Hé mở những bí ẩn về nền văn minh Mycenae

Thông qua những cuộc khai quật ở ngôi làng Iklaina, các nhà khảo cổ học đã hiểu hơn về đời sống của người Mycenae - không chỉ gói gọn trong giới quý tộc, mà còn cả dân thường.

Các nhà khảo cổ học lấy mẫu đất để tìm hiểu các phương thức canh tác cổ đại. Ảnh: Matt Stirn

Khi mặt trời lên thiên đỉnh, hơi nóng dần bốc lên từ những ngọn đồi phủ đầy cây bách xung quanh tôi. Làn nước màu ngọc lam nơi biển Ionia lấp lánh phía cuối chân trời, và những hàng cây ô liu trải dài vô tận về phía Đông. Dàn đồng ca ve sầu ngân vang, chúng tôi đang ở nơi nóng nhất của mùa hè Địa Trung Hải, tiếng cuốc nhịp nhàng vang vọng khắp đỉnh đồi, từng nhát cuốc là một bước tiến trong dự án khai quật vùng đất đỏ ở Peloponnese của Hy Lạp.

Giữa cái nóng oi bức, một nhóm các nhà khảo cổ, sinh viên đại học và công nhân địa phương đang đào sâu hơn vào tàn tích của Iklaina, một thành phố thời kỳ đồ đồng từng tồn tại ở khu vực này, và theo Homer, có thể đã đóng một vai trò nào đó trong Cuộc chiến thành Troy huyền thoại cách đây hơn 3.000 năm. Khu định cư này đã bị đốt cháy và bị chôn vùi dưới lòng đất – đây sẽ là nguồn thông tin vô giá để các nhà nghiên cứu hiểu hơn về bối cảnh chính trị đầy biến động của Hy Lạp cổ đại và đời sống phức tạp của người Mycenae, những người sống ở ngã tư đường của hiện thực lịch sử và thần thoại huyền bí.

Vào cuối thời kỳ đồ đồng của Hy Lạp, khoảng từ 1700 đến 1100 trước Công nguyên, nền văn minh Mycenae đã phát triển mạnh mẽ trên khắp bán đảo Peloponnese. Xã hội Mycenae lúc bấy giờ chìm trong chiến tranh và sự bất hoà; những vị vua – từ Agamemnon ở Mycenae đến vị vua Nestor xứ Pylos – đều tìm cách mở rộng phạm vi cai trị của mình. Đây cũng là thời kỳ đánh dấu nhiều tiến bộ về văn hoá và khoa học công nghệ, chẳng hạn như những công trình kiến ​​trúc hoành tráng (cung điện và lăng mộ mái vòm), tạo tác gốm sứ và sự phát triển của Linear B, một hệ thống chữ viết thời cổ đại.

Năm 1876, nhà khảo cổ học người Đức Heinrich Schliemann bắt đầu khai quật thành phố huyền thoại Mycenae, ông đã khám phá ra những ngôi mộ chứa đầy kho báu của các vị vua. Phát hiện này đã khiến toàn thế giới kinh ngạc. Sau một thế kỷ rưỡi kể từ những khám phá vĩ đại của Schliemann, nỗ lực của các nhà khảo cổ nhằm khai quật các di chỉ cổ kính Mycenae khác – bao gồm Tiryns, Gla và Pylos – đã giúp chúng ta hiểu hơn về thời đại đồ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu tại các di tích này, các nhà khoa học mới chỉ tập trung đến bối cảnh chính trị Mycenae và cuộc sống của tầng lớp quý tộc, họ không cung cấp các thông tin về đời sống của dân cư nói chung – một yếu tố quan trọng nếu muốn hiểu quá trình trỗi dậy và sụp đổ của nền văn minh Mycenae. Với mong muốn lấp đầy những khoảng trống trong bức tranh nền văn minh Hy Lạp thuở sơ khai, xuyên suốt ba thập kỷ qua, các nhà khảo cổ học đã tìm kiếm các thị trấn thay vì cung điện và lăng mộ. Cho đến nay, họ mới chỉ khai quật được một vài thị trấn.

Mùa hè năm 1999, Michael Cosmopoulos, thành viên của Học viện Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ, và là giáo sư Khảo cổ học Hy Lạp tại Đại học Missouri – St. Louis, đã cùng các đồng nghiệp và sinh viên tiến hành một cuộc khảo sát khảo cổ học nơi địa hình đồi núi hiểm trở. của Messenia – khu vực dọc theo bờ biển phía tây nam của Hy Lạp. Đặc biệt, nhóm khảo sát quan tâm đến một khu rừng ô liu gần ngôi làng cổ kính trên núi Iklaina, nơi vào những năm 1950, nhà khảo cổ học người Hy Lạp Spyridon Marinatos đã tìm thấy những hiện vật gốm thời kỳ đồ đồng. Vào lần đầu đến thăm địa điểm này, Tiến sĩ Cosmopoulos đã nhận thấy một gò đất đặc biệt lớn trồi lên giữa những quả ô liu. Dựa trên số lượng của đồ gốm Mycenaea được tìm thấy trên mặt đất, ông ngờ rằng có một khu định cư lớn bị chôn vùi dưới chân ông.

Một chiếc có khả năng chứa dầu ô liu thơm, có niên đại từ năm 1390 đến 1320 trước Công nguyên. Ảnh: Matt Stirn

Các cuộc khai quật vào năm 2009 cho thấy gò đất bí ẩn trên thực tế là phần còn lại bị chôn vùi của một dãy nhà bậc thang Cyclopean – một nền móng của tòa nhà nhiều tầng được dựng lên bằng những tảng đá lớn, kiến trúc này thường chỉ xuất hiện ở các cung điện và địa điểm quan trọng của nền văn minh Mycenae. Sử dụng từ kế và điện trở suất, những kỹ thuật thường được ứng dụng vào việc tìm kiếm các công trình bị chôn vùi, nhóm nghiên cứu đã quét khu vực xung quanh để tìm ra mốc ranh giới của địa điểm, điều đó giúp họ lập phương án và giới hạn khu vực đào hợp lý. Kết quả thật kinh ngạc: Không chỉ có hàng chục tòa nhà bao quanh nền móng này, mà kết cấu kiến trúc còn mở rộng ra với diện tích gần 32 mẫu Anh.

Iklaina không chỉ đơn giản là một cung điện hay nơi cư trú của giới quý tộc. Đó là cả một thành phố – với những ngôi nhà, đường phố và xưởng.

Trong 16 năm qua, công trình tại Iklaina là công trình khai quật công phu nhất thủ phủ vùng Mycenae. Các cuộc khai quật được tiến hành trên và xung quanh tòa Cyclopean cho thấy một khu thượng lưu bao gồm các quảng trường, đường lát đá và các tòa nhà hành chính, với đại sảnh, hoặc hội trường lớn được sử dụng cho các dịp trang trọng, ở trung tâm. Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy bên dưới khu vực này các đường ống bằng gốm sứ được dùng để phân phối nước ngọt, và một mạng lưới thoát nước thải phức tạp bằng đá.

Trong một số căn phòng, nhóm nghiên cứu tìm thấy các phần của những bức tường bích họa rực rỡ mô tả cảnh tàu thuyền, cá và con người. Dựa trên cách các tòa nhà và bức tường được xây dựng chồng lên nhau, nhóm cho rằng địa điểm này có thể đã trải qua những trận chiến từ năm 1800 đến năm 1200 trước Công nguyên (Một số bức tường bị sập và các tòa nhà bị đốt cháy cho thấy nơi đây đã trải qua nhiều giai đoạn xây dựng và phá hủy).

Trong một cái hố cạnh một tòa nhà, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một mảnh vỡ từ một văn bản Linear B bằng đất sét – dường như mô tả một giao dịch kinh tế, có niên đại khoảng năm 1350 trước Công nguyên. Tấm bảng đất sét là một trong những tài liệu cổ nhất liên quan đến giấy tờ hành chính ở Châu Âu.

Bên dưới một lùm cây ô liu, nhóm tiếp tục khám phá ra một khu phức hợp dân cư và buôn bán lớn – cung cấp những chi tiết quý giá về đời sống Mycenae truyền thống.

“Nếu chúng ta muốn tái tạo xã hội cổ đại và tìm hiểu tiến trình phát triển của nó, chúng ta không thể chỉ nhìn vào các di tích tráng lệ và lăng mộ”, TS. Cosmopoulos giải thích. “Chúng ta cần tìm kiếm để hiểu hơn về cuộc sống hằng ngày của người xưa.”

Phân tích đồ gốm ở Iklaina cho thấy rằng, bên cạnh một số sản phẩm gốm được người cổ đại trao đổi qua lại khắp Địa Trung Hải, các thợ thủ công địa phương còn tự làm đồ gốm từ đất sét trong vùng. Qua quá trình nghiên cứu xương động vật và thực vật đã cháy thành than, nhóm cho biết bò, cừu và lợn, ô liu và nho đóng vai trò rất quan trọng trong nền nông nghiệp địa phương. Việc phát hiện ra các đồ tạo tác đặc biệt như trục xoay bằng đất sét giúp họ xác định rằng nơi đây từng có xưởng vải. Tại một số khu vực, nhóm nghiên cứu tìm thấy những bức tượng nhỏ cùng với xương đã cháy, cho thấy đây có thể là địa điểm thực hành nghi lễ tâm linh.

Qua quá trình khai quật các lớp kiến trúc đã từng bị phá hủy, các nhà khoa học cho rằng Iklaina có thể đã từng là một vùng đất tự trị, trước khi bị các vị vua xứ Pylos thôn tính và chiếm đóng.

Sự tham gia của cộng đồng

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành dự án Iklaina nhờ sự tài trợ của Hiệp hội Khảo cổ học Athens, với sự chấp thuận Bộ Văn hóa và Thể thao Hy Lạp. Nhóm quy tụ các nhà nghiên cứu – có chuyên môn về thời đại đồ đồng Địa Trung Hải, gốm sứ, kiến ​​trúc, phân tích phân tử sinh học. , địa hóa, viễn thám và bảo tồn hiện vật, cùng các lĩnh vực khác. Một đợt khai quật thường kéo dài bốn tuần, từ 15 đến 20 nhà khảo cổ học chuyên nghiệp thuộc Hoa Kỳ, Hy Lạp và Canada sẽ làm việc cùng với những người lao động được thuê từ làng Iklaina. TS. Deborah Ruscillo, trợ lý giám đốc dự án và là chuyên gia về xương động vật và chế độ ăn cổ đại, phụ trách điều phối dự án.

Sinh viên cũng đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc khai quật, có thể xem những đợt khai quật này là “trường học thực địa” cho những người muốn trở thành nhà khảo cổ học chuyên nghiệp, TS. Cosmopoulos chia sẻ. Ông và các chuyên gia của mình “muốn giúp các sinh viên hiểu được sợi dây kết nối giữa các nền văn hóa cổ đại với xã hội hiện đại, và thậm chí là với cuộc sống của chính họ,” ông ấy nói thêm.

Cuộc khai quật khảo cổ học tại Iklaina diễn ra giữa những lùm cây ô liu, cách ngôi làng hiện tại vài dặm. Ảnh: Matt Stirn

Ngay từ đầu, nhóm đã gắn kết ngôi làng Iklaina hiện đại với cuộc khai quật bằng cách thuê người dân địa phương làm việc tại địa điểm và mời người dân đến xem các hố khai quật. Đối với một số người, đây là cơ hội để thu hút các khách du lịch đến vùng đất, từ đó giúp tăng thu nhập của họ; song nhiều người khác thì bị mê hoặc với thành phố cổ kính và cảm thấy được kết nối với tổ tiên mình.

“Thật tuyệt vời khi chứng kiến dân làng đón nhận khu di tích cổ xưa như một phần của cộng đồng”, TS. Ruscillo chia sẻ. Theo bà, “sự sôi động đã trở lại với vùng đất này”.

Mỗi mùa đông, khi các nhà nghiên cứu trở về nhà và hoạt động khai quật tạm dừng, dân làng Iklaina sẽ đứng trông coi địa điểm, bảo vệ nó như một phần mở rộng của cộng đồng mình.

TS. Cosmopoulos cho biết ông ấp ủ hy vọng biến thị trấn cổ thành một bảo tàng ngoài trời, nơi mọi người có thể tham quan và tìm hiểu về văn hóa Mycenae. “Lịch sử thuộc về tất cả mọi người”, TS. Ruscillo đồng tình. “Khảo cổ học sẽ đánh mất giá trị của mình nếu chúng ta không thể chia sẻ nó với những người khác – và một trong những điều quan trọng nhất mà chúng tôi có thể làm là khuyến khích mọi người cùng nhau quan tâm đến lịch sử và thực sự tôn trọng lịch sử.”

Hoàng Nhi tổng hợp

Nguồn:

Unearthing Everyday Life at an Ancient Site in Greece

Archaeologies of the Greek Past (Linear B)

Tác giả

(Visited 29 times, 1 visits today)