Giảm dần xuất khẩu sắn thô
“Giảm dần xuất khẩu sắn thô là một trong những định hướng phát triển về lâu dài với cây sắn”, ông Phạm Vũ Hà, tổng thư kí Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết tại hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững cây sắn Việt Nam”, do Hiệp hội Sắn Việt Nam phối hợp tỉnh Tây Ninh tổ chức vào ngày 15/1 tại Tây Ninh.  
Theo ông Hà, suốt 20 năm nay, ngành sắn Việt Nam chỉ quan tâm đến sản xuất tinh bột, nhưng công nghệ, chất lượng, thương hiệu không bằng Thái Lan và bị phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Trong khi đó, thu mua nhiều tinh bột của Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc gia công chế biến rồi xuất khẩu lại Việt Nam. Vì vậy, mục đích của hội thảo là tìm biện pháp giúp những người làm sắn trong nước nhìn lại vị trí của mình, không chỉ sản xuất tinh bột nữa mà còn là chế biến sau tinh bột, làm ra những sản phẩm ứng dụng khác như thực phẩm, cồn ethanol… Về lâu dài, ngành sắn sẽ hướng tới giảm dần lượng xuất khẩu sắn thô để tập trung đáp ứng nhu cầu sản xuất nội địa, nghiên cứu chuyển giao các sản phẩm mới từ sắn, đồng thời tìm ra các loại sắn mới có năng suất cao hơn, có khả năng thích nghi với sinh thái nhiều vùng trong cả nước, qua đó phát triển các mô hình sản xuất sạch, bảo vệ môi trường,…
Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu sắn năm 2014 đạt 1,3 tỉ USD, đứng thứ tư sau cây cà phê, lúa, điều, trong đó, 80% sắn tinh bột và sắn lát được xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, việc phát triển cây sắn gần đây giảm dần hiệu quả do chi phí đầu vào (phân bón, vật tư, thuốc…) trong sản xuất nông nghiệp và chế biến (xăng dầu, giá nguyên liệu, điện…) tăng, trong khi giá đầu ra giảm (giá xuất khẩu bình quân 2014 giảm 14,7% so với năm 2013), thị trường tiêu thụ không ổn định.