Hợp tác công – tư trong chống virus corona

Chia sẻ dữ liệu, tăng ưu đãi và giảm các rào cản để tìm thuốc dùng cho các trận dịch virus corona sắp tới.


Hình vẽ một virus corona vừa xâm nhập vào phổi, bao giữa lớp màng nhầy do các tế bào hô hấp tiết ra trong đó có kháng thể và nhiều loại protein nhỏ của hệ miễn dịch. Hình vẽ này dựa trên các cấu trúc protein của virus corona trong Ngân hàng dữ liệu protein (PDB) kể từ dịch SARS đến nay. Nguồn: David S. Goodsell.

Khoảng 5 tuần sau khi những ca COVID-19 bắt đầu xuất hiện, các nhà khoa học ở Thượng Hải (Trung Quốc) đã đăng cấu trúc ba chiều đầu tiên của một protein then chốt ở virus gây bệnh lên Ngân hàng dữ liệu protein (PDB), một cơ sở dữ liệu mở lưu trữ các cấu trúc sinh học. Như trong trường hợp hội chứng hô cấp cấp tính nặng (SARS) hay hội chứng hô hấp cấp Trung Đông (MERS) cũng do virus corona gây ra trước đó, các nhà khoa học chia sẻ thông tin theo những cách thức không được coi là thông thường đối với một lĩnh vực cạnh tranh thương mại. Thông tin về hình dạng các protein từ virus gây COVID-19 có thể đẩy nhanh tiến trình xác định thuốc và tạo vaccine. Nhưng kết quả đó cũng không thể đạt được nếu còn bị các rào cản khác về tài chính, quản lý và pháp lý ngáng trở. Giảm bớt những rào cản này là điều cần thiết cho việc chiến đấu chống COVID-19 và chuẩn bị cho các đợt bùng phát không thể tránh khỏi trong tương lai. 

Nếu những người tìm kiếm thuốc nhận được ưu đãi phù hợp trong những năm giữa thập niên 2000 thì có lẽ ngày nay ta đã có một loại thuốc cho COVID-19. Năm 2003, công ty SGX Pharmaceuticals – lúc đó do tôi điều hành mảng nghiên cứu – đã đưa lên PDB cấu trúc đầu tiên của một protein ở virus gây bệnh SARS (đó là protease chính của virus – một mục tiêu thuốc). Quyết định của chúng tôi khiến nhiều đối thủ cạnh tranh ngạc nhiên vì dữ liệu chúng tôi đưa ra hoàn toàn không kèm theo giới hạn hay điều khoản nào về phí sử dụng. Kể từ đó, hàng trăm cấu trúc protein khác từ virus này và các loại virus corona khác cũng được chia sẻ như thế. Nhiều cấu trúc trong số này làm sáng tỏ cách bất hoạt protein virus bằng các chất phân tử lượng nhỏ.

Trong đợt bùng phát dịch SARS, tôi đã tự tin rằng các công ty thuốc sẽ sản xuất thuốc chống SARS từ những dữ liệu mở này. Nhưng tôi chẳng thấy có loại thuốc nào cả. Tôi vẫn lạc quan khi dịch MERS diễn ra một thập kỷ sau đó. Và rồi tôi lại thất vọng. Các nhà kinh tế học gọi đây là thất bại của thị trường tự do. Vì không có triển vọng lợi nhuận từ đầu tư vào thuốc cho các trận dịch tương lai nên hầu hết các công ty đã chọn tập trung vào các loại thuốc có tiềm năng trở thành ‘bom tấn’ (blockbuster: thuốc phổ biến giúp hái ra tiền).

Đó là lý do mà hai lĩnh vực công, tư cần phải cộng tác với nhau. Chúng ta đã và đang có các dự án về sốt rét, vấn đề kháng kháng sinh, và các loại bệnh thường ít được để ý. Nhưng nỗ lực tập trung hơn vào virus corona sẽ giúp chúng ta chuẩn bị tốt hơn cho một đợt bùng phát trong tương lai cũng như đề ra những con đường giải quyết các vấn đề y khoa chưa được đáp ứng. Một nỗ lực tập trung như thế đã khắc phục được một ví dụ thất bại khác của thị trường tự do là trường hợp bệnh xơ nang, vốn chỉ ảnh hưởng khoảng 70.000 người trên toàn thế giới. Hợp tác nghiên cứu giữa Quỹ xơ nang (Cystic Fibrosis Foundation) ở Bethesda, bang Maryland (Mỹ) và công ty công nghệ sinh học Vertex Pharmaceuticals ở Boston, bang Massachusetts (Mỹ) đã cho ra các loại thuốc an toàn và hiệu quả.

Đầu tư tiền dù công hay tư để chiến đấu với một mầm bệnh còn chưa được xác định nghe có vẻ liều lĩnh, nhưng chúng ta có một cách làm logic. Cũng như các virus corona, nhiều loại virus ban đầu tạo ra khoảng nửa tá protein dưới dạng một chuỗi các acid amine dài – chuỗi này sẽ không có tác dụng gì cho đến khi nó được cắt ra nhờ các “máy cắt”, tức là các protease của virus. Nếu không có protease chính của nó, virus corona đã nhiễm sẽ không thể lây lan. Những protease chính của virus gây SARS và COVID-19 có trình tự acid amine giống nhau đến 95%. Quan trọng hơn là tâm hoạt tính của các enzyme này (những ‘lưỡi kéo’ phân tử) giống nhau hoàn toàn về trình tự và chỉ khác nhau chút ít về cấu trúc ba chiều. 

Một loại thuốc chặn được protease chính của một loại virus corona cũng sẽ có khả năng có tác dụng tương tự cho loại virus khác. Là một người nhiều kinh nghiệm trong các công ty thuốc lớn nhỏ và hiện là giám đốc trung tâm dữ liệu Hoa Kỳ của PDB, tôi biết khả năng nhắm vào protease của ngành này tốt đến mức nào. Hàng chục triệu người hằng ngày đang hưởng thành quả từ các loại thuốc ức chế protease trong điều trị cao huyết áp hay suy tim.

Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hãy cam kết đưa ra một khung quản lý mới cho các loại thuốc phổ rộng có thể được dành cho các đợt dịch trong tương lai với các tiêu chí chứng minh an toàn và hiệu quả phù hợp. Các công ty sẽ trao quyền cho các chính phủ và tổ chức phi chính phủ sử dụng các loại thuốc này để đổi lấy lợi ích tài chính và bảo hiểm trách nhiệm – những ưu đãi cần thiết, không phụ thuộc vào doanh số bán thuốc. Khi trận dịch kế tiếp bùng phát, công tác giải trình tự bộ gene virus sẽ giúp xác định thuốc nào là lựa chọn tốt nhất cho việc chữa trị. Công quỹ sẽ được sử dụng để chi trả cho việc sản xuất và phân phối. Khung quản lý mới này cũng đẩy nhanh việc thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc đã được phê duyệt hay đã thử nghiệm an toàn trước đây khi chuyển đổi mục đích sang chữa trị các loại bệnh mới.

Vẫn còn nhiều vấn đề chi tiết cần được làm rõ, nhưng trước tình hình cấp bách hiện nay chúng ta cần phải tìm cách thực hiện. Những người làm chính sách, những lãnh đạo doanh nghiệp và đại diện các tổ chức phi chính phủ đều có vai trò quan trọng trong việc tạo sự đồng thuận và xây dựng nên lề lối làm việc mới này. Tôi nhớ lại cuộc khủng hoảng tầng ozone trong thập niên 1980. Nhận thức phổ quát về một mối đe dọa ngấp nghé đối với sự sống trên Trái đất cùng kết quả khoa học trước sau đều cho thấy sự liên hệ giữa chlorofluorocarbon (CFC) với việc tầng ozone bị mỏng đi đã thúc đẩy Nghị định thư Montréal 1987 cấm việc sản xuất CFC. Năm 2019, Cơ quan hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) đã báo cáo rằng ‘lỗ thủng tầng ozone’ theo mùa đã giảm và hiện có kích cỡ nhỏ nhất kể từ năm 1982. 

Con số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 ngày càng tăng cho thấy rằng chúng ta phải chuẩn bị cho đợt bùng phát virus corona kế tiếp. Và dữ liệu khoa học cũng đã rõ ràng như đối với tầng ozone. Nhìn lại những gì đã qua, chúng ta có thể thấy rằng nếu đầu tư vài trăm triệu USD sau trận dịch SARS thì ngày nay ta đã có thể tránh được hàng ngàn ca tử vong vì COVID-19 cùng những thiệt hại tài chính dự đoán sẽ lên đến hơn 1000 tỷ USD trên toàn thế giới. Đã đến lúc các chính quyền, giới doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ đối mặt trực diện với những thất bại của thị trường tự do trong việc phát triển các loại thuốc khẩn cấp.□

Nguyễn Trịnh Đôn dịch
Nguồn: “How to help the free market fight coronavirus”,  Nature 580:167 (2020), https://doi.org/10.1038/d41586-020-00888-7 
——
Về tác giả: TS.BS. Stephen K. Burley là giáo sư ưu tú (university professor) tại Đại học Rutgers, bang New Jersey (Mỹ) và là Giám đốc Ngân hàng dữ liệu protein (PDB), cơ sở dữ liệu mở cho các cấu trúc sinh học (tương tự GenBank đối với trình tự DNA/RNA). Ông là chuyên gia sinh học cấu trúc, proteomics, sinh tin học, nghiên cứu ung thư lâm sàng, và phát triển thuốc dựa vào cấu trúc. Trước khi công tác tại Đại học Rutgers, Burley điều hành công việc nghiên cứu của công ty dược phẩm SGX Pharmaceuticals và chuyên gia của Hệ thống phòng thí nghiệm Lilly thuộc tập đoàn dược phẩm Eli Lilly hàng đầu thế giới.

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)