Hội nhập toàn cầu với quá trình tái cấu trúc xã hội ở VN

Cùng với sự phát triển của kinh tế hàng hóa mà đặc trưng là nền sản xuất đại công nghiệp, loài người cũng bước vào một quá trình mở rộng quan hệ quốc tế ra tới phạm vi toàn cầu với sự thay đổi toàn diện, sâu sắc và mang tính tất yếu. Việc tìm hiểu mối quan hệ của quá trình nói trên đối với quá trình tái cấu trúc xã hội ở Việt Nam trước nay do đó vừa có thể làm sáng tỏ thêm một số đặc điểm của quá trình hội nhập toàn cầu vừa có thể góp thêm những dữ kiện để nhìn nhận vị trí của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay.

Nhìn lại quá trình hội nhập toàn cầu

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, K. Marx và F. Engels đã chỉ ra rằng “cùng với sự phát triển của kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa, quan hệ phụ thuộc giữa các dân tộc sẽ trở nên phổ biến hơn trên cả phương diện sản xuất vật chất lẫn sản xuất tinh thần, những thành quả của họat động tinh thần của một dân tộc sẽ trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc”. Quan hệ phụ thuộc giữa các dân tộc nói tới trên đây không gì khác hơn là những biểu hiện đầu tiên của quá trình hiện được gọi là Hội nhập toàn cầu, và họat động tinh thần của toàn thế giới được nói tới trên đây chính là biểu hiện của một hình thái tổ chức xã hội không còn bị giới hạn bởi nguồn gốc dân tộc và ngăn cách bởi biên giới quốc gia.

Từ cách nhìn coi hội nhập toàn cầu là một kết quả của nền sản xuất đại công nghiệp nói trên, có thể chia quá trình hội nhập toàn cầu trên thế giới trước nay thành hai giai đoạn khác nhau về chất, giai đoạn đầu (thường được gọi là quốc tế hóa) chấm dứt sau Chiến tranh Thế giới thứ hai năm 1945, và giai đoạn sau là từ 1945 trở đi.

***

Trước khi có nền sản xuất đại công nghiệp, giữa nhiều quốc gia và dân tộc cũng có những mối quan hệ kinh tế, văn hóa và chính trị nhưng thường chỉ dừng lại ở phạm vi và mức độ nhất định, hình thức song phương lấn át hình thức đa phương, co cụm lại trong các khu vực địa văn hóa và nhất là không nổi lên như một xu thế tất yếu trong lịch sử thế giới.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất thế kỷ XVIII – XIX đã tạo ra những động lực và khả năng để chấm dứt phương thức quan hệ nguyên thủy ấy. Nhưng trong giai đoạn đầu hơn một trăm năm trước 1945, quá trình hội nhập toàn cầu lại diễn ra một cách đơn phương mang tính chất áp đặt, với hình thức chủ yếu là sự xâm lược và nô dịch của một phần thế giới đối với phần còn lại. Tình hình này làm dấy lên những phản ứng khác nhau ở nhiều quốc gia Đông Á và Đông Nam Á, nhưng ngoài Nhật Bản chủ động hòa nhập bằng công cuộc duy tân đất nước thời Minh Trị và Thái Lan khôn ngoan thích ứng bằng chính sách ngoại giao đa phương từ Rama IV đến Rama V, các quốc gia còn lại trong đó có Việt Nam đều lần lượt bị nô dịch hay khống chế bởi các thế lực tư bản chủ nghĩa “quốc tế hóa”, tóm lại đều bước vào quá trình hội nhập toàn cầu một cách bị động. Do quá trình tái cấu trúc xã hội ở Việt Nam trước 1945 diễn ra một cách không toàn diện, không triệt để và với rất nhiều mâu thuẫn ở đó cấu trúc xã hội phong kiến tàn tạ đan xen với một hình thái kinh tế – xã hội tư bản chủ nghĩa nửa vời. Cũng cần nói thêm rằng tình hình này không diễn ra như nhau trên toàn đất nước Việt Nam, chẳng hạn tuy cùng bị nô dịch về mặt chính trị như nhau, con người Việt Nam ở Nam Kỳ lại không bị nô dịch về mặt pháp lý nặng nề như ở vùng Trung Bắc vì Nam Kỳ được cai trị theo quy chế thuộc địa. Không lạ gì mà trước 1945 đây là khu vực duy nhất ở Việt Nam có phong trào cộng sản công khai với các hình thức đấu tranh của xã hội hiện đại như báo chí, nghị trường… Cho nên là một sản phẩm tương ứng của quá trình tái cấu trúc xã hội nói trên, phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám 1945 cũng mang nhiều đặc điểm như được “quốc tế hóa” một cách phức tạp, bị phân hóa về đường lối và phương thức đấu tranh…

Tuy nhiên dù sao thì sau Cách mạng Tháng Tám 1945 cùng với việc giành lại được độc lập, con người Việt Nam cũng hướng tới một chế độ chính trị – xã hội khác hẳn với trong quá khứ, bước vào một quá trình tái cấu trúc xã hội mới phù hợp hơn với xu thế hội nhập toàn cầu đương thời. Đáng tiếc sau cuộc chiến tranh 1945 – 1954, cuộc chiến tranh 1954 – 1975 lại tạo ra một khúc quanh ở đó Việt Nam bị đặt vào tư thế một đất nước bị chia cắt và vào lúc quá trình hội nhập toàn cầu trên thế giới bị chia tách, tình hình này đưa tới hai mô hình tái cấu trúc xã hội khác nhau mà cũng là hai hệ thống xã hội phục vụ chiến tranh ở hai miền Nam Bắc. Bên cạnh đó, giai đoạn đầu mang nhiều yếu tố tàn nhẫn của quá trình hội nhập toàn cầu rồi ba mươi năm chiến tranh liên tiếp sau đó cũng kích thích ý thức dân tộc của con người Việt Nam phát triển theo một đường hướng không toàn diện, tức thiên về khía cạnh quốc gia mà coi nhẹ khía cạnh xã hội, thiên về phương diện chính trị mà coi nhẹ phương diện kinh tế, thiên về thành quả trước mắt mà coi nhẹ lợi ích lâu dài. Cùng với những xung đột ý thức hệ định hình từ 1945, tình hình này sẽ để lại những hậu quả to lớn đối với quá trình tái cấu trúc xã hội ở Việt Nam sau tháng 4. 1975.

***

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, quá trình hội nhập toàn cầu bị chia tách làm hai khu vực khác nhau, một khu vực là các quốc gia không phải xã hội chủ nghĩa với đặc trưng là nền kinh tế thị trường có cạnh tranh và tổ chức xã hội phát triển theo hướng dân chủ pháp quyền ít nhất là trên nguyên tắc, một khu vực là các quốc gia xã hội chủ nghĩa với đặc trưng là nền kinh tế tập trung hóa và tổ chức xã hội ít nhiều mang tính chất bán quân sự.

Sau Hiệp định Genève 1954, quan hệ quốc tế toàn diện của Việt Nam dân chủ cộng hòa chủ yếu chỉ diễn ra trong khuôn khổ cộng đồng các quốc gia xã hội chủ nghĩa này. Nhưng cần nhắc lại rằng tất cả các quốc gia xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ XX đều không hình thành theo đúng quy luật của sự phát triển phương thức sản xuất như K. Marx đã nêu ra, mà đều bắt đầu từ chỗ khẳng định thượng tầng kiến trúc rồi mới xây dựng hạ tầng cơ sở. Vai trò chủ đạo của hệ thống chính trị ở đây dẫn tới một kết quả tất yếu là chính trị hóa quá trình tái cấu trúc xã hội, nên quá trình tái cấu trúc xã hội trước tháng 4. 1975 ở miền Bắc cũng sa đà vào việc phục vụ chính trị mà đặc trưng là hướng tới các mục tiêu gần. Hoàn cảnh chiến tranh trước tháng 4.1975 cũng ít nhiều biện minh cho thực tế này, nhưng rõ ràng kiểu thức tái cấu trúc xã hội hướng tới các mục tiêu gần như vậy tuy tạo ra sức mạnh cấp kỳ vẫn hàm chứa một nguy cơ tiềm ẩn vì không toàn diện đủ để tạo ra những tiềm năng phát triển mới. Trong khi đó, lịch sử Việt Nam thời gian 1954 – 1975 lại tạo điều kiện cho sự phát triển của yếu tố “quốc tế hóa” đã có từ phong trào giải phóng dân tộc trước 1945 (nhiều công trình nghiên cứu lịch sử công bố ở Việt Nam sau tháng 4. 1975 đã gọi cuộc chiến tranh 1954 – 1975 là một cuộc chiến tranh “hai phe”), cái di sản lịch sử ít nhiều không lành mạnh này cũng góp phần đưa tới những khó khăn của Việt Nam hiện nay chung quanh vấn đề biển đảo hay việc khai thác sông Hồng và sông Mêkông. Hơn thế nữa, sau tháng 4. 1975 nhiều kết quả phát triển kinh tế – xã hội ở địa bàn phía nam vĩ tuyến 17 trong thời gian 1954 – 1975 đều bị chính quyền chiến thắng phủ nhận trên lập trường ý thức hệ, chẳng hạn nhiều yếu tố văn hóa thị dân, văn minh đô thị bị đánh đồng với văn hóa thực dân mới, nền công thương nghiệp tư bản tư doanh với lề lối quản lý và cung cách kinh doanh hiện đại bị đánh phá tan nát sau các chiến dịch X1, X2… Việc cải tổ toàn diện năm 1986 rồi sự sụp đổ của hệ thống chính quyền Đông Âu cuối thế kỷ XX đã đưa Việt Nam trở lại vào quỹ đạo hội nhập toàn cầu chung của thế giới, nhưng lúc bấy giờ thì quá trình này đã bước vào giai đoạn thứ hai sau Chiến tranh Thế giới thứ hai được bốn mươi năm và đã đạt tới những thay đổi về chất – vào lúc Việt Nam mở cửa năm 1986, Liên hiệp châu Âu từ 6 nước thành viên năm 1951 đã phát triển tới con số 12 nước thành viên (đến 2007 có 27 nước thành viên) với cấu trúc văn hóa – chính trị phát triển theo hướng siêu quốc gia và liên chính phủ hỗn hợp. Rõ ràng so với thế giới, Việt Nam đã bước vào quá trình hội nhập toàn cầu hiện nay không chỉ muộn màng hơn về thời gian, lạc hậu hơn về trình độ phát triển kinh tế – kỹ thuật và văn hóa – xã hội mà quan trọng hơn là còn với một quan niệm dường như chưa thật sự minh bạch và toàn diện về quá trình này.

***

Đến 1986, tức sau Cách mạng Tháng Tám 1945 bốn mươi năm, quá trình tái cấu trúc xã hội ở Việt Nam mới được tiến hành một cách thống nhất trên toàn quốc và một cách toàn diện trên cơ sở việc tái cấu trúc nền kinh tế. Tình hình này đã quy định cho nó hai nội dung, tức một mặt là bình thường hóa các thiết chế, tổ chức và quan hệ xã hội theo hướng dân sự hóa, một mặt là chuẩn hóa các hệ thống, lãnh vực và quá trình xã hội theo hướng hiện đại hóa. Tuy nhiên nhìn từ góc độ hội nhập toàn cầu, có thể thấy quá trình tái cấu trúc xã hội ở Việt Nam từ 1986 rồi 1992 trở đi lại liên tục nảy sinh những mâu thuẫn giữa định hướng và cách thức, giữa phương tiện và mục tiêu. Chính quyền chủ trương công nghiệp hóa và hiện đại hóa, mở cửa thu hút đầu tư, tạo ra việc làm, thay đổi cơ cấu sản xuất ở nông thôn, đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, nâng cao đời sống của người dân, đưa kinh tế Việt Nam đạt tới nhiều thành tựu chưa từng có. Nhưng bên cạnh đó, hiện tượng đạo đức xã hội suy thóai, tệ nạn xã hội gia tăng, giáo dục và khoa học xuống cấp, văn học nghệ thuật bế tắc, bộ máy công quyền thóai hóa, tham nhũng lan tràn, môi trường bị tàn phá… lại nổi lên như những vấn nạn ngày càng nhức nhối. Không nói tới sự khủng hoảng về triết học, trên nhiều phương diện và lãnh vực khác của họat động sáng tạo tinh thần và phương thức sinh họat, xã hội Việt Nam hiện cũng đang đối diện với tình trạng giống như tan rã, một trong những nguyên nhân của tình trạng này chính là sự phân cực trong quá trình tái cấu trúc xã hội giữa hội nhập toàn cầu và quốc tế hóa hiện nay.

Hội nhập toàn cầu theo dòng chảy nào?

Có thể nêu ra nhiều khác biệt về nội dung và tính chất giữa hai giai đoạn hội nhập toàn cầu trước nay, tuy nhiên điểm nổi bật là trong giai đoạn sau Chiến tranh Thế giới thứ hai hầu hết mọi quốc gia và vùng lãnh thổ đều có thể chủ động chọn lựa con đường và cách thức hội nhập vào quá trình hội nhập toàn cầu của mình, chính trên đường hướng này mà nhiều trong các nước đang phát triển vẫn bị quán tính của giai đoạn trước chi phối. Ngoài các quốc gia xã hội chủ nghĩa đứng ngoài dòng chảy chung của cơ chế thị trường, trong giai đoạn này quá trình hội nhập toàn cầu vẫn tiếp tục chia tách: một số nước phát triển đã có trình độ công nghệ cao và nền kinh tế trí thức thì từng bước vượt qua quan niệm truyền thống về quốc gia và nhà nước (sự phát triển của Liên minh châu Âu là một ví dụ tiêu biểu), còn nhiều nước đang phát triển có cơ sở kinh tế – kỹ thuật lạc hậu hơn vẫn duy trì các định chế quốc gia và nhà nước truyền thống, nghĩa là vẫn ít nhiều nhìn nhận quá trình hội nhập toàn cầu từ một cách tư duy lấy mình làm trung tâm (the ego-centric way of thinking) hay lấy dân tộc mình làm trung tâm (ethnocentrism) mà Trung Quốc với công cuộc cải cách gần 40 năm qua là bằng chứng điển hình. Quá trình tái cấu trúc xã hội ở các quốc gia này do đó mang một số nét chung như nhấn mạnh vai trò của chính quyền hay nói rộng ra là hệ thống chính trị trong sinh họat kinh tế – xã hội của quốc gia, nghiêng về việc giữ gìn sự ổn định chính trị hơn là tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển tự nhiên của xã hội dân sự, thậm chí có khi đề cao một cách lệch lạc các yếu tố dân tộc – sắc tộc hay tôn giáo truyền thống, tóm lại đều nhìn nhận các vấn đề kinh tế – xã hội chủ yếu qua lăng kính chủ quyền và truyền thống quốc gia. Cũng không thừa nếu nhắc lại rằng lợi ích kinh tế trên cơ sở chủ quyền dân tộc có thể khiến một quốc gia ngang nhiên xâm phạm lợi ích của nhiều quốc gia khác như trường hợp Trung Quốc với hàng loạt đập thủy điện trên sông Lan Thương (phần thượng nguồn sông Mê Kông), “Tại các diễn đàn trong khu vực cho tới nay, nguyên tắc về chủ quyền dân tộc đã cản trở sự hợp tác tiếp cận chia sẻ lợi ích hiệu quả tại khu vực sông Mê Kông” (Sông Mê Kông những mối lo, http://www.thanhnien. com.vn/news/Pages/ 201020/20100510110119.aspx). Hơn thế nữa, ở các quốc gia nói trên, sự phát triển kinh tế vẫn mang nhiều đặc điểm của giai đoạn hội nhập toàn cầu thứ nhất, nên chủ yếu chỉ dựa vào ưu thế về tài nguyên và nguồn nhân công giá rẻ để cạnh tranh, công nghiệp hóa tràn lan để giải quyết vấn đề việc làm mà thiếu năng lực đổi mới công nghệ và ý thức bảo vệ môi trường, quá trình đô thị hóa làm gia tăng mâu thuẫn giữa thành thị với nông thôn, bị lệ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài và trở thành những khâu ít quan trọng trong dây chuyền kinh doanh của các công ty đa quốc gia ở các nước phát triển. Với nhiều hình thức, phạm vi và mức độ khác nhau, tất cả những điều nói trên đều đang trình hiện ở Việt Nam.

***

Bước vào giai đoạn hội nhập toàn cầu thứ hai chậm hơn thế giới đến bốn mươi năm, Việt Nam có thể thừa hưởng nhiều kết quả cũng như kinh nghiệm phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên vì nhiều lý do, trên thực tế chúng ta vẫn đang tiến vào quỹ đạo này không chỉ với tư thế mà còn cả trong tâm thế của giai đoạn trước. Nhiều phương tiện và cách thức phát triển kinh tế – xã hội hiện đại đã bị thay đổi chức năng trong không gian nhận thức và tâm lý ấy. Thị trường chứng khóan như một công cụ thu hút vốn đầu tư hữu hiệu qua tới Việt Nam đã ít nhiều biến tướng thành một trò cờ bạc hợp pháp. Nhiều yếu tố tích cực của nền giáo dục hiện đại trên thế giới được du nhập vào Việt Nam thì bị lão hóa bởi quan niệm đào tạo con người thành công cụ của hệ thống chính trị đồng thời tha hóa trong cơn sốt kinh doanh bằng cấp ở một xã hội đói nghèo… Cho nên để xác định phương hướng và cách thức tái cấu trúc xã hội ở Việt Nam sắp tới thì trước hết cần xác định rõ Việt Nam sẽ hòa nhập vào dòng nào trong hai dòng chảy hội nhập toàn cầu. Bởi vì trong sự phân công sản xuất ngày càng nghiêm ngặt hiện nay trên thế giới, Việt Nam sẽ phải trở thành một quốc gia cần tới các quốc gia khác đồng thời là một quốc gia mà các quốc gia khác cần tới mới có thể tồn tại. Điều này đòi hỏi con người Việt Nam mà nhất là các chính khách và giới trí thức phải thận trọng, nhẫn nại và dũng cảm, vì chọn lựa nào cũng ẩn chứa một hy sinh.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)