Hội trại khoa học Odyssey ASEAN+3 lần 6: Ngày hội của các tài năng khoa học nhỏ tuổi
Hội trại khoa học Odyssey ASEAN +3 đã tạo cơ hội cho các tài năng khoa học nhỏ tuổi đến từ 13 nước trao đổi ý tưởng, niềm say mê khoa học, phát triển khả năng nghiên cứu và sáng tạo.
Nhóm thí sinh của Lào trước phần thi trình bày Poster về dự án nghiên cứu khoa học của mình.
“Ở nước em, vẫn còn nhiều vùng rất thiếu điện trong khi có tài nguyên nước rất lớn với nhiều sông suối. Vì thế chúng em có sáng kiến nghiên cứu và chế tạo một máy thủy điện nhỏ với mong muốn có thể góp phần cung cấp điện cho những vùng quê còn thiếu điện nhưng vẫn đảm bảo thân thiện với môi trường”, em Piyamany Chalemphakdy đến từ trường Neerada, Vientiane, Lào cho biết ý tưởng dự thi của nhóm mình. Các nguyên vật liệu để làm nhà máy thủy điện mini này đều rất dễ tìm kiếm ở nhiều vùng quê tại Lào và có thể tái chế được. Cùng với nhóm thí sinh Lào, 12 nhóm khác đến từ 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và Thụy Điển cũng đang chuẩn bị bài thuyết trình dự án nghiên cứu về chủ đề Năng lượng tái tạo trong Hội trại ODYSSEY ASEAN+3 lần 6 (APT JSO-6) do Bộ KH&CN Việt Nam phối hợp với Chương trình Trung tâm ASEAN + 3 về tài năng khoa học (ACGS) tổ chức với chủ đề “Năng lượng tái tạo cho cuộc sống” từ ngày 11 đến 15/7 vừa qua.
Điểm đáng chú ý của cuộc thi là các em học sinh đóng vai những nhà khoa học thực thụ: tự xây dựng thiết kế chương trình nghiên cứu, thuyết trình ý tưởng và hiện thực hóa một phần ý tưởng nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Cụ thể, các em học sinh trong độ tuổi 13 – 15 được tham gia ba phần thi: Thi trình bày poster, Thi kỹ năng trong phòng thí nghiệm, Thuyết minh dự án xoay quanh chủ đề năng lượng tái tạo. Các phần thi trình bày Poster và Thuyết minh dự án được thực hiện ở Đại học FPT, Phần thi thực hành thí nghiệm được tổ chức ở các phòng thí nghiệm của Đại học KH&CN Hà Nội. Trong đó, phần thi thực hành thí nghiệm được thiết kế chặt chẽ và mang tính “liên hoàn” giữa ba môn Sinh học – Hóa học – Vật lý. Các em được ra đề bài tạo năng lượng tái tạo từ lá cây và phải hoàn thành bài thi theo các bước: nghiền thu lấy dịch chiết lá, sau đó chạy sắc ký phân tích các sắc tố có trong lá cây. Dịch của lá cây tiếp tục được chuyển sang để làm đệm cho các tấm pin năng lượng và chuyển sang bước cuối cùng để đo lường năng lượng thu được bằng các thí nghiệm Vật lý. Hội đồng giám khảo do Bộ KH&CN Việt Nam chọn lựa, gồm các nhà khoa học trẻ có uy tín từ các chuyên ngành Vật lý, Hóa học và Sinh học đánh giá và cho điểm các nhóm dự thi.
Bên cạnh các hoạt động thi của học sinh, giáo viên từ 13 nước cũng đã chia sẻ kinh nghiệm dạy STEM ở nước mình thông qua phần thi thuyết trình về “Thúc đẩy STEM cho học sinh thông qua các ứng dụng năng lượng tái tạo”. “Cuộc thi này là cơ hội để các nước cùng ngồi với nhau, trao đổi kinh nghiệm và học hỏi các nước đang hướng dẫn, triển khai hoạt động STEM đó như thế nào”, TS. Nguyễn Tiến Đông, Đại học Bách khoa, thành viên Ban giám khảo của phần thi dành cho các giáo viên chia sẻ với Tia Sáng.
Trao đổi bên lề hội trại APT JSO-6, ông Trần Đắc Hiến, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Bộ KH&CN, đại diện ban tổ chức cho biết, mục tiêu của Hội trại là thông qua các hoạt động nghiên cứu, tạo cơ hội cho các học sinh tài năng, đam mê khoa học trao đổi ý tưởng và kinh nghiệm; phát triển khả năng nghiên cứu và sáng tạo. Bộ KH&CN sẽ có đánh giá và học tập kinh nghiệm từ hội trại này để nhằm đẩy mạnh việc tổ chức các hội thi, ngày hội khoa học tương tự cho trẻ em tại Việt Nam.
Nhóm thí sinh Thụy Điển đang làm thí nghiệm nghiền và thu dịch chiết lá cây.
Thí sinh Malaysia đang nghiên cứu tài liệu để làm thí nghiệm.
Thí sinh Hàn Quốc tìm hiểu Poster của các đội khác.