Hoa Kỳ thành lập hàng chục trung tâm nghiên cứu thông tin lượng tử và AI

Ngày 26/8, Nhà Trắng công bố Mỹ đặt mục tiêu đầu tư 765 triệu USD trong 5 năm tới vào hàng chục trung tâm khoa học dành riêng cho việc nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học thông tin lượng tử (QIS). Các công ty công nghệ tư nhân như IBM, Google và Intel cũng sẽ góp phần trong nỗ lực kép này. Như vậy, tổng đầu tư kêu gọi được cho nghiên cứu lên tới hơn 1 tỷ USD.


Intel hợp tác với trung tâm Q-NEXT, Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne.

Giám đốc công nghệ của Nhà Trắng Michael Kratsios và Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng Chris Liddell đã viết trong bản tuyên bố: “Các viện nghiên cứu này thể hiện rõ nét cách tiếp cận thị trường tự do độc đáo của Mỹ với những tiến bộ công nghệ. Mỗi viện sẽ là nơi tập hợp chính quyền liên bang, ngành công nghiệp và học giả lại với nhau; định vị chúng ta để tận dụng toàn bộ sức mạnh cùng lợi thế chuyên môn của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nước Mỹ”.

Bảy trong số các trung tâm này sẽ có trụ sở tại các trường đại học và tập trung vào những ứng dụng AI khác nhau, chủ yếu liên quan đến việc lập trình cho phép máy tính học cách tìm ra các mẫu (pattern) hữu ích, chẳng hạn như nước đi hiệu quả nhất. Nếu Quốc hội chấp thuận đề xuất ngân sách, mỗi trung tâm sẽ nhận được 20 triệu USD trong 5 năm với khoản tiền trả trước đã được phê duyệt cho năm nay. Năm trung tâm khác sẽ nhận được hỗ trợ từ Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) và hai trung tâm sẽ nhận tiền từ Viện Nông nghiệp và Thực phẩm Quốc gia của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.

Mỗi trung tâm AI sẽ tập trung vào một ứng dụng cụ thể. Ví dụ, Đại học Oklahoma sẽ chịu trách nhiệm triển khai Viện Nghiên cứu AI đáng tin cậy trong lĩnh vực Thời tiết, Khí hậu và Hải dương học ven biển của NSF. Quỹ NSF dự tính sẽ bỏ thêm 300 triệu USD trợ cấp để hỗ trợ công việc về AI.

Năm trung tâm khác được Bộ Năng lượng (DOE) tài trợ đặt tại các phòng thí nghiệm quốc gia sẽ tập trung vào nhiều khía cạnh của khoa học thông tin lượng tử, bao gồm phát triển các môi trường kiểm thử cho máy tính lượng tử mới nổi, công nghệ thiết lập một mạng internet lượng tử không thể xâm nhập, và những ứng dụng về cảm biến lượng tử khác. Chẳng hạn, Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne ở Illinois sẽ xây dựng trung tâm Q-NEXT để tập trung vào các mạng lượng tử và vật liệu cho công nghệ lượng tử. DOE đề xuất khoản tiền 125 triệu USD cho mỗi trung tâm trong vòng 5 năm. Ngoài 625 triệu USD mà DOE sẽ đầu tư, các đối tác tư nhân và trường đại học cũng sẽ đóng góp thêm 300 triệu USD cho các trung tâm này. 

Mặc dù thông báo của Nhà trắng lần này đã hướng sự chú ý của dư luận tới địa điểm và tầm nhìn của từng trung tâm khác nhau nhưng việc thúc đẩy phát triển các trung tâm này không phải là điều mới mẻ và tất yếu bắt nguồn từ Nhà Trắng. Vào năm 2016, chính quyền trước đó của cựu tổng thống Obama đã kêu gọi nỗ lực phối hợp để mở rộng nghiên cứu về AI. Cuối tháng 12/2018, Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua “Đạo luật Sáng kiến ​​Lượng tử lưỡng đảng Quốc gia”, trong đó có nội dung kêu gọi thành lập tối đa 5 trung tâm nghiên cứu của DOE.

Với một số nhà nghiên cứu, đây có thể là điều trớ trêu khi một trong những nhà bảo trợ chính cho đạo luật này là cựu Dân biểu Lamar Smith, người từng đứng đầu Ủy ban Khoa học, Không gian và Công nghệ của Hạ viện và bị nhiều nhà nghiên cứu chán ghét. Smith từng khơi mào cuộc tranh cãi giữa một số nhà nghiên cứu và giữa các thành viên Đảng Dân chủ trong ủy ban khi cứ khăng khăng rằng khi xem xét các đề xuất, Quỹ NSF phải cân nhắc đến việc liệu những nghiên cứu có “phục vụ lợi ích quốc gia” hay không và đặt câu hỏi rằng liệu hành động của chính phủ trong vấn đề biến đổi khí hậu có cần thiết. Vậy mà sau đó, Smith và một nhóm lưỡng đảng đã cùng nhau xây dựng ra sáng kiến ​​lượng tử. Giờ đây, một phần lớn của sáng kiến sắp thành hiện thực. □

Ngô Hà dịch
Nguồn: https://www.sciencemag.org/news/2020/08/united-states-establishes-dozen-ai-and-quantum-information-science-research-centers

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)