Hợp tác xã “không đồng” ở Vĩnh Bình 

Lời tòa soạn: Trong số trước, Tia Sáng đã thực hiện phóng sự về những khó khăn trong canh tác lúa ở ĐBSCL, dẫu vậy người nông dân vẫn bám đất nỗ lực tổ chức lại sản xuất cho hiệu quả hơn. Trong số này, câu chuyện về HTX Vĩnh Bình, có người đứng đầu đặc biệt, một “lão nông tri điền” am hiểu và năng động, dẫu là một trong không nhiều HTX hoạt động hiệu quả trong bối cảnh có rất nhiều rủi ro và đứt gãy, cho chúng ta thấy niềm hy vọng.

Ngày thu hoạch ở Vĩnh Bình. Ảnh: Thanh Huế.


Nếu hợp tác xã là con đường cần thiết để liên kết hộ nông dân canh tác manh mún nhỏ lẻ thành một khối lớn nhiều lợi thế hơn thì làm thế nào để đi vào một cách thuận lợi?

Con đường nhọc nhằn của hợp tác xã nông nghiệp 

“Việt Nam đang vươn lên sản xuất lớn, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hướng đến thị trường toàn cầu trên đôi chân vừa nhỏ bé vừa yếu ớt của kinh tế hộ gia đình, của nền kinh tế về cơ bản vẫn còn là tiểu nông”, câu nhận xét của GS. Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp khái quát cả một nền nông nghiệp được phát triển dựa vào 10 triệu hộ nông dân canh tác trên 70 triệu mảnh ruộng phân tán, diện tích bình quân thấp dưới 0,5 hecta/ hộ1. Trong bối cảnh đó, mô hình hợp tác xã (HTX) là cách thức quan trọng để tổ chức sản xuất hiệu quả hơn ở mọi khâu. Trước tiên, tính manh mún, xé lẻ, nhất là trong trồng lúa vẫn là yếu tố khiến khó ứng dụng khoa học và kỹ thuật, khó chuyển đổi sang mô hình canh tác bền vững kể cả khi các nông hộ nhỏ có diện tích canh tác dưới 1 hecta ngày càng gặp nhiều rủi ro, bấp bênh (ngược lại, canh tác diện tích lớn vẫn giúp tăng thu nhập bền vững)2

Dẫu vậy, trên thực tế, HTX vẫn chưa trở thành nơi mà nông dân gửi trọn niềm tin, vẫn chưa kết nối được các mắt xích trong chuỗi giá trị nông nghiệp, với ngành lúa gạo – ở nơi sản xuất tập trung lớn nhất là ĐBSCL, có thể nhìn thấy điều đó qua số lượng gạo được bán qua các tầng nấc thương lái vẫn là chủ đạo (93%)3

Làm thế nào để gây dựng được niềm tin, duy trì, phát triển được HTX, làm thế nào tổ chức sản xuất hiệu quả, quản trị được HTX bền vững…? Muôn vàn câu hỏi đó, thậm chí câu hỏi cơ bản nhất là làm thế nào duy trì được mối liên kết bền chặt giữa xã viên và HTX còn thường trực ở ngay cả những HTX đã phát triển được nhiều năm. Nhiều lãnh đạo HTX bộc bạch nỗi lo không giữ chân được các xã viên, thậm chí xã viên có thể bán nông sản cho thương lái bên ngoài bất kỳ lúc nào thay vì bán thông qua HTX. Khi nông dân bán ra ngoài, không tin vào HTX, không liên kết nội bộ, không tổ chức được sản xuất chung theo quy trình kỹ thuật dẫn tới một hệ lụy là nông dân cảm thấy tham gia vào HTX hay không cũng như nhau, không thấy hiệu quả của HTX. Trong khi đó, mối liên kết giữa HTX với doanh nghiệp gần như còn rất lỏng lẻo, thậm chí ở nhiều nơi không tồn tại, vì hiện nay chỉ 7% toàn bộ sản lượng gạo của ĐBSCL được bán trực tiếp cho doanh nghiệp.


Trong mấy năm qua, nhờ nguồn vốn duy nhất là vốn xã hội hình thành được nhờ liên kết thay cho vốn tài chính hay vốn vật chất khác, HTX có được “doanh thu từ hoa hồng chiết khấu từ doanh nghiệp”. 

Những người nông dân trồng lúa ở Vĩnh Bình, Châu Thành, An Giang nghĩ về câu hỏi làm thế nào để không bước lại vào con đường trên trong suốt nhiều năm. “Cứ tự sản xuất nhỏ lẻ thiệt thòi dữ lắm”, ông Nguyễn Văn Thảo, xã viên HTX Vĩnh Bình kể lại. Đầu tiên là bán ra, nông dân ám ảnh với việc thương lái ép giá, “cò lái đặt cọc với giá 5.000 đồng/kg lúa, thống nhất rồi thì tới ngày cắt trời mưa, cò bảo giảm 200 đồng, mình không đồng ý thì ổng bỏ đi, lúa mình nằm đó hai đêm không ai lấy rồi, cò lái khác tới bảo giảm tiếp, chỉ mua 4.400 đồng thôi, mình buộc phải bán, đâu có mang về tự phơi sấy được, rồi lỗ luôn nhưng vẫn phải bán. Nông dân nhỏ đều gặp vậy đó, nhất là mùa mưa”, ông Thảo kể. Về đầu vào sản xuất, hầu hết nông dân ở vùng đều rơi vào vòng xoáy tạm ứng mua phân, thuốc ở đại lý, chịu lãi tới vụ mùa trả, và mua bán nhỏ lẻ nên không thoát được nạn phân thuốc giả, kém chất lượng “bón, xịt nhằm đúng lúc lúa đón đòng hay sạ là thiệt dữ lắm, bình thường thu 7 tấn/ hecta mà có năm phải mua bón phân giả tui chỉ thu 5 tấn/ hecta”. Khâu nào cũng dễ hao hụt, khiến nông dân dễ rơi vào cảnh thiệt đơn thiệt kép, giảm vài phần trên tổng số hoa lợi nhỏ nhoi thu về chỉ chừng 1.000 đồng/ kg lúa.

Nếu muốn thoát ra khỏi vòng xoáy manh mún nhỏ lẻ đó, con đường của những người nông dân Vĩnh Bình phải đi sẽ như thế nào? 

Trong suốt mấy chục năm, Vĩnh Bình không có nhà máy chế biến lúa gạo, lúc nào nguy cơ đứt gãy chuỗi nông sản cũng chực chờ, “nông dân rất áp lực vào lúc gặt rộ” quá nhiều chưa kịp bán thường bị thương lái ép giá, có thời điểm bán rẻ mạt “3 ký 10 ngàn” và có những năm “phải cắt lúa rồi phải bỏ lúa ngoài đồng, cắt rộ xong không có kho, sấy, ế không có chỗ tiêu thụ, cắt xong không có ghe tới mua”, ông Nguyễn Văn Tắc ở xã Vĩnh Bình kể lại vô vàn bế tắc. Cuối cùng, Vĩnh Bình may mắn được doanh nghiệp đỡ đầu. “Từ chỗ đó anh Thòn ảnh mới làm nhà máy (ngay bờ Bắc con kinh Mặc Cần Dưng của xã Vĩnh Bình) để thu mua, sấy, trữ cho nông dân. Lúc đó xã mới vận động bắt đầu liên kết nông dân lại để bán lúa cho Lộc Trời”, ông luôn nhắc tới ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời trìu mến như vậy. Trong vai trò doanh nghiệp đầu tàu, Lộc Trời không chỉ xây dựng lò sấy công suất lớn, kho trữ cho nông dân chở ghe lúa đến lò sấy miễn phí và ký gửi chờ giá cao để bán mà còn thúc đẩy tổ chức sản xuất, hình thành các tổ hợp tác, tạm ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật và nhận bao tiêu lúa theo giá thị trường. 

Ông Út Tắc trong căn phòng trụ sở của HTX Vĩnh Bình, đằng sau ông là tấm bảng ghi rõ từng chi phí sản xuất của HTX. Ảnh: Thanh Huế.

Đến năm 2015, HTX Vĩnh Bình ra đời, và Lộc Trời vẫn giữ vai trò nòng cốt ở các khâu cung ứng vật tư, bao tiêu lúa, tham gia quản lý hành chính, tài chính (kế toán, kho vận) và áp dụng các kỹ thuật canh tác mới. Điều này khắc phục thực tế là các hộ gia đình hay HTX đều khó hoạt động như một doanh nghiệp với những người chưa qua trường lớp hay có kinh nghiệm kinh doanh gì. 

Sau năm năm tổ chức được các tổ hợp tác, Lộc Trời triển khai thêm các dịch vụ khác ngoài cung ứng vật tư như dịch vụ làm đất, cắt lúa, phun thuốc… cơ giới hóa triệt để và muốn bao trọn, tối ưu hóa công việc đồng áng bởi họ cho rằng “từ trước đến nay, các HTX hoạt động vẫn chưa có các máy móc này, chỉ thuê ở các đội dịch vụ ở bên ngoài. Tập đoàn Lộc Trời giao máy cho HTX để quản lý và đưa vào hoạt động sản xuất, sẽ tổ chức lại khâu sản xuất và quản lý vùng nguyên liệu được tốt hơn”. 

Nhưng sự vận hành của một tổ chức của người nông dân lại phụ thuộc vào những yếu tố khác mà chỉ những người hiểu được các mối quan hệ tinh tế trong cộng đồng như ông Út Tắc mới thấu – khi các doanh nghiệp cung ứng vật tư và bao tiêu thì chỉ làm mất đi vai trò của đại lý các cấp hay cò lái xa lạ mà không ảnh hưởng tới mối quan hệ trong cộng đồng, thì các dịch vụ từ làm đất cho đến cắt lúa chính nông dân trong ấp, trong HTX, hoặc anh em họ mạc, lối xóm… có sẵn rồi, dù máy móc nhỏ, không mới nhưng đang rất hiệu quả. Ông Tắc hiểu rằng, lúc đó nếu quyết sử dụng dịch vụ cấy cày của doanh nghiệp thì người nông dân sẽ bỏ ông, bỏ HTX, vì vận hành một HTX phải hiểu cả tính duy lý và duy tình của người nông dân. “Bà con, lối xóm đang có máy, không lẽ nông dân bỏ tình cảm để đi mướn máy của doanh nghiệp? Máy móc tài xế làm công ăn lương theo giờ hành chánh đâu có như nông dân mình cày, cắt, rồi về lau chùi chăm sóc thiệt kỹ lưỡng”. “Am hiểu” và “tỉ mỉ” trong những điều ông Tắc nói chính là yêu cầu cần thiết nhất trong canh tác sao cho phù hợp đặc điểm sinh học của sản xuất nông nghiệp “nhất thì, nhì thục”.


Vĩnh Bình đã mạnh dạn đăng ký tham gia Chương trình Một triệu hecta lúa chất lượng cao, và ông Út Tắc hoàn toàn tự tin với việc đã có 15 hecta đầu tiên thí điểm thực hành canh tác ứng dụng khoa học, kỹ thuật chặt chẽ hơn giúp giảm giống, phân, giảm thuốc, tăng phân bón hữu cơ cải thiện chất lượng đất, giảm phát thải, tăng chất lượng gạo… và tới đây sẽ làm so sánh đối chứng để nông dân nhìn thấy rõ hiệu quả của Chương trình mới.

Liên kết là một loại tài sản 

Chia tay một doanh nghiệp bao tiêu suốt nhiều năm, ông Út Tắc biết không dễ lèo lái HTX với không đồng vốn trong tay. Ông bắt đầu hành trình đi tìm các doanh nghiệp cung ứng vật tư mới cho HTX. Có tư cách pháp nhân, có diện tích vùng trồng ổn định lên tới 1000 hecta (cho cả ba vụ trồng lúa), HTX của ông có những lợi thế nhất định về sản lượng lúa thu mua – với điều kiện phải duy trì được liên kết nội bộ, quy trình canh tác để đảm bảo sản lượng và chất lượng bán ra. 

Chính ở điểm này, ông nghiệm ra duy trì liên kết nội bộ là điều tiên quyết giữ cho HTX không vỡ trận. Khi không có một tổ chức cộng đồng trách nhiệm, doanh nghiệp sẽ bất lực không thể ký hợp đồng với từng mảnh ruộng manh mún, chuỗi giá trị lại phải quay về với các trung gian cò lái làm tăng chi phí giao dịch trong chuỗi cung ứng, giảm khả năng truy xuất nguồn gốc hay đánh giá và giám sát các chất lượng, cũng như sản lượng sản phẩm5. Việc thiếu một “tầng đệm” cũng làm tăng thất thoát sau thu hoạch vì nông sản không được sấy khô, bảo quản, xử lý đúng cách, kịp thời, trong đó lúa gạo bị thất thoát nhiều nhất, có thể lên đến 10%. 

Sau mối liên hết nội bộ là cân bằng lợi ích giữa nông dân và các thành tố khác trong chuỗi giá trị nông nghiệp, “HTX của mình là cái đòn gánh, một bên là gánh doanh nghiệp, một bên gánh nông dân, gánh một bên nặng một bên nhẹ mình không bao giờ đứng được, mà phải làm sao cho hài hòa lợi ích”. 

Ông Úc Tắc và người kế nhiệm (đối diện) đang ngồi nói chuyện trồng lúa với các nông hộ ở ngay bờ kênh chở lúa, trong ngày thu hoạch lúa. Ảnh: Thanh Huế.

Mất ba vụ mùa long đong tìm kiếm các đầu mối từ vật tư nông nghiệp tới doanh nghiệp thu mua, để tái cơ cấu toàn bộ các nguồn cung ứng và bao tiêu lúa gạo, ban đầu “lẻ mẻ lắm”, vì ông chưa thể “bỏ hết trứng vào một giỏ”, HTX chưa thể ngay lập tức nhập hàng số lượng sỉ ở đầu mối doanh nghiệp sản xuất lớn nên chưa có mức chiết khấu cao. Dần dần, HTX bắt đầu ổn định, nguồn vốn xã hội nhờ liên kết ngang bền chặt của một tập thể nông dân giúp ông có thế mạnh của một đơn vị có cả ngàn hecta canh tác mỗi năm để đàm phán được với các nhà cung ứng uy tín chiết khấu 20 – 30% trên giá bán, HTX thay thế cho các đại lý, nhập cả trăm tấn phân, thuốc về cho nông dân, đồng thời tổ chức được các quy trình kỹ thuật khoa học chặt chẽ hiệu quả để giảm lượng phân thuốc. Các dịch vụ làm đất, cắt, phun xịt… cũng được chiết khấu khi HTX thu xếp các thửa ruộng gần nhau cùng làm một công đoạn vào cùng một thời điểm. 

Về đầu ra, HTX cũng yên tâm hơn vì “một số doanh nghiệp thu mua mới tìm tới mình, một số thì mình tự đi tìm. Doanh nghiệp cũng muốn có sản phẩm ổn định, đi mua lông bông đâu chắc chắn bằng mua của HTX mình, họ biết mình có trăm hecta tương đương 6000 tấn lúa rồi”, ông cười tự tin. Ông cho các doanh nghiệp chào giá, ông tiếp tục khảo giá thị trường chứ không phụ thuộc vào một nguồn duy nhất, sau đó gửi thông tin đến các hộ nông dân, các hộ chốt giá rồi mới bán. 

Nếu chỉ nhìn vào những kết quả mà HTX Vĩnh Bình làm được trong việc duy trì niềm tin của nông dân, đảm bảo chữ tín với các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất thì khó lòng hình dung được những nỗ lực của HTX và cá nhân ông Út Tắc. Nhìn vào quá trình ông tương tác với các đầu mối, thử thành lập ma trận liên hệ gồm mấy chục nhà cung ứng cho chín yếu tố đầu vào của sản xuất (mỗi yếu tố đầu vào có rất nhiều đầu mối cung ứng khác nhau, với hàng loạt doanh nghiệp thu mua các chủng loại khác nhau…), 112 thành viên và cả trăm nông hộ liên kết nhỏ lẻ khác muốn mua vật tư và bán lúa cho HTX… với các mảnh ruộng phân bố phân tán, mới thấy công việc điều phối của ông Út là không dễ dàng. Đó là cách ông vận hành một hệ thống “không đồng” trong mấy năm qua. 

Giảm rủi ro cho nông hộ 

Cách vận hành “không đồng” này, dầu xuất phát từ tình thế không mong muốn, và xác định là hợp tác xã có lãi ít, chủ yếu là lợi ích và sự ổn định cho nông dân, nhưng cũng là yếu tố giúp ông tránh đi vào vết xe đổ của những HTX mà ông đã tìm hiểu, thậm chí có HTX từng là cánh chim đầu đàn trong vùng mạnh dạn đầu tư lớn vào sản xuất nhưng giờ đây đổ nợ vì không kiểm soát được rủi ro. Đó là lý do ông xoay vần giữa liên kết ngang để giữ trọn niềm tin, hợp tác giữa nông dân, ông liên kết dọc chuỗi với các mắt xích khác để nông dân và HTX không bị thiệt. 

Tuy vậy, nông nghiệp vốn là một ngành có nhiều rủi ro, khi HTX liên kết ngang – dọc đều tốt rồi thì vẫn còn có những rủi ro khác phải kiểm soát. HTX khẳng định chắc chắn là sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các thành viên HTX. Nhưng cũng có năm “thành viên HTX không kịp cắt lúa trước ngày trời mưa, dù doanh nghiệp đã ngã giá xong xuôi”, mà lúa gặp nước sẽ bị lên mộng, tỉ lệ gạo kém, thậm chí hôi chua và hỏng. Chỉ có ba ngày để cắt, và HTX đã phải đứng ra gánh vác những rủi ro này: tổ chức cắt, mang đi sấy, lưu kho HTX, chờ bán lúa khô. HTX gánh cho hai hộ vào năm 2020 may mắn được giá lúa khô, hai hộ này lời 20 triệu, nhưng sang năm 2021 may mắn không mỉm cười, lúa khô rớt giá, HTX chịu lỗ 41 triệu. Đó là bản chất của HTX, HTX phải trở thành điểm tựa giảm rủi ro cho nông dân, đề cao “lợi ích (cho nông dân) hơn lợi nhuận (cho HTX)”, ông Út Tắc khẳng định chắc chắn. 

Dưới cách điều hành minh bạch này, các thành viên của HTX đều tin tưởng “mình đã sử dụng vật tư của HTX, sau mình bán lại lúa cho HTX, giống như mình lấy cọc trước đó. Cho nên tui rất tin tưởng HTX. Kể từ khi HTX thành lập tôi không bán cho ai khác ngoài HTX nữa”, ông Thảo, thành viên nòng cốt của HTX miệt mài đi giải thích cho những người nông dân khác hiểu về lợi ích và tham gia HTX kể từ ngày thành lập, cho biết. 

Với tất cả những công việc ở trên, ông Út Tắc chạy như con thoi suốt ngày, ngay cả trong các cuộc phỏng vấn trong vòng hai ngày chúng tôi đến đây, hầu như không lúc nào ông rời được chiếc điện thoại, có khi chỉ một tiếng ngồi nói chuyện, ông có tới 5-6 cuộc điện thoại – khi của xã viên, khi điều phối máy cắt, khi của doanh nghiệp thu mua, khi điều phối máy xới chuẩn bị cho vụ sau, khi lo vụ máy cuộn…Tất cả đều phải thông qua đầu mối HTX, bởi nếu để nông dân tự lo thì mọi chuyện sẽ lại quay về như cũ – cắt – xới – cuộn – thu mua… ở từng mảnh ruộng bé, không liên tục là lại đội giá liền, mà làm lúa phải tính đếm chặt chẽ từng đồng vì “lợi nhuận mỏng lắm, có nhiêu đâu”. 

Người quản lý HTX không chỉ là một “lão nông tri điền”, được lòng nông dân, mà còn phải am hiểu tất cả các công việc tài chính hành chính trong vận hành của HTX hiện đại thực chất không khác gì vận hành của doanh nghiệp, với đủ các chứng từ thu chi, xuất, nhập kho, minh bạch trước các cơ quan quản lý, kiểm toán và trước các thành viên thông qua các kỳ họp thường xuyên và hội ý khi cần lấy ý kiến gấp. Cũng may, nhờ nhiều đợt tập huấn của Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn An Giang của Đại học An Giang và nhiều tổ chức quốc tế khác, ông nắm vững quy trình pháp luật, ông thuộc nghị quyết, văn bản chỉ đạo, làu làu các con số, nhẩm tính rất nhanh, và đồng thời phải diễn giải từng con số, từng văn bản khô khan ấy thành các thông tin dễ hiểu, hình ảnh bằng kỹ năng của một nhà giáo tiểu học từ trước Đổi mới cho tất cả các thành viên HTX, vốn chỉ có trình độ tiểu học hoặc trung học cơ sở. 

Ông Út Tắc cũng đang tìm người thay thế mình, ông kỳ vọng vào một người được học bài bản về nông nghiệp am hiểu khoa học kỹ thuật, chặt chẽ và tỉ mỉ trong vận hành quản lý HTX… và lại còn phải gần gũi với nông dân, đồng ruộng – tóm lại là một “người nông dân chuyên nghiệp” – điều mà cho đến giờ các nhà khoa học và nhà quản lý vẫn kêu rằng ruộng đồng đang rất thiếu.□

——

Chú thích: 

1 Tính toán của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp – nông thôn, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong báo cáo Chính sách đất đai và sự phát triển NN Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tại Diễn đàn Nông nghiệp mùa thu, 2019. 

2 The economic sustainability of rice farming and its influence on farmer decision-making in the upper Mekong delta, Vietnam – ScienceDirect. https://doi.org/10.1016/j.agwat.2022.108018 

3 Nghiên cứu của Đào Thế Anh và cộng sự, The Domestic Rice Value Chain in the Mekong Delta, trong sách White Gold: The Commercialisation of Rice Farming in the Lower Mekong Basin, NXB Palgrave Macmillan, 2020.

4 https://sj.ctu.edu.vn/ql/docgia/download/baibao-5500/trongtruong_so18a_30.pdf

5 Báo cáo của Worldbank, Transforming Vietnamese Agriculture: Gaining More from Less, NXB Hồng Đức, 2016.

Bài đăng Tia Sáng số 21/2024

Tác giả

(Visited 32 times, 1 visits today)