IMF lạc quan hơn về kinh tế toàn cầu

Báo cáo mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra các dự báo lạc quan hơn một chút về triển vọng kinh tế thế giới năm nay so với các dự báo trước đó.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới được công bố hôm 17/4, IMF cho biết kinh tế thế giới có thể tăng trưởng 3,5% trong năm nay, trong đó kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,1%, còn kinh tế châu Âu giảm 0.3%. Tất cả các dự báo này đều tốt hơn một chút so với các dự báo của chính IMF hồi tháng Một.

Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 8,2%, một tốc độ lành mạnh nhưng giảm so với tốc độ 9,2% hồi năm ngoái. Kinh tế Nhật Bản được dự báo tăng trưởng 2%, so với -0,7% hồi năm ngoái.

Mặc dù việc cắt giảm chi tiêu trong ngắn hạn là cần thiết, nhưng chính phủ các nước châu Âu nên tập trung vào kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách về lâu dài mà không làm triệt tiêu tăng trưởng kinh tế, IMF nói.

IMF ca ngợi các nhà lãnh đạo ở châu Âu đã huy động được quỹ giải cứu khủng hoảng nợ khổng lồ, đồng thời tiến hành các bước khác để giải quyết cuộc khủng hoảng này. IMF dự báo, 17 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu sẽ ra khỏi suy thoái vào cuối năm nay.

IMF cũng cho rằng khủng hoảng nợ tiếp tục là mối đe dọa lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu.

“Với cuộc khủng hoảng [ở châu Âu] đang dần qua và vài tin tức tốt lành về kinh tế Mỹ, một chút lạc quan đã trở lại”, giám đốc kinh tế của IMF Olivier Blanchard nói.

Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới – được đưa ra khi tổ chức có 187 nước thành viên và chị em của nó là Ngân hàng Thế giới (WB) đang chuẩn bị tổ chức hội nghị mùa xuân ở Washington trong tuần này – trình bày tiến triển của kinh tế thế giới từ tháng Một, khi các quan chức IMF cảnh báo kinh tế toàn cầu khó có khả năng phục hồi.

Kể từ đó, các nhà lãnh đạo châu Âu đã cùng nhau xây dựng một kế hoạch nhằm kiềm chế chi tiêu và thâm hụt ngân sách. Các chính phủ mới ở Tây Ban Nha và Ý cam kết sẽ cải tổ và cắt giảm chi tiêu. Ngân hàng Trung ương châu Âu đã cho các ngân hàng khu vực vay hơn 1 nghìn tỷ USD, giúp hạ chi phí đi vay ở một số nước đang gặp nhiều khó khăn nhất.

Trong khi đó, ở Mỹ, người tiêu dùng đã chi tiêu nhiều hơn, đầu tư vào kinh doanh cũng tăng và thị trường việc làm cho thấy “dấu hiệu của sự sống”, bản báo cáo viết.

Ông Blanchard nói những bước vừa qua nhằm huy động quỹ giải cứu khủng hoảng nợ của châu Âu lên đến 1 nghìn tỷ USD là rất quan trọng, nhưng chỉ việc làm đó không thôi thì chưa đủ để giải quyết khủng hoảng.

Thách thức chủ yếu đối với châu Âu là làm sao cắt giảm thâm hụt ngân sách mà không bóp nghẹt tăng trưởng, ông nói thêm. Điều này càng trở nên khó khăn hơn do giới đầu tư, những người đòi hỏi phải cắt giảm thâm hụt, lại có phản ứng tiêu cực khi những cắt giảm đó dẫn đến giảm tăng trưởng kinh tế.

“Nó giống hệt như anh làm cũng bị chửi mà không làm cũng bị chửi,” ông nói.

Tuy nhiên, “chiến lược đúng đắn vẫn là như trước đây,” ông nói. Các chính phủ cần cắt giảm thâm hụt về ngắn hạn để tạo uy tín. Nhưng chủ yếu họ cần tập trung vào các cam kết giảm chi tiêu về lâu dài và đưa ra các quy định giúp giảm dần thâm hụt theo thời gian, ông nói.

Nguy cơ cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu có thể xấu đi vẫn còn cao, ông nhấn mạnh. Và ngay cả khi nó không xấu đi thì nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế ở các nước châu Âu vẫn thấp.

IMF cho biết, các chính phủ ở châu Âu, Mỹ, và Nhật Bản đang cắt giảm chi tiêu và tăng thuế nhằm cải thiện tăng trưởng kinh tế. Các ngân hàng, đặc biệt ở châu Âu, đang giảm được nợ, nhưng cũng giảm cho vay, làm chậm lại tăng trưởng.

TT dịch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)