Hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đang bị mất nước lâu dài

Ở nhiều nơi trên thế giới, các hồ nước khổng lồ đang bị thu hẹp hoặc thậm chí có nguy cơ cạn kiệt. Mới đây, một nghiên cứu đã xác nhận xu hướng toàn cầu này và cho thấy nguyên nhân không chỉ do biến đổi khí hậu.

Biển Kaspie

Cầu cảng ở Bandar-e Gaz phía bắc Iran gần như khô cạn. Cảng này từng được sử dụng để vận chuyển hàng hóa và hành khách, song, từ lâu đã phải ngừng hoạt động vì cạn kiệt nước.

Biển Aral

Những con tàu hoen gỉ nằm trên cát của thành phố cảng cũ Mujnak là những nhân chứng thầm lặng cho thời kỳ tốt đẹp trước đây. Nước rút khỏi đây từ nhiều thập kỷ trước, và ngày nay bờ biển cách đó khoảng 80 km. Sự khô cạn của biển Aral và sự phát triển của sa mạc muối và cát Aralkum được coi là thảm họa sinh thái lớn nhất trên trái đất. Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là do tiêu dùng nước không bền vững.

Biển Chết

Muối tạo thành những hoa văn kỳ lạ trên mặt nước hồ ở Israel. Theo các nhà nghiên cứu, Biển Chết cũng đang bị thu hẹp lại, chủ yếu là do khai thác nước quá mức của con người, cụ thể là do lấy quá nhiều nước từ sông  Jordan chảy vào hồ.

Biển Muối

Con người tiêu thụ nước thái quá cũng là nguyên nhân chính khiến hồ ở California bị thu hẹp. Không còn trông thấy bãi biển rộng mênh mông, cho dù bức ảnh đã được chụp cách đây bảy năm.

Hồ Titicaca

Biển Andes ở biên giới Bolivia và Peru nhìn từ không gian: Hồ Titicaca mất nước chủ yếu do những thay đổi về lượng mưa và dòng chảy.

Hồ Mead

Quang cảnh nhìn từ đập Hoover nơi giáp ranh giữa hai bang Nevada và Arizona của Hoa Kỳ. Lớp trầm tích lắng đọng cho thấy mực nước đã giảm đến mức độ nào. Bức ảnh được chụp cách đây một năm. Sau những trận mưa lớn ở phía Tây Nam Hoa Kỳ trong những tháng mùa đông, mực nước của hồ chứa lớn nhất nước này đã tăng nhẹ trở lại.

Theo một nghiên cứu, hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đang bị mất nước vĩnh viễn. Theo phân tích của một nhóm các nhà nghiên cứu từ Hoa Kỳ, Pháp và Ả Rập Xê Út, công bố trên tạp chí Science, có khoảng 25% dân số thế giới sống gần các hồ nước đó. Vùng nước nội địa lớn nhất, Biển Caspian, chịu trách nhiệm cho 49% tổng lượng giảm và 71% lượng giảm ròng đối với thể tích hồ tự nhiên.

Các hồ tự nhiên và các đập chứa nước nhân tạo lưu trữ khoảng 87% lượng nước ngọt của thế giới, mặc dù chỉ chiếm 3% diện tích đất. Ở nhiều nơi, các hồ chứa nước này đang bị đe dọa: ở vùng đông bắc Tây Ban Nha gần đây có tin các hồ chứa ở Catalonia chỉ còn chứa  26% lượng nước sau nhiều tháng hạn hán, trong khi năm trước là 58%. Ở Ý, mực nước ở hồ Garda gần đây đã xuống thấp bất thường.

Các nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy thể tích các hồ trên thế giới đang bị thu hẹp, có nhiều ý kiến cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính cho tình trạng này. Tuy nhiên, do các hoạt động của con người cũng như công tác như quản lý hồ, rất khó để có thể xác định tác động toàn cầu của biến đổi khí hậu trong ngắn hạn và dài hạn đối với lượng nước được lưu trữ trong hồ. Bên cạnh đó, việc khai thác nước và thay đổi sử dụng đất cũng đóng một vai trò nhất định đối với tình trạng này.

Nghiên cứu của nhóm do nhà thủy văn học Fangfang Yao của Đại học Colorado ở Boulder phụ trách đã vẽ nên một bức tranh chính xác hơn. Theo đó, các nhà nghiên cứu đã phát triển một kỹ thuật để đo lường sự thay đổi mực nước trong các hồ và và đập chứa lớn nhất thế giới năm 1972, chúng chứa khoảng 90% tổng lượng nước ngọt. Để ghi lại diễn biến của mực nước, nhóm nghiên cứu đã sử dụng 250.000 bức ảnh vệ tinh từ năm 1992 đến 2020.

Kết quả cho thấy, 53% các hồ trên toàn thế giới đã bị mất đi một lượng nước, một số trong số đó bị mất đáng kể. Trung bình, tổng số này đạt khoảng 22 gigaton mỗi năm. Điều này tương ứng với gần một nửa thể tích nước của Hồ Constance, và bản thân hồ này cũng được liệt kê là một vùng nước đang co lại trên bản đồ tương tác được xuất bản cho nghiên cứu. Trong toàn bộ thời gian nghiên cứu, 603 km3 nước đã bị mất. Con số này tương đương với 17 lần lượng nước trong hồ Mead – hồ chứa lớn nhất ở Hoa Kỳ.

Để giải thích vấn đề này, các nhà khoa học đã sử dụng các mô hình khí hậu và thủy văn. Theo đó, biến đổi khí hậu và sự tiêu dùng của con người là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm thể tích các hồ tự nhiên. Trái ngược với các nghiên cứu trước đó, sự mất nước có thể được phát hiện không chỉ ở những vùng khô hạn mà còn ở những vùng ẩm ướt trên thế giới như vùng nhiệt đới hoặc Bắc Cực. Điều này chỉ ra rằng giả định phổ biến về biến đổi khí hậu, “khô hạn càng khô hạn hơn, ẩm ướt càng ẩm ướt hơn” không phải lúc nào cũng đúng.

Đối với các hồ chứa, lượng nước thất thoát đáng kể, diễn ra đối với 2/3 diện tích chứa nước này. Nguyên nhân chủ yếu do tích tụ trầm tích vì các bức tường đập ngăn chặn sự vận chuyển tự nhiên của dòng chảy nên cát, sỏi hoặc mảnh vụn bị ứ đọng. Theo thời gian, sự bồi lắng ngày càng lớn làm giảm thể tích của hồ chứa nước.

Chỉ gần đây, một nghiên cứu của Liên Hợp Quốc trên tạp chí Sustainability đã cảnh báo rằng các hồ chứa trên thế giới có nguy cơ mất khoảng 1/4 dung lượng lưu trữ ban đầu vào năm 2050 do sự xâm nhập của trầm tích.

Giải pháp khả thi?

Trong khi phần lớn các hồ trên thế giới đang bị thu hẹp lại, thì 24%  lại có sự gia tăng lượng nước đáng kể. Chúng xảy ra ở các khu vực dân cư thưa thớt như Cao nguyên bên trong Tây Tạng, Đồng bằng lớn của Hoa Kỳ và các khu vực có hồ chứa mới như lưu vực sông Dương Tử, Mê Kông và sông Nile.

Tác giả nghiên cứu nhấn mạnh phân tích của họ không chỉ là một bản kiểm kê mà còn chứa đựng những chỉ dẫn về các giải pháp khả thi. Đồng tác giả Ben Livneh cho rằng: “Nếu mức tiêu thụ của con người là một yếu tố quan trọng đằng sau sự suy giảm trữ lượng nước hồ, thì chúng ta có thể điều chỉnh để thích nghi và tìm kiếm các chiến lược mới để giảm thiểu sự suy giảm trên quy mô lớn”. Ông nêu ví dụ về Hồ Sevan ở Armenia: nhờ nơi này có quy định về mức tiêu hao nước nên khối lượng nước đã tăng lên.

Nhà địa vật lý Sarah Cooley từ Đại học Oregon nhấn mạnh tầm quan trọng của những luật như vậy trên toàn thế giới. Nhà nghiên cứu này cho thấy ước tính gần một phần tư dân số thế giới sống ở quanh các lưu vực có hồ lớn đang cạn nước: “Xét tầm quan trọng của những hồ này đối với hệ sinh thái, nguồn cung cấp nước, thủy lợi và thủy điện, những hậu quả tiềm ẩn của việc cạn kiệt các hồ đều quan trọng đối với các khu vực đó cũng như với toàn cầu.”

Hoài Nam dịch

Nguồn: Mehr als die Hälfte der weltweit größten Seen verliert dauerhaft Wasser – diese gehören dazu

(Visited 16 times, 1 visits today)