Gonzola Moratorio: Thợ săn coronavirus

Một nhà virus học đã hỗ trợ Uruguay kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.


Gonzalo Moratorio. Ảnh: Pablo Albarenga for Nature

Gonzalo Moratorio bỗng chốc trở thành người nổi tiếng trong đại dịch Covid-19. Mọi người nhận ra anh trên những con phố ở Montevideo, thủ đô của Uruguay. Thỉnh thoảng họ mua tặng anh cốc bia khi anh đến quán bar. Thậm chí, họ còn đến gặp anh trên mặt nước, bất cứ khi nào Moratorio ra ngoài lướt sóng với bạn bè. Và họ cảm ơn anh ấy. 

Họ biết ơn vì Moratorio đã giúp Uruguay tránh được những hậu quả tồi tệ nhất của đại dịch. Moratorio là một nhà virus học ở Viện Pasteur và ĐH Cộng hòa ở Montevideo (Uruguay), anh và các cộng sự đã thiết kế một phương thức xét nghiệm coronavirus và một chương trình quốc gia để chính phủ có thể triển khai, nhằm ngăn chặn các ca nhiễm Covid-19 khi đại dịch tràn qua các nước Mỹ Latin – bao gồm cả các quốc gia láng giềng của Uruguay, Argentina và Brazil. Uruguay tiếp tục duy trì thành tích là một trong những quốc gia có tỉ lệ tử vong thấp nhất thế giới – chỉ có 87 người tính đến ngày 10/12.

“Chúng tôi thuộc phần khác biệt”, anh nhận xét. “Chúng tôi đang kéo dài thời gian, điều này rất quan trọng cho đến khi có thuốc hoặc vaccine”.

Moratorio khởi đầu năm 2020 một cách hào hứng khi lần đầu tiên, anh trở thành người đứng đầu phòng thí nghiệm riêng của mình, sau khi hoàn thành postdoc ở Paris vào năm 2018. Anh đang lên kế hoạch nghiên cứu cơ chế biến đổi của virus và cách làm giảm độc lực của chúng. Nhưng vào những ngày đầu tiên trong tháng 3, Moratorio và các nhà nghiên cứu ở các viện Pasteur khác trên khắc châu Mỹ đã họp trực tuyến đã thảo luận về những việc cần làm khi các vụ bùng phát coronavirus đang nhanh chóng gia tăng.

Một số nhà nghiên cứu tỏ ra không mấy lo lắng. Carlos Batthyány, một nhà dược học đứng đầu Viện Pasteur ở Montevideo, nói với các đồng nghiệp rằng ông nghĩ Uruguay gần như sẽ tránh được đại dịch. “Tôi không tin lắm về tác động của nó”, ông cho biết.

Sự tự tin của Batthyány hoàn toàn có lý do. Uruguay – một quốc gia có dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân, hệ thống giám sát dịch tễ học mạnh mẽ và dân số nhỏ, khoảng 3,5 triệu người – hầu hết đều không mắc các bệnh sốt vàng da, Zika và các bệnh truyền nhiễm khác mà các nước láng giềng đều mắc phải. 

Tuy nhiên, Moratorio hiểu rõ về nguy cơ của Covid-19. “Gonzalo lao ra ngoài cuộc họp và bắt đầu làm việc”, Batthyány kể lại. “Khi cậu ấy thuyết phục chúng tôi rằng cần làm gì đó, cậu ấy sẵn sàng san bằng cả núi. Cậu ấy là Don Quixote theo cách đấy”.

Moratorio thấy rằng để tránh trường hợp dịch bệnh bùng phát không thể kiểm soát, cần xét nghiệm trên diện rộng và cách ly các ca dương tính. Tuy nhiên, không lâu sau đó, nhu cầu về bộ dụng cụ xét nghiệm trên thị trường toàn cầu tăng vọt. Anh và cộng sự lâu năm của mình, nhà virus học Pilar Moreno, biết rằng điều này sẽ khiến Uruguay không thể mua được các bộ xét nghiệm và hóa chất cần thiết. “Đó là thời điểm chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi phải tìm cách nào đó để có thể tự xoay sở mà không phụ thuộc vào ai”, Moreno nhận định.

Vào ngày 13/3, quốc gia này đã xác nhận trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên và tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe. Chính phủ đã đóng cửa các cơ sở kinh doanh và trường học, thông báo hạn chế các chuyến bay và cửa khẩu, yêu cầu người dân tự cách ly. Sau đó, Moratorio, Moreno và các thành viên của phòng thí nghiệm đã nghiên cứu phương pháp xét nghiệm riêng, sử dụng kỹ thuật “chuẩn vàng” phản ứng chuỗi polymerase (PCR) để phát hiện các dấu hiệu phân tử đặc trưng của SAS-CoV-2.

Trong vòng vài tuần, các nhà nghiên cứu đã phát triển phương pháp xét nghiệm này thành một bộ kit đơn giản và hiệu quả, chỉ với 3 ống và chiếm 1 giếng trong máy PCR. Và với sự hỗ trợ của Bộ Y tế công cộng, họ đã đào tạo và hình thành nên một mạng lưới phòng thí nghiệm chẩn đoán Covid-19 trên quy mô quốc gia.

Vào cuối tháng 5, Uruguay đã thực hiện hơn 800 xét nghiệm/ngày, và tự sản xuất một nửa số bộ kit. Hiện nay, con số đã lên tới khoảng 5000 – trong đó khoảng 30% sử dụng bộ kit của Moratorio. Tốc độ và sự phối hợp trong phản ứng của Uruguay thực sự ấn tượng, theo nhận xét của Zulma Cucunubá, nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm ở Đại học Hoàng gia London. “Phải nói rằng các nước khác hầu hết đều ghen tị khi Uruguay đạt được điều này từ sớm”.

Cuộc sống ở Uruguay gần như đã trở lại bình thường. Các trường học và nhà hàng đã mở cửa trở lại, nhiều người cũng quay lại làm việc. Ngay cả Moratorio và nhóm nghiên cứu của anh cũng dần quay lại với nghiên cứu ban đầu. Tuy nhiên, anh vẫn giữ cảnh giác. “Hi vọng điều này sẽ kéo dài”, anh bày tỏ. “Tôi sợ rằng một lúc nào đó chúng ta sẽ không thể duy trì được”.   

Thanh An dịch

NguồnGonzalo Moratorio: Coronavirus hunter (Nature’s 10: ten people who helped shape science in 2020)

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)