Hồ sơ Kosovo
Việc Quốc hội Kosovo, nơi từng là một tỉnh tự trị thuộc Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Nam Tư trước đây, đã thông qua quyết định tuyên bố độc lập ngày 17/2 vừa qua đã gây ra những phản ứng trái chiều trên thế giới. Mỹ và một số nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức) gần như ngay lập tức đồng tình và công nhận quốc gia trẻ nhất của châu Âu này. Ngược lại Serbia và Nga phản đối một cách quyết liệt: Ngay trong lòng châu Âu - Tây Ban nha, Hy Lạp, Síp, Rumania và Slovakia -ít nhất họ không tránh khỏi "động lòng" khi nghĩ tới những khuynh hướng li khai hiện diện trong lòng quốc gia mình.
Kosovo, theo nhà bình luận Jeans-Arnault Dérens của tờ Le Monde diplomatique, có lẽ là một quốc gia “hậu hiện đại”. Đó là nơi thử nghiệm một thứ tổ chức nhà nước chưa từng có với quyền độc lập bị giới hạn và lệ thuộc vào sự bảo trợ của quốc tế.
Những hình ảnh về cuộc chiến Kosovo |
Trong quá khứ, Serbia là nguồn cung cấp năng lượng và lương thực thực phẩm của Kosovo. Sau nền độc lập, đây sẽ là một bài toán. Nền kinh tế của “quốc gia” này bị tàn phá nặng nề trong cuộc chiến cuối thế kỉ XX và chưa có dấu hiệu gì hồi phục. Thương mại và dịch vụ là xương sống của nền kinh tế trong khi đó hoạt động sản xuất hầu như tê liệt hoàn toàn chưa kể đến việc xác định, chính xác hơn là phân chia quyền sở hữu các doanh nghiệp giữa Serbia và Kosovo khó có thể kết thúc một sớm một chiều. Đó là chưa kể đến nạn thất nghiệp lan tràn với một tỉ lệ gần 60% dân số. Trong bối cảnh chính trị, xã hội như vậy đã gây ra một làn sóng di cư ra các nước lân cận và chưa có dấu hiệu ngừng. Giờ đây, dù lá cờ của nhà nước Kosovo mới đã được kéo lên với hình của vùng lãnh thổ và sáu ngôi sao tượng trưng cho sáu cộng đồng sắc tộc nhưng việc tạo ra một cơ chế để các sắc tộc chung sống hòa bình với nhau vẫn còn là một điều nan giải, đặc biệt là ở nơi mà tất cả mọi truyền thống hòa hợp cũ đã bị phá vỡ trong mấy thập niên chiến tranh và bạo lực. Ngay trong lòng Kosovo, cộng đồng người Serb (chiếm khoảng 10% dân số) giờ đây trở thành cộng đồng thiểu số vẫn không thừa nhận nền độc lập của quốc gia mà giờ đây họ là công dân.
Việc tuyên bố độc lập cho Kosovo đã đặt dấu chấm xuống dòng cho một chuỗi xung đột kéo dài, chồng chất các mâu thuẫn về sắc tộc, tôn giáo và lịch sử. Nhưng dấu chấm xuống dòng khó có khả năng là một dấu chấm hết. Kể cả khi Kosovo có được thừa nhận là một quốc gia đi chăng nữa thì chắc chắn, đây vẫn sẽ là vùng đất của xung đột, một “Jerusalem của Balkan”. Nhìn lại lịch sử, ở đây từng là nơi đối đầu giữa hai các thế lực dân tộc chủ nghĩa với người Albania, đây là vùng đất mà tổ tiên họ đã sinh sống lâu đời. Trong khi đó, đối với người Serb, Kosovo cũng được coi là “cái nôi của dân tộc Serbia”. Đứng về tâm linh, Kosovo là nơi xây dựng nhà thờ chính thống giáo đầu tiên của người Serb. Đó cũng là nơi diễn ra trận đánh có ý nghĩa biểu tượng quan trọng của người Serb chống lại đế chế Ottoman hồi thế kỉ XIV. Trên những trang lịch sử đó, lại được viết thêm những nét mực hết sức tươi mới liên quan đến cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, khi mà người Serb đứng về phía phe Đồng minh còn người Albania lại đứng về phe phát xít. Rõ ràng, khó có thể ngày một ngày hai đã xoá được hình ảnh của vùng “đất thánh” khỏi tâm trí người Serb. Và không gì có thể đảm bảo rằng trong tương lai, người Serb không đòi lại “phần đất của mình”. Nhìn rộng hơn, toàn khu vực Balkan vẫn tồn tại tình trạng phân tán và sinh sống đan xen lẫn nhau giữa các cộng đồng sắc tộc. Người Albania không phải chỉ cư trú ở Kosovo và Albania. Và ngay trong lòng những quốc gia như Croatia hay Bosnia, vẫn có những cộng đồng lớn cư dân Serbia. Lấy gì đảm bảo việc trong một tương lai không xa những cộng đồng này không đòi độc lập và “về với đất mẹ” với toan tính khôi phục những Đại Albania, Đại Serbia… Hãy nhớ rằng, chiêu bài bảo vệ các cộng đồng di dân và tình trạng bất bình đẳng do cộng đồng quốc tế áp đặt cùng với những mâu thuẫn lịch sử, tôn giáo, sắc tộc luôn là ngòi nổ cho nhiều cuộc chiến tranh, ở quy mô quốc gia, khu vực cũng như toàn cầu (trường hợp thế chiến thứ II).
Người Serb phản đối Kosovo độc lập |
“Dấu chấm xuống dòng Kosovo” có thể là sự khởi đầu cho một chuỗi những bất ổn mới. Người Serb có lẽ sẽ phải phản tỉnh lại về những gì mình đã làm trong lịch sử để tự rút ra bài học lịch sử. Không thể phủ nhận người Serb có một vai trò tích cực trong cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa Quốc xã, nhưng nhìn lại những gì mà họ đã làm với người Albania ở Kosovo trong quá khứ là một điều khó có thể chấp nhận. Suốt từ 1913 đến 1941, người Albania ở đây không được có quyền học và ra báo bằng tiếng mẹ đẻ. Đó là lí do sâu xa đẩy người Albania đến chỗ đứng về phe Phát xít. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, đặc biệt là sau khi Nam Tư li khai khỏi khối xã hội chủ nghĩa, quá khứ lịch sử chính là một trong những nguyên nhân khiến cho người Albania tiếp tục bị kì thị. Xung đột tiếp tục và khi người Albania đòi được công nhận là một “dân tộc” chứ không phải là một “dân tộc thiểu số” và đòi quyền được là một “nước cộng hòa” chứ không phải chỉ là một “tỉnh tự trị”. Đến tận 1974, Liên bang Nam Tư mới chấp nhận sửa hiến pháp để mở rộng các quyền tự trị của “tỉnh tự trị” Kosovo trong đó có cả quyền tự trị về hành chính và luật pháp, quyền phủ quyết các quyết định của Beograd. Nhưng hành động đó có vẻ là đã muộn. Không những thế, nền hành chính quan liêu và những cải cách kinh tế nửa vời của chế độ Tito đã làm trầm trọng hơn những vấn đề xã hội cũng như khoảng cách về kinh tế giữa các thực thể trong liên bang Nam Tư, trong đó có Kosovo. Tiếp sau lãnh tụ Tito mất là sự kết thúc của chiến tranh lạnh, là chuỗi sụp đổ kiểu đô-mi-nô của những nhà nước liên bang mở đầu là Liên Xô đã khơi mào và thúc đẩy thêm khuynh hướng ly khai ở Kosovo. Mặc dù có ý chí thống nhất lại Liên bang Nam Tư nhưng Milosevic lại bất lực trong việc tìm ra một giải pháp mềm dẻo. Và điều gì đến đã đến.
KOSOVO – LỊCH SỬ RÚT GỌN
Từ thời Cổ đại đến thế kỉ XI, Kosovo là địa bàn cư trú của các tộc người Illyrie.
Từ thế kỉ XI đến thế kỉ XIV, Kosovo là một phần của Đế quốc Serbia.
Từ thế kỉ XIV đến đầu thế kỉ XX, Kosovo nằm trong lãnh thổ của Đế Quốc Ottoman.
Từ 1918 đến 1941, Kosovo nằm trong lãnh thổ của Vương quốc Nam Tư.
Từ 1941 đến 1945, Kosovo được sáp nhập vào Cộng hòa Albania dưới sự chiếm đóng của Italie.
Từ 1945 đến 1989, với tư cách là một tỉnh tự trị, Kosovo được sáp nhập vào Cộng hòa Serbiaie nằm trong Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Nam Tư.
Từ 1989 đến 1999, Slobodan Milosevic xóa bỏ quyền tự trị của Kosovo.
Từ 1999 đến 2008, vùng lãnh thổ này nằm dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc
CUỘC CHIẾN KOSOVO – NHỮNG MỐC CHÍNH
1989: Slobodan Milosevic bãi bỏ quy chế tự trị của Kosovo.
1991: Trưng cầu dân ý bất hợp pháp dẫn đến việc thành lập “Cộng hòa” Kosovo, chỉ được duy nhất Albania công nhận.
1992: Thiết lập một nền hành chính song song tồn tại với nền hành chính hợp pháp của Kosovo. Ibrahim Rugova được “bầu” làm tổng thống của thiết chế hành chính này. Serbia không công nhận sự tồn tại của thiết chế này.
1995: Hiệp định hòa bình Dayton phân chia lại Nam Tư cũ. Kosovo bị lãng quên.
1996: Xuất hiện tổ chức Quân đội giải phóng Kosovo (UCK).
1997: Sinh viên Albania biểu tình và bị quân đội Serbia đàn áp.
1998: Căng thẳng liên tục giữa chính quyền trung ương Serbia và người Albania ở Kosovo. Đặc biệt là những cuộc giao tranh giữa lực lượng UCK và các lực lượng Serbia khiến con số người thiệt mạng, đặc biệt là người Albania ngày càng lên cao. Tháng 3 năm này, người Albania ở Kosovo tiến hành bầu cử, Ibrahim Rugova một lần nữa được bầu làm Tổng thống của “quốc gia” này. Tình hình xung đột tại Kosovo đã khiến cho Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế (Nga, Châu Âu, Mỹ) phản ứng. Nhiều biện pháp trừng phạt bằng cấm vận (vũ khí, đầu tư…) đã được tiến hành. Người Serb chấp nhận thỏa hiệp trên một số điểm nhưng cương quyết không rút các lực lượng quân sự khỏi Kosovo. Cũng trong năm này, bắt đầu xuất hiện những bằng chứng về việc người Serb đã tiến hành các biện pháp thanh lọc sắc tộc.
1999: Ngay từ đầu năm, NATO và Liên hợp quốc gia tăng sức ép, kể cả hiện diện quân sự đối với chính quyền Serbia. Tuy vậy, những nỗ lực đàm phán đều thất bại. Cả người Serb lẫn UCK đều không chấp nhận thỏa hiệp. Từ 24.3, khi các giải pháp ngoại giao thất bại, NATO bắt đầu tiến hành không kích chống lại Nam Tư. Cùng với sự gia tăng cường độ không kích, người Serb biếp tục gia tăng đàn áp ở Kosovo. Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, khoảng một nửa dân số Kosovo nghĩa là khoảng 900.000 người đã phải đi tị nạn. Đến tháng 5, Tòa án quốc tế về Nam Tư cũ kết án tổng thống Slobodan Milosevic tội diệt chủng và chống nhân loại ở Kosovo. Các hoạt động nói trên đã làm người Serb phải cúi đầu. Đến tháng 7, sau khi chính quyền trung ương Nam Tư chấp nhận rút toàn bộ các lực lượng vũ trang khỏi Kosovo, nhường chỗ cho một lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO, KAFOR, ngưng các cuộc không kích. 10.7.1999, Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 1244 xác nhận sự hiện diện quốc tế về dân sự và an ninh ở Kosovo và một phái bộ của Liên hợp quốc được thành lập có trách nhiệm thiết lập một nền hành chính tạm thời mà trong đó, người Albania sẽ dành được nhiều quyền tự trị hơn trong khuôn khổ Liên bang Nam Tư.
IBRAHIM RUGOVA (1944 – 2006)
Nhà lãnh đạo chính trị người Albania, linh hồn của phong trào dành độc lập cho Kosovo. Nói thông thạo tiếng Anh, Pháp và Serbia, I.Rugova đã từng theo học trong hai năm tại Trường Cao học thực hành ở Sorbonne (Pháp) với một luận văn về Roland Barthes. Ông từng là Đảng viên đảng cộng sản và là Thư kí Hội nhà văn Kosovo dưới chế độ Nam Tư cũ. Ông được bầu làm Tổng thống của Kosovo trong cuộc bầu cử Tổng thống do Liên hợp quốc tổ chức và tái đắc cử trong năm 2004. Người ta coi ông là Ghandhi của Balkans, người kiên trì chính sách bất bạo động, đòi quyền độc lập cho người nói tiếng Albania chống lại những chính sách kì thị có tính Aparthei của người Serb.
SLOBODAN MILOSEVICS (1941-2006)
Một nhân vật có vị trí đặc biết trong lịch sử khu vực Balkans. Học đại học luật và từng là một đảng viên cộng sản dưới thời Nam Tư cũ. Ông là Tổng thống cộng hòa Serbia từ năm 1987 – 2000 và trước đó là tổng thống của Liên bang Nam Tư (1997 – 2000). Năm 1989, chính ông Milosevic là người đã đổi tên Đảng cộng sản thành Đảng xã hội. Trong giai đoạn cầm quyền của ông đã diễn ra các cuộc chiến tranh dẫn đến sự tan vỡ của Liên bang Nam Tư cũ : chiến tranh ở Bosnia và ở Croatia. Các cuộc chiến này kéo dài từ 1991 và kết thúc năm 1995 với hiệp định hòa bình Dayton. Cú đánh làm sụp đổ chế độ Milosevic là cuộc chiến tranh ở Kosovo năm 1999 với những đợt oanh kích của NATO dẫn đến việc người Serbia phải rút toàn bộ lực lượng vũ trang của mình khỏi tỉnh tự trị này. Trong thời gian đó, phong trào đối lập ở Serbia không ngừng dâng cao. Năm 2000, ông Milosevic bị thất cử trong cuộc đối đầu với ông Vojislav Kostunica và năm 2001, ông bị bắt giam và giao cho Tòa án quốc tế về tội phạm chiến tranh ở Nam Tư cũ. Ông chết tại Hà Lan trong thời gian bị giam giữ và xét xử ở đây.
HASHIM THACI (1968- )
Thủ tướng đầu tiên của Kosovo độc lập. Sinh ra tại vùng Drenica, cái nôi của phong trào đòi độc lập của người Albanie. Ông Hashim Thaci bắt đầu cuộc đời binh nghiệp từ khi còn rất trẻ và trở thành một gương mặt nổi bật của Quân đội giải phóng Kosovo. Ông chủ trương sử dụng vũ trang và đối lập với khuynh hướng bất bạo động của Ibrahim Rugova. Ông Thaci bắt đầu xuất hiện trong vai trò chính trị gia trong cuộc hòa đàm về Kosovo năm 1999 tại Rambouiller (Pháp) trước khi NATO tiến hành các cuộc không kích chống Nam Tư. Sau chiến tranh, Hashim Thaci trở thành một chính trị gia, thủ lĩnh Đảng dân chủ và là một nhân vật quan trọng của đời sống chính trị ở Kosovo. Trên các diễn đàn công khai, ông luôn chủ trương đối thoại với Serbia. Chính quyền Serbia coi Thaci là phần tử khủng bố và từng kết án vắng mặt ông này 33 năm tù vì tội tấn công một đồn cảnh sát Serbia. Một số tờ báo Mỹ cũng từng kết án ông này liên can đến các tổ chức buôn bán ma túy.