Hải ly xuất hiện tại Tây Bắc Alaska: Những tranh cãi

Hải ly mang lại những lợi ích đối với hệ sinh thái của vùng, nhưng đồng thời chúng cũng mang mầm bệnh, gây xáo trộn đời sống con người


Hải ly được mệnh danh là những “kỹ sư đắp đập đại tài” nhờ đặc điểm tự nhiên là xây đập trên các con sông và suối, và xây ổ của chúng trong các vũng nước do đập bao quanh hình thành. Ảnh: Science Focus

Vào một ngày đầu năm, Cyrus Harris nhảy lên một chiếc xe trượt tuyết và phóng đến một bán đảo gần Kotzebue, Alaska. “Đập hải ly đầu tiên mà chúng ta đang đến cách thị trấn khoảng ba dặm,” ông nói. “Gần đó là một cái đập khác, cách khoảng năm dặm là một cái đập khác nữa, trong khi đây mới chỉ là một khu vực nhỏ.”

Harris là người Eskimo (một dân tộc bản địa sống ở vùng băng giá phân bố từ Đông Siberia – Nga, qua Alaska – Hoa Kỳ, Canada, và Greenland), ông sinh năm 1957 và trải qua thời thơ ấu của mình ở Kotzebue Sound, Sisualik, Alaska. “Tôi chưa từng thấy hải ly xuất hiện ở đây”, ông phân tích. “Thật điên rồ khi một ngày nọ hải ly bỗng kéo đến, chúng hiện diện khắp toàn bộ vùng này.”

Hải ly là một loài động vật có vú chủ yếu sống về đêm và là loài sống nửa cạn nửa nước thuộc Họ Hải ly, Bộ Gặm nhấm. Chúng được mệnh danh là những “kỹ sư đắp đập đại tài” nhờ đặc điểm tự nhiên là xây đập trên các con sông và suối, và xây ổ của chúng trong các vũng nước do đập bao quanh hình thành. Hải ly cũng xây kênh để thả trôi vật liệu xây dựng mà chúng không thể kéo đi trên đất. Chúng dùng răng cửa chắc khỏe để cắt cây, thực vật được chúng dùng để xây đập và để ăn.

Hải ly hiếm khi xuất hiện ở Tây Bắc Alaska, nhưng chúng bắt đầu được người dân trong vùng nhìn thấy thường xuyên hơn vào những năm 80 và 90. Mục sư Lance Kramer (người Eskimo) vẫn thường bẫy hải ly, chủ yếu để làm mũ lông. Gần đây vị Mục sư đã hỏi một trưởng lão về lần đầu tiên ông nhìn thấy hải ly tại khu vực này. “Họ nhìn thấy chúng trên đài nguyên (tundra – một quần xã sinh vật trong đó sự phát triển của cây gỗ bị cản trở do nhiệt độ thấp và mùa sinh trưởng ngắn), và nó trông giống như một con sói, nhưng hoá nó là một con hải ly thân dài. “[Nó] đã đi rất xa trên lãnh nguyên để đến được đây, đến nỗi phần dưới đuôi của nó đã bị mòn hết cả.”

Giờ đây động vật — và ao, đập và ổ — ở khắp mọi nơi. Thông qua hình ảnh vệ tinh của khu vực Kotzebue, các nhà khoa học phát hiện ra rằng số lượng đập hải ly đã tăng từ hai đập vào năm 2002 lên 98 vào năm 2019, đồng nghĩa với việc tăng 5.000%. Và không chỉ vỏn vẹn trong Kotzebue: Các ao hải ly đã tăng gấp đôi diện tích kể từ năm 2000, với 12.000 ao ở Tây Bắc Alaska hiện nay. Chúng tác động lên hệ sinh thái, và đang biến đổi vùng đài nguyên.

Loài gặm nhấm lớn nhất Bắc Mỹ có xu hướng di chuyển về phía Bắc, một phần do biến đổi khí hậu. Khi đài nguyên ấm hơn và cây cối sinh trưởng xanh tươi hơn, nó đã thu hút hải ly, loài cần cây bụi để làm thức ăn, đập và ổ. Sự gia tăng số lượng hải ly một phần nhờ vào việc bẫy hải ly – vốn phổ biến trong nhiều thế kỷ – đã giảm dần, và chúng đang phát triển mạnh.

Gần đây, trong Báo cáo về Bắc Cực năm 2021 do Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia công bố, một báo cáo thường niên theo dõi những thay đổi trong khu vực, hải ly được xem là một “yếu tố gây xáo trộn mới”. Đó là bởi vì chúng đang xây đập nơi các con sông và tạo ra các ao sâu hơn, ấm hơn, mở ra các loại môi trường sống dưới nước mới. “Có một câu hỏi quan trọng cần đặt ra, nếu bạn đang đứng ở bất kỳ vị trí nào tại Bắc Cực, đó là ‘Còn bao lâu nữa thì hải ly sẽ di chuyển đến đó?”, Ken Tape, một nhà sinh thái học nghiên cứu về sự mở rộng của hải ly tại Đại học Alaska Fairbanks, cho biết. “Bất kỳ nơi nào chúng đến, môi trường tự nhiên sẽ đổi khác.”


Hải ly xây đập để giữ mực nước ở một mức nhất định.  Ảnh: Pinterest

Harris lo ngại rằng những con hải ly bơi trong hồ chứa cung cấp nước uống cho Kotzebue có thể sẽ sinh trưởng nhanh chóng, tràn ngập nhà máy xử lý nước cộng đồng. Hải ly (và các động vật khác) mang ký sinh trùng giardia, chúng thải phân ra môi trường, sau đó nước bị nhiễm phân của chúng có thể gây nhiễm trùng đường ruột của người và động vật. Harris cũng như nhiều người dân khác thường uống nước trực tiếp từ sông trong các chuyến đi săn và câu cá của họ, nhưng giờ đây họ đang suy nghĩ lại. “Nếu chất lượng nước của chúng tôi bị ảnh hưởng, chúng tôi biết phải làm thế nào đây?” Harris nói.

Selawik, cách khoảng 80 dặm về phía Đông, cũng là một điểm nóng của hải ly. Một số người tỏ ra khá khó chịu vì loài động vật này đang chặn đường đi săn bằng thuyền. “Các vị trưởng lão đã khuyên rằng hãy loại bỏ bớt hải ly, nhưng chẳng ai nghe theo, giờ thì chúng đã quá đông”, Ralph Ramoth Jr. (người Eskimo), một thợ săn, cho biết . Những cái ổ hải ly cao tới 15 feet khiến việc xác định phương hướng để săn những con nai sừng tấm ở vùng đầm lầy trở thành một nhiệm vụ đầy thách thức. “Những con đập cũng cản đường di chuyển của thuyền, khiến bạn không thể dùng thuyền để đi đâu”. Đôi khi anh ấy cố gắng phá công trình thủ công của hải ly, nhưng nỗ lực này cũng không thành công. “Nếu bạn làm hư hại một phần của một con đập hoặc ổ hải ly, chúng sẽ quay lại ngay và nhanh chóng tu sửa chỉ trong một thời gian ngắn,” anh nói. “Chúng quả thật là những con hải ly bận rộn.”

                 Đập hải ly nhìn từ trên mặt nước. Ảnh: Wikimedia

Những thợ săn như Ramoth coi hải ly là loài gây hại, và Harris muốn chính quyền đưa ra các biện pháp nhằm kiểm soát quần thể hải ly. Nhưng nhiều người thì lập luận rằng hải ly không nhất thiết phải tạo ra một đài nguyên tốt hơn hay tồi tệ hơn – đó chỉ đơn giản là một đài nguyên khác. Kramer coi sự xuất hiện của chúng là một dấu hiệu may mắn nâng cao mức độ đa dạng của môi trường sống. “Hải ly cung cấp nhiều lợi ích sinh thái”, Kramer cho biết. “Chúng tạo ra các hồ, ao và các vùng đầm lầy lớn hơn; những con nai sừng tấm, vịt, thuỷ cầm và chuột xạ hương cũng kéo đến nhiều hơn.”

Các nhà khoa học sẽ tiếp tục theo dõi hoạt động của hải ly và những tác động môi trường mà chúng mang lại. Cho đến hiện tại, vẫn còn một câu hỏi lớn chưa có lời đáp: Liệu hải ly có đang đẩy nhanh tình trạng biến đổi khí hậu trong khu vực? Những vũng nước do các con đập của chúng tạo nên ấm hơn vùng đất xung quanh, và điều đó có thể làm tan băng vĩnh cửu và giải phóng khí nhà kính carbon lẫn metan vào bầu khí quyển. “Hải ly có thể là một nhân tố”, Christina Schädel, giáo sư nghiên cứu về băng vĩnh cửu tại Đại học Bắc Arizona, cho biết. “Nhưng chúng tôi không biết chúng gây ra tác động lớn đến mức nào. Để biết được, chúng ta phải tiến hành điều tra”.

Hà Trang tổng hợp

Nguồn:

In Alaska, Beavers Are Engineering a New Tundra

Tundra be dammed: Beaver colonization of the Arctic

Beaver Engineering: Tracking a New Disturbance in the Arctic

Tác giả

(Visited 21 times, 1 visits today)