Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022: Trên đường trở thành sự kiện của năm

Sau một năm trống vắng giải thưởng, không còn nghi ngờ gì nữa, giải thưởng Tạ Quang Bửu sẽ là một trong những sự kiện khoa học nổi bật nhất năm 2022 của khoa học Việt Nam, bất kể ai là người được trao giải.

Như thường lệ, Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022 là nơi quy tụ những công trình nghiên cứu có giá trị của các nhà khoa học Việt Nam, được công bố trong vòng năm năm trước thời điểm xét giải. Theo quy chế của giải thưởng, các công trình này lần lượt trải qua các vòng đánh giá và xét chọn ở Hội đồng khoa học chuyên ngành Quỹ NAFOSTED, rồi qua vòng cuối cùng là Hội đồng Giải thưởng. Do đó, những thông tin mới nhất từ cuộc họp xét chọn giải thưởng của Hội đồng giải thưởng, diễn ra vào ngày 23/4 đã thu hút sự chú ý của cộng đồng khoa học Việt Nam, dẫu cả năm công trình lọt vào vòng xét giải thưởng đã được công bố rộng rãi từ cách đây vài tháng – ba công trình cho hạng mục chính của GS. TS Ngô Việt Trung (Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), PGS. TS Nguyễn Thị Lệ Thu (Trường ĐH Bách khoa TPHCM, ĐHQG TPHCM), PGS. TS Phạm Quang Thái (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Bộ Y tế) và hai công trình hạng mục trẻ của TS. Đoàn Lê Hoàng Tân (Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử – ĐHQG TPHCM), TS. Trần Tiến Anh (ĐH Hàng hải Việt Nam).

Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022 dưới sự chủ trì của chủ tịch hội đồng, giáo sư Nguyễn Hải Nam (ĐH Dược HN) đã tiến hành xét chọn năm hồ sơ lọt vào chung kết

Thậm chí, danh sách 10 nhà khoa học trong Hội đồng giải thưởng 2022 cũng được quan tâm đặc biệt bởi kết quả xét chọn cuối cùng có xứng được coi là “chọn mặt gửi vàng” và được cộng đồng khoa học “tâm phục, khẩu phục” hay không cũng phụ thuộc rất lớn vào Hội đồng. Mặt khác, vì giáo sư Ngô Việt Trung – Chủ tịch Hội đồng giải thưởng nhiều kỳ trước, lại là ứng viên của giải thưởng chính năm nay, nên việc ai sẽ đảm trách vai trò của ông trong Hội đồng giải thưởng cũng là điều mọi người tò mò. Rút cục, đội hình 10 nhà khoa học, trong đó có giáo sư Pierre Darriulat (Trung tâm Vũ trụ Việt Nam), giáo sư Nguyễn Sơn Bình (ĐH NorthWestern), do giáo sư Nguyễn Hải Nam (ĐH Dược HN) làm chủ tịch Hội đồng, đã khiến mọi người có thể yên tâm về một kết quả công tâm và minh bạch.

Ai xứng đáng được trao giải?

Có một câu hỏi tò mò được đặt ra, không chỉ từ cộng đồng khoa học mà còn cả những người quan tâm đến khoa học, là ứng viên nào sẽ xứng đáng được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022? Thật khó có thể tưởng tượng là có thể đưa ngay ra một kết luận ở cả hai hạng mục chính và trẻ bởi cả năm nhà khoa học và năm công trình lọt vào vòng xét giải đều thuộc các lĩnh vực chuyên ngành khác nhau. Việc đặt các ứng viên này lên một bàn cân và so sánh họ để chọn ra những người xuất sắc nhất quả thật không dễ dàng, ngay cả với các thành viên Hội đồng Giải thưởng có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu và đánh giá. Đó là lý do vì sao, họ đã phải mất gần năm tiếng đồng hồ để cân nhắc, thảo luận và bỏ phiếu để chắc chắn sự lựa chọn của mình, dù rằng trước đó, các hồ sơ đề cử này đã được gửi tới các phản biện quốc tế trong cùng lĩnh vực để đón nhận các đánh giá bên ngoài.

Theo TS. Phạm Đình Nguyên, phó giám đốc phụ trách Quỹ NAFOSTED, cũng như các giải thưởng trước, các công trình này đều được gửi đi lấy ý kiến phản biện của các chuyên gia quốc tế trước khi bước vào vòng xét giải. “Chúng tôi đã gửi hồ sơ tới ít nhất hai phản biện ngoài hội đồng, một của chuyên gia trong nước và một chuyên gia quốc tế để có được những ý kiến nhận xét khách quan từ bên ngoài”. Có lẽ, chính sự cẩn trọng như vậy đã góp phần đem lại những gợi ý quan trọng cho Hội đồng Giải thưởng trước giờ bỏ phiếu. “Đây là giải thưởng vinh danh các nhà khoa học Việt Nam là tác giả chính của các công trình xuất bản trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành nên việc có những ý kiến, nhận xét của các nhà khoa học quốc tế sẽ đem lại những cái nhìn bao quát lên các công trình được đề nghị xét giải. Với chúng tôi, ý kiến của họ rất có giá trị đối với việc lựa chọn cuối cùng”, giáo sư Nguyễn Hải Nam cho biết.

Bên cạnh việc có được những nhận xét hết sức xác đáng của các chuyên gia quốc tế, một chi tiết khác khiến quyết định của Hội đồng giải thưởng trở nên tin cậy hơn là mời được giáo sư Nguyễn Sơn Bình, một nhà nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài từng nhiều lần có tên trong danh sách các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới, vào hội đồng. Nhìn nhận sự có mặt lần đầu tiên của ông trong hội đồng, giáo sư Nguyễn Hải Nam nói “Qua các buổi làm việc và qua trao đổi email, tôi thấy ý kiến đánh giá của giáo sư Nguyễn Sơn Bình hết sức sắc sảo và công tâm, đúng chuẩn mực quốc tế. Thực ra các chuyên gia trong nước cũng có đánh giá công tâm như vậy thôi nhưng khi chúng ta có thêm tiếng nói từ các nhà khoa học quốc tế thì chúng ta càng có thêm điều kiện tăng chất lượng cho giải thưởng lần này”.

Vậy trên cơ sở đánh giá công bằng đó, ai xứng đáng được trao giải thưởng? Khi chưa có một kết quả chính thức thì dường như mọi chuyện chỉ là phỏng đoán, nhất là khi chất lượng hồ sơ được đánh giá là khá đồng đều. “Về chất lượng hồ sơ đề cử, sau khi phân tích và bỏ phiếu, có thể chia các hồ sơ này vào hai nhóm, nhóm được đề xuất trao giải thưởng và nhóm còn lại. Tất nhiên, việc phân loại đó không hẳn nói lên được chất lượng vì các hồ sơ đã vào được vòng này nói chung là có chất lượng tốt”, giáo sư Hồ Tú Bảo cho biết.

Giáo sư Ngô Việt Trung đã bền bỉ 40 năm qua nghiên cứu đại số giao hoán và hình học đại số.

Khi nhìn nhận các hồ sơ ứng cử cho giải thưởng chính, giáo sư Hồ Tú Bảo nhấn mạnh đến “một công trình đặc biệt xuất sắc của giáo sư Ngô Việt Trung ở lĩnh vực đại số giao hoán. Giáo sư đã giải quyết được một vấn đề hết sức quan trọng của lĩnh vực đại số giao hoán, có hai giả thuyết tồn tại đã lâu và có ý nghĩa quan trọng thì anh Trung đã giải quyết cùng với một cộng sự. Để giải được bài toán khó đã tồn tại nhiều năm, ông đã sử dụng kỹ thuật của đại số giao hoán, hình học đại số và cả lý thuyết tổ hợp với cách nối thêm vào lĩnh vực mà mình đã theo đuổi nhiều năm”.

Không phải ngẫu nhiên mà giáo sư Ngô Việt Trung thực hiện được nghiên cứu này bởi theo đánh giá của giáo sư Hồ Tú Bảo “Kết quả này dựa trên một quá trình nghiên cứu bền bỉ và lâu dài của giáo sư Ngô Việt Trung, một người làm nghiên cứu về đại số giao hoán trong hơn 40 năm, đủ năng lực kết hợp kỹ thuật đã quen thuộc với những kỹ thuật mới để giải quyết một vấn đề quan trọng và đăng trên một tạp chí hàng đầu ngành toán”.

Không chỉ có chuyên gia trong nước mà chuyên gia nước ngoài cũng đánh giá cao công trình này. “Có ý kiến phản biện cho rằng, đây là công trình toán học xuất sắc được làm ở trong nước nhiều năm qua khi giải quyết được vấn đề lớn trong toán học”, giáo sư Hồ Tú Bảo lưu ý.

Bên cạnh ý nghĩa khoa học, việc đánh giá các chỉ số định lượng như chất lượng tạp chí cũng cho thấy sự xuất sắc của công trình này. “Kết quả được đăng trên tạp chí xếp thứ ba trong tạp chí chuyên ngành toán học. Đây là công trình được giới toán học nhìn nhận, đánh giá rất cao trong hai năm vừa rồi vì bài của giáo sư Ngô Việt Trung và cộng sự là bài đầu tiên ở Việt Nam và được đăng trên tạp chí đó”.

Không chờ đến công trình này thì sự bền bỉ ấy đã đem đến cho giáo sư Ngô Việt Trung nhiều sự tưởng thưởng và ghi nhận, mặc dù điều đó không phải là cái đích của người yêu toán: năm 2018, ông cùng hai cộng sự là giáo sư Nguyễn Tự Cường và giáo sư Lê Tuấn Hoa được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN với công trình “Các bất biến và cấu trúc của vành địa phương và vành phân bậc”. Có lẽ, ý nghĩa của giải thưởng Tạ Quang Bửu hay những giải thưởng dành cho khoa học khác nằm ở chỗ, nói như giáo sư Pierre Darriulat, “Chi phí cho giải thưởng thường nhỏ so với lợi ích mà nó mang lại và, tạo nên một giải thưởng có ý nghĩa đồng nghĩa với việc chúng ta đã sử dụng tốt nguồn tài nguyên, hơn là dành tiền mua những thiết bị đắt tiền mà gần như không được sử dụng. Chúng ta cần đầu tư vào bộ não chứ không phải thiết bị”.

Thanh Nhàn

Các công trình được đề cử giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022

Ba đề cử giải thưởng chính

1. GS.TSKH Ngô Việt Trung (Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) với công trình “Depth functions of symbolic powers of homogeneous ideals” xuất bản trên tạp chí Inventiones Mathematicae.
Công trình này nghiên cứu một bất biến rất cơ bản đối với một đối tượng rất quan trọng nhưng lại khó nghiên cứu trong đại số giao hoán và hình học đại số.

2. PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu (ĐH Bách khoa, ĐHQG TPHCM) với công trình “Tailoring the Hard−Soft Interface with Dynamic Diels−Alder Linkages in Polyurethanes: Toward Superior Mechanical Properties and Healability at Mild Temperature” xuất bản trên tạp chí Chemistry of Materials năm 2019.

Công trình nghiên cứu chế tạo một hệ vật liệu polyuretan mới, với cấu trúc chứa liên kết thuận nghịch Diels-Alder không nằm ngẫu nhiên mà được thiết kế đặc biệt sắp xếp tại bề mặt phân cách giữa pha cứng và pha mềm của polyuretan. Đối với các công trình nghiên cứu đã công bố trên thế giới, vật liệu polyuretan trên cơ sở liên kết thuận nghịch Diels-Alder đều có cơ tính thấp hoặc chỉ có thể “tự lành” ở nhiệt độ cao (110-180 oC). Hệ vật liệu nghiên cứu trong công trình này là vật liệu polyuretan trên cơ sở liên kết Diels-Alder được công bố đầu tiên trên thế giới cho thấy có tính năng “tự lành” tốt ở nhiệt độ dịu nhẹ (60-70 oC) mà vẫn đảm bảo có cơ tính cao, nhờ vào sự sắp xếp của liên kết thuận nghịch tại vị trí bề mặt phân pha. Việc nghiên cứu ra các hệ vật liệu tự lành mới và nghiên cứu cải tiến tính chất của chúng đem lại tiềm năng to lớn cho khả năng ứng dụng và hiệu quả kinh tế nói chung. Vật liệu có thể “tự lành” khi xuất hiện vết rạn tế vi giúp cho sản phẩm có tuổi thọ sử dụng cao, nhờ đó giảm thiểu chi phí sửa chữa, đem lại hiệu quả ứng dụng của sản phẩm và hiệu quả kinh tế, giúp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và chất thải.

Công trình đã được trích dẫn 40 lần (bởi hầu hết là các bài báo đăng trên tạp chí Q1 và sách chuyên ngành của nhà xuất bản Springer và Elsevier). Đặc biệt, công trình của nhóm nghiên cứu được thực hiện hoàn toàn ở Việt Nam, với toàn bộ tác giả là người Việt Nam.

3. PGS. TS. Phạm Quang Thái (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) “The First 100 Days of Severe Acute Respiratory Syndrome Coronavirus 2 (SARS-CoV-2) Control in Vietnam” trên tạp chí Clinical Infectious Diseases năm 2021.

Công trình khái quát hóa quá trình kiểm soát dịch do virus SARS-CoV-2 gây ra tại Việt Nam trong đó tổng kết được bài học kinh nghiệm trong chống dịch tại Việt Nam, bao gồm các biện pháp chỉ đạo từ chính phủ cho tới hoạt động cụ thể của các tuyến từ đó giúp xác định giá trị của các biện pháp can thiệp. Đặc biệt, bài báo cũng đưa ra những bằng chứng quan trọng trong việc kết luận bệnh có thể lây truyền từ những cá thể nhiễm bệnh nhưng không hề có biểu hiện triệu chứng (nhiễm trùng không triệu chứng). Đây là luận điểm quan trọng bởi tại thời điểm đó vẫn còn quan điểm cho rằng chỉ người có triệu chứng mới có thể là nguồn lây nhiễm. Công trình cũng chia sẻ kinh nghiệm chống dịch của Việt Nam ra thế giới. Kết quả về lây truyền không triệu chứng cũng như biện pháp phòng chống dịch ngay lập tức được WHO, US CDC thu thập và sử dụng để khuyến cáo các biện pháp kiểm soát dịch cho các nước trên thế giới.

Kết quả này góp phần rất lớn vào công tác phòng chống dịch như thay đổi chiến lược sàng lọc tại sân bay (những kết quả phân tích ban đầu của công trình đã được sử dụng ngay làm khuyến cáo đối với Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch để đưa ra chiến lược phù hợp). Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh chưa có biện pháp bảo vệ đặc hiệu như vắc xin hoặc thuốc kháng virus. Công trình hiện đã được trích dẫn lại 66 lần cho thấy mức độ ảnh hưởng cũng như giá trị mang tính thời điểm của công trình.

* Hai đề cử giải thưởng trẻ:

1. TS. Đoàn Lê Hoàng Tân (Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử – ĐHQG TPHCM) với công trình “Microwave-assisted synthesis of nano Hf-and Zr-based metal-organic frameworks for enhancement of curcumin adsorption” trên tạp chí Microporous and Mesoporous Materials.

Chủ đề nghiên cứu của công trình này liên quan đến tổng hợp vật liệu xốp tiên tiến – vật liệu khung hữu cơ kim loại MOF – có khả năng lưu trữ/nhả dược chất kháng ung thư Curcumin nhằm xử lý tế bào ung thư. Để đáp ứng yêu cầu của vật liệu nano chứa thuốc, TS. Đoàn Lê Hoàng Tân và cộng sự đã tạo ra một hệ vật liệu có độ tương thích sinh học, phân hủy sinh học, xốp, đạt yêu cầu về lưu trữ và dẫn truyền thuốc. Dựa trên nghiên cứu này, nhóm đã nghiên cứu và công bố các bài báo khác liên quan đến điều trị tế bào ung thư trên cơ sở vật liệu nano MOF mang dược chất kháng ung thư như curcumin, paclitaxel, cordycepin thành công đến các dòng tế bào ung thư như ung thư dạ dày (AGS), ung thư phổi (A549) và ung thư cổ tử cung (OVCAR-8), có thể tiêu diệt hiệu quả tế bào ung thư ở nồng độ dược chất thấp 80 µg/mL nhưng hệ vật liệu ít gây độc đến tế bào thường.

Bên cạnh đó, anh còn phát triển một phương pháp tổng hợp vật liệu nano MOF tâm Zr và Hf mới bằng cách sử dụng vi sóng thay cho các phương pháp tổng hợp truyền thống sử dụng nhiệt dung môi với ưu điểm nổi bật là thời gian tổng hợp rất ngắn, vật liệu chế tạo được có sự đồng đều cao về kích thước hạt.

Do đó, từ năm 5/2020 đến nay, công trình được trích dẫn 35 lần theo WoS (hoặc 43 theo Google Scholar) bởi các công bố khoa học khác (8 tự trích dẫn).

2. TS. Trần Tiến Anh (Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ, ĐH Hàng hải Việt Nam) với công trình “Effect of ship loading on marine diesel engine fuel consumption for bulk carriers based on the fuzzy clustering method” xuất bản trên tạp chí Ocean Engineering.
Điểm mới trong công trình nghiên cứu này là đạt được sự kết hợp độc đáo giữa lý thuyết với thực nghiệm trong quá trình nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật điều khiển thông minh vào lĩnh vực hàng hải và khai thác tàu biển. Công trình đề xuất được những điểm mới khi khai thác các ưu điểm từ lý thuyết điều khiển gom nhóm mờ (fuzzy clustering) rất mới trong kỹ thuật thông tin – điều khiển kết hợp với chiến lược quản lý hiệu quả trong hệ thống quản lý năng lượng, qua đó áp dụng thành công vào lĩnh vực hàng hải và khai thác tàu biển.

Một đóng góp nổi bật của công trình là lần đầu đề xuất mới hệ thống hỗ trợ ra quyết định hiện đại MCDM được triển khai áp dụng cho những nhà quản lý tàu biển của các công ty vận tải biển ở Việt Nam. Nhân tố đánh giá hiệu quả năng lượng cho đội tàu biển dựa trên lượng hàng hóa chuyên chở tại mỗi chuyến đi của tàu. Lượng hàng hóa này thay đổi tùy thuộc vào kế hoạch chạy của tàu cũng như tuyến luồng hàng hải mà chủ tàu vạch ra tại mỗi chuyến đi. Khi đó, nghiên cứu này đã tiến hành nghiên cứu yếu tố trọng tải của tàu cùng với thay đổi lượng hàng hóa tại mỗi chuyến đi khác nhau để từ đó đưa ra quyết định để hỗ trợ cho người khai thác tàu, và công ty quản lý tàu biển nhằm đảm bảo khai thác năng lượng hiệu quả.

Công trình có tính sáng tạo về công nghệ, đạt tính liên ngành cao giữa Cơ học – Cơ khí – Hàng hải – Vận trù (Logistics) – Điều khiển. Các kết quả cả lý thuyết và thực nghiệm được thực hiện và phân tích nghiêm túc, có độ tin cậy cao, có giá trị và ý nghĩa khoa học; công trình được công bố trên tạp chí có uy tín, chất lượng tốt, có chuyên ngành phù hợp; đã được nhiều công bố trên các tạp chí uy tín trích dẫn theo hướng đánh giá rất tích cực.

Công trình của PGS. TS Nguyễn Thị Lệ Thu triển khai theo một hướng rất hay là phát triển tính năng tự lành (self healing) và nâng cấp cơ tính của PU composite theo cơ chế D-A. Vật liệu PU khá bền và rẻ, có thể tổng hợp từ nhiều nguồn nguyên liệu đã qua sử dụng như dầu cọ, dầu ăn… nên tốt cho môi trường. Có thể nói, đây là bài tiên phong trong xu hướng vật liệu PU composites tự lành, một hướng rất có tiềm năng ở Việt Nam. Có lẽ bài hoàn toàn từ trong nước nên chưa được quan tâm đúng mức nhưng tôi nghĩ, lượng trích dẫn sắp tới sẽ còn tăng nhiều”. (TS. Nguyễn Thanh Sơn, Viện nghiên cứu Công nghệ quốc gia, Kushiro College, Kushiro, Nhật Bản)

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)