GS P.Darriulat nói chuyện với sinh viên về Marie Curie

Chiều 7/3, tại trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, GS Pierre Darriulat (Phòng thí nghiệm VATLY nghiên cứu về tia vũ trụ, Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã có buổi nói chuyện với hơn 100 sinh viên về Marie Curie, nhà nữ khoa học đầu tiên và duy nhất cho đến nay giành giải Nobel ở cả hai lĩnh vực Vật lý và Hóa học.

PGS.TS Vũ Hoàng Linh, Hiệu phó ĐH Khoa học tự nhiên, tham dự và phát biểu tại sự kiện.

Cuộc đời Marie Curie (1867 – 1934) không thiếu những vinh quang chói lọi nhưng buổi nói chuyện của GS Pierre Darriulat không nhằm tô đậm những vinh quang này, mà quan tâm nhiều hơn đến con đường đã đưa Marie Curie vượt qua cái nghèo, những định kiến về giới, và những hẹp hòi, thiển cận trong cách ứng xử với người nhập cư, để theo đuổi những giá trị khoa học mà bà tin rằng không chỉ phụng sự cho đất nước đã cưu mang bà mà rộng hơn, phụng sự cho nhân loại.

Bài nói chuyện cũng đề cập những mất mát cả về thể chất lẫn tinh thần do công việc và do những biến cố mất người thân trong cuộc đời nhà khoa học, đến mức đã có thời điểm bà bị trầm cảm nghiêm trọng và phải nhập viện, hay việc bà đã bị tổn thương và phiền muộn như thế nào bởi sự thô bạo của báo chí.

Kết thúc bài nói chuyện, GS Darriulat đã trả lời một số câu hỏi của sinh viên, chủ yếu về ý nghĩa và giá trị của khoa học. Trước băn khoăn của một bạn trẻ về việc liệu có nên nghiên cứu những vấn đề có nguy cơ bị sử dụng vào những mục đích không tốt đẹp, GS Darriulat nhấn mạnh, tiến bộ chỉ đến từ việc khám phá, chứ không phải từ việc ngăn cản khám phá.

Buổi nói chuyện là một hoạt động thuộc chuỗi sự kiện nhằm phổ biến kiến thức khoa học và nghệ thuật ra công chúng do tạp chí Tia Sáng tổ chức thường kỳ, với sự tài trợ của Quỹ Văn hóa Trung Nguyên.

* Một số trích dẫn mang tính tự bạch cho biết những chi tiết thú vị về cuộc đời và sự nghiệp của Marie Curie được GS Darriulat trình bày tại buổi nói chuyện:

“Vấn đề khá nghiêm trọng ở đây là làm thế nào tôi có thể chăm sóc Irene và tổ ấm của chúng tôi mà không phải từ bỏ công việc nghiên cứu khoa học. Việc từ bỏ nghiên cứu với tôi chắc sẽ là điều vô cùng đau đớn, và chồng của tôi thậm chí còn chẳng nghĩ đến việc đó… Vì vậy, sự đồng tâm của gia đình chúng tôi đã giúp tôi có thể hoàn thành nghĩa vụ của mình.”

“Trường Lý Hóa PC có thể không cung cấp chúng tôi cơ ngơi thích hợp nhưng vì không còn chỗ nào tốt hơn nên chúng tôi đã sử dụng một nhà xưởng bị bỏ hoang, một phòng trước đây là phòng giải phẫu của Khoa Y-Dược. Mái nhà thủy tinh của căn phòng không thể giúp tránh mưa hoàn hảo, vào mùa hè thì căn phòng nóng ngột ngạt, và cái lạnh thấu xương của mùa đông chỉ giảm đi được chút ít nhờ có lò sưởi bằng gang. Chưa từng có thắc mắc gì về việc nhận những dụng cụ riêng cần thiết đã được các nhà hóa học sử dụng chung. Chúng tôi chỉ đơn thuần có một số bàn gỗ thông cũ cùng với lò nung và mỏ hàn xì. Chúng tôi phải sử dụng sân kế bên để tiến hành các cuộc thí nghiệm hóa học sản sinh ra loại khí gây rát da. Nhưng chính trong nhà xưởng cũ tồi tàn này, chúng tôi đã trải qua những năm hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình, được cống hiến cả ngày cho công việc. Thường thì tôi phải chuẩn bị bữa trưa ngay trong nhà xưởng để không làm gián đoạn một số thí nghiệm quan trọng nhất định. Đôi khi tôi phải dành cả ngày để trộn một lớp quặng đang sôi với một sợi dây thép nặng, dài gần bằng tôi. Khi đó tôi sẽ mệt lả đi vào cuối ngày.

“Trái lại, trong những ngày khác, công việc chỉ là sự kết tinh phân đoạn khéo léo nhất, nhằm cô đặc radium. Khi đó, điều làm tôi thấy khó chịu chính là bụi sắt và than đá bay tứ tung khiến tôi không thể bảo vệ sản phẩm quý giá của mình. Tuy nhiên, niềm vui rất lớn ở đây là được làm nghiên cứu khoa học trong bầu không khí im vắng và sự phấn khích khi có được bước tiến thực sự cùng với niềm tin sẽ đạt được kết quả tốt hơn. Cảm giác chán nản xuất hiện sau một vài lần thất bại cũng không kéo dài lâu, nhường chỗ cho các hoạt động đổi mới. Chúng tôi có những khoảnh khắc hạnh phúc khi được dành hết thời gian vào cuộc thảo luận về công việc trong không gian yên tĩnh, được đi vòng quanh nhà xưởng. Một trong những niềm vui của chúng tôi là đến phòng làm việc vào ban đêm. Khi ấy chúng tôi được chiêm ngưỡng mặt phản chiếu dạ quang của những chai lọ hay những nồi nhỏ có chứa sản phẩm của chúng tôi. Những ống phát sáng trông như thể ánh sáng mờ mờ huyền ảo.”

“Tôi là một trong những người tin rằng nhân loại sẽ nhận được nhiều lợi hơn hại từ những khám phá mới.”

“Năm 1903, tôi hoàn thành luận văn Tiến sỹ của mình và lấy được bằng Tiến sỹ. Đến cuối năm, giải thưởng Nobel đã được đồng trao cho Becquerel, chồng tôi và tôi vì đã khám phá ra phóng xạ và những nguyên tố phóng xạ mới. Sự kiện này đã làm tăng sự phổ biến công trình nghiên cứu của chúng tôi. Cũng có lúc sự yên bình chẳng còn nữa. Khách đến thăm và những yêu cầu thuyết giảng cũng như giới báo chí đã làm gián đoạn công việc mỗi ngày… Chúng tôi đã mệt mỏi vì những nỗ lực quá sức mình và phải chấp nhận tình trạng công việc không được như ý muốn, nay lại càng tăng thêm mệt mỏi vì sự xâm phạm của công chúng.[…] Vấn đề này khá nghiêm trọng đối với trật tự cuộc sống của chúng tôi vì chúng tôi cần thoát khỏi những điều phiền phức bên ngoài để duy trì cuộc sống gia đình cũng như hoạt động nghiên cứu khoa học của chúng tôi.”

“Bị dồn ép vào nỗi bất hạnh này, tôi đã không thể đối mặt với tương lai. Nhưng tôi không thể quên điều chồng tôi đã từng nói với tôi, rằng kể cả khi mất đi ông ấy, tôi vẫn phải tiếp tục công việc nghiên cứu của mình.” (Trích dẫn này liên quan đến sự kiện Pierre Curie qua đời năm 1906, trong lúc đang vội băng qua đường và bị một cỗ xe ngựa nặng sáu tấn đâm phải)

“Tôi đã kiên quyết dành hết sức lực của mình để phục vụ cho đất nước đang cưu mang tôi vì tôi không thể làm gì cho quê cha đất tổ không may mắn của mình ngay lúc này…” (Lá thứ Marie Curie viết cho Paul Langevin vào tháng 01/ 1915).

* Một số hình ảnh về buổi nói chuyện của GS Darriulat (tác giả: Thu Quỳnh và Hảo Linh)


Buổi nói chuyện của GS Darriulat có tiêu đề “Marie Curie: Nhà khoa học, nhà nhân văn, một tấm gương cho tất cả chúng ta”


Một sinh viên Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đặt cho GS Darriulat khá nhiều câu hỏi trực tiếp bằng tiếng Anh về mục đích và giá trị của khoa học.

PGS.TS Vũ Hoàng Linh, Hiệu phó ĐH Khoa học tự nhiên, chia sẻ câu chuyện về nhà khoa học vật lý Ngụy Như Kon Tum, Hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay: Sau khi tốt nghiệp Đại học Sorbonne, Paris, ông được nhận làm nghiên cứu sinh tại phòng thí nghiệm của Frédéric Joliot-Curie, nhà vật lý hạt nhân nổi tiếng của Pháp, con rể của Marie Curie; năm 1939, nghe theo lời khuyên của Joliot-Curie, ông đã quyết định trở về nước dạy học.

Một số sinh viên vẫn nán lại để trao đổi thêm với diễn giả sau khi tất cả đã cùng nhau chụp ảnh lưu niệm (ảnh dưới).


 

 

 

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)