Giải pháp cho hố ngăn cách số

Giải pháp nào cho hố ngăn cách số trong một xã hội thông tin, khắc phục các nhược điểm của Internet như thế nào...là những vấn đề cơ bản được 176 quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh thế giới về xã hội thông tin (SMSI) diễn ra tại Tunis (16-18.11) đi tìm lời giải. Được coi là "Hội nghị thượng đỉnh của các giải pháp", nhưng SMSI đã không đạt được bất kỳ tiến bộ đáng kể nào.

18.000 người tham gia Hội nghị thượng đỉnh thế giới về xã hội thông tin trở về với những tâm trạng khác nhau, một số hài lòng, còn một số người “bi quan” cảm thấy đến đây thật vô ích. Chương trình nghị sự Tunis đưa ra một chiến lược toàn cầu về phát triển công nghệ thông tin và viễn thông trong các nước phương Nam, nhằm lấp đầy hố ngăn cách tồn tại giữa các nước giàu và nước nghèo, nhưng lại không quy định bất kỳ nghĩa vụ nào đối với các nước giàu trong việc cung cấp nguồn tài chính cho chiến lược này. Đúng là phải coi công nghệ thông tin “là những công cụ hữu hiệu để thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và tăng cường dân chủ, gắn kết xã hội”, và “phòng chống tất cả những lạm dụng công nghệ thông tin vào các mục đích tội ác và khủng bố”, nhưng thực hiện tất cả những mong muốn này như thế nào mới là điều quan trọng. Tuyên bố Tunis mới chỉ dừng lại ở “cơ chế đổi mới và tự nguyện mở cho tất cả các bên quan tâm” thông qua các Quỹ đoàn kết số mà ý tưởng đã được đưa ra từ năm 2003 tại Genève. Cho tới nay, Quỹ này mới tập hợp được 8 triệu euro.

Rắc rối vì Internet
Thư rác, virut, nghẽn mạch, lừa đảo… Mạng thông tin toàn cầu đang chao đảo. Hệ thống thông tin của một nhà máy hạt nhân bị rối loạn trong hai tiếng tại bang Ohio, Mỹ. Tại Melbourn, Úc, một nhà ga xe lửa bị phong tỏa trong một tuần. Tại Stockholm, Thụy Điển, hai bệnh nhân bị buộc phải chuyển viện vào phút chót vì máy phát tia tử ngoại bị virut phá hỏng. Tại Paris, Pháp, hàng nghìn cuộc điện thoại được nối nhầm tới đội cứu hỏa… Đó không phải là kịch bản trong cuốn tiểu thuyết bi thảm của Tom Clancy, mà là một loạt các rắc rối có thực xảy ra trong 10 tháng gần đây, tất cả đều do sai sót của Internet.
Ngày nay, nhờ có mạng toàn cầu người ta có thể làm được mọi thứ ở nhà (tải dữ liệu, gửi thư điện tử, tham gia các diễn đàn, mua bán, quản lý các tài khoản ngân hàng và gọi điện). Nhưng đúng lúc trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống thường nhật, thì Internet lại dở chứng với vô số rắc rối.
Sở dĩ Internet đang chao đảo, chính bởi vì ngay từ khi ra đời nó đã không được xây dựng cho các chức năng mà hiện nay nó đang phải đảm nhận. Vào năm 1962, đúng lúc chiến tranh lạnh đang gay gắt, Bộ quốc phòng Mỹ đã quyết định trang bị một hệ thống thông tin cho phép truyền thông tin, kể cả trong trường hợp bị tấn công nguyên tử. Ý tưởng của Cục nghiên cứu dự án cao cấp thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ (US Defense Department’s Advanced Research Projects Agency-Arpa) đã được áp dụng. Một thông tin được trao đổi giữa hai máy tính sẽ được chia thành nhiều gói; mỗi gói mang một số và một địa chỉ nhận có thể lan truyền bằng một con đường khác, và đến bất cứ nơi đâu theo lệnh. Khi đến, chúng được tập trung lại để tái tạo thành văn bản gốc. Như vậy, độ bảo mật gần như tuyệt đối, bởi vì chỉ duy nhất người nhận có thể thực hiện việc tái tạo này. Hơn nữa, nếu một gói bị thiếu, máy tính của người nhận sẽ hỏi, và gói này sẽ đi theo một con đường khác. Đáng lẽ dự án này phải nằm trong «bí mật quốc phòng», thì nó lại được áp dụng cho các trường đại học và sự tăng trưởng của nó đã diễn ra quá nhanh, lại chịu nhiều thỏa hiệp, nên không hoàn thiện.
Nguy hiểm hơn, càng kết nối rộng thì nguy cơ bị virut tấn công càng cao. Virut đầu tiên xuất hiện năm 1983. Từ đó đến nay chúng sinh sôi nảy nở với tốc độ không một ai mong muốn: một nghìn loại vào năm 1991, đến năm 1997 chúng đã tăng lên gấp mười lần. Hai năm sau, số lượng lại tăng lên gấp hơn ba lần, khoảng 33.000 loại và đến tháng 11.20005, tổng cộng đã có tới hơn 150.000 virut hoành hành. Đành rằng các chuyên gia bảo vệ mạng đã nghĩ ra các phần mềm diệt virut, nhưng các sửa chữa chắp vá này không giải quyết được triệt để vấn đề, vì tội phạm mạng đã chuyên nghiệp hóa: Nếu như Chen Ing-hau khi bị bắt, tháng 4.1999 vì đã phát tán virut Tchernobyl, mới 24 tuổi, thì nay trong số những kẻ phát tán virut có cả những người như Saad «Jay» Echouafni người Maroc 40 tuổi, chủ của một công ty viễn thông, bị cảnh sát Mỹ truy nã từ năm 2002 vì đã tạo ra một loại virut phá hủy vĩnh viễn hệ thống thông tin của các đối thủ cạnh tranh. Một báo cáo gần đây của Chính phủ Mỹ thống kê mỗi năm có tới 250.000 vụ tấn công “chuyên nghiệp” vào hệ thống máy tính toàn cầu.
Một hạn chế nữa của Internet: thật dễ dàng gửi một bức thư, nhưng thật không dễ để từ chối nhận một bức thư khác. Các hộp thư đã trở thành những thùng rác thực sự. Các bức thư có tính chất quảng cáo (bán thuốc viagra, du lịch…) hiện chiếm 70% số lượng thư điện tử. Các thư rác không phá hỏng máy tính nhưng lại gây rất nhiều phiền nhiễu, thời gian, và như vậy là tiền bạc, cho người nhận vì suốt ngày phải đi xóa. Việc gửi thư rác này không gây tốn kém gì cho người gửi-chỉ cần vài cái nhấp chuột là có thể gửi được hàng triệu bức thư kiểu này- nên tỷ lệ 1/200.000 bức thư được mở đã là thành công trong lĩnh vực quảng cáo. Trở thành tỷ phủ trong vòng chưa đầy 5 năm, Jeremy Jaynes người Mỹ, bị kết án 9 năm tù vào tháng 4.2005 vì tội lừa đảo, đã gửi hơn 10 triệu thư mỗi ngày…

Mối nguy hiểm chính của thư rác là ô nhiễm mạng. Ban đầu, Internet chỉ cho phép gửi vài dòng văn bản, nhưng hiện nay người ta có thể sử dụng nó để tải từ điển bách khoa, bài hát hay hàng chục giờ phim. Vấn đề ở chỗ mạng thông tin toàn cầu hiện nay không thể đáp ứng được hoàn hảo những ứng dụng này. Trên thực tế, hầu hết các thao tác tải hình ảnh đều bị nghẽn một vài giây. Đối với một cá nhân dường như điều này không gây vấn đề gì, nhưng cứ thử nhân một vài giây này với hàng tỷ người sử dụng mỗi ngày thì cũng đủ biết mức độ thiệt hại lớn đến mức nào. Mà đấy là chưa kể lãng phí thời gian và tiền bạc của những người mắc bệnh nghiện mạng. Hiện trên thế giới có hơn 10 triệu người nghiện Internet. Các bệnh nhân này bị mệt mỏi, co rút ngón tay, khô mắt, đau đầu… Nhưng các rắc rối do thiếu mạng còn tồi tệ hơn: cáu bẳn, cuồng ám, trầm cảm, hoảng loạn… Viện quân y Bắc Kinh hiện đang chữa trị cho rất nhiều người nghiện mạng với chi phí 48 USD mỗi ngày để họ có thể không chạm vào bàn phím nữa.

Mỹ vẫn tiếp tục kiểm soát Internet

Kể từ 1998, điều hành mạng toàn cầu đã là công ty Internet đăng kiểm tên và số Internet (Icann), một tổ chức phi lợi nhuận tư nhân đặt trụ sở ở Los Angeles. Tổ chức này hoạt động theo luật Bang California và do Bộ Thương mại Hoa Kỳ giám sát. Icann là một tổng đài khổng lồ của Internet được trang bị 13 máy tính siêu lớn gọi là máy phục vụ gốc (root server), 10 máy đặt ở Mỹ, 3 máy đặt ở Đức, Thụy Điển và Nhật Bản. Vai trò chính của Icann là điều phối hệ thống quản lý tên miền (DNS), hệ thống mở đường cho việc duyệt web. Mỗi máy tính kết nối Internet đều đòi hỏi một địa chỉ kết nối riêng (IP). Ở dạng ngắn gọn, những địa chỉ này là một dãy số. Vì dãy số này là rất khó nhớ nên DNS cho phép biến chúng thành tên miền dưới dạng chữ. Thay vì gõ địa chỉ bằng một dãy số dài, người sử dụng chỉ cần gõ tên địa chỉ vào công cụ duyệt web. Sau đó, DNS sẽ chuyển đổi tên miền thành địa chỉ IP và máy tính sẽ kết nối vào trang web mong muốn.

Máy tính xách tay giá 10USD

Việc sản xuất sẽ được triển khai vào đầu năm tới. Negroponte dự tính sẽ cung cấp những chiếc máy tính xách tay đầu tiên vào cuối năm 2006. Với sản lượng từ 100-150 triệu mỗi năm kể từ năm 2007, chi phí sẽ giảm xuống dưới mức 100USD/máy. Negroponte đã giải quyết được mâu thuẫn: giá rẻ mà máy vẫn tốt và tốc độ xử lý cao để có thể truy cập Internet dễ dàng, bằng cách kết hợp các công nghệ tiên tiến nhất. Máy sử dụng một bộ nhớ bằng thẻ flash thay vì các đĩa cứng. Nó cũng sẽ được lắp một bộ xử lý AMD 500 MHz và vận hành trên phần mềm Linux. Màn hình sẽ là một LCD (tinh thể lỏng) giá rẻ, giống với các đầu đọc DVD xách tay. Vì người sử dụng thường sống ở những khu vực hẻo lánh, nguy cơ mất điện thường xuyên xảy ra, nên máy có thể được sạc điện thông qua một máy phát điện quay tay gắn trong máy.

Expresso Lisbonne

 
Icann luôn khẳng định sẽ “cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ sự ổn định của Internet; cho thúc đẩy cạnh tranh, tăng cường sự hiện diện của Internet trên toàn cầu; cho chính sách phát triển phù hợp với chức năng của mình qua các quá trình dựa trên nguyên tắc đồng thuận”. Nhưng tính đến nay, đồng thuận đâu không thấy chỉ thấy các làn sóng phản đối sự kiểm soát Internet của Mỹ ngày càng gay gắt. Tháng 9.2004 đã diễn ra một hội nghị trù bị ở Genève, trước thềm Hội nghị Tunis, giữa Mỹ và EU. Hợp đồng giữa Icann với Bộ Thương Mại Hoa Kỳ sẽ hết hạn vào tháng 9.2006, và 25 nước EU đã nhất trí ra yêu cầu thay đổi toàn diện cách giám sát Internet vào mốc thời gian đó. Song Washington đã phản đối thẳng thừng bất kỳ sự thay đổi nào, và các cuộc thảo luận đã không đạt được bất kỳ kết quả nào.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, thông tin là một tài sản, thậm chí là nền tảng của kinh tế tri thức. Vì thế nước nào kiểm soát được Internet nước đó sẽ giành được lợi thế chiến lược mang tính quyết định. Một bài học lịch sử không xa: đầu thế kỷ XIX, việc làm chủ đường biển đã giúp đế quốc Anh thao túng cả thế giới.
Trên lý thuyết, quyền bá chủ internet trao cho Mỹ quyền ngăn chặn bất kỳ ai truy cập vào bất kỳ website nào ở bất kỳ một nước nào. Mỹ cũng có thể chặn đứng bất kỳ email nào đến từ bất kỳ xó xỉnh nào trên thế giới. Điều này khiến các quốc gia khác lo lắng.
Và Hội nghị Tunis là dịp để các nước yêu cầu Washington ngừng giám sát Icann. Thay vào đó, Icann sẽ được chuyển đổi thành một tổ chức độc lập nằm dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, các đại biểu tham gia hội nghị đã không đạt được điều mà hầu khắp tất cả các nước trên thế giới mong muốn: trao quyền kiểm soát Internet cho Liên Hiệp Quốc. 176 nước đã phải đi đến một thoả hiệp cho tương lai của cơ quan kiểm soát mạng Internet ngay trước lúc bế mạc. Icann sẽ vẫn tiếp tục điều hành kĩ thuật mạng nhưng một Diễn đàn quản lí Internet (IGF) sẽ được thành lập và hoạt động song song. Hy vọng, Diễn đàn này sẽ giúp tất cả chính phủ các nước có quyền cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm bình đẳng hơn trong việc quản lí Internet toàn cầu. Nó sẽ không xâm phạm nhiệm vụ của Icann mà tập trung giải quyết các vấn đề an ninh mạng.

Quốc Vinh (Tổng hợp) 
Nguồn tin: Tia Sáng

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)