Hội nhập kinh tế: nhìn từ bên trong

Từ nhiều năm nay, vấn đề hội nhập quốc tế luôn là một chủ đề nóng hổi trong các cuộc thảo luận về hiện trạng và tương lai kinh tế nước ta. Bài viết này muốn đề cập đến vấn đề hội nhập từ một góc nhìn khác: đó là sự hội nhập kinh tế giữa các vùng trong nước.

Nói đến hội nhập kinh tế là nói đến việc dỡ bỏ rào cản cho các hoạt động kinh tế. Hiểu theo nghĩa rộng, rào cản là tất cả những yếu tố làm tăng chi phí di chuyển của hàng hóa, vốn và lao động. Hội nhập kinh tế thế giới góp phần nâng cao đời sống và thúc đẩy tăng trưởng, hội tụ kinh tế. Hiện tượng hội tụ kinh tế thường được thấy trong những nhóm nước có điều kiện kinh tế và truyền thống khá giống nhau, dẫn tới việc các nền kinh tế  này hòa nhập với nhau và có rất ít rào cản kinh tế. Trong phạm vi nội địa một nước cũng vậy, nếu như thị trường trao đổi hàng hóa và công nghệ được thông thoáng thì những vùng nghèo hơn (ít vốn, đông dân) trở nên rất hấp dẫn đối với đầu tư và có thể tự dùng được nội lực của mình để tăng trưởng nhanh hơn những vùng giầu, dẫn đến hội tụ kinh tế trong phạm vi cả nước. Không có sự hội tụ kinh tế tự nhiên, nhà nước phải trích một phần lớn ngân sách ra bù đắp, hỗ trợ những vùng nghèo. Điều này về lâu về dài ảnh hưởng xấu đến cả những vùng nghèo (tạo ra sự ỷ lại, trông chờ vào ngân sách quốc gia) lẫn những vùng không nghèo (chịu gánh nặng thuế để bù đắp cho các vùng nghèo).

Những rào cản kinh tế trong nước


Giao thông thông thoáng giảm sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế nhanh hơn, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa.

Rào cản hàng hóa gia tăng tổng chi phí lưu thông hàng hóa trên thị trường. Có những thời kỳ nền kinh tế của ta bị chia cắt hoàn toàn bởi những quy định ngăn sông, cấm chợ bất hợp lý. Còn hiện nay, những rào cản đáng kể nhất trong nước là chi phí vận tải và chi phí cập nhật thông tin. Ở nước ta, chi phí vận tải còn khá cao. Mặc dù chất lượng đường sá ngày càng tốt hơn, nhưng lưu lượng đi lại cao hơn cộng với việc hạn chế tốc độ để đảm bảo an toàn cũng ảnh hưởng nhiều đến thời gian vận chuyển. Chưa kể đến tình trạng một số nơi cảnh sát giao thông nhũng nhiễu, các hoạt động kinh tế diễn ra ngay sát đường giao thông…
Chi phí cập nhật thông tin, điển hình là điện thoại vẫn còn cao, cho dù hiện đang được cải tiến đáng kể. Để vận chuyển hàng hóa hợp lý, thương nhân thường xuyên phải sử dụng điện thoại và các dịch vụ tương tự nhằm nắm bắt thông tin thị trường ở các địa phương khác nhau, từ đó loại bỏ rủi ro về biến động giá cả hàng hóa. Giá thành vận chuyển vì thế cũng phải cõng thêm chi phí của những dịch vụ này.
Rào cản vốn gia tăng tổng chi phí đầu tư và lưu chuyển vốn giữa các địa phương. Đặc biệt phải kể đến việc chuyển vốn từ những điểm nóng kinh tế đến những vùng nghèo và hoạt động kinh doanh thưa thớt. Ở nước ta, những rào cản đáng kể khác có thể nhắc tới là khung luật pháp về đầu tư không rõ ràng nhất quán và chi phí quản lý vốn ở địa phương cao. Yêu cầu của luật pháp càng phức tạp thì việc chuyển vốn đến một địa bàn mới càng khó khăn. Chi phí cho việc tìm hiểu thông tin, tìm hiểu chính sách, môi trường đầu tư ở địa phương, thuê người quản lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp khi có tranh chấp v.v… cũng là những yếu tố ngăn cản dòng chảy tự nhiên của vốn.
Một ví dụ nhỏ minh họa: nhiều hộ ở vùng xa muốn vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp để phát triển chăn nuôi lợn. Họ khó tiếp cận vốn vay vì nguồn vốn từ địa phương thì ít mà những ngân hàng lớn lại không muốn bỏ tiền lập chi nhánh ở những vùng xa (rào cản về vốn). Nếu phải vay ở xa, đối với một khoản vay nhỏ độ 5–6 triệu đồng, chỉ riêng tiền đi lại của người dân để trả lãi suất hàng tháng cũng khoảng 30 ngàn đồng, bằng tiền trả lãi ngân hàng. Họ cũng khó mua con giống, và khi sản xuất xong rồi lại phải chuyên chở rất vất vả mới có thể tiêu thụ được. Họ lại thiếu thông tin về giá cả thị trường chung, nên hoàn toàn bị động và dễ phải mua bán với giá không có lợi… Cuối cùng, rào cản đối với sự di chuyển của con người ở Việt Nam, chủ yếu bao gồm các mối liên hệ xã hội mật thiết ở địa phương, và khả năng tìm chỗ ở, sinh hoạt lâu dài ở các thành phố lớn.
Trong ba loại rào cản này, rào cản di cư của con người là rào cản truyền thống, tự nhiên, bắt rễ chắc chắn nhất và không nhất thiết phải dỡ bỏ rào cản này. Ngược lại, hai rào cản còn lại đều đáng được hạ thấp càng nhiều càng tốt vì chúng  ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế.
Nếu không có rào cản?

Khi các trung tâm lớn của đất nước có khả năng hội nhập với thế giới thì sẽ xuất hiện nguy cơ kéo doãng khoảng cách kinh tế giữa các vùng, khiến thị trường nội địa càng ngày càng manh mún, tình trạng độc quyền nhiều hơn và những vùng nghèo ngày càng khó phát triển.

Hãy thử tưởng tượng một nền kinh tế nội địa có rất ít rào cản về lưu chuyển vốn. Không gặp vướng mắc, đồng vốn sẽ tự tìm đến những nơi có cơ hội sinh lợi cao hơn: các vùng nghèo hơn, nếu những vùng này hội nhập vào thị trường hàng hóa toàn quốc. Còn nếu rào cản hàng hóa quá lớn, thì dù đồng vốn tự do lưu chuyển, nó cũng không thể hạ cánh vào những vùng nghèo bị cô lập và không có mấy cơ hội sản xuất, tiêu thụ.
Khi có ít rào cản lưu thông hàng hóa, toàn bộ nền kinh tế được gộp lại thành một thị trường lớn. Trên thị trường chung, giá cả được bình chuẩn và cân bằng khắp mọi nơi. Lưu thông hàng hóa cũng có nghĩa là thông tin, công nghệ được lưu thông, chia sẻ đồng đều trên khắp cả nước.
Hàng hóa được bán ra trên cùng một thị trường, với cùng một mặt bằng giá, cùng một điều kiện công nghệ, sẽ dẫn đến cơ hội sản xuất giống nhau ở khắp nơi. Nhờ đó, đồng vốn tự do lưu thông sẽ đổ bộ vào những vùng còn nghèo và chưa có nhiều vốn, dẫn đến cân bằng tốc độ tăng trưởng trên mặt bằng chung và hội tụ kinh tế vùng. Kết quả là các vùng nghèo sẽ tăng trưởng nhanh hơn và về lâu dài bắt kịp các vùng giầu.
Như vậy, rào cản về hàng hóa nên tháo gỡ trước nhất, sau đó đến rào cản về vốn và cuối cùng là rào cản di cư.
Viễn cảnh một thị trường thống nhất cả nước không chỉ có tạo ra sự đồng đều và phát triển bền vững giữa các vùng, mà còn giúp chia sẻ rủi ro. Khi một vùng gặp khó khăn không lường trước như thiên tai, dịch bệnh…, thị trường thống nhất sẽ tự cân bằng và vận chuyển nguồn lực từ nơi khác đến để bù đắp. Ví dụ như một tỉnh đột nhiên bị thiên tai nặng nề, cây lương thực bị tàn phá nghiêm trọng, nếu địa phương bị cô lập, thì giá lương thực sẽ leo thang khủng khiếp, đe dọa tới đời sống người dân, thậm chí có thể dẫn đến nạn đói. Nhưng nếu như thị trường toàn quốc thống nhất, không có rào cản, thì tự nó sẽ điều tiết lương thực ở các vùng khác đến nơi có thiên tai, đồng thời bình chuẩn giá cả ở đó với mặt bằng giá chung (vì nhu cầu của một địa phương nhỏ không đủ để thay đổi mặt bằng giá chung của cả nước). Như thế, vùng bị thiên tai đã nghiễm nhiên được thị trường bảo vệ, cứu trợ một cách “sòng phẳng”, trước khi nhà nước và các tổ chức từ thiện đóng góp thêm sự giúp đỡ.
Những rào cản trên thực tế

Rào cản về hàng hóa là nên tháo gỡ trước nhất, sau đó đến rào cản về vốn và cuối cùng là rào cản di cư.

Tất nhiên, trong thực tế luôn có nhiều rào cản, về cả tự nhiên lẫn xã hội ảnh hưởng ít nhiều đến nền kinh tế, và trong đa số trường hợp là ảnh hưởng tiêu cực.
Rào cản hàng hóa càng nhiều thì thị trường càng bị chia nhỏ. Chia nhỏ không chỉ ở mức vùng, tỉnh, mà còn xuống tận làng xã, thôn bản. Tại các thị trường nhỏ, hàng hóa trao đổi ít, nhất là đối với bên ngoài nên cơ hội trao đổi thông tin, công nghệ càng hiếm hoi, dẫn đến đời sống tụt giảm và kìm hãm tăng trưởng.
Quay lại ví dụ vay vốn để nuôi lợn: ở những làng xã vùng xa, giao thông khó khăn, thường chỉ có một hai thương nhân cung cấp con giống, rồi lại thu mua sản phẩm lợn thịt. Với lợi thế độc quyền đó, họ dễ dàng ép giá và hưởng hầu hết giá trị sản xuất của nông dân. Ở đây không đơn thuần là chuyện phân chia sản phẩm giữa thương nhân và nông dân. Điểm cốt yếu là giá bị ép chênh lệch nhiều so với giá trên thị trường chính, nông dân thấy không có lợi nên không muốn sản xuất, kìm hãm tốc độ phát triển chung của cả địa phương. Khó khăn này lại nhân lên gấp bội khi nông dân thường cùng vay vốn một đợt để sản xuất cùng một loại sản phẩm (một ví dụ thường thấy của các “mô hình phát triển kiểu mẫu” ở nông thôn). Khi đó, nhu cầu đầu vào của họ tập trung vào một thời điểm, và đầu ra của sản xuất cũng tập trung vào một thời điểm, càng dễ bị độc quyền lợi dụng.
Tiếp theo, thị trường hàng hóa quá nhỏ ảnh hưởng đến thị trường vốn. Chi phí quản lý và thu thập thông tin, sẽ cản trở lớn cho sự lưu thông, thu hút vốn vào những thị trường nhỏ. Hậu quả là thiếu cơ chế tiết kiệm và huy động vốn ở địa phương, và người muốn vay vốn lại càng gặp nhiều khó khăn.
Những khó khăn này tạo ra chênh lệch mức sống lớn giữa nông thôn và thành thị. Đây là sức ép rất mạnh đối với việc di cư. Người dân nông thôn tuy có khát khao vươn lên cuộc sống no đủ nhưng lại bị cô lập về hàng hóa, về thông tin, về công nghệ, về vốn. Kết quả là họ muốn di cư ra thành phố tìm cơ hội. Khu vực thành thị vì thế sẽ phải chịu sức ép di cư từ chính sự biệt lập của nông thôn.
Khi hội nhập quốc tế

 Chi phí vận tải và chi phí cập nhật thông tin còn khá cao hiện đang là những rào cản cho các hoạt động kinh tế trong nước.

Điều gì sẽ xảy ra khi một nền kinh tế cố trở nên thông thoáng với thế giới, song lại bị chia cắt nhỏ ở trong nước? Hòa nhập được với thế giới, những vùng kinh tế trung tâm sẽ trở thành thành phần của thị trường hàng hóa, thị trường vốn toàn cầu. Về lâu dài, điều này cho phép những khu vực kinh tế này bám đuổi và hội tụ với trình độ kinh tế thế giới, nâng cao đời sống ở các khu vực, giảm sức ép chảy máu chất xám, đồng thời gián tiếp bảo hộ đối với những cú sốc không lường trước được.
Mặt khác, những khu vực trung tâm này càng ngày càng tách rời khỏi những vùng phụ cận. Đã bị biệt lập từ trước, các vùng này ngày càng khó theo kịp khu vực kinh tế chính, nhất là khi khu vực kinh tế chính hướng ra thị trường quốc tế và không cần quá quan tâm đến thị trường trong nước nữa. Hậu quả là khoảng cách giữa kinh tế các vùng ngày một rộng, thị trường nội địa càng ngày càng manh mún. Hiện tượng độc quyền trong nước sẽ xuất hiện nhiều hơn, hạn chế sự phát triển của những vùng nghèo. Sức ép di cư từ nông thôn ra thành thị ngày một tăng, trong khi thành thị không kịp thích ứng, dẫn đến đủ mọi hậu quả kinh tế xã hội.
Làm gì để hạn chế các tác động xấu?

 

Xóa bỏ các rào cản sẽ là điều kiện để hội tụ kinh tế giữa các vùng nhanh hơn, giúp Việt Nam khỏi tụt hậu so với thế giới.

Đối diện với những khó khăn này, nhà nước có thể đưa ra nhiều biện pháp. Có những biện pháp chỉnh sửa phần ngọn của vấn đề như chính sách hạn chế di cư ra đô thị, đầu tư trực tiếp vào sản xuất ở địa phương, tổ chức truyền bá trao đổi thông tin sản xuất, mở rộng vay vốn cho người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, cấm thương lái độc quyền…
Cũng có những chính sách đi thẳng vào cội rễ của vấn đề bằng cách giải quyết sự chia cắt, manh mún của thị trường: nâng cấp cơ sở hạ tầng theo định hướng kết nối các thị trường nhỏ và giúp ích cho việc lưu thông hàng hóa bằng đường xe lửa và đường thủy, giảm chi phí vận chuyển đường bộ, tách rời đường quốc lộ ra khỏi khu dân cư để giảm tai nạn, tăng tốc độ cho phép, giảm các chi phí kiểm tra không cần thiết…
Ngoài ra, có thể tạo cơ chế thông tin thị trường cho những người sản xuất và buôn bán, tạo hệ thống “chấm điểm” khả năng vay và hoàn trả vốn của người dân, của doanh nghiệp, mở rộng thị trường hàng hóa với tất cả các loại mặt hàng. Không nên quá chú trọng vào việc phát triển một, hai mặt hàng ở một địa phương, để rồi làm mất cân bằng các mặt hàng khác trên thị trường.
Chính sách chỉnh sửa phần ngọn, cũng giống như thuốc bôi ngoài da, thường có kết quả nhanh hơn, nhưng không được bền vững bằng chính sách đi vào phần gốc. Chẳng hạn, phân phối ngân sách thẳng vào các địa phương nghèo quá nhiều sẽ sinh ra tâm lý ỷ lại vào nguồn ngân sách nhà nước, làm cho người dân địa phương tiêu dùng nhiều hơn là đầu tư sản xuất, không khuyến khích phát triển. Đồng thời, gánh nặng ngân sách sẽ đè lên mức thuế ở những trung tâm kinh tế chính, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế ở những nơi này (đến nay, toàn quốc chỉ có 5 tỉnh, thành phố có mức thu ngân sách nhiều hơn chi!). Duy trì chính sách hạn chế di cư bằng quy định về hộ khẩu khiến di cư bất hợp pháp phát triển, tạo ra nhiều vấn đề xã hội phức tạp ở đô thị. Vì thế, nên kết hợp cả hai loại chính sách, về lâu dài đặc biệt chú trọng vào chính sách chữa căn nguyên của các vấn đề.
Việc hòa nhập với thị trường quốc tế cũng quan trọng như việc kết nối trong nội bộ thị trường quốc nội. Xét cho cùng, cả hai đều tạo ra những động lực và cơ hội phát triển bền vững đặc biệt. Kết hợp được cả hai mặt của một vấn đề, chúng ta sẽ đạt được cả mục tiêu cân bằng kinh tế giữa các vùng trong nước, lẫn mục tiêu bám đuổi tầm cao của kinh tế thế giới.

Đỗ Quốc Anh

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)