Hỗ trợ theo nguyên tắc “từ dưới lên”
Khi chúng tôi cùng PGS. TS Trần Văn Ơn tới hợp tác xã (HTX) làm miến Đình Trung ở xã Húc Động, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh thì La Nồng, chủ nhiệm HTX đã bắt xe khách đi Hà Nội từ sáng sớm để nhận giải thưởng Lương Định Của cho những thanh niên có thành tích xuất sắc trong phát triển nông nghiệp. La Chiu, bố của La Nồng, người truyền nghề làm miến dong truyền thống cho La Nồng cũng đã đi sang huyện bên thu mua dong riềng.
Miến thành phẩm trước khi đóng gói ở HTX miến Đình Trung, xã Húc Động, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh.
Chỉ có dây chuyền sản xuất miến bán tự động đang chạy rầm rập, xã viên tấp nập đưa những mẻ miến cuối cùng của buổi sáng đi phơi cho kịp nắng trưa. Kể từ 2014, nhờ Chương trình OCOP hỗ trợ quảng bá thương hiệu, dây chuyền sản xuất (OCOP hỗ trợ 50% tiền mua dây chuyền), HTX của người Sán Chay này tăng gấp đôi sản lượng bán ra, tăng khoảng 6 tấn miến một tháng so với trước. Miến của HTX Đình Trung được khách hàng ưa chuộng vì rất mềm, ngon, màu sắc trong, nấu lâu vẫn dai mà không nát. Vì thế 23 thành viên HTX thường “làm không hết việc”, HTX phải mở rộng vùng thu mua nguyên liệu sang các huyện lân cận mới đủ cho sản xuất.
Khiếm khuyết đáng kể duy nhất còn lại trong sản phẩm miến dong của HTX Đình Trung là tỉ lệ vi sinh vật trong miến dong chưa đạt theo yêu cầu theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặc dù dây chuyền sản xuất được hiện đại hoá nhưng nhà xưởng vẫn “như xưa”, đặt trong căn nhà cấp bốn cũ khá ẩm thấp, khu chứa củ dong riềng ở ngoài trời và rất gần đường đi… Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng này, những người làm HTX Đình Trung sẽ không đơn độc. Trong thời gian tới, họ sẽ được các cán bộ của Chương trình OCOP hỗ trợ, tổ chức tập huấn quy trình sản xuất hợp vệ sinh an toàn thực phẩm và tìm phương án cải thiện môi trường sản xuất.
Không chỉ riêng Đình Trung, mà tất cả các HTX, doanh nghiệp cộng đồng tham gia Chương trình OCOP Quảng Ninh đều có thể viết đề xuất đề nghị Chương trình OCOP hỗ trợ về tái cơ cấu, cơ sở hạ tầng, tư vấn phát triển sản xuất, giám sát chất lượng, quảng bá thương hiệu … hay thậm chí chỉ là thiết kế bao bì sao cho đẹp mắt.
Người dân tự đề xuất và quyết định
Với mục tiêu phát triển sản xuất các sản phẩm đặc trưng của từng xã theo chuỗi hàng hóa, Chương trình OCOP được thực hiện ở Quảng Ninh từ tháng 10/2013 theo nguyên tắc “người dân đề xuất” để thực hiện “từ dưới lên”. Dự án này được UBND tỉnh duyệt và bắt đầu đưa vào thực hiện theo quy trình: 1/ Nhóm tư vấn tập huấn cho cán bộ địa phương về Chương trình OCOP; 2/ Cán bộ các huyện thông tin tới người dân về cách tham gia OCOP, hướng dẫn người dân viết đề xuất sản phẩm và kế hoạch sản xuất. 3/ Cán bộ OCOP huyện, tỉnh tiếp nhận hồ sơ, đi thực tế tại từng cơ sở sản xuất và thảo luận với nhóm tư vấn về toàn bộ nội dung cần hỗ trợ ở mỗi cơ sở sản xuất. 4/ Cán bộ OCOP cùng đơn vị tư vấn hỗ trợ các cơ sở sản xuất. 5/ OCOP tổ chức thi đánh giá, phân hạng sản phẩm từ 1 tới 5 sao (tới đây những sản phẩm như miến dong của HTX Đình Trung phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm mới có thể được đưa vào xếp hạng). 6/ OCOP tổ chức xúc tiến thương mại hóa sản phẩm thông qua các ngày hội kết nối đầu tư, hội chợ hàng OCOP (2-3 lần/ năm) và gian hàng OCOP (mỗi huyện, thị tại Quảng Ninh bố trí một gian hàng OCOP), quảng bá sản phẩm. Toàn bộ quy trình này được lặp lại hằng năm để liên tục tìm ra các nhân tố mới tham gia vào chương trình OCOP và các đơn vị sản xuất cũ tiếp tục nhận được hỗ trợ khi có vướng mắc phát sinh. Ngoài ra, bất kỳ khi nào gặp khó khăn, các đơn vị sản xuất đều có thể liên lạc ngay với văn phòng OCOP huyện để đề nghị tư vấn hỗ trợ. Ví dụ, trường hợp của HTX Dược liệu xanh Đông Triều (DTgreen) tại xã Tràng Lương, huyện Đông Triều, sau khi đi vào sản xuất được một thời gian đã gặp khó khăn trong xây dựng hình ảnh thương hiệu, làm mẫu mã bao bì và đề nghị OCOP huyện cùng nhóm tư vấn hỗ trợ giải quyết khó khăn. Nhóm tư vấn tìm kiếm một người có kinh nghiệm phù hợp tới làm việc cho HTX DTgreen trong vòng năm tháng để phát triển các hợp phần mà DTgreen còn đang vướng mắc (DTgreen trả tiền công lao động cho cán bộ đó theo hợp đồng lao động thông thường).
Thông thường, cụm từ “hỗ trợ từ phía nhà nước” sẽ khiến nhiều người trong chúng ta liên tưởng tới hình ảnh nhà nước “làm thay” hoặc “cho không”. Nhưng trong trường hợp ở OCOP Quảng Ninh, cách làm lấy ý kiến từ dưới lên theo quy trình sáu bước ở trên với nguyên tắc “tư vấn chứ không làm thay” đã đem lại thành công cho chương trình này mà không tạo ra tâm lý “ỷ lại” cho người dân. Cụ thể, khi các cơ sở sản xuất trong Chương trình OCOP gặp khó khăn, cán bộ OCOP huyện sẽ mời đơn vị tư vấn tới thực địa, thảo luận chỉ ra các nguyên nhân khó khăn, cùng tìm ra phương án giải quyết dựa vào nguồn lực của cộng đồng. Sau đó, các cộng đồng phải tự tháo gỡ khó khăn bằng cách tự tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất dựa trên tư vấn của cán bộ OCOP hoặc nhóm tư vấn. Trong những trường hợp các cơ sở sản xuất cần mở rộng sản xuất và được đơn vị tư vấn đánh giá là có khả năng phát triển sản xuất, có khả năng tiếp cận thị trường, nguồn nhân lực đáp ứng kế hoạch sản xuất, thì nhà nước sẽ hỗ trợ 50% vốn xây dựng mặt bằng và dây chuyền sản xuất (tỉnh Quảng Ninh tự bố trí từ nguồn ngân sách của tỉnh dành cho chương trình nông thôn mới). Chính vì lẽ đó, các hỗ trợ này thường đi “đúng”, “trúng” vào các đơn vị sản xuất thực sự cần và có khả năng tự phát triển sản xuất như trường hợp của HTX Đình Trung.
Không thể thiếu vai trò tư vấn của nhà khoa học
Trong toàn bộ quá trình hình thành và phát triển OCOP ở Quảng Ninh, nhóm tư vấn phát triển cộng đồng có vai trò đề xuất, xây dựng chương trình, đào tạo nguồn nhân lực làm phát triển chương trình cho cán bộ các cấp (tỉnh, huyện), đánh giá quá trình thực tiễn triển khai OCOP ở những địa phương gặp nhiều khó khăn, đề xuất phương án giải quyết. Chị Lê Thị Thu Hương, trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bình Liêu, là cán bộ chương trình OCOP, cho biết cán bộ địa phương rất khó thực hiện chương trình OCOP nếu không có sự tư vấn thường xuyên của nhóm tư vấn, vì “bản thân cán bộ huyện vốn chủ yếu làm công tác hành chính, không thể đủ năng lực để giải thích cho người dân mọi vấn đề vướng mắc trong sản xuất được”.
Ngoài ra, các cơ sở kinh tế tham gia chương trình OCOP còn cần hỗ trợ về mặt khoa học công nghệ từ nhiều cơ quan khoa học khác để thẩm định quy trình sản xuất (đảm bảo các chỉ số khoa học về hàm lượng, chất lượng, vệ sinh…), chứng minh công dụng khoa học… trước khi có thể mở rộng sản xuất. Vì sản xuất truyền thống mới chỉ nhằm phục vụ tiêu dùng tại chỗ trong thời gian rất ngắn, thuần túy dựa trên kinh nghiệm, không minh chứng được các nguyên lý khoa học, không áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng cho sản xuất đại trà… nên phổ biến tình trạng các sản phẩm không giữ được chất lượng, không đảm bảo tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm khi đưa ra sản xuất lớn, lưu hành dài ngày trên thị trường. Thực trạng này khá phổ biến ở huyện Bình Liêu, khi “trong toàn huyện có tám sản phẩm dự thi OCOP nhưng chưa sản phẩm nào được cấp sao vì không đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó chủ tịch huyện Bình Liêu, cho biết.
Do đó, Chương trình OCOP thường tìm kiếm thông tin về một số tổ chức nghiên cứu, thẩm định khoa học công nghệ và “bắc cầu” để các đơn vị tham gia OCOP có thể kết nối và “tự đặt hàng” các nghiên cứu nếu có nhu cầu hoàn thiện quy trình sản xuất với quy mô lớn. Ví dụ, Công ty Cổ phần sản phẩm truyền thống Bằng Cả, xã Bằng Cả, huyện Hoành Bồ đang đặt hàng Viện Ứng dụng công nghệ thuộc Bộ KH&CN nghiên cứu lại quy trình sản xuất rượu Bâu để nâng cao năng suất, chất lượng và thời gian bảo quản sản phẩm. Dự kiến, thời gian hoàn thành nghiên cứu này và chuyển giao vào áp dụng trong thực tế sản xuất tại Bằng Cả vào giữa năm 2017.
Tương tự, với trường hợp của công ty CP Lâm sản Đạt Thanh (DTFopro) tại huyện Ba Chẽ, cũng có thể thấy rõ vai trò của nghiên cứu khoa học đối với sự phát triển, mở rộng của công ty. Nếu trước năm 2014, DTFopro mới chỉ thuần túy thu hái và bán sản phẩm thô là bông hoa và búp non của trà hoa vàng cho các thương lái Trung Quốc. Kể từ khi đặt hàng PGS.TS Trần Văn Ơn nghiên cứu thành phần, dược tính của trà hoa vàng (có công dụng phòng ngừa ung thư, điều hòa huyết áp, giảm mỡ máu) thì DTFopro có đủ cơ sở khoa học để sản xuất và chế biến thành các sản phẩm như trà túi lọc, trà hoa khô (OCOP xếp hạng bốn sao) cho người tiêu dùng Việt Nam. Mặc dù có giá thành rất đắt, khoảng 400.000 một hộp trà 30gram, nhưng trà hoa vàng của DTFopro luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Công ty này cũng đang dự tính sẽ nghiên cứu thị trường và đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu quy trình để sản xuất các sản phẩm phái sinh khác như cao trà hoa vàng, mặt nạ dưỡng da trà hoa vàng…
Vì vậy, có thể nói rằng để các doanh nghiệp cộng đồng có thể tiếp tục phát triển mạnh mẽ, mở rộng quy mô sản xuất, tiếp cận thị trường, người dân luôn cần sự hỗ trợ “đúng cách” từ phía nhà nước và tư vấn từ các nhà khoa học và nhà phát triển cộng đồng.
Trên đường rời khỏi xã Húc Động, PGS.TS Trần Văn Ơn chỉ vào những bao tải dong riềng đang chất cao ngất trước cổng HTX Đình Trung và những giàn phên tre phơi miến trên cánh đồng mới gặt còn trơ gốc rạ và dặn nhóm đồng sự: “có lẽ họ để củ dong ngoài trời, làm giàn phơi trên nền ruộng, gần đường quá nên khi xét nghiệm mới không đảm bảo chỉ số vi sinh trong miến, phải tiếp tục tư vấn họ thay đổi quá trình phơi này”