Israel và Con Đường Thoát Hạn

Cuốn sách "Israel, con đường thoát hạn" sẽ là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị cho những nhà hoạch định chính sách về quản lý nguồn nước, cho những chuyên gia làm việc trong các lĩnh vực phát triển, đầu tư và hơn tất cả, cuốn sách sẽ rất bổ ích cho những ai đang ngày đêm trăn trở trước một bối cảnh đầy bức xúc về suy thoái nguồn nước đang xảy ra, hiện nay và trong tương lai.

Bìa cuốn sách “Israel, con đường thoát hạn”

Israel được biết đến như một Quốc Gia Khởi Nghiệp, nơi có nền khoa học kỹ thuật phát triển dựa trên một nền tảng giáo dục tiến bộ với trí tuệ đặc sắc của người Do Thái. Chúng ta cũng biết rằng Israel là một quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến bậc nhất thế giới mặc dù hơn 60% diện tích của họ là sa mạc và chỉ khoảng 2% là diện tích mặt nước. Vậy họ lấy nước từ đâu, họ quản lý nước thế nào để phục vụ cho nền nông nghiệp hiện đại và thậm chí còn cung cấp nước sạch cho các quốc gia láng giềng? Seth Mitchell Siegel, một doanh nhân, một luật sư, một nhà hoạt động xã hội và cũng là một nhà văn, người đã trả lời cho những câu hỏi đó trong cuốn sách rất hấp dẫn và đáng đọc của ông: “Israel, Con đường thoát hạn”.

Bằng những nghiên cứu chi tiết và với hàng trăm cuộc phỏng vấn, Siegel đã mô tả cách mà Israel đã nỗ lực vượt qua các cuộc khủng hoảng nước của riêng mình, đồng thời hỗ trợ các quốc gia khác trong việc xử lý và bảo tồn nguồn nước. Với 12 chương sách được bố cục một cách khoa học, người đọc sẽ có cảm giác như đang được đọc một cuốn sách thể loại lịch sử hơn là một cuốn sách về kỹ thuật, mặc dù trong cuốn sách này, kỹ thuật cũng được đề cập như là một trong những yếu tố then chốt giúp Israel thoát khỏi các cuộc cuộc khủng hoảng nước.

Kể từ khi lập quốc vào năm 1948 đến nay, Israel đã duy trì một đà tăng dân số gấp mười lần trong bối cảnh nguồn nước từ thiên nhiên vô cùng hạn hẹp. Để có đủ thực phẩm cho toàn quốc, ưu tiên hàng đầu của Israel là cung cấp nước ngọt cho các trang trại để phục vụ cho nhu cầu canh tác. Tuy nhiên nếu làm theo phương pháp tưới ngập truyền thống, hoặc thậm chí tưới phun thì quá lãng phí nước. Nhằm giải quyết những thách thức này, Simcha Blass, người được ví là “người đàn ông nước” của Israel đã phát triển một hệ thống nước quốc gia và sáng kiến mang tính bước ngoặt cho nông nghiệp Israel và thế giới – đó là tưới nhỏ giọt. Giải pháp này cho phép Israel có thể chủ động được nguồn nước tưới tiêu và sinh hoạt bất kể trong điều kiện thời tiết như thế nào.

Con Đường Thoát Hạn không phải là một tiểu thuyết trinh thám nhưng cuốn sách sẽ đưa bạn từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Cuốn sách mô tả nhiều kế hoạch tưởng chừng như điên rồ nhưng lại được thực thi và tạo nên cuộc cách mạng về nước như “Đường dẫn Nước Quốc gia”, hay những đường ống dẫn nước đắt đỏ được ví như những “đường ống dẫn rượu vang” vậy. Những đường ống đắt đỏ đó lại được triển khai bằng mô hình “xã hội hóa” nhằm thu hút sự đóng góp của toàn xã hội, và của người Do Thái định cư ở nước ngoài cho một tầm nhìn dài hạn về quản trị nước. Có những kỹ thuật tưởng chừng như không tưởng vào những năm 60s –70s của thế kỷ trước được áp dụng hiệu quả như tưới nhỏ giọt, tưới dưỡng chất, khử nước mặn, và tái sử dụng nước thải. Bạn cũng có thể bất ngờ với việc người Israel bảo tồn nguồn nước mà chẳng tốn nhiều tiền bạc bằng cách tăng giá nước để giảm nhu cầu. Thậm chí có những thời điểm họ thiếu cả nước thải để tái sử dụng vì người dân dùng nước quá tiết kiệm. “Nước không phải là thứ miễn phí” như là một thông điệp xuyên suốt toàn cuốn sách, và cũng là thông điệp ăn sâu vào nếp nghĩ của người Israel hiện nay. Người Israel luôn coi nước là một nguồn tài nguyên có giá trị, thiêng liêng và trẻ em được dạy ở trường tiểu học về giá trị của tiết kiệm nước thông qua việc tắt nước vòi tắm khi đang xoa xà phòng, tắt vòi nước trong khi đánh răng, và tầm quan trọng của hệ thống xả kép cho bồn vệ sinh. Siegel cho rằng một phần của những suy nghĩ của người Israel không chỉ là sự trân trọng nước. Ông tin rằng người dân Israel có một cảm giác về sự giới hạn, và chính điều giúp họ không phung phí nguồn nước và tiết kiệm nước đến từng giọt.

Bạn có thể hoài nghi và đặt câu hỏi: chúng ta có thể học được gì về con đường thoát hạn mà Israel đã trải qua? Bạn có lý khi đặt câu hỏi này bởi Việt Nam có điều kiện khí hậu, thủy văn không giống Israel. Đất nước của chúng ta rất dồi dào về nước và khác xa với một đất nước có đến hơn 60% diện tích đất sa mạc. Câu trả lời sẽ đến với bạn khi bạn đọc xong cuốn sách này. Việt Nam không phải là một quốc gia thiếu nước nhưng chúng ta đang phải đối diện với thực tế là thiếu nước sạch, thừa nước ô nhiễm. Chúng ta vừa phải đối diện với hạn hán và vừa phải ứng phó với lũ lụt ngay trên cùng một địa bàn nhỏ. Đợt hạn hán kéo dài từ năm 2015 đến đầu năm 2016 trên phạm vi 18 tỉnh thành từ miền Trung, đến Tây Nguyên và Đồng Bằng Sông Cửu Long cho chúng ta nhìn thấy một bức tranh bao quát về vấn đề khủng hoảng nguồn nước mà chúng ta đang phải đối mặt. Sự suy giảm chất lượng nguồn nước từ các dòng sông cũng làm ảnh hưởng đến đời sống và sinh kế của người dân ở khắp mọi miền của đất nước đang diễn ra hàng ngày. Xâm nhập mặn và thời tiết cực đoan gia tăng đang là áp lực rất lớn đối với người dân và chính quyền. Việc này đòi hỏi một cuộc cách mạng về quản lý nguồn nước.

Tất cả các khúc mắc trên chúng ta đều có thể tìm thấy lời giải đáp từ cuốn sách này. Thực tế, Israel ngay từ thủa sơ khai đã là một quốc gia thiếu nước, và khi nguồn nước trở nên dồi dào thì họ lại đối diện với nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Các yếu tố địa chính trị cũng dẫn đến các xung đột với các quốc gia láng giềng và “ngoại giao nước” được coi như một giải pháp hòa giải với các quốc gia láng giềng trong khu vực.

Nếu bạn tìm đến cuốn sách nhằm tìm tòi các kỹ thuật tiên tiến về khoan giếng, về xử lý nước thải hay khử nước mặn thì bạn sẽ không thể tìm được những điều đó trong cuốn sách này. Nhưng chắc chắn bạn sẽ không bị thất vọng bởi vì cuốn sách sẽ mang đến cho bạn những điều lớn hơn cả các vấn đề kỹ thuật, đó là tư duy nhất quán, là kim chỉ nam về một nền quản trị nước dựa trên tổ hợp của những sáng kiến ở mỗi thời kỳ và hoàn cảnh khác nhau. “Cái làm nên sự siêu việt của tổ hợp của các sáng kiến không phải chỉ là chiều sâu và tính toàn diện của nó, mà vì nó đại diện cho lòng tin của người Israel rằng không có câu trả lời nào giống nhau cho mọi nỗi quan ngại về nước. Rõ ràng, một số kỹ thuật sản xuất ra hoặc tiết kiệm được nhiều nước hơn so với những kỹ thuật khác.” Hay như cách mà cựu Tổng thống Israel Shimon Peres khi vẫn đang tại vị đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng “Đóng góp lớn nhất của người Do Thái chúng tôi cho thế giới là việc luôn không bao giờ thoả mãn”, mà theo ông, “bất lợi cho các nhà cầm quyền, nhưng rất tốt cho khoa học và tiến bộ”.

Cuốn sách này sẽ là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị cho những nhà hoạch định chính sách về quản lý nguồn nước, cho những chuyên gia làm việc trong các lĩnh vực phát triển, đầu tư và hơn tất cả, cuốn sách sẽ rất bổ ích cho những ai đang ngày đêm trăn trở trước một bối cảnh đầy bức xúc về suy thoái nguồn nước đang xảy ra, hiện nay và trong tương lai.

Nguyễn Ngọc Huy, PhD
Viện nghiên cứu chuyển đổi Môi trường và Xã hội (ISET)

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)