đã từng rơi vào hoàn cảnh “thà rằng chẳng biết thì thôi” thì sẽ hiểu nguyên lý này một cách thấm thía.
Trên nền lý thuyết này Aumann phát triển một khái niệm cân bằng mới, đó là cân bằng tương quan, yếu hơn khái niệm cân bằng của John Nash, nhà toán học danh tiếng của trường đại học Princeton được giải Nobel kinh tế năm 1994. (Có lẽ Nash còn nổi tiếng hơn qua bộ phim “The beautiful mind” của đạo diễn Ron Howard. Vai John Nash do nam diễn viên Russel Crowe, còn vợ Nash do nữ diễn viên Jennifer Connely đóng, cả hai đều rất đạt). Khái niệm cân bằng tương quan có thể giải thích tại sao một số bên lại muốn nhờ một bên trung gian khách quan nói chuyện với các bên còn lại, có thể riêng rẽ hoặc với sự có mặt của mình. Điều này làm ta liên tưởng ngay tới các cuộc ngoại giao con thoi và họp bàn 6 bên về vấn đề vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng như các cuộc hội đàm liên quan tới số phận của hai dân tộc Palestin và Israel trong thời gian qua.
Giới hạn của tính duy lý
Liệu con người có phải là một động vật thuần lý? Liệu có giới hạn đối với năng lực duy lý của con người? Và liệu có tồn tại một lời giải thích duy lý cho những hành động phi lý, hay nói một cách khác, liệu có tồn tại “logic của điều không thể”?
Robert Aumann và Thomas Schelling cùng chia sẻ mối quan tâm sâu sắc đối với một số khía cạnh đang bị các lý thuyết hiện có bỏ quên. Thông qua việc phát triển các khái niệm và công cụ để phục vụ cho việc nghiên cứu các vấn đề này, Robert Aumann và Thomas Schelling đã góp phần mở rộng phạm vi phân tích. Một kết quả gặt hái được từ nỗ lực vượt bậc này của họ là ngày nay khái niệm duy lý đã được diễn giải với ý nghĩa rộng rãi hơn trước nhiều. Một số hành vi trước đây bị coi là phi lý (irrational) nay đã trở thành duy lý (rational) và có thể hiểu được. Những nghiên cứu của hai học giả đạt giải Nobel này đã góp phần to lớn trong việc thu hẹp lại khoảng cách vốn rất lớn giữa kinh tế học với các khoa học xã hội và hành vi khác.
Giới thiệu tóm tắt về tiểu sử hai tác giả của giải Nobel kinh tế
Robert J. Aumann sinh năm 1930 ở Frankfurt, Đức (hiện có hai quốc tịch Israel và Mỹ). Nhận học vị tiến sỹ ngành toán năm 1955 ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Cambridge, MA, USA. Hiện Aumann là giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu tính duy lý (Center for Rationality) thuộc Trường Hebrew University, Jerusalem, Israel.
Thomas C. Schelling sinh năm 1921 ở Oakland, bang California Mỹ (là công dân Mỹ). Nhận học vị tiến sỹ ngành kinh tế học năm 1951 ở Đại học Harvard, Cambridge, MA, USA. Hiện Schelling là giáo sư danh dự của Khoa kinh tế và của Trường Chính sách công thuộc trường Đại học Maryland, College Park, MD, USA. Ông cũng là giáo sư danh dự ngành Khoa học chính trị của trường Đại học Harvard.

Tài liệu tham khảo
Trang web giải Nobel: http://nobelprize.org/economics/laureates/2005/index.html

Vũ Tự Thành Anh

Tác giả

(Visited 23 times, 1 visits today)