Hy Lạp ra đi sẽ có nguy cơ gây tác động lan tới Trung Quốc

Nếu Hy Lạp ra khỏi Eurozone vào thời điểm này có thể tạo ra thiệt hại dây chuyền, theo nhận định của Richard Clarida ở Tập đoàn Quản trị đầu tư Thái Bình Dương. Các nhà kinh tế từ Ngân hàng Merrill Lynch và JP Morgan Chase cũng tán đồng với nhìn nhận này. Trong kịch bản xấu nhất, nó có thể gây vỡ nợ ở một số chính phủ Châu Âu, kèm theo tình trạng tháo tiền khỏi các ngân hàng bị thoát vốn, vỡ tín dụng và những cuộc suy thoái khiến đồng euro càng mất giá thêm.

Thị trường thương mại và tài chính toàn cầu có sự gắn kết liên thông với nhau, khiến những thiệt hại không chỉ giới hạn ở khu vực sử dụng đồng euro. JPMorgan Chase ước đoán rằng nền kinh tế các nước khối đồng Euro cứ giảm mức tăng trưởng 1% thì kinh tế các khu vực khác sẽ giảm 0.7% điểm. Các nước xuất khẩu như Anh và Trung Quốc sẽ bị thiệt hại, và sản xuất của Nga có thể phải đối mặt với giá dầu bị rớt. Trong khi đó, tuy tình hình Mỹ có thể chịu ít thiệt hại hơn, nhưng cũng phải chịu mức tác động tương tự như ảnh hưởng lan truyền trên thị trường tài chính sau vụ sụp đổ của Lehman Brothers Holdings Inc.

Kịch bản cơ bản?

Các nhà kinh tế ở Citigroup Inc., trước đây từng dự đoán khả năng Hy Lạp sẽ rời bỏ khối đồng Euro lên tới 75%, nay đã coi đây là “kịch bản cơ bản”. Các chiến lược gia ở BofA Merrill Lynch dự đoán rằng tiếp theo khối đồng tiền chung châu Âu sẽ suy thoái, GDP giảm ít nhất 4% , giống như trước đây phải chịu sụt giảm sau sự sụp đổ của Lehman năm 2008.

“Việc để Hy Lạp ra đi giống như thừa nhận rằng việc trở thành thành viên của khối đồng Euro không có nghĩa là vĩnh viễn, và điều đó có thể trở thành thảm họa với một số nước”, nhà kinh tế Laurence Boone, trưởng nhóm kinh tế học châu Âu tại BofA Merrill Lynch London nhận định. Kịch bản chủ yếu của bà đưa ra là Hy Lạp vẫn tiếp tục là một thành viên của liên minh châu Âu vì cái giá phải trả cho việc để Hy Lạp ra đi là quá đắt.

Tác động tới thương mại

Ngoài khối EU, các đối tác thương mại lớn như Anh, Thụy sĩ và các nền kinh tế đang lên bao gồm cả Romania có thể bị tác động bởi giảm cầu. Đồng tiền các nước này có thể tăng giá so với đồng Euro làm sức cạnh tranh xuất khẩu bị giảm. Ngân hàng đầu tư lớn nhất của Trung Quốc nói rằng mức tăng trưởng của nước này sẽ rơi vào mức tăng trưởng thấp nhất trong 2 thập kỷ gần đây.

Vượt ra ngoài châu Âu

Các kênh thương mại, tài chính và sự sụt giảm lòng tin của nhà đầu tư có thể gây tác động lan ra ngoài châu Âu, theo Joseph Lupton, một nhà kinh tế của JPMorgan Chase ở New York. Ông tính toán nhập khẩu của EU chiếm tới 5% GDP toàn cầu. Và các nước EU có thể là nơi đầu tiên chịu ảnh hưởng từ việc Hy Lạp ra đi, do một nửa lượng xuất khẩu trong khối này là giữa các quốc gia trong khối với nhau. Dữ liệu tuần trước đã cho thấy sự suy giảm lòng tin trong các nhà đầu tư ở Đức trong khi sản lượng sản xuất và dịch vụ của châu Âu bị sụt giảm.

Nguy cơ với Trung Quốc

Các nhà kinh tế của công ty Tài chính toàn cầu Trung Quốc (CICC) trình bày trong một báo cáo cuối tuần qua cho biết: sự ra đi của Hy Lạp khỏi khối đồng Euro có thể làm cho mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm xuống còn 6.4% trong năm nay, so với mức năm ngoái là 9.2%, nếu như tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng ở mức độ bằng một nửa của thời kỳ khủng hoảng tài chính những năm 2008 – 2009 và giới chính trị gia không có những biện pháp cứu vãn kịp thời.

Trung Quốc có giá trị xuất khẩu khoảng 19% riêng ở thị trường EU, đã bất ngờ bị giảm vào tháng tư và có thể giảm thêm 3.9% trong năm nay nếu như Hy Lạp ra đi, trong khi đó có thể tăng được 10% nếu điều đó không xảy ra, theo CICC.

Khủng hoảng của khối đồng Euro có thể có nghĩa là một “sẽ tái diễn một cuộc khủng hoảng trầm trọng đối với Hong Kong, Singapore, Malaysia, Đài Loan và Hàn Quốc”, theo báo cáo của Robert Prior-Wandesforde, giám đốc Trung tâm kinh tế học châu Á  của Credit Suisse đặt tại Singapore.

Những nền kinh tế này đang nắm giữ vai trò nhà cung cấp trên toàn cầu và tăng trưởng đều dựa phần lớn vào thương mại. Prior-Wandesforde đã tính toán lượng xuất khẩu vào khối Euro chiếm tới hơn 5% tổng GDP của Hong Kong, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Đài Loan. Có hơn 6% tổng nợ ngân hàng nội địa ở Singapore, Hong Kong, Ấn Độ và Philippine là từ khu vực đồng Euro.

Lượng cầu của châu Âu giảm đi có thể cũng gây khó khăn cho các nước châu Á khác bao gồm cả Singapore, Thái Lan và Hàn Quốc, vốn là những nền kinh tế rất quan trọng cho chuỗi cung cấp toàn cầu. Doanh số bán hàng xuất khẩu chiếm tới một nửa GDP của các nước này.

Thu Quỳnh dịch

Nguồn: http://www.bloomberg.com/news/2012-05-29/greek-exit-aftershocks-risk-reaching-china.html

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)