Google và môi trường làm việc sáng tạo
Google đang xây dựng một chuẩn mực chung cho các văn phòng của mình trên thế giới nhằm truyền tải những thông điệp văn hóa, và hơn hết, là một cách để giữ chân nhân viên của mình gắn bó với công ty.
Giám đốc truyền thông khu vực Đông Dương của Google châu Á – Thái Bình Dương, Amy Kunrojpanya, là một người nói được 6 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt. Cô lại đang tập tành một ngôn ngữ mới khác khi Google chuẩn bị mở một văn phòng ở một thị trường mới nổi trong khu vực.
Amy nói được tiếng Việt bởi lẽ trước đây cô đã có thời gian mấy năm làm ở Coca Cola Việt Nam. Nay ở Google, dù không rành về công nghệ, nhưng Amy lại rất thích thú với môi trường làm việc mới, đầy sáng tạo. Ở đây, mỗi tuần, cô có thể làm việc ở nhà, bởi lẽ, với một công ty về công nghệ, các dữ liệu đều được lưu giữ trên “đám mây” (cloud), vì thế cô vẫn có thể xử lý được tất cả công việc của mình trong khi ở nhà hay đi dã ngoại.
Amy dẫn chúng tôi bước qua trên những viên gạch lát nền được thiết kể giả cổ trong khuôn viên hai tầng lầu một tòa nhà kế bên Vịnh Marina, Singapore, nơi Google đặt trụ sở vùng Châu Á – Thái Bình Dương. Ấn tượng đầu tiên đập vào chúng tôi là một không gian ẩm thực khổng lồ và trung tâm giải trí phong phú. Tất cả nhằm giữ chân những nhân viên tài năng và để cho họ một không gian thỏa sức sáng tạo.
Amy trao lại “chức” hướng dẫn viên cho Lâm Vũ, một trong 20 Googler người Việt Nam đang làm việc tại đây. Vũ dẫn chúng tôi đi xuyên qua những dãy bàn ăn dài nơi để các nhân viên các bộ phận khác nhau có thể tụ họp vừa ăn vừa trao đổi. Hai nhà ăn chính rộng rãi và thoải mái, phục vụ các món ăn từ lúc 12-14 h hàng ngày, đang đón các thực khách là nhân viên của Google, thường gọi là Googler, vào giờ trưa. Thực đơn của bữa ăn được đưa lên mạng và mỗi nhân viên hàng ngày có thể biết được hôm nay có các món ăn nào. Các món ăn thay đổi hàng ngày và rất phong phú, đủ khẩu vị của các quốc gia có nhân viên làm việc tại trụ sở. Các quầy kệ được bố trí khá bắt mắt, từ khu ăn uống đa quốc gia, đến khu dành cho các món ăn của người Ấn Độ, từ khu tiệc mặn đến khu ăn chay, rồi đến quầy giải khát và tráng miệng, tất cả như một nhà hàng buffet hảo hạng phục vụ các thực khách khó tính.
Đặc biệt, cứ chiều thứ 6, và lúc 4 giờ chiều, ngày mọi người thở phào “Thanks God it’s Friday”, các Googler được phục vụ nhiều món ngon hơn, có cả bia và sâm banh sau một tuần làm việc cật lực. Chưa hết, mỗi nhân viên hàng tháng được dẫn thêm hai người bạn vào cùng ăn uống.
Trao đổi công việc |
Vũ cho biết hơn 300 Googler ở đây có thể chọn cho mình nhiều nơi chốn để làm việc hoặc thư giãn. Google luôn tạo ra một phong cách làm việc mở, chính vì thế trong khuôn viên trụ sở các nhà ăn, khu vui chơi giải trí, thư viện và nơi làm việc không hề có sự ngăn cách. Bất cứ mọi người, mỗi khi có chuyện cần trao đổi đều có thể kéo nhau vào các phòng họp, quán cà phê, ghế thư giãn, bàn ghế đủ loại hình thù hay những thiết kế rất riêng tùy chọn. Những phòng họp nhỏ được bài trí khá bắt mắt, với đầy đủ các thiết bị hiện đại nhất, đều dành cho nhân viên sử dụng. Đặc biệt, mỗi phòng họp được đặt tên và trang trí theo phong vị của một thành phố châu Á để nhắc nhở về văn hóa cổ truyền của phương Đông mà Nha Trang là một phòng trong đó.
Những bà mẹ có con nhỏ thì đã có phòng riêng cho mình để lấy sữa chăm con. Ai mệt mỏi nhưng không muốn nghỉ ngơi thì có thể dùng một trong hai phòng massage mà công ty xây ngay trong khuôn viên. Khỏe thì đánh bóng bàn, chơi billards, banh bàn. Muốn nhâm nhi thì có góc cà phê khá riêng tư và tĩnh lặng. Không thích thì kéo nhau ra thư viện để vừa ăn, vừa đọc sách, vừa nói chuyện, trao đổi, chia sẻ, lại vừa có thể tranh thủ chợp mắt trong những quầy nhỏ, kín đáo. Muốn đánh giấc thì kê mình lên những chiếc võng rộng rãi và êm ái. Ai thích ngắm cảnh thì bưng đồ ăn vào một phòng có vách ngăn, nhìn ra vịnh Marina ngắm những con tàu đến và đi hay các tòa tháp chọc trời đang nối đuôi nhau mọc lên, cũng đủ thấy thú vị. Chưa hài lòng nữa thì ra bếp nhỏ, nơi có đồ ăn, thức uống ngay bên cạnh chỗ làm việc, chẳng phải phiền lòng đi xa.
Hãng dịch vụ tìm kiếm này trong nhiều năm qua được đánh giá là một nơi đáng để đầu quân nhất trên thế giới. Google đang xây dựng một chuẩn mực chung cho các văn phòng của mình trên thế giới nhằm truyền tải những thông điệp văn hóa, và hơn hết, là một cách để giữ chân nhân viên của mình gắn bó với công ty. Dường như, họ không phải đi đâu nữa, mà ngay chính nơi làm việc của mình đã trở thành nhà và là chốn thư giãn.
Những nhà hàng của Google không hẵn chỉ làm nhiệm vụ duy nhất: phục vụ bữa ăn cho nhân viên, mà hãng này đã rất tinh tế khi biến giờ ăn là khoảng thời gian không chỉ gặp gỡ chuyện trò mà con để trao đổi và bàn bạc công việc. Những khoảng khắc giải trí sẽ khiến cho nhân viên của mình có thời gian thoải mái để biến công việc trở nên hiệu quả hơn. Công việc của các nhân viên có thể được giải quyết bất cứ lúc nào, từ phòng họp, bàn ăn, bàn billards, trên võng hay ở một góc thư viện và cả trong phòng tắm ngay tại trụ sở. Những màu sắc lạ lẫm, những hình thù lạ mắt tất cả đều từ yêu cầu và sự sáng tạo từ chính các nhân viên đang làm việc nhằm tạo tâm lý thoải mái và tự do để các Googler có thể đưa ra các ý tưởng sáng tạo mới.
Dĩ nhiên, Google không phải là nơi mà nhân viên chỉ đến ăn và chơi, mà chính những đãi ngộ đó đòi hỏi các nhân viên phải hết sức nghiêm túc trong công việc và phải thực sự có năng lực đủ để đáp ứng cường độ công việc cao. Chính từ môi trường làm việc thoải mái như vậy, những sản phẩm công nghệ đột phá, độc đáo, làm thay đổi thế giới đã ra đời.
Với một môi trường làm việc cực kỳ thoải mái, biến văn phòng thành ngôi nhà và là nơi giải trí, Google đã khơi dậy được sự sáng tạo và cống hiến của nhân viên mình. |
Quả thật, với một môi trường làm việc cực kỳ thoải mái, biến văn phòng thành ngôi nhà và là nơi giải trí, Google đã khơi dậy được sự sáng tạo và cống hiến của nhân viên mình. Hãng công nghệ này cho phép nhân viên dành một thời gian nhất định trong công việc hàng ngày để tham gia các dự án sáng tạo. Google thường xuyên mời rất nhiều diễn giả nổi tiếng, từ ca sĩ, nghệ sĩ, nhà văn, chính trị gia… đến công ty để diễn thuyết. Các chương trình này được quay phim lại và được chia sẻ qua trang web video trực tuyến của họ là You tube trong chuyên mục Google Talk. Chính những chương trình này luôn khơi dậy và giữ cho trí não luôn học hỏi, phát triển và tư duy sáng tạo.
Chả trách, doanh thu năm 2012 của Google đạt mức kỷ lục, với 50 tỉ đô la Mỹ. 6 tháng đầu năm nay, doanh thu cũng đã đến con số 28tỷ đô la Mỹ, hứa hẹn một năm tăng trưởng tiếp theo của Google.