Giáo dục nhân văn trong thời kỳ truyền thông – công nghệ: Giáo dục STEM hay CORE?
Gần đây, một số nhà giáo dục và nhà nhân văn chủ nghĩa đã phải xem xét lại vai trò và cách thức giáo dục nhân văn như thế nào để có thể “sống tốt hơn”, để con người đúng là con người mà không bị đánh mất, lép vế nhân tính trong thời đại số/trí tuệ nhân tạo. Vấn đề hóc búa này, nghiễm nhiên còn lâu mới hết các bàn luận, cũng góp phần làm nảy sinh một lượng lớn chưa từng có các phương pháp giáo dục thực hành nhân văn. Dẫu vậy, điểm mấu chốt, trước hết, phải bắt đầu từ một ý niệm căn bản và cụ thể về việc giáo dục nhân văn trong thời đại số cần triển khai theo những bước nào.
Gần đây, nhiều giáo viên mầm non/tiểu học bắt đầu áp dụng hành vi “chào yêu thương” học sinh bằng cách “ôm, cụng tay, bắt tay” các em trước cửa lớp. Trong ảnh: Màn chào hỏi trẻ ấn tượng và đầy yêu thương của các cô giáo Trường Mầm non Thanh Bình (Hải Dương). Nguồn: Vietnamnet
Bộ khung định hình giáo dục nhân văn trong thời đại số
Trong tiểu luận Humanity in the Digital Age: Cognitive, Social, Emotional, and Ethical Implications, hai tác giả Junko Yamamoto và Simeon Ananou cho rằng “cách thức con người sử dụng công nghệ đã làm suy yếu nhân tính của họ ở một số khía cạnh”.
Hai tác giả phác họa khung nhân tính, bản chất người bao gồm bốn khía cạnh: nhận thức, tương tác xã hội, cảm xúc và đạo đức1. Bộ khung này cũng được dùng để định hình việc giáo dục nhân tính/nhân văn trong thời đại số với mục tiêu làm thế nào để các ảnh hưởng tiêu cực của công nghệ không giảm thiểu nhân tính, để nhân tính/nhân văn được truyền đi tích cực trong/bởi các phương tiện công nghệ.
Hai tác giả đưa ra một số gợi ý kèm ví dụ để thiết kế khung giáo dục nhân văn đó: 1/ Tăng cường sự tự nhận thức: tự suy nghĩ về việc đã lãng phí bao nhiêu thời gian trên phương tiện truyền thông xã hội có thể khiến một người giải độc nghiện công nghệ. Các quyết định, chẳng hạn, từ bỏ/giảm thiểu facebook hoặc tweet đều phản ánh nhận thức và đạo đức của cá nhân. Lựa chọn đó cuối cùng trở thành thói quen, và “thói quen có thể dẫn đến sự hình thành nhân cách”; 2/ Các bước phục hồi sau nghiện công nghệ: tập trung vào liệu pháp nhận thức hành vi. Trong khi đòi hỏi kiêng Internet là không thực tế (vì cuộc sống hiện nay của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào Internet) thì vẫn có thể tạo lập hành vi xóa các dấu trang yêu thích (bookmark) như game, cờ bạc hoặc khiêu dâm. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng các nhà giáo dục không có đủ điều kiện để quản lí liệu pháp điều trị nghiện, họ chỉ có thể lấy các tác phẩm giáo dục để nâng cao nhận thức và ngăn ngừa nghiện; 3/ Giáo dục kiểm soát xung động (impulse control education): con người rất dễ bị hút vào bất cứ thứ gì thuộc về công nghệ – truyền thông, dù đó chỉ là tia nhấp nháy trên màn hình, âm thanh tin nhắn, tiếng chuông… Vì thế, giáo dục kiểm soát xung động là cách rèn luyện ý thức không phản ứng với chúng, mà tập trung vào điều gì khác quan trọng hơn; đồng thời, tạo ra mối bận tâm vào sự “trì hoãn thỏa lòng”, “chống lại thôi thúc phản hồi ngay”2. 4/ Dạy trung thực học thuật: Nội dung này hướng đến việc ngăn chặn đạo văn trong thời kĩ thuật số. Trường đại học phải có chương trình “liêm chính học thuật” trong giáo trình để sinh viên (nhất là sinh viên năm đầu) nắm rõ quy cách trích dẫn tài liệu (văn bản, hình ảnh, âm thanh, video) hợp lí. Các công cụ phát hiện đạo văn trên mạng cũng cần sớm đưa vào sử dụng để người học, người hướng dẫn cùng nhau giám sát việc tuân thủ đạo đức học thuật3.
Bộ khung nhân văn trong thời đại số [J. Yamamoto, S. Ananou, 2015].
Bộ khung nội dung giáo dục nhân văn của J. Yamamoto, S. Ananou, tuy ở dạng đề đạt nhưng cho thấy, nếu muốn triển khai giáo dục nhân văn trong môi trường truyền thông công nghệ số, ngoài khía cạnh hiểu biết về nguyên tắc, kĩ thuật công nghệ, cần phải có tri thức về tâm lí học, đặc biệt là khả năng tác động vào thế giới cảm xúc của người học. Đây là yêu cầu, theo tôi, đánh thức nhà sư phạm đầu tư nhiều hơn với các sản phẩm giáo dục vừa tích hợp sức mạnh công nghệ, thích ứng môi trường kĩ thuật số, vừa đảm bảo yếu tố nhân văn/nhân tính khiến người học tập trung.
Tôi lấy ví dụ: sinh viên có thể tạo ra những tình huống khiến giáo viên ức chế, dẫn đến có lời lẽ, hành động bất thường. Và với điện thoại thông minh trong tay, sinh viên sẽ quay, chia sẻ lên mạng tình huống đó chỉ với suy nghĩ rằng đây là clip giải trí vui vẻ. Tuy nhiên, nếu ở lớp học đó, sinh viên đã từng được giải thích những clip tương tự gây nhiều hệ lụy xấu, hay đã được học các nội dung về lòng trắc ẩn trước nghịch cảnh, chắc chắn họ sẽ không tham gia hoặc dừng lại trò giải trí truyền thông thiếu cân nhắc như vậy. Yếu tố tích lũy cảm xúc, nhận thức trong trường hợp này đã “trì hoãn” thói quen dùng công nghệ truyền thông số.
Hướng vào các yếu tính con người, kiến tạo thế hệ tương lai không dễ bị thải loại bởi công nghệ
Để có thể tạo dựng, bồi đắp cảm xúc mà từ đó, thay đổi nhận thức và hành động của người học thì các môn học phải hướng đến kích thích sự sáng tạo, tôn trọng cá tính và khơi gợi trách nhiệm của người học trước các vấn đề không chỉ của bản thân mà còn của cộng đồng.
Trong cuốn sách Technology vs Humanity của Gerd Leonhard mà tôi đã nhắc đến ở bài trước, nhà tương lai học này gợi ý nên có thêm giáo dục CORE [viết tắt của: Creativity/Compassion (Tính sáng tạo), Originality (Tính độc đáo), Reciprocity / Responsibility (Sự đáp đền/Trách nhiệm) và Empathy (Lòng thấu cảm)] bên cạnh giáo dục STEM4.
G. Leonhard cho rằng trong tương lai, những công việc thuộc lĩnh vực STEM sẽ không đồng đều, cụ thể hơn, những việc lặp đi lặp lại và không cần sáng tạo ngày càng được thay thế bởi robot, máy tính và trí tuệ nhân tạo. Trong khi đó các lĩnh vực CORE thì hướng vào các yếu tính con người, bồi đắp và phát triển nhu cầu cảm xúc, sáng tạo, thẩm mĩ, các băn khoăn và bận tâm mang tính trách nhiệm với xã hội. Nói rộng hơn, giáo dục CORE khai thác sâu năng lực của con người với tư cách là cá thể với những cá tính, cảm xúc riêng rẽ, không thể sao chép như máy móc. Đặt CORE bênh cạnh STEM là phương án giáo dục nhắm vào sự cân bằng giữa công nghệ và nhân văn.
Đáng chú ý, phong trào giáo dục STEM ở Việt Nam đang ngày một lan rộng và bài bản. Thúc đẩy giáo dục STEM cũng được thể hiện trong tổng thể Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy vậy, nếu mải mê lựa chọn STEM, các môn học CORE sẽ sụt giảm và điều này, như vòng tròn luẩn quẩn, gián tiếp tạo ra khủng hoảng khoa học xã hội nhân văn. Do đó, hướng điều chỉnh thích hợp trong điều kiện Việt Nam, một quốc gia đang đi tắt đón đầu phát triển công nghệ truyền thông nhưng không muốn rời bỏ các mục tiêu xây dựng con người nhân văn, có lẽ là đặt STEM và CORE theo quan hệ giao thoa, hài hòa.
Dựa trên sức mạnh giáo dục STEM, các lĩnh vực giáo dục CORE (mà môn học của nó phổ biến trong các bậc học ở Việt Nam như văn chương, nghệ thuật, lịch sử, văn hóa, triết học, mỹ học…) có thể cải tiến phương pháp tiếp cận và tối đa hóa đóng góp xã hội của mình.
Ngược lại, CORE đặt nền tảng cho các giá trị STEM không bị chệch theo hướng loại bỏ con người, phi nhân hóa. STEM và CORE là hai lực đẩy song song và tương hỗ của hệ thống giáo dục trong mục tiêu kiến tạo thế hệ tương lai không dễ bị tổn thương, thải loại bởi công nghệ.
Điểm giao thoa giữa STEM và CORE, theo tôi, cho phép các chương trình giáo dục coi trọng cảm xúc, trải nghiệm nội tâm và đạo đức, bổn phận, trách nhiệm cá nhân.
Ở Việt Nam, một thời gian dài, giáo dục nhân văn thường được quy thành giáo dục luân lý/đạo đức5 và với sự hỗ trợ của hệ thống văn chương nghệ thuật, nhân văn được nhìn nhận chủ yếu ở các giá trị như quyền sống, khát vọng, tự do và hạnh phúc của con người.
Tuy vậy, tôi cho rằng, giáo dục nhân văn hiện nay không những phải khác kiểu giáo dục đạo đức trước đây mà còn, một cách nghiêm túc, phải có những bước đi sáng tạo để không lệch nhịp với sự chuyển đổi của thời đại công nghệ – truyền thông số. Trong đó, bước thứ nhất, là khơi gợi cảm xúc và tiếng nói nội tâm của người học.
Khác với giáo dục đạo đức/đạo lí truyền thống áp đặt quyền uy người dạy lên người học, giáo dục CORE coi trọng tinh thần, phương pháp đối thoại. Để cá nhân tự nhận thức/tự quản lí cảm xúc và hiểu biết của mình, đối thoại giữa những người tham gia trở thành nguyên tắc hàng đầu. Bởi tin rằng những suy nghĩ và nhận thức tốt chỉ có thể diễn ra khi tiếng nói của mỗi cá nhân được lắng nghe, tôn trọng, giáo dục CORE biến quá trình tiếp nhận theo trình tự gợi mở, chi tiết và toàn diện theo cấu trúc “4’C”: quan tâm (caring), hợp tác (collaborative), phê phán (critical) và sáng tạo (creative)6.
Với quan điểm và phương pháp có ưu thế riêng đó, các trường học, bậc học cũng nên cân nhắc, lựa chọn việc giáo dục cảm xúc, giáo dục lòng thấu cảm, trách nhiệm, giáo dục sáng tạo như là một hồi đáp thiết yếu trước sự áp đảo của giáo dục khoa học công nghệ. Xét đến cùng, khi môi trường giáo dục vẫn còn chăm chút cho từng tính cách, cảm xúc thì dẫu thời đại máy móc hóa có diễn ra, nhân tính vẫn sẽ hiện hữu. ♦
Đón đọc kỳ 3: Gợi dẫn những mô hình từ thực tế Việt Nam
—-
1 Junko Yamamoto, Simeon Ananou. 2015. “Humanity in the Digital Age: Cognitive, Social, Emotional, and Ethical Implications”. Contemporary Educational Technology, 6 (1), tr.1
2 Giáo dục cách “trì hoãn thỏa lòng” [delayed gratification], hoặc “chống lại thôi thúc phản hồi ngay” [resisting an urge to respond immediately] sẽ kiểm soát được phần nào cơn xung động của con người trước công nghệ-truyền thông. Dường như chưa có những nội dung giáo dục thật sự tạo ra thái độ tôn trọng và hài lòng về tính “trễ muộn”, “trì hoãn” trong đời sống thường ngày.
3 J. Yamamoto, S. Ananou, Tlđd, tr.10-13.
4 Gerd Leonhard. Technology vs Humanity: The coming clash between man and machine. Fast Future Publishing Ltd, 2016, tr.24.
5 Giáo dục đạo đức ở Việt Nam thời hiện đại, trước hết, gắn với giáo dục luân lý do các nhà nho duy tân đề xuất và biên soạn. Ấu học luân lý, Luân lý giáo khoa thư, Chu Tử gia huấn, bằng chữ Hán và Quốc ngữ, là những tài liệu giảng dạy ở bậc sơ học thời Pháp thuộc. Sau Cách mạng Tháng 8, giáo dục đạo đức được hiểu như là giáo dục công dân, trong đó nhấn mạnh nội dung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa. Những năm gần đây, tuy giáo dục công dân đã có thay đổi nhưng nhìn chung, giáo dục công dân không tương đồng với giáo dục nhân văn mà bài viết đang bàn đến.
6 Một tham khảo ngắn: Neil Phillipson. “Education and Dialogue of Humanity” tại địa chỉ:
https://www.routledge.com/authors/i15526-neil-phillipson/rss/
7 Elias, M. J. (2004). The connection between social-emotional learning and learning disabilities: Implications for intervention, tr. 53–63.
8 Tham khảo các thông tin, nội dung, khung chương trình và phương pháp triển khai giáo dục SEL tại website chính thức: https://casel.org/.
Một tham khảo về giao thoa giữa STEM và CORE
Mô hình Giáo dục Cảm xúc và Xã hội – SEL” vận hành trong sự hỗ trợ và liên kết mang tính tổng thể: Gia đình và cộng đồng → Chính sách toàn trường → Chương trình và hướng dẫn SEL.
Giữa những năm 1990, nhà báo khoa học Daniel Goleman xuất bản cuốn sách “Emotional Intelligence: Why It Can Matter More Than IQ”, đưa khái niệm trí tuệ cảm xúc trở nên phổ biến. Tiếp theo đó, cụm từ “Giáo dục Cảm xúc và Xã hội” [Social and Emotional Learning – SEL] bắt đầu được sử dụng trong quá trình nghiên cứu và thực hành về trí tuệ cảm xúc áp dụng cho các trường học bởi nó phản ánh sự thừa nhận mạnh mẽ vai trò của cả hai yếu tố xã hội và cảm xúc trong học tập thành công7. Hiện nay, SEL đang trở thành xu hướng giáo dục được nhiều trường học Mỹ và các nước khác áp dụng. Tôi nghĩ SEL là một tham khảo sáng giá trong điểm giao thoa giữa STEM và CORE bởi, trước nhất, SEL được tích hợp với chương trình giảng dạy học thuật/chính quy như ngôn ngữ nghệ thuật, toán, nghiên cứu xã hội, y tế… Thứ nữa, SEL đòi hỏi cả trường phải tạo ra một bầu không khí thân thiện và văn hóa xuyên suốt các lớp học, yếu tố cần thiết để giáo viên và học sinh hứng thú duy trì khóa học. SEL đề cao 5 giá trị cốt lõi dành cho cộng đồng: tự nhận thức (biết rõ điểm mạnh và hạn chế của bản thân với tinh thần lạc quan, tự tin và tư duy phát triển); tự quản lí (khả năng quản lí hiệu quả căng thẳng, kiểm soát các xung động và thúc đẩy bản thân thiết lập, đạt được các mục tiêu); nhận thức xã hội (khả năng hiểu, thấu cảm với người khác, bao gồm cả những người đến từ các hoàn cảnh và văn hóa khác nhau); kĩ năng thiết lập quan hệ (giao tiếp rõ ràng, lắng nghe tốt, hợp tác với người khác, chống lại áp lực xã hội không phù hợp, đàm phán xung đột một cách xây dựng và đề nghị giúp đỡ khi cần thiết); ra quyết định có trách nhiệm (đưa ra các lựa chọn mang tính xây dựng về hành vi cá nhân và tương tác xã hội dựa trên các tiêu chuẩn đạo đức, an toàn và các chuẩn mực xã hội)8. Trọng tâm của SEL, như vậy, hướng đến giáo dục “trái tim” và bằng cách đó, tạo dựng sức mạnh của mỗi cá nhân theo “trí tuệ của trái tim”, của cảm xúc và cảm hứng hơn là “trí tuệ của trí tuệ” thiên về lí trí, tư duy thuật toán.