Hệ thống cấp phát và quản lý mã OTP bằng công nghệ blockchain

Một nhóm các kỹ sư trẻ tại Trường ĐH Bách Khoa TP HCM đang phát triển ứng dụng blockchain để cấp phát mã xác thực OTP an toàn.

BOTP nâng cao tính bảo mật của việc xác thực hai yếu tố bằng công nghệ blockchain
Trong thời đại số hiện nay, việc đăng nhập – xác thực người dùng khi sử dụng bất cứ một ứng dụng hay dịch vụ internet – gần như là việc bắt buộc với mỗi người dùng để có thể truy cập đến tài khoản của mình và sử dụng các dịch vụ đó. Quá trình xác thực là cách để xác minh danh tính của bên tham gia là đáng tin cậy để sau đó tạo nên mối liên kết giữa hai bên. Trong số đó, xác thực dựa trên OTP là mô hình xác thực được sử dụng lâu đời nhất dưới hai hình thức phổ biến là SMS – OTP và Soft – OTP.
Tuy nhiên để xây dựng một hệ thống OTP riêng phù hợp khá tốn kém, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ. Nếu thuê bao các hệ thống OTP của những nhà cung cấp dịch vụ thì khách hàng buộc phải tin tưởng tính an toàn và tính trách nhiệm của nhà cung cấp đó. Nói cách khác, việc thuê bao hệ thống OTP như trên thường chỉ xác minh ở phía người dùng, và giả định nhà cung cấp dịch vụ là tin cậy. Do đó nếu xảy ra hợp nhà cung cấp dịch vụ đã xảy ra sự cố, ví dụ như bị tấn công từ bên ngoài hệ thống hay thao túng từ bên trong khiến cho mã OTP gặp sự cố thì khách hàng hoàn toàn thiếu công cụ để đảm bảo quyền lợi của bản thân.
Nhận thấy được hạn chế này, BOTP – Giải pháp cấp phát và quản lý mã OTP trên nền tảng Blockchain đã được nghiên cứu và phát triển để sử dụng song song với các giải pháp OTP hiện tại. Một blockchain sẽ được tích hợp phía dưới các hệ thống OTP truyền thống để đóng vai trò là đơn vị kiểm chứng trung gian. Bởi blockchain có tính minh bạch và bảo mật cao, dữ liệu do BOTP cấp phát sẽ là bản đối chiếu cuối cùng trong quá trình xác thực thông tin giữa các nhà cung cấp dịch vụ/đơn vị viễn thông và người tiêu dùng.
Theo các nhà phát triển, việc áp dụng giải pháp BOTP sẽ làm giảm gánh nặng cho đơn vị cung cấp dịch vụ trong việc triển khai các giải pháp xác thực cũng như tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và rất nhỏ. Một đặc tính nổi bật khác của hệ thống là người dùng có thể tự thân thực hiện việc xác thực thông tin của mình mà không cần phụ thuộc hoàn toàn vào một trung tâm xác thực.
Trong bối cảnh các hệ thống ngân hàng điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử và ví điện tử đang xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường Việt Nam, việc áp dụng công nghệ OTP dựa trên blockchain có nhiều tiềm năng áp dụng cho những khách hàng cung cấp dịch vụ trên internet cần xác thực hai lớp.
Đội ngũ kỹ sư của BOTP, bao gồm các sinh viên nghiên cứu trẻ đến từ Trường ĐH Bách Khoa TP HCM, chia sẻ rằng họ đã nhận được nhiều chỉ dẫn kỹ thuật quý giá từ các giảng viên và đội ngũ cố vấn của công ty CP Vietnam Blockchain. Cho đến thời điểm hiện nay, nhóm khẳng định lộ trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng là “khả thi khi triển khai thực tế”.
Tuy nhiên, một trong những thách thức họ phải đối mặt hiện nay là tiếp cận thị trường và nâng cao độ hiểu biết, tin cậy của người tiêu dùng vào ứng dụng công nghệ mới này. Trên thực tế, nhiều đơn vị trong nước chưa từng sử dụng hệ thống OTP hoặc đã quen với các dạng OTP truyền thống, trong khi công nghệ blockchain mới chỉ thực sự được biết tới tại Việt Nam trong vòng 4-5 năm trở lại đây. Chính vì vậy, những ứng dụng của nó sẽ cần thời gian để thị trường chấp nhận.
Để thúc đẩy hoàn thiện cho sản phẩm, BOTP đang triển khai thí điểm tại một số doanh nghiệp quy mô nhỏ trước khi định hướng tiếp cận toàn thị trường công nghệ – kỹ thuật số của Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Khúc Liên

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)