Guus Velders: Nhà nghiên cứu ôn hòa
Nhân vật thứ tư trong danh sách 10 nhà khoa học xuất sắc năm 2016 do Nature bình chọn là Guus Velders, nhà hóa học khí quyển góp phần thiết lập nền tảng cho thỏa thuận về khí hậu quốc tế.
Nhà hóa học khí quyển Guus Velders. Nguồn: nrc.nl
Việc các nhà hóa học khí quyển tham gia hỗ trợ cứu lấy thế giới không thường xuyên xảy ra nhưng Guus Velders đã có cơ hội này vào tháng 10/2016 khi tham gia các đàm phán quốc tế ở Kigali, Rwanda để cùng tìm cách loại bỏ dần dần việc sản xuất và tiêu thụ hydrofluorocarbons (HFCs), hợp chất thường được dùng trong điều hòa nhiệt độ có khả năng gây ra khí nhà kính.
Phần lớn các quốc gia đều nhất trí lịch trình cắt giảm các hợp chất này nhưng Ấn Độ và một vài quốc gia khác lại muốn gia hạn thêm bốn năm nữa. Sau khi đưa ra các con số trên mô hình phân tích, Velders đã cảnh báo với các nhà đàm phán rằng sự nhượng bộ đặc biệt này có thể dẫn đến hậu quả là tác động của việc cắt giảm HFCs chỉ còn ở mức rất nhỏ.
Nỗ lực của Velders tại hội nghị cũng như những công việc trước đó của ông đã góp phần thúc đẩy việc ký kết một hiệp ước toàn cầu thành công vào ngày 15/10/2016. Velders, một nhà nghiên cứu có những phát ngôn ôn hòa tại Viện nghiên cứu y tế công cộng và môi trường quốc gia ở Bilthoven, Hà Lan, đã được đánh giá cao về sự đóng góp của mình vào hiệp ước này. Ông nói: “Trước đây tôi chưa bao giờ tham gia vào một quá trình vận động dẫn đến một thỏa thuận toàn cầu về khí hậu”.
Tuy nhiên thành quả này không phải là điều ngẫu nhiên. Đồng nghiệp nói rằng Velders là chuyên gia hàng đầu thế giới về khí thải HFC và không ai có thể cung cấp những phân tích nhanh chóng và chính xác như thế ở Kigali. Ông là một trong những nhà khoa học đóng góp nhiều công sức vào việc làm mới/nâng cấp Nghị định thư Montreal 1987 – một thỏa thuận quốc tế để bảo vệ tầng ozone – bằng một công cụ có thể giúp chống lại sự ấm lên toàn cầu.
Những chất làm lạnh bị cắt giảm trong phạm vi của thỏa thuận quốc tế này cũng là những khí nhà kính và nhóm của Velders đã chứng tỏ, Nghị định thư Montreal vượt trội hơn Nghị định thư Kyoto 1997 về khả năng kiểm soát nhiệt độ toàn cầu. Gần đây, nhóm nghiên cứu đã tiên đoán về việc HFC là nguyên nhân dẫn đến nhiệt độ thế kỷ 21 tăng lên như thế nào, qua đó giúp chuẩn bị cho thỏa thuận về HFC, yếu tố được coi là cải thiện so với Nghị định thư Montreal.
Durwood Zaelke, chủ tịch Viện nghiên cứu Quản trị và phát triển bền vững, một nhóm vận động về chính sách tại Washington DC đánh giá: “Nhóm nghiên cứu của Velders luôn giải đáp những câu hỏi đúng vào đúng thời điểm. Chúng tôi không thể đạt được thỏa thuận này nếu không có họ”.
Thanh Nhàn dịch
Nguồn: http://www.nature.com/news/nature-s-10-1.21157