IPP2: Một cách tiếp cận khởi nghiệp tinh gọn khu vực công

Ngày 6.7.2018, IPP Grand Harvest Day diễn ra tại Hà Nội, tổng kết chặng đường 4 năm của một dự án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp. Với một người may mắn có những trải nghiệm đa dạng, đầy cảm xúc thăng trầm với IPP21 từ 2015, tôi tin rằng, những chia sẻ của mình sẽ giúp nhìn nhận dự án này với một góc độ mới, góp phần thúc đẩy những cách tiếp cận mới cho các thử nghiệm khu vực công.


 Một bootcamp của IPP2 kết nối các học viên trong lớp ToT1 và các startup được IPP2 tài trợ.

Vào thời điểm IPP2 đề xuất sự linh hoạt trong mô hình hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, khái niệm khởi nghiệp tinh gọn (lean startup) còn rất mới mẻ ở Việt Nam và chắc rằng, không một ai trong Ban Quản lý Dự án hay Ban chỉ đạo hiểu sâu khởi nghiệp tinh gọn là gì và ứng dụng nó như thế nào. Vào thời điểm đó trên thế giới, khởi nghiệp tinh gọn cũng còn đang phổ biến trong giới khởi nghiệp là chính, không phải chính phủ nào cũng sẵn sàng tiếp nhận một cách tiếp cận mới. Chính vì vậy, trên thực tế cách tiếp cận tinh gọn của một dự án khu vực công rất đáng để nhìn nhận và phân tích từ nhiều góc độ và chỉ là đúc rút từ những gì đã trải qua chứ không phải là một chủ đích ban đầu. Khởi nghiệp tinh gọn là một cách tiếp cận hơn được sử dụng ngay từ đầu tại IPP2. Điều ngạc nhiên là với một số tiền ODA không nhiều, một dự án đã đạt được thành công những tác động đề ra chính là nhờ nguyên lý linh hoạt tối đa, điều chỉnh nhanh và học hỏi nhanh từ những vấn đề gặp phải.

Một sandbox cho những thử nghiệm dựa trên thử nghiệm linh hoạt trên tinh thần xây dựng – đo lường- học hỏi và điều chỉnh nhanh

Thử nghiệm về định hướng

Một trong những đặc thù của khu vực công là mức độ chấp nhận rủi ro thấp và tốc độ thay đổi chậm. Nếu đi theo cách tiếp cận thông thường, IPP2 rất có thể sẽ rơi vào vòng xoáy của những dự án thông thường là phải hỗ trợ những ngành trọng điểm, những lĩnh vực mũi nhọn và những chiến lược mang tính chính thống. Nhưng rất may mắn, IPP2 đã vượt qua sự cứng nhắc thông thường đó, nhận được sự ủng hộ từ các cấp độ khác nhau về cách thức vận hành dự án.

Trước tiên phải kể đến yêu cầu định hướng xuất khẩu cho các startup. Một trong những cách kết hợp khá thú vị chính là học hỏi từ đất nước tài trợ vốn ODA, các doanh nghiệp Phần Lan xuất phát từ một thị trường nhỏ hẹp, định hướng xuất khẩu ngay từ khi hình thành sản phẩm dịch vụ. Tuy vậy, việc lựa chọn định hướng xuất khẩu cho startup là một định hướng mới và mang tính thách thức cao. Đặc biệt, doanh nghiệp thông thường của Việt Nam “go global” (ra thị trường toàn cầu) vốn đã khó khăn, huống chi là các startup còn non trẻ. Tuy nhiên, định hướng này không phải không có cơ sở. Nhiều doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam vào thời điểm đó được dẫn dắt bởi các sáng lập viên tốt nghiệp ở nước ngoài, có trải nghiệm làm việc ở các công ty, tập đoàn lớn, có hiểu biết về thị trường nước ngoài cũng có những tham vọng và tiềm năng chinh chiến tại thị trường quốc tế. Một số các mặt hàng của Việt Nam cũng có những tiềm năng ra thị trường quốc tế ở quy mô lớn như nông sản. Chính vì vậy, việc thử nghiệm cũng là một thông điệp về dũng cảm đưa ra những định hướng mới cho hoạt động hỗ trợ.

Thử nghiệm về lựa chọn giai đoạn của startup để hỗ trợ

Có thể nói trước IPP2, có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp theo nhiều hình thức khác nhau, song chưa có một chương trình nào dũng cảm thử nghiệm hỗ trợ các dự án khởi sự kinh doanh từ giai đoạn ý tưởng và có những cải tiến về cách thức tiếp cận xét duyệt hồ sơ. Thay vì yêu cầu nộp một hồ sơ dài dằng dặc để được chấp nhận vào chương trình hỗ trợ ngay từ việc gọi nộp hồ sơ, IPP2 đã chia ra làm 3 giai đoạn khác nhau gồm cả các bước chuẩn bị cho mời gọi nộp hồ sơ  gồm các sự kiện đồng sáng tạo với các địa phương trọng điểm (Co-creation events) như Hà Nội, Đà Nẵng, HCM, Cần Thơ. Mục đích của việc này là nhằm đánh giá khả năng thành công với số lượng hồ sơ và ý tưởng khá tốt và đầy đủ để bước vào đợt chính thức kêu gọi tài trợ (Grant Call). Bước tiếp theo, IPP2 mới kêu gọi bày tỏ quan tâm (EoI- Express of Interest). Để tránh các doanh nghiệp khởi nghiệp gánh nặng về thuyết minh dài dòng, IPP2 đã yêu cầu bản đề xuất có độ dài không quá 6 trang  ở đợt chính thức kêu gọi tài trợ– Grant Call.

Việc đưa một tập các dự án thuộc các trình độ phát triển khác nhau, nhóm ngành khác nhau vào một chương trình tăng tốc khởi nghiệp sau khi cấp vốn mồi cũng là một sự mạo hiểm. Với tính chất của một cuộc thử nghiệm, IPP2 nhận ra rằng, ở Việt Nam, nếu chỉ đưa những dự án sẵn sàng chấp nhận vốn đầu tư ở giai đoạn cao hơn vào tăng tốc thì số lượng rất hạn chế và những dự án đó thường nằm trong tầm ngắm của những quỹ đầu tư mạo hiểm.

Điều đó khiến họ chấp nhận số lượng lớn những startup ở các giai đoạn khác nhau, ngành nghề khác nhau và cả những bên phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp vào cùng một chương trình tăng cường 5 ngày. Kết quả có thể sẽ là những dự án chấm dứt hoạt động do mô hình không có tiềm năng; cũng có thể sẽ phát triển thành một doanh nghiệp vừa và nhỏ đáp ứng một nhu cầu đã có trên thị trường và một số ít sẽ trở thành những startup thực sự tiếp nhận vốn đầu tư, tăng trưởng ngoạn mục và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Thử nghiệm về sử dụng và phát triển nguồn tài nguyên bản địa

Mặc dù có những khảo sát, điều tra về nhu cầu và khó khăn của doanh nghiệp trước đó, IPP2 không hoàn toàn dựa trên những kết quả đó để mời chuyên gia nước ngoài về giải quyết vấn đề bản địa như nhiều dự án vẫn thường làm. Nỗ lực sử dụng nguồn lực bản địa, được đào tạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường bản địa, kết hợp với nguồn kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm quốc tế để đảm bảo tính bền vững của dự án giúp IPP2 có những bước đột phá trong quy trình thiết kế dịch vụ hỗ trợ startup. Cụ thể là, sau khi nhận thấy, chương trình do đối tác nước ngoài thiết kế không phù hợp với nhu cầu và thực tiễn thị trường địa phương, IPP2 đã đưa chính nguồn lực địa phương vào để thiết kế nội dung và cùng các chuyên gia nước ngoài cung cấp hoạt động đào tạo tại chương trình tăng tốc khởi nghiệp.

Thử nghiệm song song với việc cấp vốn và tăng tốc, là việc đào tạo ra đội ngũ Huấn luyện viên đổi mới sáng tạo mà trong đó, cả những HLV và IPP2 đều đang chấp nhận rủi ro. Trước, trong và ngay cả sau khi thực hiện chương trình, IPP2 đều nhận được những sự hoài nghi, thậm chí chỉ trích từ nhiều phía khi lựa chọn những người thuộc các nhóm công, tư, trường đại học, doanh nghiệp, nhà nước vào vai trò của các HLV. Học tăng cường liên tục hai tháng (một tháng tại Hà Nội, tương tác với startup và hệ sinh thái khởi nghiệp tại Hà Nội và một tháng tại TP.HCM) cùng với nhóm chuyên gia được mời từ Mỹ và châu Âu, các HLV này tiếp tục thực hành sáu tháng với chương trình tăng tốc cho những nhóm khởi nghiệp được IPP2 cấp vốn mồi 30.000 Euro. Trên thực tế, vào thời điểm đó, và cho đến tận bây giờ, tại Việt Nam, rất ít chương trình tăng tốc thực sự dành ra một lực lượng huấn luyện viên chuyên nghiệp, được đào tạo để thực hiện công việc. Nhiều quan điểm vào thời điểm đó cho rằng, IPP2 sai lầm khi lựa chọn những gương mặt trẻ chưa nhiều kinh nghiệm vào làm HLV cho các startup. Đến đây, có vài điểm cần làm rõ: Thứ nhất, khái niệm HLV cho startup thời điểm đó gần như chưa hề tồn tại trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Họ đồng nghĩa HLV với tư vấn viên; với cố vấn, đó là một trong những lý do khiến việc có HLV nhận được sự phản ứng trái chiều từ cả các chủ doanh nghiệp được cấp vốn và cả bên ngoài về việc nhất định phải có kinh nghiệm, kỹ năng và phải thực sự lăn lộn với một doanh nghiệp nào đó mới đủ trình độ để huấn luyện startup là điều dễ hiểu. Trên thực tế, vai trò của HLV không phải là định hướng, họ thực thi công việc mang tính kỹ thuật, đặt những câu hỏi kỹ thuật xoay quanh mô hình kinh doanh để họ tự trả lời và hoàn thiện nó. Đó là một công việc giúp cả hai bên cùng trưởng thành.

Thứ hai, như chia sẻ của bà Trần Thị Thu Hương, giám đốc dự án, việc đưa 12 HLV thuộc chương trình ToT1, mới qua đào tạo tập trung hai tháng về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp kết hợp vào sáu tháng tăng tốc khởi nghiệp IAP thông qua “học thông qua làm” (learning by doing) là tạo điều kiện và tạo môi trường thực tập lý tưởng cho 12 học viên.

Sự “kết hôn” mang tính cơ học giữa những người được đào tạo làm HLV chân ướt chân ráo với những doanh nghiệp mà đa số, khái niệm tăng tốc vẫn còn là một sự mới mẻ là một sự mạo hiểm. Nó đặt cả hai bên vào thế phải nỗ lực hết sức. Các HLV cần phải tăng cường năng lực của mình liên tục để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. “Mọi thứ đều là lý thuyết cho đến khi bạn thực sự thực hành”. Việc các HLV được đưa vào thực tế ngay lập tức tạo ra những áp lực tích cực, vừa phải giảng dạy các công cụ mình đã được học, vừa cùng doanh nghiệp ứng dụng nó. Doanh nghiệp cũng phải tự tiếp cận với khái niệm mới, buộc phải sử dụng những cách tiếp cận mới để điều chỉnh mô hình kinh doanh của mình và chấp nhận những thất bại nhỏ liên tục. Chủ doanh nghiệp trong rất nhiều trường hợp một mặt vừa phải thay đổi nhận thức về cách phát triển sản phẩm dịch vụ mới theo tinh thần của khởi nghiệp tinh gọn, tư duy thiết kế (những khái niệm hoàn toàn mới mẻ), lại vừa phải đối mặt với những xung đột trong nội bộ khi tiến hành những thay đổi. Chính vì vậy, người HLV, ngoài năng lực và kỹ thuật, còn cần có những sức ép tích cực từ chính phía IPP2 để tiếng nói của họ có thêm trọng lượng và trở thành HLV cho cả đội thay vì chỉ cho một trưởng nhóm. Việc kết hợp đưa các chuyên gia quốc tế và chuyên gia trong nước có kinh nghiệm khác vào Chương trình IAP sáu tháng để hỗ trợ cho 22 nhóm dự án khởi nghiệp/hỗ trợ khởi nghiệp, bên cạnh 12 HLV cũng là một cách bổ trợ để khắc phục khó khăn của nhóm HLV. Trên thực tế, “quyền lực mềm” IPP2 mang lại cho HLV đã góp phần sự “kết hôn cơ học” này có những kết quả tích cực, giúp doanh nghiệp thay đổi nhận thức, nhận ra ích lợi của việc có những cố vấn, huấn luyện viên và cả một mạng lưới hỗ trợ thay vì chỉ là được nhận hỗ trợ về tài chính. “Thay đổi lớn nhất sau sáu tháng huấn luyện với chúng tôi chính là sự thay đổi về nhận thức (mindset)”- Nguyễn Hoàng Dương- CEO EzCloud Global chia sẻ.

Sự thử nghiệm này đưa ra một thông điệp rõ ràng về một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo thì cần các yếu tố cấu thành cơ bản nào, và để ươm mầm, nuôi dưỡng và hỗ trợ khởi nghiệp thì cần hình thành những lực lượng, công cụ hỗ trợ nào.

Điều chỉnh nhanh

Những quyết định về các chương trình, dịch vụ hỗ trợ startup, hay sau này là nâng cao nhận thức của giảng viên trong trường đại học đều là những quyết định nhanh chóng dựa trên tình hình thực tế và có sự trao đổi, tranh luận kỹ trong nội bộ Ban Quản lý Dự án để có luận cứ trình ra trong các kỳ họp Ban chỉ đạo thông qua. Ví dụ, ban đầu, để hỗ trợ cho startup được tiếp tục thúc đẩy “go global”, IPP2 có thể dành ngân sách tối đa cho 10 doanh nghiệp. Song con số 10 hoàn toàn không phải là con số cố định. Nếu chỉ vì thành tích, việc lựa chọn 10 doanh nghiệp đưa vào danh sách hỗ trợ vòng hai như ban đầu sẽ không gặp vấn đề gì nhiều. Tuy nhiên, qua đánh giá độc lập, đo lường kết quả liên tục trong sáu tháng huấn luyện và lấy ý kiến đánh giá từ nhiều phía, IPP2 nhận ra rằng, trong số những doanh nghiệp nhận hỗ trợ vòng 1, chỉ có năm doanh nghiệp khởi nghiệp đáp ứng đầy đủ các tiêu chí IPP2 đề ra để được nhận vốn vào vòng 2- vòng tăng tốc. Việc lựa chọn số lượng ít hơn nhưng trung thành với những tiêu chí khi lựa chọn các nhóm đi tiếp để đảm bảo sự công bằng trong ứng xử với tất cả các nhóm.

Ngoài ra, IPP2, sau hỗ trợ cho các nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp, họ nhận ra vai trò quan trọng của các trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp và cũng nhận thức được khu vực trường đại học đang là một khoảng trống rất lớn trong hệ sinh thái khởi nghiệp khi những nỗ lực của họ tham gia vào đổi mới sáng tạo chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu thị trường. Trên thực tế, việc nâng cao nhận thức của khu vực trường đại học cũng được tiếp cận khá thú vị- bắt đầu từ những hạt nhân tiềm năng của mỗi trường (theo kiểu từ dưới lên), tìm kiếm những cơ hội và áp dụng tiếp cách tiếp cận từ trên xuống. IPP2 lựa chọn những giảng viên quan tâm đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của mỗi trường, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và hỗ trợ một phần kinh phí cho liên minh giữa các trường. Tác động bề mặt về nhận thức là ưu tiên ở giai đoạn này và từ đó, chính các giảng viên có mối tương tác và hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển các hoạt động ĐMST ở chiều sâu hơn khi quay trở lại trường. Tự đặt mình chỉ là một cái cớ để các trường quan tâm hơn đến vấn đề ĐMST, có lẽ IPP2 đã thực hiện được mục tiêu đề ra, kết nối các thành phần khác nhau trọng hệ sinh thái khởi nghiệp, với kỳ vọng chính họ sẽ tạo ra những tác động lớn hơn trong tương lai.

Những kỳ vọng mở lấy con người làm trung tâm

Tham gia IPP2, các HLV, các giảng viên, các cấu phần của hệ sinh thái khởi nghiệp khác được đầu tư với chương trình đào tạo, trải nghiệm, song đồng thời cũng phải đầu tư thời gian và công sức của mình. IPP2 không đặt bất kỳ một điều kiện cứng nào cho đầu ra mà chủ yếu là để gieo hạt. Với các dự án khởi nghiệp sáng tạo, việc được cấp vốn mồi và việc cho phép doanh nghiệp tự đưa ra những kỳ vọng về KPI dựa trên thực tế của doanh nghiệp thay vì những KPI mang yếu tố cố định cũng phản ánh những kỳ vọng mở. Cách tiếp cận này không khỏi khiến nhiều người hoài nghi về hiệu quả của nó vì sẽ khó có những thước đo chính xác về tác động. Tuy nhiên, có thể thấy, trên thực tế, những hạt giống mà IPP2 ươm tạo trong chương trình 12 HLV đổi mới sáng tạo đã tạo ra những bất ngờ vì mỗi thành phần đều tìm cách tạo ra những tác động của riêng mình với hệ sinh thái khởi nghiệp. Họ không chỉ giúp nâng cao nhận thức ở tầm vi mô mà còn tạo được những thay đổi ở tầm vĩ mô. Đặt niềm tin vào những người tham gia vào khóa đào tạo các cố vấn đổi mới sáng tạo lần một (Training of Trainers – TOT1) với tư cách là những tác nhân thay đổi hệ sinh thái, những kết quả đầu ra đã thực sự là những gì IPP2 có dự kiến từ ban đầu. Tuy nhiên, trên thực tế, theo nhận định của IPP2, TOT1 đã “thể hiện xuất sắc hơn những gì mà IPP2 kỳ vọng”. Việc đặt niềm tin vào con người phản ánh một khía cạnh khác của quản trị, đó chính là đặt con người vào trung tâm của mọi sự thay đổi. Với một nguồn lực hạn chế và một tham vọng lớn IPP2 rõ ràng đã không rơi vào cái bẫy của việc kỳ vọng tạo ra những thay đổi lớn lao theo cả chiều rộng, chiều sâu. Việc đặt ra thứ tự ưu tiên trong từng giai đoạn đã giúp dự án đạt được những mục tiêu riêng và tạo độ mở cho những thành quả vượt ngoài kỳ vọng.

Những thách thức cho việc nhân rộng và lặp lại

Ở góc độ quản trị, IPP2 đã có những đột phá về khâu quản trị dự án và quản trị nhân sự của dự án, tạo dựng một trong số những tiền lệ và uy tín hiếm có về một dự án có vốn ODA minh bạch trong các quy trình và khoản tiền giải ngân. Đội ngũ của IPP2 cũng để lại ấn tượng về việc sử dụng thời gian hiệu quả và thái độ hỗ trợ các dự án tiếp nhận đầu tư tích cực. Tuy nhiên, bản thân thực tế những thành công của dự án cũng đặt ra những thách thức về việc nhân rộng quy mô và/hoặc lặp lại dự án ở nơi khác. Những con người, cách thức quản trị dự án, triết lý và ngay cả cách tiếp cận linh hoạt của khởi nghiệp tinh gọn ấy liệu có thể lặp lại nữa hay không trong khu vực công vốn luôn tồn tại những tính toán chặt chẽ về rủi ro? Nên chăng IPP2 cần nghiên cứu để đề xuất những mô hình thử nghiệm (sandbox) trong khu vực công, từ đó đi vào chính sách trên quy mô rộng hơn, tạo ra những tác động lâu dài bền vững hơn đối với một thể chế vốn đang đòi hỏi những cải cách mạnh mẽ?
————
1Tác giả là một trong 12 Huấn luyện viên đổi mới sáng tạo đầu tiên được IPP2 lựa chọn tham gia chương trình Innovation Champion; một trong gần 20 tư vấn viên hỗ trợ startup Phần Lan thâm nhập thị trường Việt Nam tham gia chương trinh VMAP giai đoạn 1 và VMAP+ giai đoạn 2; trợ giảng của khóa TOT2 cho giảng viên các trường đại học; tham gia 02 nghiên cứu chính sách do IPP2 đặt hàng về Chính sách đổi mới sáng tạo cho trường đại học và Chính sách tài chính hỗ trợ startup.

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)