Hướng tới các mục tiêu về khí hậu: G7 khẳng định vai trò của hạt nhân

Cuối Hội nghị Bộ trưởng G7 về Khí hậu, Năng lượng và Môi trường ở Turin, Ý, một thông cáo được nhóm Bảy quốc gia (G7) đưa ra với cam kết hỗ trợ những quốc gia lựa chọn sử dụng năng lượng hạt nhân.

Thông cáo nêu rõ, những quốc gia lựa chọn sử dụng hoặc ủng hộ năng lượng hạt nhân đều nhận ra tiềm năng của năng lượng này là nguồn năng lượng sạch/không phát thải, giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu và cải thiện an ninh năng lượng toàn cầu. Đây là các quốc gia công nhận năng lượng hạt nhân là nguồn điện phụ tải cơ bản, mang lại sự ổn định và linh hoạt cho lưới điện cũng như tối ưu hóa việc sử dụng công suất lưới điện, trong khi đó, các quốc gia không sử dụng năng lượng hạt nhân hoặc không ủng hộ việc sử dụng năng lượng hạt nhân thiên về các lựa chọn khác để đạt được mục tiêu tương tự, do những lo ngại tính về rủi ro liên quan và chi phí của năng lượng hạt nhân.

Các Bộ trưởng lưu ý về bản tuyên bố do 25 quốc gia đưa ra trong hội nghị khí hậu COP28 ở Dubai tháng 12 năm ngoái, trong đó đặt mục tiêu tăng gấp 3 lần công suất điện hạt nhân toàn cầu vào năm 2050. Các thiết kế lò phản ứng mới bao gồm các lò phản ứng mô-đun nhỏ và tiên tiến có thể mang thêm những lợi ích trong tương lai như cải thiện độ an toàn và tính bền vững, giảm chi phí sản xuất, giảm rủi ro dự án, cải thiện quản lý chất thải, dễ được xã hội chấp nhận hơn, đem lại các cơ hội cho ngành công nghiệp nhờ việc cung cấp đồng thời năng lượng, nhiệt độ cao, hydro.

Các bên cam kết ủng hộ những nỗ lực đa phương nhằm tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng hạt nhân và tiếp tục hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng hạt nhân vững mạnh trong khuôn khổ G7 và Nhóm làm việc năng lượng hạt nhân (Nuclear Energy Working Group) được thành lập tại Sapporo. Ngoài ra, các bên sẽ thúc đẩy những sáng kiến nghiên cứu và phát triển công nghệ cải tiến về điện hạt nhân cho những quốc gia lựa chọn sử dụng hoặc ủng hộ việc sử dụng năng lượng hạt nhân.

Cũng theo Thông cáo, G7 sẽ xúc tiến triển khai một cách có trách nhiệm các công nghệ năng lượng hạt nhân, gồm các lò phản ứng mô-đun nhỏ và tiên tiến, lò phản ứng vi mô, và cùng cộng tác chia sẻ những bài học thực tiễn tốt nhất liên quan đến quản lý chất thải có trách nhiệm, cho phép tiếp cận các công cụ tài trợ dự án nhiều hơn, hỗ trợ hợp tác ngành, thiết kế thủ tục cấp phép và tăng cường phối hợp phát triển các dự án thương mại giữa các thành viên G7 và thị trường thứ ba. Các bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của tất cả các quốc gia và người dân trong việc duy trì các tiêu chuẩn cao nhất về an toàn, an ninh, biện pháp bảo vệ và không phổ biến vũ khí hạt nhân, đặc biệt khi ngày càng nhiều quốc gia áp dụng năng lượng hạt nhân như một phần trong cơ cấu năng lượng.

Sau phiên họp cấp Bộ trưởng, tại cuộc họp báo chung do Bộ trưởng An ninh Môi trường và Năng lượng Ý, ông Gilberto Pichetto Fratin chủ trì, ông cho biết, G7 đã chỉ ra trong thông cáo rằng sẽ cùng nhau tiến hành thúc đẩy nghiên cứu sâu hơn và đảm bảo có đủ điều kiện để xúc tiến sử dụng năng lượng hạt nhân – một dạng năng lượng sạch. Tuy nhiên, đây là điều không mang tính ràng buộc. Trong G7 có Đức là quốc gia hiện không muốn theo đuổi việc phát triển năng lượng hạt nhân.

Tuyên bố của các Bộ trưởng được đưa ra sau khi ngành công nghiệp hạt nhân kêu gọi các chính phủ G7 coi việc triển khai hạt nhân là ưu tiên chiến lược, bằng cách tối đa hóa sử dụng các nhà máy điện hạt nhân hiện có và vạch rõ các kế hoạch triển khai thêm, nhằm hoàn thành những mục tiêu đặt ra tại COP28, và gấp 3 công suất hạt nhân toàn cầu. Tuyên bố được ký bởi những người đứng đầu Hiệp hội Hạt nhân Ý, Hiệp hội Hạt nhân Canada, Hiệp hội ngành công nghiệp hạt nhân Pháp (Gifen), Diễn đàn Công nghiệp Nguyên tử Nhật Bản, Viện Năng lượng Hạt nhân, Hiệp hội Công nghiệp Hạt nhân Nucleareurope và Hiệp hội Hạt nhân Thế giới.

G7 là một diễn đàn không chính thức quy tụ Ý, Canada, Pháp, Đức, Nhật Bản, Anh và Mỹ. Liên minh Châu Âu cũng tham gia vào nhóm và được đại diện tại các hội nghị thượng đỉnh bởi Chủ tịch Hội đồng Châu Âu và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu.

Phạm Thị Thu Trang/VINATOM dịch

Nguồn: https://vinatom.gov.vn/huong-toi-cac-muc-tieu-ve-khi-hau-g7-khang-dinh-vai-tro-cua-hat-nhan/

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)