Hệ sinh thái khởi nghiệp Ấn Độ vận hành tương đồng với Trung Quốc
Vào mỗi dịp tết cổ truyền, các hoạt động giao dịch trong các doanh nghiệp và startup quy mô quốc tế của Trung Quốc đều giảm nhiệt, nhưng ở Ấn Độ thì ngược lại.
Trong hai tuần qua, liên tiếp những nguồn vốn lớn đổ vào thị trường khởi nghiệp Ấn Độ. Sequoia Capital India vừa huy động được một quỹ khổng lồ lên tới 920 triệu USD, chỉ một năm sau khi kết thúc vòng gọi vốn 720 triệu USD. Norwest Venture Partners, hãng đầu tư mạo hiểm hoạt động tại Ấn Độ, Israel và Mỹ, cũng vừa huy động được một quỹ trị giá 1,2 tỉ USD.
Huy động nguồn quỹ đầu tư lớn là một xu hướng quan trọng. Các loại hình startup đã và đang nổi lên ở Ấn Độ có nhiều nét tương đồng với các loại hình tồn tại ở Trung Quốc. Giờ đây, khi nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại, Ấn Độ trở thành điểm đến tiềm năng thứ hai trong số các thị trường mới nổi.
Những startup có khả năng thành công nhất là những startup biết linh động tùy chỉnh các dịch vụ phù hợp với đặc thù thị trường Ấn Độ, chẳng hạn như Jungbo, một startup cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách/ hàng hóa bằng xe kéo theo yêu cầu.
Hơn nữa, ở Ấn Độ đang xuất hiện ngày càng nhiều những startup trị giá tỉ đô. Shopclues, startup về thương mại điện tử của Ấn Độ đã kết thúc vòng gọi vốn series D và huy động được 1,1 tỉ USD từ các quỹ đầu tư GIC, Tiger Global và Nexus Venture Partners. Như vậy, Ấn Độ đã có 7 startup “kỳ lân”, tuy vẫn còn kém xa so với con số 21 startup “kỳ lân” của Trung Quốc nhưng rõ ràng thị trường startup ở Ấn Độ đang khởi sắc rất nhanh.
Các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc cũng đang tham gia đầu tư vào các startup Ấn Độ. Mới đây startup thương mại điện tử Paytm của Ấn Độ đã nhận được khoản đầu tư trị giá khoảng 680 triệu USD sau một vòng gọi vốn do Ant Financial, một công ty thành viên của Alibaba, dẫn đầu. Khoản đầu tư này được dùng để thành lập ngân hàng Paytm Payment, một động thái theo sau những hoạt động mở rộng kinh doanh riêng của Alibaba.
Một dấu hiệu khác cho thấy sự khởi sắc trong môi trường khởi nghiệp Ấn Độ là hoạt động mua lại và sáp nhập đang diễn ra sôi động giữa những đối thủ cạnh tranh cũ – đây cũng là hiện tượng đã và đang diễn ra ở Trung Quốc. Chẳng hạn, gần đây ứng dụng đặt phòng khách sạn giá rẻ Oyo Rooms do tập đoàn đa quốc gia Nhật Bản Softbank đỡ đầu đã tiến hành mua lại Zo Rooms, chuỗi khách sạn giá rẻ được quỹ Tiger Global Management ở New York tham gia góp vốn.
Còn một xu thế nữa cần quan sát trong thời gian tới: 2015 là năm kỷ lục trong hoạt động đầu tư mạo hiểm ở châu Á nói riêng và toàn thế giới nói chung. Khối lượng vốn đầu tư của châu Á đạt gần 40 tỉ USD trong khi khối lượng toàn cầu đạt mức đỉnh điểm 128,5 tỉ USD.
Hoạt động đầu tư mạo hiểm ở cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có sự suy giảm trong quý IV/2015, một phần do những lo ngại về tình trạng “quá nóng” trong hệ sinh thái khởi nghiệp của hai nước. Trong quý IV vừa qua, 114 startup Ấn Độ kêu gọi được 1,5 tỉ USD, giảm 18% so với quý trước. Tương tự, vốn đầu tư vào các startup Trung Quốc cũng giảm 29% xuống còn 7,2 tỉ USD trong quý IV.
Chính phủ Ấn Độ cũng vừa ban hành những quy định mới để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp của nước này. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công bố nhiều chương trình khác nhau để thực thi ý định này, trong đó bao gồm một quỹ hỗ trợ 1,5 tỉ USD và một loạt các quy định giảm thuế dành cho các nhà đầu tư và các công ty. Chẳng hạn, các startup được miễn thuế thu nhập trong 3 năm đầu hoạt động, miễn thuế lãi vốn, chi phí đăng ký bằng sáng chế thấp hơn và quy trình xét duyệt nhanh hơn, và được hoàn lại 80% chi phí đăng ký bằng sáng chế.
Cộng đồng khởi nghiệp Ấn Độ đã tỏ ra vui mừng trước những công bố của chính phủ. Bên cạnh rất nhiều các khoản đầu tư mà các startup nhận được, những động thái trêm của chính phủ cũng được kỳ vọng là sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển trong lĩnh vực khởi nghiệp. Với xu hướng vận động tương tự như Trung Quốc, song Ấn Độ dường như đang tạo được những động lực phát triển vững chắc và nhanh hơn để đưa Ấn Độ trở thành một phần quan trọng trong môi trường khởi nghiệp thế giới.