Hướng tới nông nghiệp công nghệ cao

Tại các diễn đàn về chính sách phát triển nông nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam phải tập trung cơ giới hóa nông nghiệp. Nhưng điều đó chưa đủ. Theo ý kiến của TS. Nguyễn Việt Long, Giám đốc Trung tâm ươm tạo công nghệ nông nghiệp tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nước ta cần hướng tới nông nghiệp đảm bảo ba mục tiêu thông minh – hiệu quả – chất lượng cao.

Agri Open Innitative, một startup của Viện công nghệ Massachusset, lập ra nền tảng phần cứng
nguồn mở cho phép người nông dân sử dụng miễn phí để áp dụng công nghệ thông minh vào
nông trại của mình.

Gần đây, nhiều người nhắc đến nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp chính xác. Theo anh, sự khác nhau giữa các nền nông nghiệp đó là gì?

Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hiện đại hay nông nghiệp thông minh và nông nghiệp chính xác có thể hiểu chung đó là một nền nông nghiệp dùng một hoặc phối hợp các công nghệ từ khoa học/công nghệ sinh học, hoá học, vật lý, cơ khí nông nghiệp, hiện nay là công nghệ sensor (cảm biến), công nghệ đám mây điện tử, công nghệ thông tin….) áp dụng trong quản lý sản xuất nông nghiệp.

Còn hiểu một cách tách biệt, nông nghiệp thông minh là ngành nông nghiệp có hiệu quả cao, thân thiện với môi trường, hệ thống hay quy trình sản xuất nông nghiệp có sử dụng các công nghệ cảm biến, tự động hoá, kết nối. Nông nghiệp thông minh còn có thể hiểu đơn giản là các quy trình sản xuất truyền thống nhưng được tính toán áp dụng khoa học để đạt được hiệu quả cao. Ví dụ như sử dụng giống chịu hạn trồng ở những vùng hạn hán cũng được xem là nông nghiệp thông minh thân thiện với môi trường (smart climate agriculture).

Nông nghiệp chính xác cũng được xem là nông nghiệp thông minh, nhưng nông nghiệp chính xác chỉ nói đến ngành nông nghiệp sử dụng công nghệ hỗ trợ như cảm biến, vệ tinh, công nghệ hình ảnh để giúp giảm thiểu sức người, nâng cao độ chính xác trong nghiên cứu và sản xuất. Ví dụ máy gieo hạt, máy làm cỏ được gắn thiết bị cảm biến giúp gieo hạt chính xác, hay làm cỏ tự động và chính xác.

Anh đánh giá như thế nào về tính cấp thiết trong việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh trong nông nghiệp nước ta?

Trong bối cảnh nông nghiệp thế giới phải tăng sản lượng lương thực lên 70% vào năm 2050 trong điều kiện nguồn tài nguyên thiên nhiên (đất đai, nước ngọt) ngày càng khan hiếm, với yêu cầu sử dụng ít hơn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hoá học để nâng cao chất lượng sản phẩm và biến đổi khí hậu ảnh hưởng tiêu cực đến nông nghiệp ngày càng rõ nét, sản xuất nông nghiệp cần phải tìm ra các giải pháp công nghệ hỗ trợ. Nông nghiệp Việt Nam mặc dù có đặc thù nhưng không thể tách rời bối cảnh nông nghiệp thế giới.

Vài năm gần đây, Nhà nước đưa ra nhiều chính sách, chiến lược và chương trình để thay đổi nền nông nghiệp Việt Nam nhưng chúng chưa thực sự bắt nhịp với thế giới. Chẳng hạn như, hiện nay, chúng ta vẫn nghe nói đến những chương trình cơ khí hoá nông nghiệp tại Việt Nam, nhưng ở những nước sản xuất nông nghiệp tiên tiến thì mục tiêu của họ là nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao để tạo ra một nền nông nghiệp thông minh – hiệu quả – chất lượng cao. Xu hướng áp dụng công nghệ trong nông nghiệp của thế giới sắp tới sẽ tương tự với xu hướng công nghệ trong tất cả các lĩnh vực khác của cuộc sống đó là cuộc cách mạng kết nối (internet of things) chứ không đơn thuần là cơ khí hoá nông nghiệp.

Chính vì vậy Việt Nam nên xem xét thay đổi tầm nhìn trong định hướng phát triển nông nghiệp đó là phát triển cơ khí hoá, hiện đại hoá nông nghiệp theo hướng nông nghiệp thông minh – nông nghiệp công nghệ cao.

Có ý kiến cho rằng, việc hướng tới một nền nông nghiệp CNC không có nghĩa là bỏ qua nông nghiệp truyền thống. Anh có đồng tình với ý kiến này không?
 
Việt Nam cần hướng tới một nền nông nghiệp thông minh – hiệu quả – chất lượng cao với giá thành phù hợp ở các vùng áp dụng nông nghiệp công nghệ cao và các vùng sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Tuy nhiên việc áp dụng các công nghệ hiện đại như nông nghiệp chính xác còn có nhiều khó khăn. Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện nay đã có một số nhóm hay có một số doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam đang nghiên cứu tạo ra các quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ thông minh nhưng vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu.

Vì vậy, một mặt, Việt Nam có thể định  hướng và hỗ trợ nghiên cứu nông nghiệp thông minh tại các cơ sở nghiên cứu và có thể nhập khẩu công nghệ phù hợp để phát triển thử nghiệm tại các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao nhưng quan trọng hơn trong điều kiện hiện nay là tổ chức sản xuất nền nông nghiệp hiện tại một cách bài bản hướng tới chất lượng, nhất là trong các khâu quản lý sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, kích thích sinh trưởng, bảo quản chế biến để sản xuất ra các sản phẩm an toàn. Như thảo luận ở trên, sản xuất truyền thống với cách quản lý hiệu quả cũng được coi là sản xuất nông nghiệp thông minh.

Có ý kiến cho rằng, Nhà nước không nên đầu tư vào việc hình thành các khu, trung tâm nông nghiệp công nghệ cao mà chỉ cần tạo hành lang pháp lý chính sách phù hợp, còn lại hãy để doanh nghiệp chủ động đầu tư vào lĩnh vực này. Quan điểm của anh như thế nào ?

Quan điểm của tôi là việc đầu tư của Nhà nước chỉ nên tập trung tài trợ cho các cơ sở nghiên cứu mạnh, nghiên cứu liên ngành để tạo ra công nghệ phù hợp cho nông nghiệp Việt Nam.

Còn lại, vai trò chính của Nhà nước là đưa ra các chính sách hợp lý và hiệu quả thúc đẩy doanh nghiệp đặt hàng nhà khoa học và tham gia đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Xin phân tích hai ví dụ để dẫn chứng: (1) Đa số doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng cao hiện nay đang gặp khó khăn trong việc sản phẩm giá trị cao của họ bị cạnh tranh không lành mạnh trong tình cảnh thương hiệu hay tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm tại Việt Nam có thể mua bán được, vì vậy chính sách về quản lý chất lượng, minh bạch trong quản lý sản xuất, nguồn gốc sản phẩm để người tiêu dùng phân biệt được các sản phẩm sẽ thúc đẩy doanh nghiệp, thúc đẩy ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác trong quản lý sản xuất. (2) Hiện nay chúng ta thấy có những chương trình đầu tư của Nhà nước cho các nghiên cứu tạo ra các công nghệ xử lý chất thải- bảo vệ môi trường, kết quả của nghiên cứu có thể tốt nhưng các cơ sở sản xuất không bị giám sát quy trình xả thải chặt chẽ, hay nói cách khác cơ sở sản xuất vẫn có thể tìm cách không phải chi tiền cho công nghệ xử lý chất thải thì kết quả nghiên cứu sẽ rất khó được áp dụng vào thực tiễn.

Xin cảm ơn anh!

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)