Hiện đại hóa vành đai xanh theo hướng đa chức năng
Vành đai xanh không chỉ đơn thuần là không gian, nơi được chọn làm vành đai xanh thường tách biệt khỏi công trình xây dựng, có thể dự trữ carbon và giữ nước vào những thời điểm lũ lụt hay hạn hán.
Một nghiên cứu mới đây của Matthew G. Kirby và cộng sự “Ecosystem service multifunctionality and trade-offs in English Green Belt peri-urban planning” trên tạp chí Ecosystem Services đã đánh giá chính sách Vành đai xanh của Anh, được ban hành từ năm 1955. Ngày nay, hệ thống này bao phủ tới 12,6% diện tích đất nước nhằm “ngăn chặn sự mở rộng của đô thị bằng cách giữ cho đất đai xung quanh các thành phố luôn là không gian mở”.
Nghiên cứu mới chỉ ra, những vành đai xanh mang lại nhiều giá trị cho con người và hành tinh qua việc đem lại những lợi ích đa chức năng vô cùng cần thiết cho xã hội. Chính tính chất đơn giản khiến những vành đai xanh đứng vững qua thử thách của thời gian, song chúng vẫn chưa kịp thích nghi với những nhu cầu thay đổi và áp lực mà xã hội đang phải đối mặt ngày nay như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, khủng hoảng cung ứng và chi trả nhà ở. Những thách thức này chủ yếu tập trung vào các vành đai xanh, nơi nhu cầu đất đai của đô thị và nông thôn va chạm lẫn nhau.
Trong nghiên cứu này, Matthew Kirby đã xem xét cách thức hiện đại hóa khái niệm vành đai xanh từ một chính sách tập trung vào bảo vệ đất đai sang một chính sách xem xét toàn diện những gì xảy ra bên trong nó.
Hiện tại các nhà phát triển muốn xây dựng nhiều nhà hơn ở vành đai xanh, trong khi nhóm vận động bảo vệ vùng nông thôn coi vành đai xanh là biểu tượng cho việc bảo vệ vùng nông thôn. Điều đó khiến luôn gây tranh cãi về vành đai xanh. Thậm chí, một số tuyên bố không thiện chí còn coi vành đai xanh như vùng đất hoang không hiệu quả trong khi trên thực tế thì cánh rừng, bụi rậm, đồng cỏ và cả đất nông nghiệp đều mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Mới đây, Anh đã công bố kế hoạch chuyển đổi hệ thống quy hoạch, và chính phủ cũng ban bố những đề xuất thay đổi đối với khung chính sách quy hoạch quốc gia, trong đó bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi hơn để phát triển trong các vành đai xanh. Trọng tâm của việc cải cách vành đai xanh là “vành đai xám” mới, trong đó có những vị trí có chất lượng đất thấp hơn. Vậy tiêu chí nào để xác định đất chất lượng thấp? Nghiên cứu chỉ ra rằng, một số địa điểm như vậy mang lại ích lợi quan trọng, ví dụ như cải thiện chất lượng không khí và hấp thụ carbon, những giá trị mà thiên nhiên ban tặng.
Nhìn chung, nghiên cứu mới đã bác bỏ ý tưởng là các vành đai xanh chỉ cung cấp một số ít lợi ích xã hội và môi trường. Thay vào đó, nó cho thấy diện tích rộng lớn của vành đai xanh ở phía Đông Bắc đem đến lợi ích đa chức năng, bao gồm dự trữ carbon, giải trí (đi bộ), giảm thiểu lũ lụt và ngăn chặn ô nhiễm ở các dòng sông. Bằng cách sử dụng một khảo sát lập bản đồ mà người tham gia có thể trả lời câu hỏi bằng cách chỉ vào địa điểm trên bản đồ, các nhà nghiên cứu cho thấy vành đai xanh phía Đông Bắc bao quanh các thành phố như Newcastle và Durham đem lại cảnh quan thiên nhiên gần gũi với cuộc sống hằng ngày của người dân.
Các nhà nghiên cứu đề xuất gợi ý về một cách tiếp cận mang tính triệt để, đa chức năng và kết hợp chặt chẽ hơn đối với các vành đai xanh: 1) Lợi ích đa chức năng của đất vành đai xanh phải được đưa vào chính sách quy hoạch quốc gia; 2) Trao quyền cho chính quyền khu vực có trách nhiệm với môi trường tự nhiên và nhân tạo để xây dựng kế hoạch vượt ra khỏi quy mô địa phương sẽ khiến quy hoạch mang tính chiến lược và giàu khả năng liên kết hơn; 3) Kế hoạch vành đai xanh nên bao hàm sự hợp tác để tính toán được nhiều yếu tố, từ nhà ở, sức khỏe đến khí hậu, thiên nhiên nhằm có cách tiếp cận toàn diện hơn; 4) Chính sách vành đai xanh cần sự linh hoạt để có thể thu được những lợi ích từ thiên nhiên cần thiết nhất cho các thị trấn và thành phố ở các khu vực khác nhau.□
Song Trà lược dịch
Nguồn: https://theconversation.com/green-belts-need-modernising-a-more-multifunctional-approach-can-benefit-people-and-planet-235139
Bài đăng Tia Sáng số 16/2024