Hồi sinh một di sản sống
Quyết tâm chính trị của thành phố Hà Nội đang mở ra cơ hội hồi sinh dòng Tô Lịch, một di sản sống chứa đựng bao huyền tích và lịch sử về vùng đất kinh kỳ nghìn năm tuổi. Rồi đây con sông ô nhiễm bậc nhất Hà Nội sẽ trở lại trong xanh?

Câu chuyện về sông Tô Lịch ô nhiễm giờ chẳng có gì lạ. Con nước đen vắt qua thành phố, giữa thanh thiên bạch nhật ở các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàng Mai và huyện Thanh Trì, rồi hợp lưu với sông Nhuệ ở phía Nam. Mấy chục năm nước chảy qua cầu, dòng nước ngày một trở nên ô nhiễm này dường như đã trở nên quá quen thuộc, đến mức ký ức về một thời sông Tô trong lành tưởng như chuyện cổ tích. “Năm 1992, hồi tôi mới về ở Khương Đình, dưới sông Tô Lịch vẫn còn nuôi được bè rau muống, buông cần câu xuống nước là cá quả đớp mồi ầm ầm. Sau đó, tôi đào bể tôi vôi để xây nhà ven sông làm rám bè rau muống và cháy gốc cây muồng, bị phạt ba triệu đồng, mà cây mình mới trồng, rau muống mình thả”, chia sẻ vào năm 2023 của giáo sư Nguyễn Văn Chính, Khoa Nhân học và Tôn giáo học, trường Đại học KHXH&NV (ĐHQGHN), khiến người ta bàng hoàng. Tô Lịch một thời mà ngỡ đã xa xôi lắm.
Bao nhiêu người cảm thấy đau lòng vì con sông cổ lừng lẫy, từng cùng với sông Hồng tạo thành vòng nước huyền thoại bao bọc chở che Hà Nội, nay đã trở thành nỗi nhức nhối môi trường của Thủ đô.
Phải chăng đó là tình trạng không thể đảo ngược với con sông ở một thành phố đang dần tiến tới siêu đô thị?
Ô nhiễm bắt đầu từ đâu?
Từ khởi thủy đến giờ, Hà Nội vẫn là đô thị luôn không ngừng đổi thay. Nếu vào đầu thế kỷ 20, Hà Nội có tổng dân số là 50.000 người (năm 1902)1 thì tới một thế kỷ sau, con số này đã ở mức khoảng 8,6 triệu người. Sức ép từ quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa của một thành phố đông dân thuộc loại nhất nhì Việt Nam, giữa lòng một đồng bằng châu thổ mật độ dân số cao hàng top châu Á, khiến cho nơi này không còn là “thành phố xanh um và mù sương” như ấn tượng của nhà văn Pháp Patrick Deville. Theo dòng thời gian, mọi thứ đã đổi thay. Dường như các dạng ô nhiễm môi trường nói chung, ví dụ như ô nhiễm không khí, bủa vây hầu khắp ngóc ngách Hà Nội.
Nước thải sinh hoạt thường chứa vật chất hữu cơ, nước thải công nghiệp chứa kim loại nặng, nước thải bệnh viện hòa thêm hóa chất độc hại vào hỗn hợp này; một số chất thải rắn bị đổ trái phép xuống sông, gồm cả hữu cơ và vô cơ, lơ lửng trên bề mặt hoặc chìm xuống, bồi tích thêm cho lớp bùn đáy. Tất cả như một chu trình biến một dòng sông từng có cá bơi, rau xanh mọc ở gần hạ nguồn trở thành một dòng sông chết.
Con sông Tô Lịch đã trở thành chứng nhân của những đổi thay đó, từ mọi chân tơ kẽ tóc của mình. Dải nước đen dài xấp xỉ 14 km, với diện tích lưu vực khoảng 77,5 km2 này thực sự là một chỉ dấu không thể nhầm lẫn của ô nhiễm. “Sông Tô Lịch được coi là mương thoát nước chung của thành phố Hà Nội. Việc sông phải tiếp nhận nước thải sinh hoạt và công nghiệp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến trầm tích và chất lượng nước. Sông Lừ, Sét và Kim Ngưu là ba nhánh của hệ thống sông Tô Lịch, tạo thành một hệ thống thủy văn phức tạp trong thành phố”, theo PGS. TS Lê Thị Phương Quỳnh (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và cộng sự2. Hệ thống sông nội đô này là nơi hứng chịu gần như toàn bộ nước thải của nội đô Hà Nội, trong khi, đến năm 2025, tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn của nội đô mới chỉ đạt 28,8%, theo đại diện Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng)3.
Ô nhiễm tích tụ theo ngày tháng trên sông Tô Lịch, từ mặt nước đến đáy sông. Nhưng ô nhiễm những gì và mức độ ô nhiễm như thế nào? Ắt hẳn ai đó cũng từng đặt câu hỏi này, khi nhìn dòng nước đen kịt lững lờ xuôi dòng xuống phía Nam thành phố để hợp lưu với sông Nhuệ. Biết bao bí mật ô nhiễm qua mấy thập niên ẩn chứa trong dòng nước, nơi hội tụ của nhiều dạng nước thải khác nhau: có khoảng xấp xỉ 382.000 m3 nước thải sinh hoạt đổ vào Tô Lịch mỗi ngày, với 140.000 m3 nước thải sinh hoạt, xấp xỉ 236.000 m3 nước thải công nghiệp và khoảng 6.000 m3 nước thải bệnh viện, theo số liệu năm 20134. Nước thải sinh hoạt thường chứa vật chất hữu cơ, nước thải công nghiệp chứa kim loại nặng, nước thải bệnh viện hòa thêm hóa chất độc hại vào hỗn hợp này; một số chất thải rắn bị đổ trái phép xuống sông, gồm cả hữu cơ và vô cơ, lơ lửng trên bề mặt hoặc chìm xuống, bồi tích thêm cho lớp bùn đáy. Tất cả như một chu trình biến một dòng sông từng có cá bơi, rau xanh mọc ở gần hạ nguồn trở thành một dòng sông chết.

Ngay từ đầu những năm 2010, sông Tô Lịch đã được cảnh báo là ‘bể chứa’ các kim loại nặng. Nếu tính nhẩm, từ Cầu Giấy đến Thanh Xuân, Tô Lịch đã phải dung nạp nước thải của nhiều nhà máy sản xuất nằm dọc theo dòng sông, đặc biệt là khu công nghiệp Thượng Đình có 30 nhà máy, gồm 14 nhà máy cơ khí, bốn nhà máy dệt, ba nhà máy da, hai nhà máy hóa chất (cao su, xà phòng), hai nhà máy thủy tinh, một nhà máy thuốc lá, một nhà máy giấy và ba nhà máy khác. Do đó, trong trầm tích Tô Lịch đã xuất hiện các kim loại nặng như cadmium, chromium, đồng, nickel, chì, kẽm và càng ở gần các nhà máy thì càng có nồng độ cao hơn5 – một chỉ dấu không nhầm lẫn của nguồn ô nhiễm.
Sự bồi tích của kim loại nặng trong dòng Tô Lịch gia tăng theo nhịp độ sản xuất và sau này chỉ tạm suy giảm khi nhiều nhà máy hoặc lần lượt được di dời khỏi nội thành, hoặc xây dựng các hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, vào giữa những năm 2010, ô nhiễm kim loại vẫn trên đà tích tụ bởi các nhà máy này đều chưa có hệ thống xử lý nước thải phù hợp khiến cho nước sông lúc đó đã ở mức không đủ chất lượng dùng cho trồng trọt và kim loại trong trầm tích (bùn) ở đáy sông đều ở mức độc hại với đời sống thủy sinh6.
Sự phát triển của Hà Nội theo năm tháng đã mở ra năm khu công nghiệp, bao gồm Thượng Đình (30 nhà máy) và Minh Khai, Trương Định, Văn Điển, Cầu Bươu (khoảng hơn 60 nhà máy) dọc lưu vực sông Tô Lịch, Lừ, Sét và Kim Ngưu. Theo số liệu thống kê của Chi cục Thống kê Hà Nội, năm 2021, số lượng nhiều nhất là các nhà máy chế biến gỗ, tiếp theo là sản xuất kim loại và thực phẩm. Tổng lượng nước thải công nghiệp ước tính 75.000 m3/ngày tại thành phố Hà Nội2. Hệ quả của nó là nước thải công nghiệp từ gần 100 nhà máy đã đổ vào các con sông này, rồi đến sông Nhuệ và hòa vào sông Đáy trước khi đổ ra biển Đông.
Dòng nước đổ ra sông Tô Lịch không chỉ hòa trộn nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp mà còn cả nước tràn – lượng nước mưa chảy qua bề mặt đường xá, nhà cửa, công trình xây dựng… thường cuốn theo chất ô nhiễm từ chất thải nguy hại, hóa chất…
Hệ thống nước thải này cũng là điểm gặp gỡ của nước đen (blackwater) và nước xám (greywater) mà chúng ta đều biết là cho đến hiện nay mới chỉ xử lý chưa đầy 30%.
Tại sao kim loại lại ứ đọng nhiều trong trầm tích sông Tô Lịch như vậy? Ngoài các nguồn phát công nghiệp là chủ yếu, cũng có thể kể đến nguồn giao thông đường bộ với mức tiêu thụ nhiên liệu, hao mòn các bộ phận xe, lốp xe, khí thải, dẫn đến việc phát thải kẽm, chì, cadimium, chromium. Tuy vậy, việc tích tụ kim loại cũng còn do đặc điểm tự nhiên của sông, đó là lưu lượng dòng chảy rất thấp, vận tốc nước chảy rất nhỏ. Mặt khác, tổng lượng carbon hữu cơ (TOC) – lượng carbon có trong các hợp chất hữu cơ ở nước sông – càng cao thì trầm tích càng có khả năng lưu giữ kim loại thông qua quá trình hấp phụ. Tình trạng này được thúc đẩy khi nước của bộ tứ sông nội đô vốn dĩ hòa trộn cả nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp. Các nhà khoa học cho rằng, “dựa trên số liệu ước tính về dân số, lượng nước bình quân trên đầu người và sử dụng nước trong công nghiệp tại lưu vực hệ thống sông Tô Lịch, tổng lượng carbon hữu cơ và kim loại nặng thải ra từ sông Tô Lịch vào sông Nhuệ tăng theo từng năm, đi kèm với đó là lượng kim loại nặng thải vào sông Nhuệ cũng gia tăng”2.
Ô nhiễm kim loại, đặc biệt là kim loại nặng, là một thách thức với môi trường và sức khỏe do sự độc hại cũng như sự tồn tại dai dẳng của nó. Tuy nhiên, nếu chỉ có vậy thì vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch trở nên đơn giản hơn nhiều, dễ xử lý hơn nhiều và có lẽ không khiến các nhà quản lý phải đau đầu. Trên thực tế, câu chuyện đó phức tạp, trùng trùng đan dệt bởi nhiều biến số, mỗi biến số lớn lại mở ra một mạng lưới với nhiều biến số nhỏ, chằng chịt chồng lấn tưởng chừng bất tận…
Ô nhiễm của cuộc sống thường ngày: Giữa làn nước xám và nước đen
“Sông Tô nước chảy quanh co
Cầu Đông sương sớm, quán Giò trăng khuya”
Bức tranh hữu tình bên dòng cổ giang chốn kinh thành đã biến đổi theo thời gian, có phần sông đã bị vĩnh viễn mất đi hoặc trở thành cống ngầm trong khi phần còn lại, dẫu vẫn chảy trôi dưới ánh sáng ban ngày nhưng bị rút hết sinh khí. Cũng như ở nhiều thành phố thuộc các quốc gia đang phát triển khác, dòng nước đổ ra sông Tô Lịch không chỉ hòa trộn nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp mà còn cả nước tràn – lượng nước mưa chảy qua bề mặt đường xá, nhà cửa, công trình xây dựng… thường cuốn theo chất ô nhiễm từ chất thải nguy hại, hóa chất…

Hệ thống nước thải này cũng là điểm gặp gỡ của nước đen (blackwater) và nước xám (greywater) mà chúng ta đều biết là cho đến hiện nay mới chỉ xử lý chưa đầy 30%. “Nước đen chủ yếu là nước thải từ nhà vệ sinh, chứa phân và nước tiểu. Nó cũng là chỉ dấu mức độ ô nhiễm trầm trọng của cả chất thải hữu cơ, vô cơ, chất thải rắn lơ lửng, nồng độ oxy thấp, thậm chí có thể không còn, và nếu ô nhiễm quá thì có thể vi sinh thông thường cũng không sống được”, TS. Phạm Đức Phúc, Viện Sức khỏe môi trường và Phát triển bền vững (IEHSD) và Trung tâm Nghiên cứu Y tế công cộng và Hệ sinh thái (CENPHER) ở trường ĐH Y tế công cộng, một chuyên gia về sức khỏe liên quan đến nước sạch và vệ sinh, trao đổi. “Nước xám là nước thải từ quá trình tắm rửa, giặt giũ, sinh hoạt. Tuy nước xám có mức độ ô nhiễm thấp hơn nước đen nhưng về bản chất thì cả hai loại nước này đều là ô nhiễm và có thể chứa mầm bệnh”.
Trung bình, nước xám chiếm 68 đến 90% trong khi nước đen chiếm 10 đến 32% tổng nước thải sinh hoạt của một hộ gia đình, tất cả đều liên quan đến thói quen sinh hoạt và vệ sinh hằng ngày 4. Nếu nước đen chủ yếu chứa thành phần phốt pho, ni tơ, các hóa chất làm sạch cực mạnh và mầm bệnh thì nước xám phức tạp về thành phần hơn, bởi nó phụ thuộc vào hoạt động của hộ gia đình, số lượng nhân khẩu, độ tuổi, lối sống, thói quen sử dụng các đồ gia dụng, các sản phẩm chăm sóc cá nhân… Ít ai biết rằng, những hoạt động của đời sống thường nhật vô hình chung cũng tạo ra các chất gây ô nhiễm rồi những chất này theo dòng nước thải không được xử lý hòa vào dòng sông nội đô. Đó là một phần của câu chuyện mà các chi tiết được phát lộ theo thời gian, tùy theo năng lực của các “thám tử” khoa học.
Một nghiên cứu năm 2024 cho thấy, dù đã qua xử lý trong các nhà máy xử lý nước thải riêng thì nước thải của 12 bệnh viện Hà Nội vẫn còn tồn dư chín loại kháng sinh.
Thật khó hình dung đủ hằng hà sa số các chất gây ô nhiễm có mặt trong nước và trầm tích. Một trong số đó là các loại thuốc kháng sinh, vốn được sử dụng ngày một phổ biến trong các hộ gia đình. “Nhu cầu về thuốc kháng sinh tăng nhanh do hệ quả của tăng trưởng kinh tế, tốc độ đô thị hóa, dân số đô thị cao hơn và sự lưu hành của các bệnh nhiệt đới. Trên thực tế, từ năm 2009 đến 2015, mức tiêu thụ thuốc kháng sinh ở Việt Nam đã tăng gấp đôi”, nhóm nghiên cứu của GS. Phạm Hùng Việt tại ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN cho biết7. Khi sử dụng, do kháng sinh được chuyển hóa và bài tiết một phần, nên một lượng lớn các hợp chất kháng sinh đã xâm nhập vào dòng nước thải, sau đó tích tụ trong trầm tích. Họ đã phát hiện ra dư lượng của 15 loại kháng sinh phổ biến, bao gồm thuốc Sulfa, thuốc kháng sinh phổ rộng Quinolones, thuốc kháng sinh Macrolid, thuốc kháng sinh nhóm Beta-lactam, thuốc trimethoprim… trong hồ Yên Sở, nơi hằng ngày tiếp nhận nước thải từ sông Tô Lịch, Kim Ngưu và Sét (đáng chú ý, một phần nước thải từ các con sông này được xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở với công suất 200.000 m3/ngày trước khi chảy vào hồ Yên Sở). “Nồng độ kháng sinh trong nước mặt từ sông cao hơn đáng kể so với hồ cho thấy, nước sông là nguồn của các hợp chất đó”.

Nước sông có dư lượng kháng sinh còn là câu chuyện dài bởi dù nước thải chứa kháng sinh là từ các hộ gia đình nhưng cũng có thể từ các bệnh viện. Tại sao có thể xác quyết được điều đó? Dư lượng kháng sinh glycopeptide, loại thuốc vẫn chỉ được dùng trong bệnh viện và hiếm khi được bán ở các hiệu thuốc, vẫn có trên sông với tần suất xuất hiện là 71,4%. Đó là chỉ dấu nước thải từ bệnh viện vẫn chưa được xử lý hoàn toàn8 – thậm chí, một nghiên cứu năm 2024 cho thấy, dù đã qua xử lý trong các nhà máy xử lý nước thải riêng thì nước thải của 12 bệnh viện Hà Nội vẫn còn tồn dư chín loại kháng sinh9.
Những gì tồn tại trong dòng nước Tô Lịch cũng phản chiếu một số khía cạnh của đời sống thường nhật của người dân Hà Nội. Sống trong thời “mua sắm như một phương cách để sinh tồn” (Sebald), con người ngày càng tận hưởng nhiều loại tiện ích nhưng chính “những sản phẩm chúng ta sử dụng hằng ngày như dầu gội đầu, sữa rửa mặt, sản phẩm chăm sóc cá nhân cũng như các vật dụng sử dụng trong gia đình bằng nhựa, giả da, sơn tường, quần áo… đều chứa nhiều nhóm chất phụ gia khác nhau”, theo giải thích của PGS. TS Trần Mạnh Trí, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN – nhà khoa học được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 với cụm công trình về môi trường. “Thường các loại phụ gia như phthalates, siloxane, bisphenol hay parabel… đều xuất phát từ những sản phẩm thương mại, ví dụ như phthalates là thành phần tăng khả năng dẻo hóa và đóng khuôn nhựa thành bát thành cốc, siloxane làm mượt các bề mặt sản phẩm chăm sóc cá nhân, parabel là chất bảo quản…”.
Bước sang thế kỷ 21, vấn đề nước sạch và vệ sinh của Hà Nội, thành phố có nước máy và điện sớm hàng đầu châu Á, tưởng chừng là chuyện quá vãng nhưng vẫn còn là một vấn đề nhức nhối.
Việc sử dụng hằng ngày như vệ sinh cá nhân, tắm giặt, tẩy rửa… khiến các chất phụ gia thế hệ mới thôi ra, nhập vào dòng nước xám để rồi có mặt trên hệ thống sông nội đô. Bởi “với sản phẩm chăm sóc cá nhân thì con đường ra môi trường của nó chắc chắn là qua nước thải”, PGS. TS Trần Mạnh Trí nói. “Nếu xét riêng phthalates thì tỉ lệ chất này cao đều từ đầu nguồn đến cuối nguồn sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét. Sông Đáy cũng vậy”. Con đường vòng vèo ngoài môi trường của nó khiến người ta phải kinh ngạc: từ nước thải đi vào trầm tích, tích tụ trong đó rồi một phần sẽ phát tán trở lại nước; còn trong trường hợp nếu nồng độ trong nước thấp thì sẽ khuếch tán trở lại không khí. Ít người ở Việt Nam quan tâm đến phthalates nhưng loại hóa chất không mùi này đã được cảnh báo có thể là nguyên nhân gây rối loạn nội tiết. “Tiềm ẩn mức độ rủi ro cao của chúng ta hiện nay là hằng ngày vẫn hấp thu nó qua nhiều con đường khác nhau trong đó có hít thở mà không biết”, anh chỉ ra.
Câu chuyện ô nhiễm ngày một mở ra những thông tin mới, trong đó có cả vi nhựa. Không chỉ có quá trình phong hóa biến các chai nhựa, túi nhựa thành vi nhựa, những chuyển động hỗn loạn của quần áo trong máy giặt cũng làm bong các sợi vi nhựa trong vải rồi cuốn đi theo dòng nước xám ra môi trường. 35% lượng vi nhựa có trong đại dương là từ sản phẩm dệt may10. Cách đây vài năm, khi thực hiện dự án COMPOSE, TS. Emilie Strady và các nhà nghiên cứu Việt Nam đã phát hiện ra, mỗi mét khối nước ở Tô Lịch đều chứa tới 2.522 vật phẩm vi nhựa, cao nhất trong số các con sông được khảo sát ở cả ba miền11.
Ở thời điểm này, người yêu Hà Nội chưa thể biết được cột mốc lịch sử mới của dòng sông, thời điểm Tô Lịch trở lại trong xanh, sẽ ở thời điểm nào nhưng có thể nói rằng, một khi được phục hồi, dòng sông sẽ trở thành một niềm tự hào mới và một cảm xúc về nơi chốn ở một thành phố nghìn năm tuổi.
Muôn ngàn cái xấu xí của cuộc sống thường ngày cũng được phơi bày trong dòng nước đen. “Sự xuất hiện của enrofloxacin, loại thuốc kháng sinh phổ biến để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, đường tiêu hóa ở vật nuôi (ví dụ chó, mèo) do vi khuẩn Gram dương và Gam âm gây ra, là do thực hành của các hộ gia đình… Trên thực tế, các hộ gia đình ở Hà Nội thường có xu hướng vứt thẳng phân của chó mèo ra môi trường (các sông, đường thoát nước đô thị)”, nhóm các nhà khoa học Việt Nam, Singapore và Úc nhận xét8.
Góc khuất của đô thị cũng ẩn chứa những hành vi sử dụng chất cấm và rồi phơi lộ trên dòng nước. “Ma túy đá methamphetamine và heroin là hai loại thuốc bất hợp pháp phổ biến được sử dụng trong các cộng đồng được nghiên cứu, tiếp theo là thuốc tạo ảo giác ketamine và codeine. Tổng lượng thuốc tiêu thụ ở Hà Nội cao hơn so với Quảng Châu, ngụ ý có thể tình trạng sử dụng thuốc nghiêm trọng hơn”12.
Có lẽ, cái phức tạp chính là cái thường ngày và cái khó khăn là cái trước mặt. Ngay cả các nhà khoa học có thâm niên nghiên cứu về môi trường như PGS. TS Trần Mạnh Trí cũng cảm thấy những nghiên cứu mình và cộng sự thực hiện vẫn chỉ là những mảnh ghép nhỏ, chưa bao quát được cả bức tranh lớn hơn. “Các nhà khoa học Việt Nam đã phát triển được các phương pháp phân tích hiện đại nhưng vẫn cần được đầu tư để có những công trình nghiên cứu quy mô hơn, có điều kiện theo dõi các địa điểm trong thời gian dài hơn, qua đó mới có thể đem lại một bức tranh tổng thể và có những khuyến nghị nhiều ý nghĩa”, anh nói.
Tuy nhiên, những gì có được đã cho thấy, bước sang thế kỷ 21, vấn đề nước sạch và vệ sinh của Hà Nội, thành phố có nước máy và điện sớm hàng đầu châu Á, tưởng chừng là chuyện quá vãng nhưng vẫn còn là một vấn đề nhức nhối của ngày hôm nay.
“Hội chứng dòng chảy đô thị” trên sông cổ
“Cũng như con người, con sông có một đời sống, đời sống của con sông. Sông có khúc, người có lúc”, nhận xét của giáo sư Trần Quốc Vượng và nhà Hán học Vũ Tuân Sán về sông Tô Lịch trong cuốn Hà Nội nghìn xưa đã khái quát số phận khác thường của nó.
Nếu coi sông Tô Lịch là một cỗ máy thời gian thì cỗ máy ấy có thể đưa người ta trở về với thuở ban đầu của đô thị cổ này, khi “Tống Bình13 nổi tiếng là nhờ sông Tô Lịch. Sông Tô Lịch nổi tiếng là nhờ Lý Nam Đế… Tên sông Tô Lịch mang một âm hưởng sâu rộng trong lịch sử là từ giữa thế kỷ VI. Lương thư chép: năm 545, Lý Nam Đế ‘dựng thành lũy bằng tre gỗ ở cửa sông Tô Lịch để chống quân xâm lược nhà Lương’… Hà Nội cổ, với Lý Nam Đế và Tô Lịch giang thành đã trở thành trung tâm đất nước”. Ở thời thái bình thịnh trị, Tô Lịch chứng kiến quá trình phát triển rực rỡ của đô thị với năm nhịp cầu bắc qua sông – Cầu Đông (Hàng Đường), Thái Hòa (gần Vạn Phúc), cầu Cau (Thụy Khuê), Cầu Giấy, cầu Dừa (Ô chợ Dừa). “Từ xưa đến nay, chỗ hợp lưu Tô Giang – Nhị Thủy của kinh thành vẫn là nơi có mật độ chiếm cư cao nhất. Cái vùng thuận lợi cho những tiếp xúc này là một ‘vùng hấp dẫn’ có tác dụng thu hút thập phương tứ xứ” (Hà nội nghìn xưa). Đó cũng là cái thuở mà sông Tô là “sông bạc, sông vàng, sông buôn, sông bán, thuyền mành chen vai sát cánh”, tham gia vào việc hình thành “các cửa nước, ví dụ Ô Cầu Giấy nằm ở ngã ba sông Tô Lịch – Kim Ngưu, Ô Đồng Lầm (Kim Liên) nằm ở ngã ba sông Kim Ngưu – Sét, Ô Đống Mác ở ngã ba sông Kim Ngưu – sông Lừ, Ô Bưởi nằm ở ngã ba sông Tô Lịch- Thiên Phù”14.
Số phận của dòng sông không phải chỉ gồm những phép cộng hoàn mãn. Chưa bao giờ câu “thương hải tang điền” lại khiến lòng người đau đáu đến thế. “Phù sa làm sông Tô tắc dần. Phong kiến suy tàn bất lực trước việc trời. Thực dân Pháp chiếm Hà Nội năm 1883, chẳng những không nạo vét sông Tô, lại lấp hẳn nhánh sông chạy giữa nội thành để làm phố. Thế là sông Tô chết yểu!” (Hà Nội nghìn xưa).
Mọi thứ cứ diễn ra một cách từ từ, và cho đến thời hiện đại thì “sông bạc, sông vàng” biến hình thành ‘sông đen, sông chết”. Đó chính là biểu hiện của “hội chứng dòng chảy đô thị” (Urban Stream Syndrome), hội chứng thường diễn ra ở các con sông chảy qua khu vực đô thị ở các quốc gia đang phát triển, phải đối diện với tình trạng đô thị hóa ‘nóng’ nhưng lại thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp để xử lý, phân tách nước thải sinh hoạt, nước mưa hoặc nước thải công nghiệp, có nhiều tiềm năng dẫn đến những thách thức sinh thái và vệ sinh15. Hệ quả sinh thái thì dường như người ta đã thấy: tình trạng ô nhiễm hữu cơ, ô nhiễm kim loại nặng khiến nước sông không đủ tiêu chuẩn nước tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản và ảnh hưởng đến các loài thủy sinh, ví dụ, dư lượng thuốc chống tăng mỡ máu nồng độ cao trong huyết tương cá rô phi và cá mè ở hồ Yên Sở cho thấy nồng độ cao của hợp chất này trong nước sông nội đô16. Mặt khác, những dòng chảy ô nhiễm chất thải hữu cơ như sông Tô Lịch chính là nơi phát thải khí methane, một loại khí nhà kính và là tiền chất của sự hình thành ôzôn ở tầng đối lưu.
Nhưng có lẽ, còn những hệ quả tác động tới chính con người mà ít ai có thể hình dung hết. Dòng nước thải đổ ra các sông nội đô, sau đó đổ vào sông Nhuệ – sông Đáy khoảng 1 triệu m3/ngày đêm dẫn đến cảnh “kẻ ăn rươi, người chịu bão”, đặc biệt với nông dân và công nhân vệ sinh môi trường đô thị – những người “trong quá trình làm việc có thể vô tình nuốt/hít phải giọt bắn, cũng như dính nước qua chân tay, và đưa nước thải vào miệng”, TS. Phạm Đức Phúc giải thích. Bằng phương pháp đánh giá nguy cơ định lượng vi sinh vật như E coli, Cryptosporidium…, tác nhân gây bệnh tiêu chảy17, anh và cộng sự đã phát hiện ra “Những người nông dân ven đô thị sử dụng nước thải từ sông Tô Lịch có gánh nặng bệnh đường ruột cao, gấp khoảng 100 lần so với các mục tiêu dựa trên sức khỏe cho việc sử dụng nước thải do Tổ chức Y tế Thế giới đặt ra. Kết quả nghiên cứu đã ước tính gánh nặng bệnh tật là 0,011 năm sống điều chỉnh theo khuyết tật (DALYs) trên mỗi người mỗi năm ở những người dân sống ở ven đô thị”, anh nói. “Hay nói cách khác, trung bình mỗi năm, người sống ở ven đô thị mà có sử dụng hoặc tiếp xúc với nước thải thì mất đi bốn ngày sống khỏe mạnh”.
Nghiên cứu này được thực hiện vào năm 2015-2016 nhưng cho đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa bởi tình trạng nước sông không có gì thay đổi, nếu không muốn nói là có thể trầm trọng hơn. “Với những nơi có sử dụng nước thải, nước ô nhiễm vượt ngưỡng cho phép để tưới tiêu trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản thì nguy cơ những người phơi nhiễm nước thải sẽ bị mắc bệnh tiêu chảy hoặc gây ra gánh nặng bệnh tật, cứ mỗi năm lại mất bốn ngày sống khỏe mạnh”, TS. Phạm Đức Phúc nói.
Dòng sông chồng chất những huyền tích văn hóa và lịch sử của Hà thành đã trở thành một vấn đề thách thức về nước sạch và vệ sinh. Nhìn vào lịch sử phát triển của Hà Nội, chưa bao giờ những người quản lý thờ ơ trước dòng sông này. Các triều đại Lý, Trần từng có chiến lược nâng cấp dòng sông Tô bằng các cuộc nạo vét để giữ trục giao thông chính và chốn buôn bán giao thương sầm uất của kinh thành, thậm chí không bỏ bê ngay cả năm 1284, trong lúc chuẩn bị chống giặc Nguyên xâm lược lần thứ hai (Hà Nội nghìn xưa). Dưới thời hiện đại, kể từ hơn mấy thập niên qua, rất nhiều kế hoạch đã được chính quyền Hà Nội đặt ra nhằm giải quyết thách thức về nước sạch và vệ sinh của dòng Tô Lịch, thậm chí có cả kế hoạch tưởng chừng lãng mạn là đưa dòng sông này trở thành một điểm đến du lịch tương tự suối Cheonggyecheon giữa lòng Seoul. “Công cuộc cải tạo sông Tô Lịch kéo dài trong nhiều năm, nhiều thế hệ thanh niên Hà Nội đã đi nạo vét sông Tô Lịch. Thế hệ chúng tôi hơn 45 năm trước cũng đã tham gia nạo vét sông, còn 50 năm trước thì các anh các chị tôi và hơn 60 năm trước thì là cha mẹ tôi, tức là tầng tầng lớp lớp người Hà Nội đi nạo vét sông”, KTS Trần Huy Ánh chia sẻ trên VOV18.
Phục hồi sông Tô Lịch là một bài toán vô cùng khó và tốn kém nhưng kế hoạch phục hồi nó vẫn được nhắc đến trong nhiều nhiệm kỳ UBND thành phố Hà Nội. Việc nạo vét bùn định kỳ, thả những bè cây thủy sinh như một giải pháp tuyệt vọng trước khi các kế hoạch thành phần như xây dựng hệ thống tách nước thải sinh hoạt, đưa về nhà máy nước thải Yên Xá mới toanh để nâng tỉ lệ nước thải được xử lý của Hà Nội lên 40% và lên phương án lấy nước sông Hồng bổ cập cho sông Tô trị giá 550 tỷ đồng. Hiện tại, những tiên tiến về công nghệ phục hồi sông (River Restoration) và những bài học kinh nghiệm về việc lấy lại sức sống cho dòng chảy đô thị trên khắp thế giới, gồm cả thành công và thất bại, đều có thể trao cho Hà Nội rất nhiều ý tưởng mới để xây dựng chiến lược của mình.
Ở thời điểm này, người yêu Hà Nội chưa thể biết được cột mốc lịch sử mới của dòng sông, thời điểm Tô Lịch trở lại trong xanh, sẽ ở thời điểm nào nhưng có thể nói rằng, một khi được phục hồi, dòng sông sẽ trở thành một niềm tự hào mới và một cảm xúc về nơi chốn ở một thành phố nghìn năm tuổi.
Bởi nói như nhà văn Mỹ Mark Twain, “dòng sông có một trí tuệ vĩ đại và thì thầm những bí mật của mình vào trái tim người”. Phải chăng sẽ đến một ngày, dòng sông Tô Lịch sẽ lại thì thầm câu chuyện nghìn năm của mình với tất thảy mọi người, trong một kết nối liền mạch!□
———-
Chú thích:
1. https://nhipsonghanoi.hanoimoi.vn/chuyen-dan-so-ha-noi-653951.html
2. “Metal contamination, their ecological risk, and relationship with other variables in surface sediments of urban rivers in a big city in Asia: case study of Hanoi, Vietnam”. Environmental Science and Pollution Research (2024)
3. https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-ty-le-nuoc-thai-qua-xu-ly-se-tang-gap-doi-song-to-lich-xanh-tro-lai-post943849.vnp
4. “The To lich river. A research studies”. Minh Hoang Nguyen. Bachelor’s thesis. 2018. ĐH HAMK. Phần Lan
5. “Heavy metal characterization of river sediment in Hanoi, Vietnam”. Communications in Soil Science and Plant Analysis (2000).
6. “Assessment of trace metal contamination and exchange between water and sediment systems in the To Lich River in inner Hanoi, Vietnam”, Environmental Earth Sciences. 2014.
7. “Occurrence, Distribution, and Ecological Risk Assessment of Antibiotics in Selected Urban Lakes of Hanoi, Vietnam”. Journal of Analytical Methods in Chemistry (2021).
8. “Occurrence and risk assessment of multiple classes of antibiotics in urban canals and lakes in Hanoi, Vietnam”. Science of The Total Environment. 2019
9. “Environmental risk assessment of selected pharmaceuticals in hospital wastewater in nothern Vietnam”. Chemosphere. 2024
10. “Accumulation of Microplastic on Shorelines Woldwide: Sources and Sinks”. Environmental Science & Technology. 2011
11. https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/vi-nhua-mot-dai-dich-khac/
12. “Field evaluation of diffusive gradients in thin-film passive samplers for wastewater-based epidemiology”. Science of The Total Environment. 2021
13. Tên Hà Nội cổ thời kỳ Bắc thuộc, đời Hiếu Vũ Đế nhà Lưu Tống
14. Trần Quốc Vượng. Tạp chí Xưa và Nay. 2001
15. “Global perspectives on the urban stream syndrome”, ‘Poverty, urbanization, and environmental degradation: urban streams in the developing world”. Freshwater Science. 2016
16. “Pharmaceuticals and personal care products (PPCPs) in surface water and fish from three Asian countries: Species-specific bioaccumulation and potential ecological risks”. Science of The Total Environment. 2023
17. “Disease burden due to gastrointestinal infections among people living along the major wastewater system in Hanoi, Vietnam”. Advances in Water Resources. 2017
18. https://vov.vn/xa-hoi/cai-tao-song-to-lich-thanh-khong-gian-xanh-giac-mo-den-bao-gio-post1190907.vov
Bài đăng Tia Sáng số 9/2025