Hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Để vươn mình, Việt Nam cần làm rõ những cơ hội cần nắm bắt và những thách thức cần vượt qua như Nghị quyết 57 đã chỉ ra.
Bước vào năm 2025, chào đón Xuân Ất Tỵ, Việt Nam ghi nhận những thành tựu kinh tế và cải cách đáng tự hào: dự kiến tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 7%/năm, trong một thế giới có diễn biến rất phức tạp Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với chín quốc gia là: Trung Quốc (2008); Nga (2012); Ấn Độ (2016); Hàn Quốc (2022); Hoa Kỳ (09/2023) và Nhật Bản (11/2023); Úc (03/2024), Pháp (10/2024) và Malaysia (11/2024), đã ký kết và thực hiện 19 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, kinh tế xanh. Thu hút công nghệ bán dẫn quy mô lớn, xây dựng cao tốc, chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân là những dự án lớn, có tác động lan tỏa.
Vượt qua các khuôn khổ cải cách trước đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đích danh khâu yếu then chốt về thể chế, yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế và bắt đầu cuộc cải cách bộ máy quản lý của Đảng và Nhà nước với quy mô chưa từng có, khơi dậy mạnh mẽ niềm tin của nhân dân. Ngày 22/12/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị Quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đề ra mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam thuộc nhóm ba nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, thuộc nhóm ba nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế. Tối thiểu có năm doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến.
Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%; tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt tối thiểu 50%. Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP. Tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%; giao dịch không dùng tiền mặt đạt 80%. Tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp.
Để thực hiện được những mục tiêu trong Nghị quyết 57, những mục tiêu rất cao so với thực tế hiện nay, đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc thực hiện cải cách toàn diện để thu hút vốn đầu tư, công nghệ, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đó là những mục tiêu rất cao so với thực tế hiện nay, đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc thực hiện cải cách toàn diện để thu hút vốn đầu tư, công nghệ, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cuộc chiến chống tham nhũng được tiếp tục với quyết tâm cao, lần đầu tiên có những cán bộ lãnh đạo chủ chốt thuộc bộ tứ trụ đã bị kỷ luật, chứng tỏ tính nghiêm minh “không có vùng cấm, không có ngoại lệ’. Để hạn chế tham nhũng cần phải hoàn thiện hệ thống giám sát quyền, bảo đảm vị trí quyền lực nào trong bộ máy cũng đều được giám sát bởi một cơ quan có trách nhiệm theo quy định pháp luật, thực hiện mục tiêu “không dám tham nhũng, không thể tham nhũng”. Cần tăng cường mạnh mẽ tính công khai minh bạch thông tin của bộ máy Đảng, Nhà nước để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhất là những thông tin về lịch công tác của cán bộ, công khai chi tiêu ngân sách công. Đơn cử, với tư duy đổi mới, cũng cần xem xét lại những tiêu chuẩn đã ban hành trước đây về căn hộ công vụ quy mô 450-500 m2 cho cán bộ cấp cao hay cán bộ từ thứ trưởng trở lên đi máy bay là phải bay hạng thương gia trong khi nhiều nước trên thế giới, kể cả Liên Hiệp Quốc, quy định cán bộ bay khoảng cách trên năm giờ bay thì được bay hạng thương gia để khi đến nơi có thể làm việc được ngay, không cần nghỉ ngơi, còn những chuyến bay ngắn hơn đều bay theo hạng phổ thông. Thông tin từ các nước Bắc Âu cho thấy hình ảnh Thủ tướng Hà Lan đi làm bằng xe đạp, không cần xe công vụ sang trọng cũng có thể đem lại những gợi ý cho Việt Nam, đất nước nổi tiếng với tác phong, đạo đức giản dị, gần dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hy vọng cuộc cải cách bộ máy, tinh giảm nhân sự 100.000 viên chức, công chức sẽ giảm được chi ngân sách về bộ máy hành chính, tăng kinh phí cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học.
Để vươn mình, Việt Nam cần làm rõ những cơ hội cần nắm bắt và những thách thức cần vượt qua như Nghị quyết 57 đã chỉ ra.
Chúng ta đã đạt kim ngạch xuất khẩu rất ấn tượng, song 72% kim ngạch xuất khẩu thuộc về các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong đó tỷ lệ giá trị gia tăng được tạo ra trong nước còn rất khiêm tốn, chủ yếu là nhờ lao động giá rẻ. Xuất khẩu nông-lâm-thủy sản năm 2024 có thể đạt kỷ lục 62 tỷ USD, nhưng đã tới giới hạn của tài nguyên, để tiếp tục tăng xuất khẩu phải giảm tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm thô còn cao, tăng sản phẩm chế biến chế tác… Đơn cử như xuất khẩu cà phê Việt Nam thứ hai thế giới nhưng xuất thô lên tới 95%, chỉ có 5% được chế biến, nếu xuất khẩu thô (cà phê nhân) thì giá bán chỉ được khoảng 2.400 USD/tấn, trong khi giá bán một tấn cà phê chế biến trung bình lên tới 3.600 USD. Cần vận dụng kinh tế số, doanh nghiệp số, Chính phủ điện tử cho phép kết nối trực tiếp với các đối tác nhập khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh, cắt giảm chi phí thời gian và tiền bạc.
Để thực hiện Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ, không chỉ các trường đại học, viện nghiên cứu mà các doanh nghiệp cũng có vai trò then chốt ở khâu đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, vào đời sống, đến người dân. Với dân số 100 triệu dân kinh tế nước ta hiện nay mới chỉ có 930.000 doanh nghiệp hoạt động chưa tạo đủ việc làm và đưa nền kinh tế vươn lên mẹnh mẽ được, 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, 14.400 hợp tác xã và 5,2 triệu hộ gia đình kinh doanh. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 46% GDP, 30% thu ngân sách và tạo ra 85% việc làm. Đã xuất hiện những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn như Vingroup, Vietjet, Hòa Phát… đã đầu tư xây dựng và vận hành trường đại học, viện nghiên cứu khoa học công nghệ hiện đại, thu hút các nhà khoa học và sinh viên quốc tế đến Việt Nam. Để phát triển kinh tế trong kỷ nguyên vươn lên của dân tộc cần nhanh chóng tăng số doanh nghiệp hoạt động để tạo công ăn việc làm cho người lao động, hỗ trợ xây dựng những tập đoàn kinh tế lớn trên các lĩnh vực khác nhau. Hiện nay 5,2 triệu hộ gia đình kinh doanh thuộc khu vực kinh tế phi chính thức, chiếm 65% tổng số lao động có việc làm nhưng có nhiều hạn chế, không có năng lực trực tiếp tham gia hội nhập quốc tế, chưa trực tiếp tận dụng được các lợi thế của các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã ký kết, khó thực hiện chuyển đổi số để trở thành doanh nghiệp điện tử. Rõ ràng để tham gia vào kỷ nguyên vươn mình, cần trợ giúp, nâng cấp một triệu hộ kinh tế gia đình, hộ nông dân có kinh nghiệm sản xuất kinh doanh thành doanh nghiệp đủ năng lực tham gia vào chuỗi giá trị quốc tế, tham gia hội nhập quốc tế của đất nước, nâng số doanh nghiệp hoạt động lên hai triệu doanh nghiệp, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước.
Đón Xuân Ất Tỵ, chuẩn bị tích cực tiến tới Đại hội XIV của Đảng, hy vọng công cuộc Đổi mới lần này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc cải cách sáng tạo của dân tộc trong Kỷ nguyên vươn mình của thế kỷ 21.□
Bài đăng Tia Sáng số 1+2/2025