Hội thảo Nhật-Việt về AI: Gặp gỡ Việt-Nhật trong nghiên cứu trí tuệ nhân tạo
Hội thảo Nhật - Việt về Trí tuệ Nhân tạo (JVAIF), diễn ra ở Hà Nội và Quảng Ninh từ ngày 20 đến 22/4/2023, đã cho thấy một phần nghiên cứu AI của Việt Nam đang tiệm cận với trình độ thế giới.
Do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo (VinAI) thuộc tập đoàn Vingroup và Trung tâm về Đề án Trí tuệ Nhân tạo Tiên tiến của Nhật Bản thuộc Viện RIKEN (RIKEN-AIP) đồng tổ chức, hội thảo giới thiệu và chia sẻ một số kết quả nghiên cứu mới nhất về AI của các nhà nghiên cứu hai nước, khả năng hợp tác về nghiên cứu và phát triển AI giữa hai bên. Gần 100 người tham gia trực tiếp và nhiều người tham gia trực tuyến từ các trường, viện và các doanh nghiệp công nghệ trên cả nước.
Bắt đầu với hai báo cáo đề dẫn về những kết quả nghiên cứu mới của giáo sư Masashi Sugiyama – Giám đốc RIKEN-AIP và một chuyên gia học máy, khai phá dữ liệu, AI, và tiến sĩ Bùi Hải Hưng, Tổng Giám đốc VinAI, hội thảo có 24 báo cáo chọn lọc – một nửa từ Nhật Bản và một nửa từ Việt Nam, được trình bày và thảo luận. Các báo cáo này đã đề cập đến nhiều nội dung thời sự và quan trọng của AI, trải rộng từ các nền tảng toán học như C* đại số hay lý thuyết biểu diễn đến các phương pháp học máy thống kê Bayes trong các tình huống khó, suy diễn thống kê, tối ưu đa nhiệm, học liên tục hay phân rã mạng tensor.
Một số báo cáo tập trung vào các phương pháp tạo sinh ảnh hay phân tích ảnh ba chiều, xử lý tiếng nói hay mô hình ngôn ngữ tiếng Việt liên quan đến ChatGPT. Một số nghiên cứu gắn với các lĩnh vực ứng dụng thời sự của AI như nghiên cứu bệnh mất trí nhớ, giao thông tối ưu, hay AI trong in 3D. Điều đáng ghi nhận của JVAIF– theo những người tham gia– là chất lượng cao của các báo cáo, được đánh giá là tương đương với báo cáo ở các hội nghị quốc tế hàng đầu về AI.
Làm nên thành công của một hội thảo có chất lượng chuyên môn cao như vậy là do có sự đóng góp về mặt chuyên môn và tổ chức của ba cơ sở nghiên cứu về AI của Việt Nam và Nhật Bản. Thứ nhất, RIKEN-AIP là một trung tâm nghiên cứu thuộc RIKEN, một tổ chức nghiên cứu lớn hàng đầu của Nhật Bản, đưa ra nhiều giải pháp cho các vấn đề quan trọng của đời sống như khả năng phục hồi sau thảm họa, chăm sóc sức khỏe người già, cũng như các vấn đề đạo đức, pháp lý và xã hội khi phát triển và sử dụng AI… RIKEN-AIP có 11 nhóm nghiên cứu các công nghệ lõi của AI, 17 nhóm nghiên cứu các công nghệ AI hướng đích, và 6 nhóm nghiên cứu các vấn đề của AI và xã hội…
Thứ hai, VIASM là nơi có hoạt động trọng điểm là thúc đẩy ứng dụng toán học và nâng cao vai trò của toán học trong các lĩnh vực khoa học, trong phát triển kinh tế và xã hội. Từ năm 2018, VIASM thành lập Phòng KH Dữ liệu (DSLab) có thành viên là các giảng viên và nhà nghiên cứu về AI trong và ngoài nước, tham gia xây dựng và tư vấn cho nhiều chương trình đào tạo về AI và KH Dữ liệu cũng như chương trình Phân tích Kinh doanh hoặc Kinh doanh số ở các trường đại học.
Thứ ba, VinAI quy tụ nhiều chuyên gia AI là người Việt, có kinh nghiệm làm việc tại nước ngoài, và một chương trình đào tạo tài năng AI với khoảng 40 sinh viên xuất sắc được tuyển từ các trường đại học trên cả nước.
Việc cùng tổ chức hội thảo và trao đổi về các nghiên cứu về AI cùng với RIKEN–AIP cho thấy Việt Nam đã có một số nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực này, có thể hợp tác tương đương và “chơi” sòng phẳng với những cơ sở nghiên cứu AI hàng đầu thế giới. Trong ngành Công nghệ Thông tin, các bài báo công bố ở hội nghị quốc tế A* (hội nghị có chất lượng xuất sắc nhất trong xếp hạng của CORE – Hiệp hội Nghiên cứu và Đào tạo Tính toán của Úc) là thước đo rất quan trọng để đánh giá tiềm lực của một cơ sở nghiên cứu. Nếu như trước năm 2018, hầu như không có bài báo nào ở Việt Nam lọt vào các hội nghị này thì sau mấy năm, Việt Nam đã có hơn 100 bài. Riêng VinAI, năm 2019 có 6 công bố ở các hội nghị quốc tế hàng đầu, đến nay đã có 117 công bố.