Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05: Chủ động khoan thăm dò ở vùng nước sâu có độ nghiêng lớn

Sau khi chế tạo thành công giàn khoan Tam Đảo 03 chất lượng tương đương với giàn khoan do Mỹ, Singapore, Trung Quốc chế tạo, Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard - được thành lập bởi các cổ đông chiến lược là: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) chuyên chế tạo các loại giàn khoan và các phương tiện nổi dầu khí) tiếp tục làm tổng thầu chế tạo giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 cùng với chủ đầu tư là Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro).

Trước khi khởi công chế tạo Tam Đảo 05, Vietsovpetro và PV Shipyard cùng với sự tham gia của các đơn vị liên quan đã đàm phán về giá, các điều khoản hợp đồng và đi đến thống nhất đóng mới giàn khoan trong tháng 11-2013. Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 đã được khởi công chế tạo vào ngày 10-12-2013 và đây cũng là dự án khoa học – công nghệ cấp Nhà nước.

Việc đóng mới và đưa vào hoạt động Tam Đảo 05 có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược sản xuất, kinh doanh, giúp tiết giảm ngoại tệ, tăng cường năng lực và tạo thế chủ động cho Vietsovpetro trong công tác khoan thăm dò, khoan khai thác ở các vùng nước sâu có độ nghiêng lớn hơn, khó hơn trong tương lai. Đại diện của PVN khẳng định: “Giàn khoan Tam Đảo 05 có tổng trọng lượng 18.000 tấn và là công trình lớn nhất về cơ khí được khởi công trong năm 2013. Đây còn là công trình kết thép lớn nhất từ trước đến nay, đòi hỏi kỹ thuật công nghệ rất cao, đã trở thành công trình quan trọng của ngành cơ khí Việt Nam…”.

Vietsovpetro đã yêu cầu tổng thầu PV Shipyard trong quá trình triển khai dự án phải bảo đảm an toàn, đúng tiến độ, chất lượng trong khuôn khổ đã ký. Vietsovpetro cam kết sẵn sàng hỗ trợ tối đa khi có yêu cầu từ PV Shipyard để bảo đảm công trình triển khai đúng tiến độ và đạt chất lượng tốt nhất. Ngày 25-10-2014, PV Shipyard đã đặt Ky (Keel laying) cho Tam Đảo 05 sau gần 12 tháng thi công, đánh dấu bước chuyển quan trọng của một công trình mang tầm cỡ quốc gia, có thể sánh vai cùng với các công trình trong khu vực và thế giới. Điều đó chứng tỏ ngành cơ khí chế tạo của Việt Nam nói chung và cơ khí chế tạo trong PVN nói riêng, nhất là tại PV Shipyard đang từng bước được nâng tầm công nghệ ngang bằng với thế giới.

Tại nhà máy Chế tạo giàn khoan Tam Đảo 05 thuộc PV Shipyard, những khối hàng khổng lồ đang được vận chuyển, kết nối để tạo nên một giàn khoan tự nâng 120m nước. Với sự nỗ lực của tập thể PV Shipyard, hơn 1/3 chặng đường thi công chế tạo Tam Đảo 05 đã đi đúng hướng và những người thợ tự tin hơn trước. Bởi sau khi chế tạo thành công giàn khoan Tam Đảo 03, đội ngũ những người trẻ đó đã từng bước trưởng thành, làm chủ công nghệ, tự tin hơn khi đóng mới Tam Đảo 05.

Theo đại diện của PV Shipyard, với giàn khoan Tam Đảo 05, đội ngũ kỹ sư của đơn vị phải thiết kế 800 bộ bản vẽ chi tiết: bố trí thiết bị, chạy hệ thống đường ống, phân bổ không gian… Mặc dù giá trị chỉ chiếm 6% của toàn dự án, nhưng thành công của công tác thiết kế chi tiết lại chiếm vai trò quan trọng, bởi chỉ một sai sót sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án.

Giàn khoan Tam Đảo 05 có sức chứa 140 người, khả năng chuyên chở 2.995 tấn (tối đa 6.488 tấn) với tổng khối lượng dự kiến khoảng 18.000 tấn. Phạm vi hoạt động của giàn khoan ở độ sâu nước biển hơn 120m (400ft) nước và khả năng khoan tới mỏ dầu khí với độ sâu 9km (30.000ft). Tổng mức đầu tư cho giàn khoan Tam Đảo 05 có giá trị trên 200 triệu USD và dự kiến sẽ hoàn thành sau 32 tháng thi công.

Giàn khoan Tam Đảo 05 có khả năng chịu được điều kiện khắc nghiệt của môi trường và sẽ được cơ quan Đăng kiểm Hàng hải Hoa Kỳ (ABS) và Đăng kiểm Việt Nam (VR) chứng nhận trước khi đưa vào sử dụng.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)