Hai quan điểm thiếu toàn diện về kinh tế thị trường định hướng XHCN

Đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội là một trong những yêu cầu và mục tiêu cốt lõi trong xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tuy nhiên, đang tồn tại hai quan điểm chưa toàn diện về phương thức thực hiện mục tiêu này.

Quan điểm thứ nhất cho rằng việc Nhà nước trực tiếp phân phối lại quyền sở hữu tư liệu sản xuất luôn là cách hay giúp cải thiện bình đẳng, công bằng xã hội. Thực tế ở Việt Nam cho thấy, thời kỳ đầu sau Đổi mới, Nhà nước đã có những thành tựu nhất định về “xóa đói giảm nghèo”, nhưng những năm qua, hiệu quả của chương trình này có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân bởi cách làm phần lớn có tính thuần túy cơ học là chuyển nguồn lực xã hội vào tay người nghèo, hoặc giao tư liệu sản xuất theo lối cầm tay chỉ việc, mà hiệu quả sẽ chỉ phát huy khi đối tượng thụ hưởng là những người quyết tâm, biết tận dụng cơ hội thoát nghèo. Nếu lạm dụng phương thức này tới một mức độ nào đó, nguồn lực xóa đói giảm nghèo sẽ chủ yếu đến tay những người không có đủ năng lực để sử dụng hiệu quả, hoặc những ai cứ muốn tiếp tục nằm trong diện hộ nghèo để được nhận tài trợ.

Như định lý Coase1 đã chứng minh, dù ban đầu phân bổ quyền sở hữu tư liệu sản xuất như thế nào thì về lâu dài các nguồn lực luôn tìm về tay người sử dụng có hiệu quả nhất, chỉ cần điều kiện là không có những rào cản quá lớn cản trở quyền tự do đàm phán mua bán, đầu tư, và cạnh tranh trong nền kinh tế. Nếu Nhà nước tìm cách cản trở quy luật khách quan này bằng mệnh lệnh hành chính độc đoán (ví dụ chính sách đánh thuế quá nặng, hoặc giữa chừng trưng thu của cải của các nhà sản xuất một cách bất hợp lý…) thì sẽ chỉ làm mất động lực phát triển của nền kinh tế, và khiến các nguồn lực bị lãng phí trong tay những người sử dụng kém hiệu quả. Mặt khác, việc Nhà nước tập trung vào tay mình quá nhiều quyền can thiệp, phân bổ các nguồn lực kinh tế trong khi thiếu cơ chế giám sát quyền lực đó một cách minh bạch hữu hiệu tất yếu sẽ dẫn tới nạn hối lộ và lạm quyền, đồng thời càng đào sâu hố ngăn cách giàu nghèo trong xã hội.

Thứ hai, việc chú trọng phát triển trình độ lực lượng sản xuất để nâng cao thu nhập, đời sống người lao động, qua đó đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, là tư duy hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên sẽ là thiếu toàn diện nếu chỉ quan tâm tới nâng cao trình độ lực lượng sản xuất trên các khía cạnh về tri thức, khoa học kỹ thuật, và phần cứng là trang thiết bị máy móc, mà không coi trọng đúng mức tới đạo đức, thái độ, tính chuyên nghiệp trong công việc của người lao động. Thực tiễn lịch sử đã cho thấy, Liên Xô từng có nền KH&CN hùng cường, nhưng năng lực sản xuất hàng hóa của Liên Xô lại dần tụt hậu so với những nước khởi đầu với nền tảng KH&CN thấp hơn. Điều này do nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân hàng đầu làm nên khác biệt đó chắc chắn là ở thái độ, sự chuyên nghiệp của con người trong công việc.

Nhìn vào thực trạng ngày nay ở Việt Nam, chúng ta thấy nội dung về khoa học kỹ thuật trong chương trình giáo dục đào tạo của ta rất nặng so với thế giới, nhưng chất lượng lao động của chúng ta vẫn bị doanh nghiệp trong nước và quốc tế than phiền, chủ yếu bởi vấn đề thái độ thiếu chuyên nghiệp, thói quen thích bỏ bước làm tắt. Đây là hậu quả của chính sách cải cách giáo dục hiện vẫn thiên về sửa đổi nội dung các chương trình, tức là thiên về vấn đề dạy chữ, mà không chú trọng đúng mức tới việc dạy người, cụ thể là rèn luyện thái độ chuyên nghiệp, trọng chữ tín, ý thức làm việc đến nơi đến chốn. 

Tóm lại, về cơ bản, mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội trong một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đòi hỏi nâng cao chất lượng lao động và bình đẳng cơ hội tiếp cận, khai thác tư liệu sản xuất. Muốn vậy thì quyền lực Nhà nước phải được giám sát minh bạch, chống sự lạm quyền; sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường phải hợp lý, đảm bảo sự cạnh tranh tự do và công bằng; nền giáo dục, đào tạo phải giảm thiểu sự gian lận, chú trọng rèn luyện không chỉ về tri thức, kỹ năng mà cả phẩm chất đạo đức cùng thái độ chuyên nghiệp, tích cực để ai cũng có thể làm giàu chính đáng và phát huy tốt nhất những cơ hội của mình.

—————————-

1 Định lý của nhà kinh tế Ronald Coase (1910-2013), chủ nhân giải Nobel kinh tế năm 1991.

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)