Giám sát điều trị từ… một màn hình!

Một màn hình vi tính lớn cập nhật liên tục thông tin về mọi hoạt động điều trị nội, ngoại trú đang diễn ra giúp Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM xử lý tốt nhất những ca bệnh bất thường và điều chỉnh kịp thời những bất hợp lý trong việc kê đơn thuốc hoặc chăm sóc bệnh nhân.

Tiết kiệm cho bệnh viện lẫn bệnh nhân

Một ngày giữa tháng 7/2013, Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, hồ hởi dẫn tôi vào phòng Quản lý chất lượng. Chỉ lên chiếc màn hình, ông nói: “Anh là người ngoài đầu tiên được tôi cho xem công cụ giám sát điều trị nội trú này đấy.”

Nhờ một nhân viên trong phòng nhấp chuột vào chiếc máy tính để bàn, ông cho tôi xem danh sách 14 trường hợp đang nằm tại Khoa Hồi sức sơ sinh của bệnh viện có chi phí điều trị hơn 200 triệu đồng/ca. Muốn xem chi tiết một ca bệnh, ông lại nhờ nhân viên nhấp chuột vào một cái tên để xem tiếp. Đó là một ca bệnh nằm điều trị cả năm trời. Ông giải thích: “Ca này được bảo hiểm y tế chi trả rất ít, nhưng những chi phí khác lên đến hơn 150 triệu đồng, chủ yếu là chi phí thở máy. Cần đặt câu hỏi với những ca có chi phí điều trị cao bất thường như thế này: Vì sao chữa hoài không khỏi? Do cách điều trị không hiệu quả? Có cần chuyển sang cách điều trị khác? Sử dụng thuốc có đúng phác đồ hay không? Nhờ công cụ này mà chúng tôi có thể phát hiện ngay những bất thường và có cách can thiệp ngay.”

Không chỉ các trường hợp ở Khoa Hồi sức sơ sinh, chương trình tin học còn giám sát được toàn bộ các trường hợp ở những khoa khác của bệnh viện. Sau khi nhặt ra những ca “bất thường” như thế, Ban Giám đốc bệnh viện sẽ mời trưởng khoa xuống lý giải. Nếu hợp lý, khoa có thể điều trị tiếp; nếu không hợp lý, Ban Giám đốc sẽ can thiệp. Chẳng hạn chuyển bệnh nhân về địa phương để chữa tiếp vì bệnh đã qua giai đoạn khó khăn. Điều này tiết kiệm chi phí cho bệnh viện lẫn cho bệnh nhân. Cụ thể người thân bệnh nhân không tốn kém phải đi xa thăm nom và chăm sóc.

Nâng cao chất lượng điều trị

Có thể xem bệnh viện Nhi đồng 1 là nơi đi đầu TP.HCM trong ứng dụng tin học vào quản lý để nâng cao chất lượng điều trị. Ở đây, một phòng tin học ra đời với hàng chục nhân viên tin học, vừa tham gia bảo trì hệ thống mạng, vừa viết chương trình đáp ứng đặt hàng của Ban Giám đốc. Điều này tiết kiệm chi phí cho bệnh viện rất nhiều, đồng thời chủ động xây dựng được chương trình, chứ không như nhiều bệnh viện khác – chọn cách mua chương trình phần mềm ở bên ngoài.

“Tôi có thể khẳng định cả nước chưa một bệnh viện nào làm được công cụ giám sát điều trị nội trú như thế này,” Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Chí Thượng đoan chắc với tôi. Để xây dựng được chương trình do Ban Giám đốc đề nghị, nhóm chuyên viên tin học của bệnh viện phải bỏ ra hơn ba tháng trời làm việc.

Chương trình giám sát điều trị nội trú là bước kế tiếp của chương trình giám sát điều trị ngoại trú đã được bệnh viện xây dựng thành công từ vài năm qua. Ở đây, cũng từ phòng quản lý chất lượng, ban lãnh đạo bệnh viện giám sát được toàn bộ việc kê toa thuốc của bác sĩ đang điều trị ở khu vực khám bệnh bên ngoài. Những toa thuốc có số lượng thuốc kê nhiều hay giá trị quá cao đều được nhận diện dễ dàng, vì thế tránh được chuyện lạm dụng thuốc cho bệnh nhân. Không chỉ thế, bệnh viện có thể biết được toàn bộ diễn biến thực tế ở khu khám ngoại trú như số lượt bệnh nhân đã khám, số bệnh nhân đang chờ xét nghiệm, số bệnh nhân chờ khám. Từ đây, có thể điều tiết bệnh nhân đang ngồi chờ khám, giảm thời gian chờ đợi của họ. Muốn làm được điều này, toàn bộ các hoạt động nhận bệnh, kê toa thuốc đều được vi tính hóa.

Cũng thông qua vi tính, vài năm qua bệnh viện đã xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm tương tác thuốc. Trường hợp bác sĩ vô tình kê toa có những thuốc tương kỵ nhau, phần mềm sẽ nhận diện và báo lỗi để bác sĩ điều chỉnh kịp thời.

Đó chỉ là một trong nhiều đổi mới và sáng tạo trong làm việc của Bệnh viện Nhi đồng 1 bằng công cụ tin học, giúp nâng cao chất lượng điều trị và phục vụ cho bệnh nhân, giảm thiểu nguy cơ trong điều trị, giảm thời gian chờ khám, tránh lãng phí…

Trả lời câu hỏi “Có nhân viên nào phản ứng với những sáng kiến này không?”, Giám đốc Tăng Chí Thượng nói: “Dĩ nhiên bước đầu cũng có người phản ứng vì phải thay đổi thói quen, nhưng rồi thì ai cũng ủng hộ khi thấy những lợi ích mang lại.”

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)