Hành trình lưu giữ giống ngô bản địa

Những giống ngô với hương vị ngọt ngào tưởng chừng như đã biến mất, giờ đây chúng đã trở lại trên những cánh đồng của người Mỹ bản địa - hệt như một cuộc hành trình “trở về với Đất Mẹ”.

Greendeer với những tai ngô King Philip của mình. “Mục tiêu cuối cùng là giúp bộ lạc có thể trồng nó trên quy mô lớn hơn, sản xuất ra bột ngô Wampanoag và bán nó,” cô chia sẻ. Ảnh: Matt Cosby / The New York Times

Vào tháng 9 năm ngoái, Danielle Hill Greendeer đã thu hoạch được 200 đến 300 tai ngô King Philip cứng, có màu đỏ, mà bà đã trồng trong khu vườn cộng đồng của Bộ lạc Mashpee Wampanoag ở Mashpee, Massachusetts. Mặc dù đây mới là vụ đầu tiên nhưng Greendeer – thành viên của bộ lạc – vẫn tự hào khoe rằng ngô đã quay trở lại với cô.

“Đây là giống ngô mà người Wampanoag trước kia đã trồng tại vùng đất này”, cô kể. “Chúng tôi đã không trồng ngô trên đất của mình trong hàng trăm năm qua, thật tuyệt khi giờ đây nó đã quay về với cộng đồng Wampanoag.”

Vùng đất tổ tiên trải dài từ Vịnh Narragansett đến Nantucket, Vườn nho Martha và các bãi biển Cape Cod thuộc Đại Tây Dương. Bộ lạc đã mở rộng về phía Bắc đến địa điểm hiện tại ở Plymouth, Massachusetts. Nơi đây, cách đây 400 năm, những Người du hành (Pilgrims) từ châu Âu đã tổ chức buổi lễ ăn mừng vụ thu hoạch thành công, hay về sau chúng ta vẫn gọi đó là Lễ Tạ ơn đầu tiên. Những người bản địa cùng tham gia buổi lễ là người Wampanoag, và ngô được phục vụ trong buổi lễ đó cũng là ngô Wampanoag. Đó là một giống ngô đá lửa có hương vị ngọt ngào, đậm đà.

Ngày nay, chỉ có một số nông dân trồng hạt ngô từ những giống bản địa ấy. Bột ngô ngày nay – thường được xay từ một loại ngô cứng khác được gọi là ngô đồng – là nguyên liệu không thể thiếu trên các bàn ăn mừng Lễ Tạ ơn ở khắp nước Mỹ. Đầu bếp dùng chúng để nướng bánh mì, bánh muffin và bánh que, hấp chúng với mật rỉ đường và trứng.

Dẫu vậy, giống ngô bản địa mới là “nhân vật chính” thực sự của câu chuyện về những người sống ở Plymouth và khắp Tây Bán cầu từ trước khi người châu Âu đặt chân đến.

Nếu bạn hiểu về ngô, nó sẽ cho bạn biết về nền văn minh mà những bộ lạc xa xưa đã từng dựng nên. Nó sẽ cho bạn biết lý do tại sao khi vụ lúa mì được trồng bằng giống mang từ châu Âu thất bát, ngô Wampanoag đã giúp những Người du hành không bị chết đói, và tại sao nó lại in hằn dấu ấn vào khẩu phần ăn của những người định cư châu Âu và con cháu của họ.

“Thuần hóa” ngô

Không giống như nam việt quất, chúng ta không thể cứ thế mà thu hoạch ngô. Theo các nhà khảo cổ học, ngô có lịch sử trồng trọt từ cách đây ít nhất 9.000 năm. Thông qua quá trình lai tạo chọn lọc, những người bản địa sống ở Thung lũng sông Balsas, phía nam Mexico City, đã biến teosinte, một loại cỏ dại ít dinh dưỡng, thành một loại cây trồng có những hạt lớn, sít nhau, chứa nhiều protein và các chất dinh dưỡng khác.

Chủng mới đã bị thay đổi rất nhiều so với loại cỏ dại tổ tiên của chúng, nên chúng không thể tồn tại trong tự nhiên. “Con cháu” của chúng cũng vậy. Để giữ cho các giống ngô tồn tại, những người nông dân phải trồng ngô liên tục, giữ chúng cách xa những giống khác và để dành một số hạt làm giống cho năm sau.

Từ Thung lũng Balsas, ngô đã đi xa hơn. Từ rất lâu trước khi Columbus đến châu Mỹ, chúng đã được trồng trên khắp Tây bán cầu, bao gồm cả các đảo vùng Caribe. Trên hành trình ấy, các thổ dân đã “thuần hoá” ngô để chúng thích ứng với khí hậu của riêng họ, một lần nữa thông qua chọn lọc giống.

Ở Arizona, những thổ dân thuộc bộ lạc da đỏ Hopi đã phát triển loại ngô có rễ đâm sâu hơn nhiều inch so với các giống ngô khác, có thể trồng ở nơi chứa nước tan từ tuyết mùa đông kéo dài đến mùa xuân. Rễ của loại ngô này có thể đào sâu hơn để tìm độ ẩm và chồi đủ mạnh để chạm tới lớp đất mặt của sa mạc.


Maiz negro, hay còn gọi là ngô tím, là một trong vô số giống ngô mà người bản địa đã phát triển cho phù hợp với điều kiện môi trường qua hàng nghìn năm. Ảnh: Jessica Attie / The New York Times.

Ở đầu bên kia của lục địa, ở Quebec và đông bắc Maine, người Mi’kmaq đã lai tạo ra một giống lớn nhanh gọi là Gaspé với thân cây cao 2 foot, tai ngô ngắn, mập và sẵn sàng hái ngay sau 45 ngày sau khi trồng – chỉ bằng một nửa thời gian so với hầu hết loại ngô, giúp ngô Gaspé trở thành ngô đá lửa nhanh chín nhất của miền Bắc.

Tony VanWinkle, một nhà nhân chủng học giảng dạy về hệ thống thực phẩm bền vững tại Cao đẳng Guilford ở Greensboro (North Carolina), đã giúp Bộ lạc Nulhegan Abenaki trồng ngô Gaspé ở Vermont. Trong quá trình làm việc với cây ngô, ông dần hiểu ra kỹ năng nông nghiệp vượt trội của người bản địa, những người giàu kinh nghiệm với vụ mùa bội thu. Chúng ta thường không công nhận điều này vì bị ảnh hưởng bởi “những định kiến hẹp hòi”, ông chia sẻ. “Nhưng rõ ràng họ là những người nông dân lão luyện”.

Một trong những cải tiến của họ là phương pháp “ba chị em”: trồng ngô và đậu trên các gò đất, với bí mùa đông giữa chúng. Những cây ngô đồng làm sào cho cây đậu leo ​​lên. Lá bí rộng che bóng mát, giữ nước và loại bỏ cỏ dại.

Những người định cư từ châu Âu nhanh chóng có được nguồn ngô bản địa nhờ cướp bóc và giao thương. Người bản xứ bị giết hại hoặc bị buộc phải chuyển đến nơi khác. Trên đường đi, họ thường xuyên bị trộm mất ngô – khẩu phần ăn chính và còn là đời sống văn hoá tinh thần của họ.


Cách đây 400 năm, những Người du hành từ châu Âu đã tổ chức buổi lễ ăn mừng vụ thu hoạch thành công. Những người bản địa cùng tham gia buổi lễ là người Wampanoag, và ngô được phục vụ trong buổi lễ đó cũng là ngô Wampanoag. Đó là một giống ngô đá lửa có hương vị ngọt ngào, đậm đà. Ảnh: Matt Cosby / The New York Times

Ngô “hồi sinh”

Ngô vẫn sống sót. Tại trang trại Davis ở Stonington, Conn., ở cực đông nam của bang, vẫn trồng một loại ngô đá lửa trắng mà gia đình có được vào khoảng năm 1654 từ một bộ lạc địa phương. Theo các tài liệu trong kho lưu trữ của Bộ lạc Mohegan, thủ lĩnh của họ – Uncas , đã trao nó cho Thomas Stanton, người lập ra trang trại. Stanton là bạn của tù trưởng và cũng là đồng minh quân sự, ông làm thông dịch viên cho người Mohegan và điều hành một trạm buôn bán trên sông.

Người điều hành hiện tại của trang trại, Larry Davis, cho biết ngô trắng đã giúp tổ tiên ông và các gia đình khác trong vùng sống sót qua thời kỳ suy thoái. “Có rất nhiều trang trại xung quanh đây đã trồng chúng vào thời điểm đó,” ông nói.

Trên khắp bán cầu, các giống ngô bản địa không còn được trồng nhiều – hay thậm chí là biến mất – do ngày nay mọi người có xu hướng ưa chuộng các giống ngô có năng suất cao hơn nhưng ít hương vị hơn, đặc biệt là ở các trang trại quy mô lớn.

Ông Davis cho hay trang trại của ông tuy không còn trồng giống ngô King Philip, nhưng họ vẫn tiếp tục phát triển giống đá lửa trắng. Giờ đây ông bảo vệ chúng một cách cẩn thận. Ông sẽ cho bạn tất cả số ngô xay mà bạn muốn, nhưng ông sẽ không bán hạt ngô. “Cách duy nhất để ngô đi ra khỏi đây là phải đi qua máy xay của tôi”, ông ví von.

Chỉ có một ngoại lệ duy nhất từ trước đến nay: Năm 1996, cha ông đã tặng lại hạt ngô cho người Mohegan sau khi bộ tộc này được liên bang công nhận.

Trong vài thập kỷ qua, các bộ lạc khác đã “đoàn tụ” với giống ngô bản địa của họ. Ngô và các loại hạt khác cũng là trung tâm của phong trào chủ quyền lương thực đang được dấy lên nhằm tìm cách cho phép người bản địa kiểm soát nguồn cung cấp lương thực của chính họ. Mạng lưới những người giữ hạt giống bản địa được thành lập vào năm 2015 chuyên hỗ trợ những người bản địa muốn trồng lại cây trồng truyền thống của họ, thông qua trao đổi hạt giống và các chương trình khác..

Rowen White, một thành viên của Bộ tộc Mohawk, là một trong những người tổ chức mạng lưới, đã so sánh việc trả lại cây trồng của người bản địa về tay người bản địa với việc trả cho bộ lạc các hiện vật và hài cốt người được giữ trong viện bảo tàng. Cô ấy thích cách diễn đạt rằng hạt giống đã “”về với Đất Mẹ”, một phần vì phần lớn nông dân ở Mohawk và các cộng đồng khác là phụ nữ.


Danielle Hill Greendeer, một thành viên của Bộ lạc Mashpee Wampanoag, đã trồng vụ ngô King Philip đầu tiên trong năm nay. Ảnh: Matt Cosby / The New York Times

Greendeer có một số dự định với vụ ngô King Philip đầu tiên của mình. Cô muốn nấu nó thành món súp cùng với bí và đậu của mình cho lễ hội thu hoạch Wampanoag. Đồng thời, cô ấy sẽ gửi một số tai ngô trở lại Truelove Seeds, công ty đã cho cô hạt giống để trồng, và trao đổi một số hạt với các thành viên bộ lạc khác muốn trồng ngô.

”Trong những năm tới, các bộ lạc sẽ phát triển ngô trên quy mô lớn hơn, chẳng hạn như sản xuất ra bột ngô Wampanoag và kinh doanh từ nó,” cô chia sẻ mục tiêu cuối cùng mà cộng đồng hướng đến. Hiện tại cô đang bán bột ngô của Bộ tộc Ute tại cửa hàng của cô ở Mashpee, Phòng trưng bày và Quầy giao dịch Wampanoag.

Đinh Trang tổng hợp

Nguồn:

A Thanksgiving History Lesson in a Handful of Corn

How Native Americans Are Fighting a Food Crisis

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)