Han Kang và “Greek Lessons”: Cơn mưa tuyết ngôn từ
Một câu hỏi lớn của Greek Lessons: liệu Plato có một Form (hình thái) cho những thứ tan rã, cho cái bóng, cho ảo ảnh, cho cái chết, cho tuyết tan - hay nói cách khác, cho những thứ phù du?
1. Plato viết trong Hippias Major, Cratylus, và The Republic: χαλεπὰ τὰ καλά. Nghĩa là cái đẹp / cái tốt thì khó đạt. Ở đây, cái đẹp, cái cao quý, cái gian khổ nhập vào làm một.
Người giảng viên tiếng Hy Lạp cổ trong Greek Lessons, tiểu thuyết xuất bản năm 2011 của nhà văn Hàn Quốc Han Kang, ngồi ngắm những chiếc đèn lồng trong ngày Phật Đản thời mắt anh vẫn còn nhìn được trong bóng tối, và chợt nghĩ về triết lý ấy, rằng đã từng có thời, có một từ ngữ bao trùm cả cái đẹp đẽ lẫn cái thiêng liêng, có một thời, chúng vẫn còn thuộc về nhất thể và chưa đánh mất nhau.
Học trò của anh, một người phụ nữ đang dần mất đi khả năng phát ra những thanh âm – dù là nói hay cười, dẫu không câm – từng mơ về một từ ngữ đơn lẻ chứa đựng toàn bộ mọi ngôn ngữ của nhân loại trên thế gian này. Cô mơ về nó sống động tới mức vã mồ hôi: “Một từ ngữ, được gắn kết với mật độ và trọng lượng lớn lao. Một ngôn ngữ mà ngay khi ai đó mở miệng, phát âm, sẽ nổ tung và dãn nở như vật chất đã từng vào thời điểm khởi sinh vũ trụ.” Và với tiếng Hy Lạp cổ, đâu đó cô tiệm cận với giấc mơ mình, chỉ một từ duy nhất, người Hy Lạp có thể gói gọn một câu mà các ngôn ngữ khác phải dùng gần chục từ: “Anh ta đã từng cố gắng tự sát.”
Cái ước mơ về một từ ngữ đựng mọi từ ngữ, một tối giản chứa mọi tinh vi ấy, có lẽ giống như một điểm Aleph trong ngôn từ, cái điểm trong tầng hầm mà nhà thơ xoàng xĩnh Daneri chỉ cho Borges thấy, nơi mọi điểm khác trong vũ trụ đều khả kiến; hoặc giống như “Thư tịch cát”, cũng là một viễn tưởng của Borges về một cuốn sách hữu hạn nhưng đồng thời lại chứa vô hạn số trang, một cuốn sách vô thủy vô chung như cát, mỗi lần mở ra một khác. Ta có cơ sở để tin như thế bởi Greek Lessons cũng bắt đầu bằng một mẩu chuyện nhỏ về ngôi mộ của Borges ở Geneva.
Greek Lessons cũng nén trong giới hạn những vô biên: cái đẹp, cái tốt, cái khó, ngoài ra còn có cả cái buồn, cái bi, cái uẩn, cái không, cái có.
Han Kang từng kể rằng, trong một giai đoạn đời mình, bà không thể đọc văn chương, cũng không thể viết văn chương. Giai đoạn đó, bà chỉ đọc sách về vật lý thiên văn. Nhưng có một ngoại lệ. Bà vẫn đọc Borges. Đọc lại những cuốn sách bà đã đọc vào những năm 20 tuổi. Bà cũng bảo giấc mơ của bà là viết ra được một cái gì đó như những tác phẩm cuối đời của Borges, khi cái chết từ từ tiến lại, “chậm rãi như một đêm hè.”
Borges không viết tiểu thuyết. Ông viết ngắn, không ham viết dài, dù sự ngắn ấy đòi hỏi vô hạn đời người giải mã. Các tác phẩm của Han Kang, dù là tiểu thuyết, cũng thường rất ngắn. Không chỉ ngắn mà còn trống. Có rất nhiều những chương gọn lỏn, những chương như thơ, bà để nhiều không gian trắng theo nghĩa vật lý – những chỗ cách dòng, những khoảng không giữa các câu ngắn được ngắt liên tiếp, những chương vắn vủi với ngôn từ thưa thớt – Greek Lessons cũng là một tiểu thuyết như vậy. Nhưng trong cái hình thức mảnh mai ấy, là vô tận những phong cảnh: phong cảnh mỹ học của Plato, phong cảnh triết học ngôn từ, phong cảnh một ngôn ngữ chết, phong cảnh tình yêu, phong cảnh đổ vỡ của những cuộc hôn nhân hiện đại, phong cảnh tâm lý, phong cảnh bệnh học, phong cảnh đời sống những nhà trí thức vùi mình vào thứ hiểu biết nằm ngoài hiện thực, phong cảnh chấn thương tuổi thơ,… Cũng như tiếng Hy Lạp cổ đại có thể nén rất nhiều vào rất ít, Greek Lessons cũng nén trong giới hạn những vô biên: cái đẹp, cái tốt, cái khó, ngoài ra còn có cả cái buồn, cái bi, cái uẩn, cái không, cái có.
2. Trong phần giới thiệu cuốn tiểu thuyết sắp ra mắt vào đầu năm 2025 của Han Kang, We Do Not Part, nhân vật nữ chính bay tới đảo Jeju để giúp một người bạn đang nằm viện cho chim ăn, kẻo con chim chết đói. Vừa tới Jeju, một cơn bão tuyết ập đến. Tuyết phủ bốn bề, quanh cô một màu trắng xóa, trong khi cô lê bước tìm nhà bạn.
Tuyết.
Văn chương Han Kang không chỉ đầy những cơn mưa tuyết, trong cả giấc mơ lẫn trong đời thực. Nhân vật người phụ nữ đang mất đi tiếng nói của mình trong Greek Lessons gọi tiếng Hy Lạp là một ngôn ngữ “lạnh và cứng như cột băng”. Cô làm thơ về một phụ nữ với tuyết trong cổ họng – hẳn là chính cô, tuyết đã đóng băng ngôn từ khiến cô không thốt nổi nên lời. Con trai cô đặt cho cô cái tên “nỗi u buồn của tuyết rơi dày đặc” Sự im lìm của cô cũng chất chồng lên như tuyết, “tuyết là chiếc tẩy vĩnh cửu. Câm lặng ngập đến đầu gối, đến eo, đến gương mặt chúng ta.” Giấc mơ đầu tiên cô còn nhớ cũng diễn ra trong tuyết nơi một con phố lạ, cô một mình đứng đó, mọi người lướt qua cô, không có gì xảy ra ngoài tuyết.
Cách viết của cô cũng băng giá, thanh thoát và trắng ngần như những tinh thể tuyết. Kiệm lời nhưng mỗi lời thốt ra đều đã được rất nhiều hạt nước nhỏ li ti kết tinh tạo thành trong những nơi lạnh lẽo nhất của đám mây, để rồi rơi xuống thành bông tuyết. Bông tuyết thì nhẹ bẫng – văn chương của Han Kang đọc lên cũng nhẹ bẫng, như cơn mưa tuyết bay. Nhưng một bông tuyết sẽ không bao giờ rơi xuống nếu không đủ lạnh và không đủ nặng, phải đủ lạnh để đóng băng, phải thâu thập đủ những hạt nước bé mọn cho tới khi đủ sức nặng để rớt xuống. Phải thâu nén đủ những chấn thương li ti vô ngôn, những phiền não không tên, những nỗi đau cũng mong manh như chính người mang chứa chúng, tích luỹ đủ những chấm vụn ấy mới đủ để một câu – hay một bông tuyết ngôn từ – đáp xuống trang giấy.
3. Trước khi Han Kang giành giải Nobel Văn chương, Hàn Quốc từng có một ứng viên lớn vẫn được nhắc đến nhiều trong những cuộc bàn luận về giải thưởng này. Đó là thi sĩ Ko Un. Ko Un cũng viết nhiều về tuyết, cũng dễ hiểu với những người viết sống ở vùng ôn đới, và cũng dễ hiểu bởi không gian trắng xóa mà tuyết bày ra luôn nhắc cho người ta nhớ về cái trống trơn, cái vô thường của vạn vật. Có một bài thơ mang tên Đường tuyết, mở đầu bằng mấy câu:
“Lúc này đây ta đang thấy
con đường tuyết phủ kín tất thảy những gì đã qua.
Sau cả mùa đông lang bạt kỳ hồ,
ta đang nhìn một miền xa lạ.
Phong cảnh tuyết
rơi xuống lần đầu cõi tim ta”.
Ko Un thấy tuyết và lần đầu nghe thấy lời bộc bạch của mặt đất, lần đầu nghe sự tăm tối trong tim mình. Tuyết, là điều kiện cho sự va chạm giữa những thế giới. Mọi thứ giao nhau là vì có tuyết. Tuyết, theo nghĩ ấy, cũng như ngôn từ, như mở ra một giác quan khác, ngoài ngũ quan.
Bông tuyết thì nhẹ bẫng – văn chương của Han Kang đọc lên cũng nhẹ bẫng, như cơn mưa tuyết bay.
Trong Greek Lessons, Han Kang bằng cách kể câu chuyện về sự mất mát khả năng biểu đạt bằng ngôn từ, câu chuyện về một phụ nữ đã dần không còn nghĩ được bằng ngôn ngữ và khó khăn trong việc chuyện dịch những cảm nhận thành chữ, câu chuyện về một người đàn ông với đôi mắt sắp mù lòa vùi mình vào thứ ngôn ngữ chết không có tác dụng gì trong đời thực ngoài để đọc nguyên tác những cuốn sách các triết gia đã mệnh chung hàng ngàn năm trước từng viết ra, vậy mà trong cái chết của ngôn từ lại nảy mầm ngôn từ trong một ánh sáng khác.
Ngôn từ đã bị chiếm đoạt bởi bạo lực, và chỉ có thể tìm lại sự tinh khiết sơ khởi của ngôn từ bằng cách trở về câm và học lại từ đầu. Người phụ nữ trong Greek Lessons nhớ mãi ký ức đầu tiên khi phát hiện ra âm vị trong ngôn ngữ trong một buổi chiều mùa xuân nơi khu vườn. Ba mươi năm sau cô vẫn nhớ cái cảm giác ánh nắng Mặt trời chiếu lên gáy mình ngày hôm ấy. Có lẽ, ngôn từ không chỉ là những từ được viết ra hay được nói ra, không chỉ là những thanh âm hay nét bút, ngôn từ có lẽ là cả bầu không đó, là cả thế giới xung quanh mà ngôn từ được phát ra. Mỗi từ là một tổng thể của cả cách phát âm, ý nghĩa, hình thức viết, và cả không gian chứa nó.
Ấy vậy nhưng, cô hoá “câm”. Một bệnh câm không thuộc về vấn đề sinh lý, mà thuộc vấn đề tâm lý. Đâu đó, ta cảm tưởng như cô từ chối nói, cũng như nhân vật trong Người ăn chay từ chối ăn thịt. Người phụ nữ trong Người ăn chay không chịu nổi thịt nữa. Cô nôn thốc nôn tháo khi ăn thịt, cơ thể cô không tiếp nhận nó. Còn người phụ nữ trong Greek Lessons cũng cảm thấy buồn nôn khi mở miệng và cố nói ra một từ ngữ nào đó. Một cô bé từng cảm động khi một từ phát ra từ cổ họng mình, cuối cùng lại không thể nói tiếp được nữa. Hẳn, không phải vì cô không còn yêu ngôn từ nữa. Không, đúng hơn là, vì tình yêu với ngôn từ trong ý niệm mới ngăn cô không tiếp tục nói. Ngôn từ với những ý nghĩa trong trắng như tuyết đã lấm bẩn. Ngôn từ trong thế giới vật lý chỉ là sự mô phỏng ngôn từ trong ý niệm, trong Form (hình thái) theo khái niệm của Plato. Nó không còn là ngôn từ nữa. Chỉ còn là những gì na ná với ngôn từ.
Chúng ta phải chăng đang sống trong thời mạt thế của ngôn từ? Có thật ta đang giao tiếp và thấu hiểu nhau bằng ngôn từ hay không, hay chỉ đang dùng ngôn từ như một phương tiện xâm chiếm? Ngôn từ giờ đây như “những que xiên”, “những cây kim” đâm vào da thịt con người. Thời ngôn từ đích thực là ngôn từ đã qua đi – tiếng Hy Lạp cổ đại và những ngôn ngữ cổ xưa lộng lẫy, sâu sắc, đẹp đẽ trong sự giản dị cao sang, những ngôn ngữ nói thật nhiều bằng cách nói thật ít – trái chín của mùa màng ngôn từ, sau rốt đã rơi rụng, đã phân hủy, đã chết.
4. Người thầy giáo tiếng Hy Lạp sắp mù, bạn anh khuyên hãy học chữ nổi Brailles. Chữ nổi, thứ ngôn ngữ thay vì nhìn, ta phải chạm. Làm thơ bằng những cái lỗ trên mặt phẳng. Sự chuyển đổi cảm giác (một thứ phép hoán dụ), biến ngôn từ thành cái để bàn tay, chứ không phải con mắt, “nhìn” thấy, dường như sẽ mở ra một chiều kích khác của ngôn từ.
Hoặc là yêu.
Có một đoạn ở những chương đầu, Han Kang viết về tính gợi cảm của ngôn từ. Cô mô tả cái lưỡi, bộ hàm, rồi tuyến nước bọt khi ta nói. Mà rõ ràng, ngôn từ có ở hình thức nói trước, rồi mới tới viết. Và nói thì luôn có sự ướt át của nước bọt, luôn có sự mềm mại của chiếc lưỡi. Đến chương cuối cùng, Han Kang lại mô tả một nụ hôn.
Ta đều biết nụ hôn cũng cần đến lưỡi và nước bọt.
Nói và hôn. Ngôn từ và nụ hôn. Sau cùng chúng cũng không khác nhau tới thế. Han Kang không nói, nhưng thật dễ để cảm thấy, ngôn từ tốt nhất cũng nên như nụ hôn, là sự sẻ chia, là sự chạm vào, là tình yêu, là sự run rẩy, là rung cảm. Có lẽ cũng chỉ có nụ hôn mới đủ sức làm cho tuyết ngôn từ tan chảy, để nó không còn vướng nơi cổ họng nữa, để nó có thể được thốt ra trong trạng thái vẫn trong ngần như nước của những hồ băng.
Một câu hỏi lớn của cuốn tiểu thuyết mỏng này: liệu Plato có một Form (hình thái) cho những thứ tan rã, cho cái bóng, cho ảo ảnh, cho cái chết, cho tuyết tan – hay nói cách khác, cho những thứ phù du? Liệu những thứ liên tục biến đổi đó có một hình thái hoàn hảo, bất biến trong thế giới ý niệm hay không? Hay bởi vì không thể có, nên mới cần một thế giới thuộc về ý niệm, nơi mọi thứ toàn bích? Bởi xét cho cùng, làm gì có thứ gì hoàn hảo? (Giải Nobel cũng đâu hoàn hảo, vừa được trao cho Han Kang, đã dấy lên bao nhiêu phản ứng thất vọng).
Nhưng đặt ra một câu hỏi như vậy có lẽ cũng đã hàm ẩn, liệu có cần không một ý niệm hoàn hảo về ngôn từ? Chẳng hạn như một điểm Aleph của ngôn từ, nơi ánh xạ mọi ngôn từ khác. Nếu mượn tư tưởng của Borges để trả lời câu ấy thì có lẽ sẽ là: cho dù điểm Aleph ấy tồn tại thì nó cũng chưa chắc đã thật sự đặc biệt, rất có thể, khắp nơi đều là điểm Aleph. Có khi nào bản thân mọi từ ngữ đã chứa đựng cả thế gian, và chẳng cần tìm đi đâu xa cả, mỗi bông tuyết – cũng như mỗi hạt cát của William Blake – đã bao chứa cả vũ trụ vô cùng?
Mọi thứ đã sẵn sự hợp nhất, chỉ là ta tưởng như chúng bị phân mảnh mà thôi.□
Đăng số 20/2024 Tia Sáng