Hợp tác KH và ĐMST Việt Nam – Vương quốc Anh: Từ hợp phần nhỏ trở thành nội dung chiến lược

“Những gì chúng ta biết là một giọt nước, những gì chúng ta chưa biết là một đại dương.” (Isaac Newton)


Chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tế trong lĩnh vực Sinh học về da tại Việt Nam.

Nước Anh có một bề dày lịch sử khoa học (KH) và đổi mới sáng tạo (ĐMST), với 3 trong 10 đại học hàng đầu thế giới và 129 nhà khoa học đoạt giải Nobel. Nền khoa học này không chỉ có vai trò thúc đẩy kinh tế nước Anh mà còn đóng góp vào kho tàng tri thức nhân loại. Vì vậy, chúng tôi đề cao sự hợp tác liên quốc gia trong khoa học, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang cần giải pháp cho những vấn đề toàn cầu như an ninh lương thực, y tế và sức khỏe cộng đồng, các thảm họa, và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Là một nền kinh tế đang nổi năng động với những cam kết mạnh mẽ trong khoa học và đổi mới sáng tạo, cùng một lực lượng lao động trẻ tài năng, Việt Nam trở thành đối tác của nước Anh, một cách tự nhiên.

Chặng đường đã qua 

Khi Vương quốc Anh và Việt Nam trở thành đối tác chiến lược vào năm 2010, hợp tác khoa học chỉ là một phần nhỏ trong mối quan hệ tổng thể giữa hai bên. Nhưng tình hình hiện nay đã rất khác. Chúng ta có một Bản ghi nhớ song phương về hợp tác nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, và nhiều chương trình đã hoạt động với khoản tài trợ trị giá hàng triệu Bảng mỗi năm. Trong đó, khởi động từ năm 2014, Quỹ Newton của Chính phủ Anh là một mô hình tài trợ mới cho các hoạt động hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu của Vương quốc Anh và Việt Nam nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả các công trình nghiên cứu.

Bốn năm sau, hợp tác khoa học giữa hai nước đã đạt đến một nấc thang mới, trở thành một hợp phần chính của mối quan hệ song phương. Khoảng 8,4 triệu Bảng Anh đã được giải ngân bởi hai nước cho Quỹ Newton Việt Nam tính đến tháng 6 năm 2018. Đã có hơn 10 chương trình được triển khai trong khuôn khổ của Quỹ Newton kết nối đa dạng các nhóm đối tượng trong cộng đồng nghiên cứu hai nước. Các nhà khoa học Việt Nam đang làm việc tại Anh, các nhà nghiên cứu Việt Nam từng học tiến sĩ tại Anh đóng vai trò quan trọng trên cơ sở các liên kết giáo dục đã có. Nhờ vậy, đã có gần 200 suất tài trợ của Quỹ cho các mối hợp tác giữa 81 cơ quan nghiên cứu của Việt Nam và 58 tổ chức của Anh, và trong đa số trường hợp, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học hai nước làm việc cùng nhau.


Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tại Việt Nam Gareth Ward.

Phần lớn kinh phí của chúng tôi được chi cho các dự án nghiên cứu chung trong lĩnh vực y tế (bệnh truyền nhiễm), nông nghiệp (sản xuất lúa gạo) và phục hồi môi trường, mang lại lợi ích thiết thực cho các nhóm yếu thế trong xã hội. Dự án hợp tác nghiên cứu của Đại học Queen Belfast và Đại học Duy Tân về hệ thống thông tin liên lạc được thiết kế để hoạt động hiệu quả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt là một ví dụ cụ thể. Với chất lượng khoa học và tiềm năng thương mại hóa cao, nhóm đã giành được giải thưởng Newton cho Việt Nam vào năm 2017. Ngoài ra, Hội đồng Anh, các Viện Hàn lâm và Cơ quan Đổi mới Sáng tạo Vương quốc Anh cũng có nhiều hoạt động tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý khoa học Việt Nam tiếp cận hạ tầng nghiên cứu và chuyên môn cao của Vương quốc Anh. Thậm chí, viện, trường giữa hai nước còn chủ động đưa ra những dự án hợp tác giáo dục mới và tìm được nguồn tài trợ nghiên cứu ngoài Quỹ Newton. Bên cạnh Quỹ Newton, Chính phủ Anh cũng đã triển khai Quỹ Nghiên cứu Thách thức Toàn cầu (GCRF) trị giá 1,5 tỷ Bảng từ năm 2015. Việt Nam đã được hưởng lợi từ hai dự án lớn sử dụng công nghệ vệ tinh của Anh để cải thiện khả năng dự báo thiên tai và dự đoán sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết trong tương lai. Đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới sáng tạo thường mất một thời gian dài để nhìn thấy những tác động về mặt kinh tế, nhưng những gì chúng ta đã làm cùng nhau cho phép chúng ta lạc quan.

Nhìn về phía trước, Chính phủ Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các nhà nghiên cứu xuất sắc từ ​​khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam thông qua các sáng kiến mới:

– Chương trình lãnh đạo tương lai của Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo (UKRI) lần đầu tiên sẽ trao ít nhất 550 suất học bổng trong vòng 3 năm tới cho các nhà nghiên cứu và sáng tạo trẻ;

– Hiệp hội Hoàng gia, Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia, Viện Hàn lâm Anh quốc, Viện Hàn lâm Y khoa sẽ đồng cung cấp 350 triệu Bảng qua các chương trình học bổng danh giá của mình;

– Tối đa 10 học bổng UKRI Hawking được cấp mỗi năm cho các ứng viên hàng đầu đã hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Anh trong lĩnh vực toán học, vật lý và khoa học máy tính, trong 5 năm.

Những cơ hội tương lai

Vì sứ mệnh của Quỹ Newton là hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội của các nước đối tác, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển các chương trình nghiên cứu trong lĩnh vực là ưu tiên quốc gia của Việt Nam. Nhiều ưu tiên của Việt Nam cũng nằm trong danh mục Những Thách thức lớn trong Chiến lược công nghiệp của Vương quốc Anh: trí tuệ nhân tạo và dữ liệu, già hóa và sức khỏe, tương lai của quá trình dịch chuyển, và tăng trưởng sạch. Có những mối quan tâm chung như vậy là một thuận lợi lớn trong hợp tác giữa hai nước nhưng các nhà khoa học Anh và Việt Nam có thể cân nhắc hợp tác với nhau trong các vấn đề cụ thể và thiết thân với Việt Nam như nghiên cứu về các bệnh không lây nhiễm, kỹ thuật nông nghiệp và tăng trưởng sạch. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư, chúng tôi tin rằng có rất nhiều tiềm năng trong việc phát triển công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo và sáng tạo số phục vụ các khía cạnh khác nhau của cuộc sống, như trong y tế, nông nghiệp và phát triển đô thị.

Bên cạnh tri thức khoa học hàn lâm, chúng tôi cũng kì vọng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo đóng vai trò khuyến nghị chính sách, hoặc tạo ra cơ hội mới cho khối doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ khuyến khích các chương trình hợp tác liên ngành, đặc biệt bao gồm góc nhìn từ các ngành khoa học xã hội. Điều này có thể là một thách thức vì các công bố quốc tế của Việt Nam trong khoa học xã hội vẫn đang trong giai đoạn phát triển, nhưng chúng ta sẽ gặt hái được nhiều điều từ cách tiếp cận này.

Trong ba năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ ấn tượng trên Bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới Toàn cầu, còn Vương quốc Anh vẫn luôn nằm trong danh sách 5 nước dẫn đầu. Vì bản thân Việt Nam đã sẵn sàng “đổi mới”, và các liên kết nghiên cứu của chúng ta đã trở nên ổn định hơn, chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều trao đổi học thuật hơn để phát triển năng lực chính sách, chẳng hạn như trong việc sử dụng hiệu quả dữ liệu, bằng chứng và kỹ năng dự báo tương lai. Chúng ta cũng cần phải thương mại hóa nhiều hơn những nghiên cứu được tạo ra trong các trường đại học bằng cách thúc đẩy mức độ và chiều sâu tham gia của doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo.

Chúng tôi được biết Việt Nam đang xây dựng Chiến lược quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Chúng tôi rất muốn lắng nghe quan điểm của Chính phủ Việt Nam về quan hệ hợp tác tương lai trong lĩnh vực đầy hứa hẹn này.

Nhìn nhận thách thức

Chúng tôi tin rằng việc mở rộng hợp tác khoa học giữa Vương quốc Anh và Việt Nam sẽ thành công nếu Việt Nam áp dụng nhiều hơn những thông lệ quốc tế tốt trong quản trị nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong giai đoạn hoạt động hợp tác trong KH&CN Việt Nam đang chuyển dần sang cơ chế đồng tài trợ. Cụ thể là:

Hội thảo kết nối giữa nhà khoa học Việt Nam và Anh về Công nghệ vi lưu và phòng thí nghiệm siêu nhỏ tích hợp trên một con chip.

Hình thành: Kinh nghiệm của Anh cho thấy rằng, đối tác nào càng có khả năng đáp ứng linh hoạt và nhanh chóng thì càng có nhiều cơ hội để hợp tác. Mặc dù Việt Nam có nhiều chương trình nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, một vài trong số đó không đủ linh hoạt trong thiết kế để thu hút các nhà đồng tài trợ quốc tế.

Vận hành: Tại Vương quốc Anh, chính phủ và cơ quan tài trợ nghiên cứu chính UKRI đưa ra các chiến lược trên cơ sở tham vấn chặt chẽ với các cộng đồng học thuật và kinh doanh. Còn ở góc độ từng chương trình cụ thể, chính phủ chỉ đóng vai trò “tạo điều kiện”. Chúng tôi tin rằng các cơ quan Bộ của Việt Nam cũng có thể cải thiện các quy trình ra quyết định của mình bằng cách áp dụng chính phủ điện tử, phương pháp bình duyệt quốc tế và minh bạch hóa quy trình của mình.

Quá trình hợp tác đòi hỏi việc học hỏi và cải tiến liên tục. Nhưng chúng tôi tin rằng mối quan tâm và cam kết chung sẽ cho phép cả hai bên thích nghi với nhau trong khi vẫn duy trì các tiêu chuẩn của mình, và nước Anh cũng cam kết tìm kiếm các cách thức mới và linh hoạt để tham gia.
***
Với sức mạnh của những công nghệ mới trên toàn thế giới, cách con người sống, làm việc và tương tác đang được biến đổi. Bằng cách cùng làm việc và khai thác thế mạnh của nhau, chúng ta có thể đạt được nhiều hơn những gì chúng ta làm một mình. Chúng tôi muốn Vương quốc Anh trở thành đối tác hàng đầu về khoa học và đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Và chúng ta chưa bao giờ ở vị trí tốt hơn bây giờ. Tôi mong muốn tiếp tục xây dựng quan hệ hợp tác trên cơ sở thành tựu đạt được và tạo ra một môi trường mà trong đó các nhà sáng tạo có thể hoàn toàn thể hiện bản thân. Tôi rất hào hứng với tất cả những tiềm năng của hai nước, và mong chờ một tương lai tươi sáng cho quan hệ đối tác nghiên cứu và đổi mới sáng tạo Việt – Anh.

Phan Liên Hương dịch

 

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)