Giáo sư Đào Văn Phan: Những nghiên cứu về thuốc hạ huyết áp

Không phải đến thời điểm hiện nay, khi tỷ lệ người trưởng thành và cao tuổi Việt Nam mắc bệnh cao huyết áp chiếm tới hơn 40% dân số thì người ta mới quan tâm về căn bệnh này. Từ những năm 1960, ở trường đại học Y Hà Nội, đã có một nhà nghiên cứu tiến hành nhiều công trình nghiên cứu về thuốc hạ huyết áp và được ứng dụng trong thực tế, đó là giáo sư Đào Văn Phan.

Gợi ý từ các bài báo quốc tế 

Hơn 60 năm trước, việc nghiên cứu của các nhà khoa học trong trường đại học cũng không khác nhiều so với hiện nay khi một phần công việc của họ cũng là học hỏi và tham khảo những thông tin mới qua công bố của đồng nghiệp quốc tế được xuất bản trên các tạp chí chuyên ngành. Dược sĩ Đào Văn Phan khi đó mới vừa tốt nghiệp trường đại học Dược khoa và được nhận vào trường Đại học Y, tham gia giảng dạy Dược lý, một môn học tìm hiểu và giải thích về cơ chế tác dụng của thuốc để đảm bảo cho việc sử dụng thuốc an toàn và hợp lý. Ông đã đặc biệt quan tâm đến một số bài báo trên các tạp chí quốc tế nói về việc dùng một dược chất là pituitrin (nội tiết tố thùy sau tuyến yên) để điều trị hiện tượng nôn ra máu do giãn tĩnh mạch thực quản trên bệnh nhân có tăng áp tĩnh mạch gánh. 

Giáo sư Đào Văn Phan năm 1963.

Ở thời điểm đó, ở Việt Nam cũng như trên thế giới đang có xu hướng áp dụng biện pháp phẫu thuật cắt bỏ một phần gan để điều trị gan bị thương tổn. Việc thực hiện phẫu thuật đứng trước khá nhiều thách thức, trong đó có việc phải kẹp cuống gan trong một thời gian nhất định, dễ làm huyết áp tĩnh mạch gánh tăng cao và nhiều khả năng dẫn đến tai biến. Xuất phát từ ý tưởng của thầy Nguyễn Trinh Cơ và bác sĩ Nguyễn Nguyên Khôi qua một câu hỏi “Có thể dùng pituitrine để hạ huyết áp tĩnh mạch gánh được không?”, ông Đào Văn Phan bắt tay thực hiện nghiên cứu, một hướng đi về điều trị hạ huyết áp mà không ngờ sau này ông đã đi theo cả đời.

Dĩ nhiên, không thể so sánh những điều kiện nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ngày đó với hiện nay. Giáo sư Đào Văn Phan nhớ lại những thiếu thốn thời kỳ đó: trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu lúc đó, “không có áp kế, chúng tôi phải tự mày mò chế tạo” bởi bộ môn chỉ có một số kymographe trục hun khói – thiết bị ghi hoạt động của tim, lưu động của ruột… – hai máy ghi huyết áp của động vật làm thí nghiệm, hai thermostat – máy đo thể tích – và một số trang bị khác do Liên Xô viện trợ, nhưng chủ yếu là để dành cho công tác giảng dạy. “Tôi cảm thấy mọi chuyện rất phức tạp khi lần đầu thực hiện đo cùng lúc ba huyết áp là tĩnh mạch gánh, tĩnh mạch đùi, động mạch cảnh trên một con chó thí nghiệm. Chúng tôi thất bại rất nhiều lần mới thành công”, ông kể. 

Nhờ vậy đến tháng 12/1963, ông và đồng nghiệp đã hoàn thành được nghiên cứu về việc dùng pituitrine để hạ huyết áp tĩnh mạch gánh trên 9 con chó, xuất bản công trình trên tạp chí Y học Việt Nam (số 4, năm 1964). Đây là công trình nghiên cứu về hạ huyết áp đầu tiên của bác sĩ Đào Văn Phan và được báo cáo trong Hội nghị Khoa học của trường Y. Thành công này không những giúp các nhà y học tự tin trong việc sử dụng thuốc pituitrine theo như công dụng các tài liệu nước ngoài đã công bố mà còn là bước đệm để bác sĩ Đào Văn Phan vững tin hơn vào con đường nghiên cứu của mình.

Cũng vào cuối năm 1963, khi dược sỹ Đoàn Thị Nhu (sau là giáo sư, Viện trưởng Viện Dược liệu) kết thúc chương trình thực tập sinh ở Bulgaria đã mang theo tài liệu về thực nghiệm tác dụng hạ huyết áp của một cây thuốc do bà nghiên cứu (tài liệu viết bằng tiếng Bulgaria và được dịch sang tiếng Pháp). Với việc đề cập đến những phương pháp thực nghiệm và quy trình tiến hành nghiên cứu dược lý thực nghiệm, đây là tài liệu quý cho bác sĩ Đào Văn Phan tham khảo và trở thành tài liệu “gối đầu giường” của ông nhiều năm.

Tìm dược chất hạ huyết áp trong cây thuốc quý 

Trong quá trình nghiên cứu về thuốc hạ huyết áp, bác sĩ Đào Văn Phan đã được giáo sư Đỗ Tất Lợi (trường đại học Dược khoa HN) giới thiệu về cây dừa cạn (Vinca Rosea), một loại cây đang được giới y – dược trên thế giới quan tâm thời điểm đó bởi có nhiều dược chất như alcaloid như reserpin, ajmalicin… có tác dụng làm hạ huyết áp, hay vincaleucoblastin và leurosin có thể điều trị được bệnh u lympho ác tính Hodgkin. Dược sỹ Nguyễn Văn Hợi, khi đó là trưởng khoa Dược, Bệnh viện Bạch Mai, đã tạo điều kiện cho bác sĩ Đào Văn Phan có được dừa cạn dưới dạng cao lỏng có chứa alcaloid toàn phần của cây. Với hỗ trợ quý giá của đồng nghiệp, trong gần một năm rưỡi, ông đã tự mày mò nghiên cứu theo đúng quy trình khoa học để có thể phân tích tác dụng và cơ chế gây hạ huyết áp của cây dừa cạn trên các hệ thần kinh trung ương, thần kinh thực vật, hay trên cơ quan được cô lập như tim, mạch, ruột, đồng thời tiến hành thử độc tính, xác định liều dùng cho người… Trước khi áp dụng trên người, ông cũng tiến hành thử nghiệm trên nhiều loại động vật phổ biến với sự tăng dần về khối lượng và độ hoàn thiện của các cơ quan như ếch, thỏ, mèo, chó. Theo cách này, đây là nghiên cứu dược lý có hệ thống đầu tiên về cây dừa cạn được tiến hành ở bộ môn.

Cây dừa cạn có nhiều dược chất như alcaloid như reserpin, ajmalicin… có tác dụng làm hạ huyết áp.

Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Y học Việt Nam năm 1965 và được chọn đăng trong tạp chí Travaux Scientifiques xuất bản bằng tiếng Pháp năm 1969 của trường Đại học Y Hà Nội. Bác sĩ Đào Văn Phan được nhận bằng khen của Bộ Y tế năm 1968, giấy khen của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp năm 1968. Và với sự phê chuẩn của Bộ Y tế, kết quả nghiên cứu trên của ông đã được Xí nghiệp Dược phẩm 2 đưa vào sản xuất với sản phẩm viên Vinca chữa tăng huyết áp. Qua thành công này, ông rút ra một kết luận: “Muốn nghiên cứu dược lý thì trước tiên phải có phương pháp thực nghiệm, phải có mô hình thực nghiệm và phải có dạng thuốc thích hợp”.

Bên cạnh cây dừa cạn, bác sĩ Đào Văn Phan còn phối hợp với những nhà nghiên cứu khác là giáo sư Đặng Thị Hồng Vân, dược sĩ Nguyễn Tường Vân để tìm hiểu một cây thuốc khác, cây nhàu (Morinda citrifolia L.), tập trung vào tác dụng hạ huyết áp của dịch chiết xuất từ rễ. Do loại cây này không trồng được ở miền bắc nên nhóm nghiên cứu đã phải vào Huế mua rễ cây nhàu đem về nghiên cứu. Khi chuyển về Học viện Quân y vào tháng 9/1980, ông vẫn tiếp tục thực hiện công trình này và hướng dẫn bác sĩ nội trú chuyên khoa Dược lý Nguyễn Trọng Thông bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp (vào những năm 1990, ông trở lại Đại học Y HN và giữ chức chủ nhiệm bộ môn Dược lý).

Cả hai công trình nghiên cứu về thuốc hạ huyết áp với dược chất chiết xuất từ cây dừa cạn và cây nhàu của giáo sư Đào Văn Phan đều được ứng dụng, đưa vào sản xuất chữa trị bệnh huyết áp và được nhiều người đón nhận. Thế nhưng, thật không may là hai loại thuốc này của ông, cũng như nhiều loại đông dược Việt Nam khác, không thể vượt qua khỏi cơn lốc “thuốc tây” vào cuối những năm 1980, khi nhiều công ty dược phẩm chỉ sản xuất đông dược cầm chừng để dồn lực nhập thuốc tây về. Rút cục, thuốc của ông đã ngừng sản xuất và chỉ còn lại trong những trang báo cáo và tài liệu ngành y dược về các phương thuốc hạ huyết áp từng được nghiên cứu ở Việt Nam. 

Ngày nay, khi đông dược bắt đầu được coi trọng trở lại, những dòng thực phẩm chức năng chuyên về hạ huyết áp như Hạ áp ích nhân với thành phần chính là giun đất, xuất hiện trên thị trường khiến người ta không khỏi ngậm ngùi về số phận hai loại thuốc của giáo sư Đào Văn Phan trong quá khứ. Có lẽ đây cũng là một bài học kinh nghiệm để chúng ta thấy rằng: đôi khi, nỗ lực của những người làm nghiên cứu không đủ, vẫn cần sự hỗ trợ của doanh nghiệp và định hướng của các nhà quản lý để gìn giữ và phát triển các công thức thuốc quý.    

* Bài viết được Tia Sáng biên tập, bổ sung dựa trên tư liệu và ảnh của Trung tâm Di sản các nhà Khoa học Việt Nam. 

Tác giả

(Visited 34 times, 1 visits today)