IPP2: “Tiên phong” hỗ trợ khởi nghiệp

Ngày 10/3, Dự án Đối tác đổi mới sáng tạo Phần Lan – Việt Nam giai đoạn hai (IPP2) đã tổ chức sự kiện IPP Harvest Day nhằm tổng kết hoạt động đã thực hiện trong hai năm qua, đồng thời đưa ra kế hoạch kết thúc dự án vào năm 2018.

Diễn ra trong vòng một ngày, IPP Harvest Day tập hợp những thành viên mà họ hỗ trợ trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam (các startup, các giảng viên nguồn về đổi mới sáng tạo trong trường đại học, các huấn luyện viên khởi nghiệp – innovation coach, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam). Đồng thời, sự kiện cũng trình diễn một cách cô đọng nhiệm vụ thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp của IPP2 thông qua những hoạt động tương tác với những người tham dự như: mọi người ngồi theo nhóm chia sẻ những kinh nghiệm khởi nghiệp của mình, các startup lần lượt đến từng bàn của các innovation coach để xin tư vấn về hướng đi của họ trong tương lai (runway-to-growth). 

Những người tham dự sự kiện được chia thành các nhóm, mỗi nhóm chia sẻ một kinh nghiệm khởi nghiệp (sẽ có một người kể chuyện và một người điều phối). Nguồn ảnh: BTC sự kiện IPP Harvest day

Những chương trình của IPP2 được Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh nhận định trong phát biểu mở đầu sự kiện là đã “tiên phong” trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam. IPP2 minh bạch hoàn toàn quy trình, yêu cầu kinh phí tài trợ, các dự án được nhận tài trợ (quá trình thẩm định dự án được thực hiện bằng các chuyên gia tư vấn độc lập nước ngoài) và tải lên website toàn bộ các tài liệu và học liệu từ dự án để các tổ chức khởi nghiệp có thể sử dụng miễn phí.

Trong hai năm hoạt động (2015-2017), có thể tạm chia các hoạt động hỗ trợ của IPP2 thành ba nội dung: cấp vốn cho các dự án đổi mới sáng tạo (18 công ty trong năm 2015 và lọc ra 5 công ty xuất sắc nhất để tài trợ đợt hai năm 2016); kết nối đổi mới sáng tạo (phần lớn các sự kiện khởi nghiệp lớn tại Việt Nam trong hai năm qua như Techfest, Hatch!Fair, Da Nang Startup Fairs với hàng nghìn người tham dự đều do IPP2 tài trợ); Đào tạo và nâng cao năng lực (đào tạo 12 huấn luyện viên khởi nghiệp, đào tạo 33 giảng viên nguồn đổi mới sáng tạo đến từ 11 trường đại học, tài trợ ba dự án liên kết đổi mới sáng tạo giữa các trường đại học hoặc giữa trường đại học với khối tư nhân, hỗ trợ các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, điển hình là đề án “hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025”). Họ thử nghiệm nhiều mô hình hỗ trợ khởi nghiệp như tài trợ và tư vấn cho các dự án khởi nghiệp đơn lẻ như một khóa tăng tốc khởi nghiệp, tài trợ cho một nhóm, cụm các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đào tạo các innovation coach ở khối tư nhân và nhà nước, đào tạo các innovation coach ở các trường đại học…  

18 doanh nghiệp khởi nghiệp được IPP2 tài trợ chụp ảnh với chuyên gia Phần Lan trong ngày Demo Day (nơi các doanh nghiệp thuyết trình về kết quả hoạt động của mình trước các chuyên gia dự án) năm 2016. Nguồn ảnh: ipp.vn

Một trong những điều quan trọng mà IPP2 là chương trình hỗ trợ khởi nghiệp duy nhất làm được tại Việt Nam đó là đưa văn hóa khởi nghiệp vào các trường đại học. Trong 33 giảng viên đến từ 11 trường đại học trên khắp cả nước tốt nghiệp khóa Training of Trainers 2 (ToT2) vào 8/2016, đã có những người vận động đưa đổi mới sáng tạo/khởi nghiệp thành môn học chính khóa trong cơ sở đào tạo của mình. Đó là năm Đại học: Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, Đại học Công nghiệp Huế, Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Tài chính – Marketing, Đại học Ngoại thương. Theo anh Trần Trung Dũng (ĐHBK Hà Nội), một trong những người tham dự khóa đào tạo ToT2 phát biểu tại sự kiện, Đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo sắp được ban hành tới đây thể hiện một sự ảnh hưởng “rõ nét” từ IPP, đó là hướng đến việc 100% các trường đại học triển khai môn học Đổi mới sáng tạo (Innovation). 

Với tổng kinh phí dự án là 11 triệu Euro, trong đó phần tài trợ của phía Phần Lan là 9,9 triệu Euro, IPP2 là một trong những dự án ODA cuối cùng của chính phủ Phần Lan ở Việt Nam và sẽ kết thúc vào năm 2018. Theo cố vấn trưởng của chương trình, Laauri Lasko, phát biểu tại sự kiện, trong năm 2017, IPP2 sẽ tiếp tục triển khai các dự án hỗ trợ đổi mới sáng tạo tại đại học và các chương trình về quản trị đại học, ra mắt mạng lưới những thành viên được IPP hỗ trợ để họ có thể liên kết với nhau, tiếp tục tạo ra các dự án hỗ trợ khởi nghiệp sau khi IPP2 kết thúc đồng thời tìm kiếm đối tác để chuyển giao tất cả các tài liệu, công cụ và kinh nghiệm để có thể tạo ra những mô hình tương tự, tốt hơn và phù hợp hơn với điều kiện Việt Nam so với IPP2. 
    

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)