Giấy Sài Gòn: Tiên phong về công nghệ tái chế

Đầu tư trang bị dây chuyền sản xuất hiện đại, nhờ đó tái sử dụng 90% nước thải và tái chế giấy - đây là một trong những yếu tố chính đưa công ty cổ phần Giấy Sài Gòn trở thành đơn vị dẫn đầu ngành giấy Việt Nam.  

Chỉ nhập khẩu công nghệ hiện đại

Từ cơ sở sản xuất Giấy Sài Gòn thành lập năm 1997 chuyên về bao bì carton với vỏn vẹn một máy xeo giấy, năm 1998, công ty cổ phần Giấy Sài Gòn (lúc đó là công ty TNHH Giấy Sài Gòn đã có diện tích mặt bằng xưởng sản xuất rộng hơn 2.000m2 với 30 công nhân viên. Năm 2004, tức là một năm chuyển đổi sang tên mới, công ty cổ phần giấy Sài Gòn đã mở rộng quy mô sản xuất bằng việc đầu tư xây dựng nhà máy Giấy Mỹ Xuân tại khu công nghiệp Mỹ Xuân A, Bà Rịa- Vũng Tàu với tổng diện tích 50.000m2, tổng số vốn đầu tư 392 tỷ đồng, gồm các xưởng bột, xưởng xeo giấy vệ sinh, xưởng thành phẩm, xưởng IP xeo giấy công nghiệp. Năm 2007, dự án mở rộng nhà máy Mỹ Xuân với Mỹ Xuân 2 đã được tiếp tục khởi công với tổng diện tích gần 90.000m2, tập trung vào các mặt hàng giấy cao cấp.

Cả hai nhà máy của Giấy Sài Gòn có tổng công suất sản xuất giấy tiêu dùng 48.360 tấn/năm và giấy công nghiệp 224.640 tấn/năm, đưa công ty trở thành công ty sản xuất giấy công nghiệp lớn nhất và tốp hai giấy tiêu dùng Việt Nam.

Để đạt được con số ấn tượng này, Giấy Sài Gòn đã nhập khẩu toàn bộ công nghệ sản xuất giấy từ các nhà cung cấp công nghệ giấy hàng đầu thế giới của Andritz (Áo), Kadant Lamort (Pháp), Eimco (Phần Lan), GL&V (Canada), Voith (Đức), ABB (Thụy Sỹ)…, đảm bảo xử lý đồng đều ở các giai đoạn sản xuất từ hệ thống chuẩn bị bột, xeo giấy đến chia cuộn và đóng gói, ra thành phẩm.

Ví dụ với công đoạn xeo giấy công nghiệp, công ty nhập dây chuyền PM4 của Black Clawson (Mỹ), có tốc độ thiết kế 550m/phút, đạt công suất 124.800 tấn/năm. Ưu điểm nổi trội của PM4 là có hệ thống gia keo đạt tiêu chuẩn kỹ thuật châu Âu, hệ thống kiểm soát chất lượng (Quick Connect System Frame) hiện đại, nên sản phẩm giấy công nghiệp của Giấy Sài Gòn đạt chất lượng cao với giá thành hợp lý. Với các sản phẩm tiêu dùng, Giấy Sài Gòn nhập dây chuyền xeo giấy tráng phấn PM5 của UMV (Tây Ban Nha) với công suất 46.800 tấn/năm, tốc độ 270m/phút, sản xuất được nhiều dòng sản phẩm. Yếu tố công nghệ cao trong dây chuyền này giúp sản phẩm chất lượng đồng đều và tiết kiệm chi phí do không phải xử lý giấy kém chất lượng, cuộn giấy ít mối nối hơn.

Ở công đoạn chia cuộn, đóng gói, Giấy Sài Gòn nhập các dây chuyền công nghệ tự động như dây chuyền Sofia, dây chuyền chia cuộn A.Celli, dây chuyền đóng gói tự động Chanli của Ý và Đài Loan nhằm đảm bảo tiêu chuẩn cao về an toàn và vệ sinh, có khả năng tạo hình hoa văn đa dạng, yêu cầu quan trọng với loại sản phẩm cao cấp, đặc biệt với loại khăn giấy, khăn hộp.

Tiên phong về công nghệ tái chế

Một trong những mục tiêu của Giấy Sài Gòn là phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Để thực hiện điều đó, Giấy Sài Gòn đã không tiếc tiền mua hệ thống chuẩn bị bột giấy theo công nghệ tái chế mới nhất của tập đoàn Kadant Lamort (Pháp) với hệ thống nghiền thủy lực tốc độ cao và sàng áp hiện đại. Công nghệ này có thể lọc tái sử dụng tối đa các sợi bột từ hầu hết các loại giấy đã qua sử dụng, giảm thiểu chất thải cần xử lý nhưng vẫn đảm bảo các loạt bột giấy đạt tiêu chuẩn tương đương giấy nguyên chất ở đầu ra. Hệ thống chuẩn bị bột giấy này đạt công suất 800 tấn/ngày.

Ở công đoạn xeo giấy, các dây chuyền hiện đại cũng góp phần tích cực vào khả năng tái chế. Hai dây chuyền PM4 và PM6 chuyên về giấy công nghiệp và giấy tiêu dùng đều có thể sản xuất các loại giấy thành phẩm từ nguyên liệu bột giấy tái chế (bao bì carton cũ, giấy loại, giấy đã qua sử dụng), điều không phải dây chuyền công nghệ nào cũng làm được.

Không chỉ có sự trợ giúp của máy móc, Giấy Sài Gòn còn huy động sức người thông qua việc thiết lập hệ thống thu mua nguyên liệu, tận dụng nguồn giấy loại trong cộng đồng. Năm 2005, Giấy Sài Gòn bắt đầu xây dựng hệ thống này ở khu vực miền Trung và Tây Nam Bộ với ba trạm thu mua ở TPHCM và Đồng Nai. Chỉ tính riêng trong năm 2012, Giấy Sài Gòn đã thu mua trung bình 4000 tấn giấy bìa carton, gần 2800 tấn giấy viết mỗi tháng. Bên cạnh đó, Giấy Sài Gòn còn mở rộng việc thu mua giấy loại qua kênh nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung cho sản xuất, tiết kiệm chi phí sản xuất, đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường.

Ý thức tiết kiệm chi phí đi đôi với bảo vệ môi trường đã đưa đến việc Giấy Sài Gòn áp dụng công nghệ xử lý nước thải hiện đại hàng đầu hiện nay của Eimco (Phần Lan), đạt công suất 17.000m3/ngày thông qua việc dùng vi sinh hiếm khí, thời gian lưu bể ngắn, độ hòa tan tốt, không cần đến hóa chất và tiết kiệm điện. Công nghệ tiên tiến giúp Giấy Sài Gòn tái sử dụng tới 90% lượng nước thải từ sản xuất, không chỉ góp phần giảm bớt chi phí về nước mà còn đem lại thương hiệu xanh thân thiện với môi trường khi nước thải đạt tiêu chuẩn với ngành sản xuất giấy.

Đổi mới chiến lược sản phẩm

Song song với việc tiết kiệm nguyên liệu, giảm chi phí đầu vào và áp dụng công nghệ tiên tiến, Giấy Saig Gòn còn liên tục cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua công tác nghiên cứu thị trường.

Một trong những công việc quan trọng mà Giấy Sài Gòn xác định phải làm đầu tiên là nghiên cứu nhu cầu thực tế và đón đầu những yêu cầu tiềm năng của khách hàng. Đây sẽ là những cơ sở đầu tiên để Giấy Sài Gòn xác định những sản phẩm phù hợp trước khi đưa vào sản xuất và tung ra thị trường.

Với ba loại mặt hàng giấy tiêu dùng, giấy công nghiệp và giấy nguyên liệu, công ty đã xác định những phân khúc thị trường khác nhau, từ bình dân đến cao cấp. Riêng với mặt hàng giấy tiêu dùng, công ty bỏ qua khu vực bình dân để tập trung vào hai khu vực trung và cao cấp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng trong nước.

Hướng tới thị trường quốc tế, Giấy Sài Gòn dã nghiên cứu thị trường và quyết định chọn các quốc gia châu Á, châu Phi, nơi sản phẩm của công ty có khả năng cạnh tranh lớn nhất. Hiện nay, các thị trường này là nơi nhập khẩu các loại giấy công nghiệp chất lượng cao của Giấy Sài Gòn. Đây cũng là mặt hàng thế mạnh của công ty nên Giấy Sài Gòn đã đầu tư nhiều máy móc, tăng cường diện tích nhà xưởng cho sản xuất. Để thuyết phục được khách hàng, công ty đã đưa ra mức giá thấp hơn từ 3 đến 5% so với các nhãn hàng khác và thấp từ 5 đến 7% so với hàng nhập khẩu có chất lượng tương đương, còn với thị trường xuất khẩu, công ty đảm bảo hai vấn đề giá cả và chất lượng luôn được giữ vững và tương đương với nhiều nhãn hàng quốc tế khác trên thị trường.

 

 

Tác giả

(Visited 40 times, 1 visits today)