Giao thông và khủng hoảng Covid-19: Thế giới bị ngưng trệ

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã và đang thay đổi bức tranh toàn cảnh của ngành giao thông trên thế giới, một cách dữ dội và đột ngột: Các chuyến bay bị hủy, đường xá vắng tanh vắng ngắt, những du thuyền không có khách trôi bồng bềnh.

Tuần báo Spiegel của Đức đã thu thập và đánh giá nhiều dữ liệu liên quan đến giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Các số liệu này cho thấy tác động thê thảm và dữ dội của cuộc khủng hoảng Covid-19. Giao thông đường bộ cũng như đường hàng không và đường thủy đều bị ảnh hưởng hết sức nặng nề. Chỉ có ngành tàu biển chở container hàng vẫn là ngoại lệ.

Giao thông đường bộ có những biến chuyển rõ rệt. Dựa vào dữ liệu phân tích của nhà cung cấp dịch vụ định vị TomTom có thể đánh giá chính xác về mật độ giao thông hiện nay. Thông qua thiết bị định vị cố định hoặc điện thoại thông minh, TomTom có thể theo dõi từ 10-20% lưu lượng xe ô tô di chuyển ở Đức – và cũng tương tự ở hầu hết các nước khác.

Quan sát lưu lượng xe ở chín thành phố ở châu Âu, trong đó có những thành phố bị coi là ổ dịch Covid-19 như Bergamo, Mailand và Madrid cùng bốn thành phố lớn của nước Đức cho thấy lượng di chuyển bằng ô tô luôn duy trì ở một mức ổn định vào các ngày làm việc trong tuần. 


Biểu đồ 1: Mật độ giao thông đường bộ giảm sút ở một số thành phố lớn ở châu Âu (ngày 20 tháng ba so với ngày 24 tháng giêng 2020)

Tuy vậy từ khi xảy ra dịch bệnh thì các con số này giảm sút rất nhanh: Mật độ giao thông ở những địa phương bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề như Bergamo và Mailand vào ngày 20 tháng 3 chỉ còn bằng 17% so với những ngày trước khi bùng phát dịch (ngày 24 tháng 1) – xem biểu đồ trên. Trong đó con số này ở Wien hôm thứ sáu là 43%, còn Berlin là 64%. Lệnh hạn chế đi lại ở Áo được áp dụng có phần nghiêm ngặt hơn so với ở Đức.


Biểu đồ 2: Mật độ giao thông tại một số thành phố lớn của Đức trong các ngày 9.3; 15.3 và 21.3. Trong biểu đồ là mật độ giao thông ở Munchen vào ngày 21.3 đã giảm xuống chỉ còn 22% so với hồi tháng 1.

Biểu đồ số 2 thể hiện rõ mức giảm sút về mật độ giao thông đường bộ tại các thành phố lớn ở nước Đức. Tại đây, khi so sánh với tình hình hồi tháng 1, ta thấy mật độ giao thông hằng ngày trong 14 ngày qua đã giảm rất nhiều. Mức giảm mạnh nhất là 22%, đo hôm 21.3 tại München, do quy định hạn chế có phần nghiêm ngặt hơn so với Berlin hay Hamburg.

Mật độ giao thông ở Ý và Tây Ban Nha giảm rõ rệt cách đây ít hôm. Tại đây lệnh phong tỏa có hiệu lực sớm hơn – và các biện pháp cũng được áp dụng bài bản hơn so với ở Đức.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 ảnh hưởng đặc biệt nặng nề đến ngành hàng không. Số lượng các chuyến bay thương mại ngày một giảm. So sánh với số liệu năm 2019, có thể thấy rõ số chuyến bay trong những tuần đầu tiên của năm 2020 có sự tăng trưởng ít nhiều, sau đó từ tháng hai bắt đầu giảm sút nhẹ – và sang tuần thứ 12 (tuần vừa qua) thì lao dốc.

Khủng hoảng Covid-19 bắt đầu từ Trung Quốc, lan sang các nước châu Á khác và cuối cùng lan cả sang châu Âu. Điều này thể hiện rất rõ ở số lượng các chuyến bay khởi hành ở các sân bay khác nhau từ hồi đầu năm. 

Ngành du lịch hàng hải đã bị sụp đổ hoàn toàn. Không có gì lạ: Một con tàu với hàng nghìn người bị nhồi nhét trong một không gian hẹp có thể sẽ trở thành môi trường lý tưởng cho virus phát tán. Trong thực tế đã xảy ra nhiều ổ dịch bắt nguồn từ các du thuyền.

Dữ liệu về doanh nghiệp của hãng dịch vụ thông tin hàng hải Vesseltracker ở Hamburg cho thấy các khách sạn nổi này đã phải ngưng hoạt động chỉ sau ít tuần. Tuy nhiên, có một ngoại lệ. Bất chấp mọi sự cố trong năm 2020, mật độ giao thông của tàu container vẫn diễn ra tương đối bình thường. “Số liệu hiện tại không có khác biệt gì lớn so với năm trước đó”, theo Bengt van Beuningen, người phát ngôn cảng Hamburg. Bình thường tàu biển xuất phát từ Trung Quốc cần sáu tuần để cập cảng Hamburg. Tình trạng sản xuất tê liệt ở Trung Quốc phải mất mấy tuần nữa mới có thể khiến số tàu biển của Trung Quốc tới Hamburg bị sụt giảm.

Nếu nhìn vào số lượng tàu rời bến từ 10 cảng biển lớn nhất của Trung Quốc thì phải đến khoảng cuối tháng giêng mới thấy có sự sụt giảm, đó là khi Trung Quốc đang phải vật lộn với Covid-19.  

Để có được cái nhìn đúng đắn về tình hình phát triển sản xuất trong năm nay, không nên dựa vào số chuyến tàu xuất phát hằng ngày hoặc hằng tuần từ bến. Bởi lẽ các số liệu này biến động tương đối nhiều.

Thay vào đó, nên tính toán số lượng các tàu container có chiều dài từ 300 mét trở lên đã xuất bến từ 10 cảng biển lớn nhất của Trung Quốc. Từ ngày 1.1.2020 đến 24.3.2020, con số này là gần 2900 – giảm 11% so với năm 2019.

Rất có thể những con tàu khổng lồ này chưa được khai thác hết công suất như thường lệ. Tuy nhiên hiện nay Trung Quốc đang đẩy mạnh sản xuất – và số lượng tàu xuất bến ở Trung Quốc cũng sẽ tăng, ông van Beuningen, người phát ngôn cảng Hamburg khẳng định. Điều này phần nào có thể bù đắp cho sự thiếu hụt vừa qua.

Xuân Hoài dịch

Nguồnhttps://www.spiegel.de/wirtschaft/corona-krise-massive-rueckgaenge-im-flug-schiffs-und-autoverkehr-a-c859587d-6ca6-439b-a420-f0583741170c# 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)