Hai nhiệm vụ trí vận ở Paris

Câu chuyện ngoại giao khoa học này của GS Tôn Thất Tùng bắt đầu vào tháng 4-1977, khi giáo sư có mặt trong phái đoàn cán bộ của Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang thăm và ký kết một Hiệp ước về hợp tác văn hóa với Pháp. Sau khi ký Hiệp ước, giáo sư Tôn Thất Tùng được Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ thị ở lại Paris thêm hai tuần để cùng ông Võ Văn Sung - Đại sứ Việt Nam tại Pháp, thực hiện hai nhiệm vụ là xem xét ảnh hưởng của Hiệp ước đối với trí thức Pháp.


Giáo sư Tôn Thất Tùng khoảng những năm 1970. Nguồn: Trung tâm Di sản các nhà khoa học.

Câu chuyện ngoại giao khoa học này bắt đầu vào tháng 4-1977, khi giáo sư Tôn Thất Tùng có mặt trong phái đoàn cán bộ của Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang thăm và ký kết một Hiệp ước về hợp tác văn hóa với Pháp. Sau khi ký Hiệp ước, giáo sư Tôn Thất Tùng được Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ thị ở lại Paris thêm hai tuần để cùng ông Võ Văn Sung – Đại sứ Việt Nam tại Pháp, thực hiện hai nhiệm vụ là xem xét ảnh hưởng của Hiệp ước đối với trí thức Pháp, khả năng tận dụng họ để thực hiện hiệp ước một cách thuận lợi cho khoa học nước nhà; giải thích cho trí thức Việt kiều ở Pháp hiểu được chính sách của Chính phủ Việt Nam.

Nhà ngoại giao khoa học Tôn Thất Tùng

Do đó, giáo sư Tôn Thất Tùng đã ở lại Paris và làm việc trong 18 ngày, từ 31/4 đến 17/5/1977, ngày nào cũng làm việc từ lúc 8 giờ sáng liên tục cho đến 2 giờ đêm, ban ngày gặp các trí thức và các nhà khoa học Pháp, sau đó là làm việc với các trí thức Việt kiều, đặc biệt những người làm việc trong ngành Y. Thật may mắn là trong những ngày đó, ông đã được hai nhóm Việt kiều là nhóm ngành Toán ở Đại học Paris VII và nhóm Bách khoa – cầu đường, giúp đỡ nhiệt tình.
Với mục tiêu tìm hiểu và đặt vấn đề hợp tác trong khoa học và kêu gọi các nguồn viện trợ cho Việt Nam, giáo sư Tôn Thất Tùng đã đến thăm và làm việc với các tổ chức như Trung tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), Viện Pasteur, Đại học Paris VII, Trường Đại học Bách khoa, Trường Ponts et Chaussées…, đồng thời gặp gỡ các nhân vật, trí thức có ảnh hưởng lớn ở Pháp thời đó như giáo sư toán học René Thom, người được trao Giải thưởng Fields năm 1958 cùng giáo sư Klaus Roth (Anh), giáo sư vật lý Mechel; giáo sư vật lý chất rắn G Lempel; giáo sư vật lý toán David Ruelle… 
Có lẽ, là người ngành Y nên giáo sư Tôn Thất Tùng đặc biệt có cảm tình và trao đổi kỹ với các đồng nghiệp Pháp, ví dụ như giáo sư Nhi khoa Robert Debré, làm việc tại Necker-Enfants Malades, bệnh viện quan trọng bậc nhất về Nhi khoa ở ở Paris và sau được mang tên ông. Hiện tại, chúng ta không có thông tin chi tiết về cuộc gặp gỡ này nhưng thái độ trọng thị của giáo sư Robert Debré trong buổi làm việc với giáo sư Tôn Thất Tùng tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về Nhi đồng và Thiếu niên đã được thể hiện qua nhận xét chân tình và không kém phần ngưỡng mộ đất nước Việt Nam: “Hôm nay chúng tôi rất vinh dự và sung sướng được đón tiếp một nhân vật Việt Nam, đại diện cho một dân tộc anh hùng trong những dân tộc anh hùng. Xưa kia sử sách còn ghi lại sự hy sinh dũng cảm của 300 người Hi Lạp đã giữ vùng đèo Thermopyle dưới sự chỉ huy của Leonidas chống lại ngoại xâm Perse. [Ngày nay], nhân dân Việt Nam còn hơn Hi Lạp đã nêu cao tinh thần bất khuất đánh trả máy bay B52…”.&n

Những ngày ở Paris, giáo sư Tôn Thất Tùng không chỉ “vào vai” một nhân vật ngoại giao với các cuộc gặp gỡ những nhà trí thức mà ngược lại, chất khoa học đã đưa ông trở lại vị trí thân thuộc của mình. Tại trường Đại học Paris VII, với vốn hiểu biết rút ra từ việc tham khảo tài liệu quốc tế kết hợp nghiên cứu thực nghiệm tại Việt Nam, ông còn tham gia giảng bài ở Khoa Ecotoxicologie (Sinh thái chất độc), Bệnh viện P.Brousse, Bệnh viện Eaubonne… Từ những buổi lên lớp và tới các phòng thí nghiệm về sinh học tế bào, sinh học phân tử như vậy, ông đã nhận được những chia sẻ chân tình từ các nhà khoa học ở đây. Nữ giáo sư Simone Pruseux người Pháp gốc Việt – Nga nói với ông: “­­Anh nên coi tôi như người dân Việt Nam, cần gì tôi sẽ hết sức giúp”. 
Sau những cuộc tiếp xúc, trao đổi, giáo sư Tôn Thất Tùng đã đưa ra nhận định về vai trò của trí thức Việt kiều tại Pháp: “Pháp là một nước tiên tiến về khoa học, ở Pháp ta có một thuận lợi rất lớn là có rất nhiều bạn, rất nhiều người có cảm tình với dân tộc ta. Tất cả các vị trí then chốt về khoa học hay y học của Pháp đều có Việt kiều của ta. Tôi đã phát hiện rất nhiều người khoa học Việt Nam hay gốc Việt Nam mà ở ngoài Liên hiệp Việt kiều vì một vài lý do gì đấy, nhưng đều ra mặt gặp tôi và hứa sẽ giúp đỡ ta khi tôi vào thăm các cơ quan đó”. 

Tìm nguồn học bổng 

Nhiệm vụ “trí vận” của giáo sư Tôn Thất Tùng không chỉ đơn thuần là tìm hiểu và vận động các trí thức Pháp và trí thức Việt kiều hiểu được chính sách của Chính phủ Việt Nam mà còn là tìm nguồn hỗ trợ thiết bị và đào tạo nhân lực, những yếu tố vẫn còn hạn chế ở Việt Nam khi đó. 
Với cầu nối là các tổ chức như Ban lãnh đạo Liên hiệp Việt kiều, Ban Y học Liên hiệp Việt kiều, Ban phụ trách sinh viên Y khoa Việt kiều, giáo sư Tôn Thất Tùng đã có những cuộc gặp gỡ trí thức Việt kiều, qua đó tận dụng sự hỗ trợ từ các Việt kiều đang sinh sống và làm việc ở đây như vợ chồng giáo sư Vĩnh Mậu (cháu của giáo sư Bửu Hội) là hai nhà Vật lý giảng dạy ở Orsay; giáo sư Trân dạy về Vật lý lý thuyết ở trường Đại học Bách khoa Polytechnique… Qua họ, ông đã liên hệ được với kỹ sư Nguyễn Văn Phúc (cậu ruột của giáo sư toán học Hoàng Xuân Sính) ở tỉnh Toulouse lên Paris để trao đổi. Khi đó, ông Phúc đang làm việc tại cơ sở sản xuất máy bay tỉnh Toulousse, cơ sở sản xuất máy bay dân dụng lớn nhất của Pháp. Sau buổi trao đổi với giáo sư Tôn Thất Tùng tại Paris, ông Phúc đã nhận lời về Việt Nam giúp đỡ việc sản xuất máy bay HL-1 và HL-2 vào cuối năm đó.


Các giáo sư Pháp ở Khoa sinh học, trường Đại học Paris VII. Nguồn: wiki

Thông qua những ngày làm việc với các nhà khoa học và các tổ chức, các trường, viện nghiên cứu, giáo sư Tôn Thất Tùng đã làm được cả hai điều đã định. Thứ nhất về trang thiết bị, từ lâu Pháp đã có chủ trương cung cấp cho Việt Nam những thiết bị đã qua sử dụng nhưng còn tốt của các cơ quan nghiên cứu, đặc biệt là Viện Pasteur nhưng cần có giấy phép của chính quyền Pháp (giấy phép của cơ quan phụ trách, giấy phép của Trung tâm CNRS,…) để chuyển chúng về Việt Nam và phải có tiền vận chuyển. Giáo sư Tôn Thất Tùng đã không nản chí và kiên trì làm việc với Bộ Ngoại giao Pháp và đã giải quyết thành công trước khi về nước. Thứ hai về đào tạo cán bộ cho khoa học Việt Nam với nguồn học bổng từ Pháp. Vào thời điểm đó, Việt Nam mới chỉ biết đến học bổng của Bộ Ngoại giao Pháp cấp mà chưa chú ý và quan tâm khai thác những nguồn khác từ các viện nghiên cứu, các khoa tài trợ (Bourses de Institut, Facultes); Bourses de Contracts (các hợp đồng trao đổi nghiên cứu với CNRS; học bổng về Y học do nghiên cứu của Association Claude Bernard; Học bổng do các cá nhân tài trợ (Bourses Secteur privé); học bổng trường Đại học Y Paris (Collège de Medecine Paris)… 
Để tranh thủ tối đa các học bổng đó cho người Việt Nam, giáo sư Tôn Thất Tùng đã bàn với các bạn Pháp và một số Việt kiều là nên sử dụng các học bổng theo định kỳ tháng chứ không phải năm như thông thường. Theo quan điểm của ông, phù hợp với tình hình Việt Nam lúc đó, Nhà nước nên cho các sinh viên đi học ngắn hạn từ 3 đến 6 tháng, thay vì đi một lần trong thời gian quá lâu, như vậy một học bổng có thể được chia cho từ 2 đến 4 người trong khoảng thời gian ấy… Để tận dụng tốt cơ hội này, mỗi kỳ như vậy phải gắn với yêu cầu cụ thể bởi một số người được cử sang Pháp không phải để lấy học vị mà để bổ túc kiến thức, giải quyết một vấn đề về chuyên môn, kỹ thuật… Mặt khác, ông cho rằng “nên phát triển quan hệ cá nhân giữa những người làm khoa học và muốn cho mọi sự được kết quả tốt, nên có quan hệ tốt với Sứ quán Pháp ở Hà Nội để dễ dàng trong công việc”. 
Trên thực tế trong những ngày ở Paris, dựa trên mối quan hệ cá nhân của mình với Trung tâm CNRS, giáo sư Tôn Thất Tùng đã xin được hai học bổng cho hai Việt kiều vào thực tập ở Gif/Yvete để sau này về giúp đất nước trong kế hoạch sản xuất thuốc… Trong vòng hai tuần, ông đã xin được chín học bổng cho người Việt Nam ở các trường, viện nghiên cứu. 
Sau khi về nước, ông được Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội cho biết, số lượng học bổng mà Pháp dành cho Việt Nam còn tới mười suất nhưng ta chưa dùng hết. Ông cảm thấy rất buồn về sự lãng phí quá mức này. 
***
Sau những ngày ở Paris, GS Tôn Thất Tùng đã đưa ra những đề nghị cụ thể trình Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông nhận định, “giữa khoa học của ta và Pháp có một khoảng trống khá rộng mà chúng ta có thể thu hẹp lại nhanh chóng, nếu chúng ta tích cực biết làm”. 
Với một vấn đề lớn như vậy, giải pháp thiết thực cần được làm ngay là củng cố vị trí khoa học, văn hóa của Việt Nam ở Paris thông qua việc lập một hội đồng cố vấn khoa học với nhiệm vụ thực hiện các hợp tác mua máy móc và nên tham khảo ý kiến của các trường đại học, các viện nghiên cứu của Pháp. Do hoàn cảnh lúc đó không thuận lợi cho trao đổi thông tin giữa trong nước và quốc tế nên ông đề nghị cho phép gửi thư từ giữa những người làm khoa học với nhau, nếu cần thiết phải xây dựng một danh sách các nhà khoa học của Việt Nam để tiện cho quá trình này. 
Nhìn lại những việc đã làm của mình tại Paris, giáo sư Tôn Thất Tùng cho rằng nó xuất phát từ một “động lực” sâu xa, và có thể điều ấy là: “Tôi nhớ mãi câu nói của Bác ‘cái gì có lợi cho nước thì làm, cái gì hại thì không…’. Tôi thiết tưởng một người trí thức nào biết suy nghĩ một cách yêu nước và độc lập thì cũng có thể thành công”. □
——-
* Tham khảo nguyên bản viết tay Báo cáo về công tác trí vận ở Paris của giáo sư Tôn Thất Tùng, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Cũng trong những ngày ở Paris, giáo sư Tôn Thất Tùng đã đến thăm ông Nguyễn Đăng Tâm – một Việt kiều đã hợp tác với mình trong sản xuất chất LH1 để điều trị ung thư. Trao đổi với ông Tâm, giáo sư Tôn Thất Tùng được biết CNRS cắt chi phí sản xuất thuốc LH1, rút lại phòng thí nghiệm do ông Tâm điều hành tại Trung tâm Gif… Do đó, giáo sư Tôn Thất Tùng đã tìm cách tháo gỡ những khúc mắc này bằng cách báo cáo lên Bộ Ngoại giao Pháp và đồng thời gặp giáo sư Cantacurène – Phó Giám đốc Trung tâm CNRS. Kết quả là Trung tâm CNRS cấp khoản tiền 120.000 franc để đào tạo hai nhà nghiên cứu Việt Nam và hứa bổ sung kinh phí cho ông Nguyễn Đăng Tâm tiếp tục nghiên cứu, sản xuất thuốc LH1. Sau đó ông Đặng Hanh Phức là người được giáo sư Tôn Thất Tùng cử sang học hỏi kinh nghiệm và phương pháp điều chế thuốc LH1 sử dụng trong điều trị ung thư tại Pháp (sau này, ông Phức trở thành phó giáo sư trưởng bộ môn sinh hóa trường Y dược Hà Nội). Giáo sư Tôn Thất Tùng ghi lại: “Tôi đã làm như vậy và có khi thảo luận gắt gao để bảo vệ uy tín khoa học của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)