Karl Friston: người thực sự nắm giữ chìa khóa AI ?

Friston trở thành một người hùng trong giới hàn lâm trước tiên nhờ việc tạo ra nhiều công cụ quan trọng bậc nhất giúp cho các nhà khoa học “đọc” được bộ não người. Khi Friston được giới thiệu vào Hội Khoa học Hoàng gia vào năm 2006, hội mô tả ảnh hưởng của ông đối với nghiên cứu về bộ não là “mang tính cách mạng”, và cho biết hơn 90 phần trăm các bài báo được xuất bản trong lĩnh vực phân tích hình ảnh não sử dụng các phương pháp của ông.

 

Ảnh phòng làm việc của Friston. Một người bạn tả ông là “một quý ông thời Victoria, với phong cách và khẩu vị rất Victoria”.

Vào cuối triều đại vua George III của nước Anh, khi ông bắt đầu có dấu hiệu bị điên cấp, những lời đồn về chứng điên của nhà vua nhanh chóng lan rộng trong dân chúng. Người ta kể rằng vua George cứ cố bắt tay một cái cây mà ông đinh ninh là vua nước Phổ. Một câu chuyện khác thì kể về việc ông được đưa đến chữa trị ở một căn nhà trên quảng trường Queen, ở quận Bloomsbury của London. Rồi còn chuyện hoàng hậu Charlotte thuê cả tầng hầm của một quán rượu gần đó để trữ thực phẩm cho nhà vua trong thời gian điều trị.

Hơn hai thế kỷ sau, câu chuyện trên về quảng trường Queen vẫn phổ biến trong các cuốn cẩm nang du lịch London. Dù câu chuyện là thật hay đùa, thì khu đó cũng đã thay đổi qua năm tháng như thể cho khớp với nó. Một bức tượng hoàng hậu Charlotte bằng kim loại đứng ở phía bắc quảng trường; quán rượu ở góc quảng trường có tên “Chạn của Hoàng hậu”; và vây quanh khu vườn hình chữ nhật yên ắng là những người làm việc về bộ não, và những người có bộ não cần sửa chữa. Bệnh viện quốc gia về Thần kinh học và Phẫu thuật thần kinh – nơi một thành viên hoàng gia thời nay có thể đến điều trị – chiếm một góc quảng trường, và ở vòng ngoài của nó là các cơ sở nghiên cứu khoa học thần kinh nổi tiếng thế giới của trường University College London (UCL)1. Suốt một tuần đẹp trời vào tháng 7 vừa qua [năm 2018], hàng chục bệnh nhân thần kinh cùng gia đình ngồi yên lặng trên những băng ghế gỗ ở rìa bãi cỏ.

Karl Friston – ông là ai?

Các ngày thứ hai, Karl Friston thường đến quảng trường Queen vào lúc 12 giờ 25 trưa, và hút một điếu thuốc trong vườn, bên bức tượng hoàng hậu Charlotte. Dáng cô độc, hơi còng, mái tóc bạc dày, Friston là giám đốc khoa học của Phòng thí nghiệm Hình ảnh não2(Functional Imaging Laboratory – FIL) nổi tiếng của UCL. Hút xong điếu thuốc, Friston sẽ đi về phía tây của quảng trường, vào trong một tòa nhà xây bằng gạch và đá vôi, và đến một phòng hội thảo trên tầng năm, nơi đã có từ hai đến hai mươi người đợi ông trước một bức tường trắng. Friston ưa đến muộn năm phút, để mọi người khác đều đã có mặt.

Lời chào hỏi của Friston với mọi người rất có thể là những lời thực sự đầu tiên ông nói trong ngày, vì ông không thích nói chuyện với người khác trước buổi trưa. (Ở nhà, ông có thể đã trao đổi với vợ và ba người con trai bằng những nụ cười và những tiếng làu bàu được quy ước sẵn.) Ông cũng hiếm khi gặp riêng một ai. Thay vào đó, ông thích tổ chức những buổi họp công khai như thế này, để sinh viên, nghiên cứu viên sau tiến sỹ, và công chúng muốn có ý kiến chuyên môn của ông có thể tìm học từ ông. “Ông ấy tin rằng nếu một người có một ý tưởng hoặc một câu hỏi hoặc một dự án đang thực hiện, cách tốt nhất để tìm hiểu về nó là tập trung cả nhóm lại, cùng nghe người đó, rồi mọi người đều có thể đặt câu hỏi và thảo luận. Và như thế kiến thức của một người trở thành kiến thức của tất cả,” David Benrimoh, bác sỹ tâm thần nội trú tại Đại học McGill, từng theo học Friston một năm, cho biết. “Nó rất khác thường. Cũng như nhiều thứ khác với Karl.”

Đầu mỗi buổi họp ngày thứ hai, tất cả mọi người đưa ra câu hỏi của mình. Friston vừa bước theo vòng tròn vừa lắng nghe, cặp kính trên chóp mũi, như thế ông luôn cúi đầu xuống để nhìn vào người đang phát biểu. Ông dành vài giờ tiếp theo để lần lượt trả lời các câu hỏi. Là một “quý ông thời Victoria, với phong cách và khẩu vị rất Victoria3” – theo lời tả của một người bạn, Friston trả lời một cách nhã nhặn và diễn đạt lại nhanh gọn ngay cả những câu hỏi rối rắm nhất. Những phiên hỏi đáp – mà tác giả gọi là những buổi “Hỏi Karl” – là những thành quả phi thường của sự bền bỉ, khả năng ghi nhớ, kiến thức rộng, và tư duy sáng tạo. Chúng thường kết thúc khi đến giờ Friston phải quay về chiếc ban-công nhỏ bên ngoài phòng làm việc của mình để hút thêm một điếu thuốc.

Friston trở thành một người hùng trong giới hàn lâm trước tiên nhờ việc tạo ra nhiều công cụ quan trọng bậc nhất giúp cho các nhà khoa học “đọc” được bộ não người. Năm 1990, ông phát minh kỹ thuật vẽ bản đồ theo tham số thống kê (statistical parametric mapping), một kỹ thuật máy tính giúp “đập bẹt” – từ dùng của một nhà thần kinh học – các ảnh chụp bộ não thành một dạng giống nhau, để các nhà khoa học có thể so sánh một cách tương đồng một hoạt động trên các bộ não khác nhau. Một hệ quả của kỹ thuật vẽ bản đồ theo tham số thống kê là kỹ thuật phân tích hình dạng dựa trên điểm ảnh ba chiều3(voxel-based morphometry); kỹ thuật này được sử dụng trong một nghiên cứu nổi tiếng cho thấy phần đuôi của hồi hải mã của các tài xế taxi London lớn lên khi họ học “kiến thức đó”4.

Một nghiên cứu đăng ở tạp chí Science năm 2011 sử dụng một phần mềm phân tích hình ảnh não khác của Friston, có tên gọi mô hình nhân quả động (dynamic causal modelling), để xác định xem những bệnh nhân bị tổn thương nặng ở não có một chút nhận thức tối thiểu nào không hay đã ở trạng thái thực vật.

Khi Friston được giới thiệu vào Hội Khoa học Hoàng gia vào năm 2006, hội mô tả ảnh hưởng của ông đối với nghiên cứu về bộ não là “mang tính cách mạng”, và cho biết hơn 90 phần trăm các bài báo được xuất bản trong lĩnh vực phân tích hình ảnh não sử dụng các phương pháp của ông. Hai năm trước [2016], Viện nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo Allen, một tổ chức nghiên cứu do Oren Etzioni, một người tiên phong trong nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, tính toán rằng Friston là nhà thần kinh học được trích dẫn nhiều nhất thế giới. Ông có h-index – một chỉ số để đo ảnh hưởng của các bài báo khoa học của một nhà khoa học – cao gần gấp đôi của Albert Einstein. Năm ngoái [2017], Clarivate Analytics, công ty trong hơn hai thập kỷ qua đã dự đoán đúng 46 người được giải Nobel, xếp Friston vào một trong ba người nhiều khả năng được giải Nobel Sinh lý học và Y khoa.

Tuy nhiên, điều đáng nói là thời gian gần đây, trong những nhà khoa học lặn lội đến gặp Friston, ít người đến để nói về hình ảnh não. Hè năm 2018, có một quãng thời gian mười ngày mà Friston tư vấn cho một nhà vật lý thiên văn, vài nhà triết học, một kỹ sư tin học đang xây dựng một sản phẩm cạnh tranh với Trợ lý cá nhân Echo của Amazon, trưởng bộ phận trí tuệ nhân tạo của một trong những công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới, một nhà khoa học thần kinh muốn tạo ra các máy trợ thính tốt hơn, và một bác sỹ tâm thần là chủ một công ty khởi nghiệp áp dụng học máy vào điều trị trầm cảm. Hầu hết bọn họ đến vì vô cùng ham muốn hiểu được một thứ hoàn toàn khác.

Nguyên lý năng lượng tự do

Mô hình động lực của Karl Friston được dung để xác định liệu sự tổn thưởng của não là tối thiểu hay đang ở trạng thái thực vật. Nguồn: ai-report.net​

Khoảng một thập kỷ trở lại đây, Friston dành phần lớn thời gian và công sức cho việc phát triển một ý tưởng mà ông gọi là nguyên lý năng lượng tự do – free energy principle. (Friston gọi việc nghiên cứu hình ảnh não của mình là công việc kiếm sống hằng ngày, như một nghệ sỹ nhạc jazz nói về ca trực của mình ở thư viện địa phương.) Với ý tưởng này, Friston tin rằng mình đã tìm ra nguyên lý tổ chức của mọi dạng sống, cũng như mọi trí tuệ. “Nếu anh đang sống,” ông bắt đầu trả lời, “anh phảithể hiện những kiểu hành vi như thế nào?”

Chúng ta bắt đầu với một tin xấu: nguyên lý năng lượng tự do khó hiểu đến phát điên. Nó khó đến độ đã nhiều lần cả một căn phòng toàn những người rất thông minh đã cố nắm bắt nó và thất bại. Một tài khoản Twitter5có 3000 người theo dõi được tạo ra chỉ để nhạo sự tối nghĩa của nó, và gần như tất cả những người tác giả đã trò chuyện cùng về nó, trong đó có những nhà khoa học có sự nghiệp gắn chặt với nó, nói rằng họ không hoàn toàn hiểu nó.

Nhưng thường thì chính những người đó vội vàng nói thêm rằng nguyên lý năng lượng tự do về bản chất kể một câu chuyện đơn giản và giải một câu đố cơ bản. Định luật thứ hai của nhiệt động lực học nói rằng vũ trụ tiến đến entropy, tiến đến tan rã; nhưng các vật sống kháng cự nó một cách dữ dội. Mỗi sáng chúng ta thức dậy gần như giống hệt con người của ngày hôm trước, với sự phân định rõ ràng giữa các tế bào và các cơ quan, giữa chúng ta và thế giới bên ngoài. Bằng cách nào? Nguyên lý năng lượng tự do của Friston nói rằng mọi dạng sống, ở mọi quy mô tổ chức – từ đơn bào đến bộ não người có hàng tỷ nơ-ron – đều tuân theo cùng một điều kiện bắt buộc phổ quát có thể được quy về một hàm toán học. Sống, ông giải thích, có nghĩa là hoạt động để thu hẹp khoảng cách giữa những kỳ vọng của bạn với những dữ liệu từ các giác quan. Hay theo ngôn ngữ của Friston là để tối thiểu hóa năng lượng tự do.

Để hình dung được những hệ quả tiềm tàng của lý thuyết này, chỉ cần nhìn vào những dãy người đứng kín bậc thềm của FIL vào các buổi sáng thứ hai. Một số đến đây vì muốn dùng nguyên lý năng lượng tự do để hợp nhất các lý thuyết về tâm trí, cung cấp một nền tảng mới cho sinh học, và giải thích sự sống mà chúng ta biết. Những người khác hy vọng nguyên lý năng lượng tự do rốt cuộc sẽ đưa những hiểu biết về chức năng của bộ não vào nghiên cứu bệnh tâm thần. Lại có những người khác nữa đến vì muốn dùng ý tưởng của Friston để khai thông những bế tắc trong nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo. Nhưng tất cả bọn họ có mặt ở đây vì cùng một lý do: có lẽ chỉ có Friston là người duy nhất thực sự hiểu nguyên lý năng lượng tự do của Friston.

Friston không chỉ là một trong những học giả có ảnh hưởng lớn nhất trong ngành của mình; ông còn là một trong những nhà nghiên cứu năng suất nhất trong mọi lĩnh vực. Năm nay [2018] 59 tuổi, ông làm việc cả ban đêm và cuối tuần, và đã công bố hơn 1000 bài báo khoa học tính từ đầu thiên niên kỷ. Chỉ riêng năm 2017, ông là tác giả chính hoặc đồng tác giả của 85 công bố6– tức là trung bình khoảng bốn ngày lại có một bài.

Nhưng nếu được hỏi, ông sẽ cho biết kết quả này không chỉ là thành tựu của một tinh thần lao động đầy tham vọng; nó còn là bằng chứng của một khuynh hướng thoát ly nghiêm khắc.

Friston vạch ra quanh cuộc sống nội tâm của mình một ranh giới được căn chỉnh kỹ lưỡng, bảo vệ nó khỏi những sự xâm phạm, mà một số lớn trong đó có vẻ bao gồm “lo lắng cho người khác”. Ông thích đứng trên sân khấu, đủ cách xa mọi người khác, hơn là trao đổi riêng. Ông không có điện thoại di động. Ông luôn mặc com-plê màu xanh thẫm, mua ở một cửa hiệu bán hàng tồn kho, mỗi lần hai bộ. Sự gián đoạn những công việc thường lệ hằng tuần ở quảng trường Queen khiến ông thấy “nhức đầu”, và ông có xu hướng né tránh những người khác ở những hội thảo quốc tế. Ông không thích biện hộ cho những ý tưởng của chính mình.

Trong khi đó, Friston lại đặc biệt tỉnh táo và sẵn sàng khi nói về động lực nghiên cứu của mình. Việc đắm mình vào một vấn đề khó cần hằng tuần để giải quyết cho ông một cảm giác dễ chịu khó tin – không khác gì việc lẩn đi hút một điếu thuốc. Và ông đã viết một cách hùng hồn về nỗi ám ảnh của mình từ thời thơ ấu đối với việc tìm ra cách để kết hợp, thống nhất, và đơn giản hóa tiếng ồn7của thế giới.

Khoảnh – khắc – rận – gỗ

Karl Friston đặt nền móng cho phần lớn những nghiên cứu hiện nay trong học sâu (deep learning). Nguồn: ai-report.net​

Hành trình của Friston đến với nguyên lý năng lượng tự do bắt đầu từ một ngày hè nóng nực khi ông 8 tuổi. Hồi đó, gia đình ông sống ở Chester, một thành phố có tường thành bao quanh gần Liverpool. Mẹ cậu bé Friston bảo cậu ra chơi ngoài vườn. Cậu lật một khúc gỗ lên và thấy mấy con rận gỗ8– những con bọ nhỏ có vỏ trông như con tê tê – di chuyển tán loạn. Lúc đầu cậu cho rằng chúng cuống cuồng tìm bóng râm và chỗ trú ẩn. Sau nửa giờ chăm chú quan sát, cậu kết luận chúng thực ra không tìm bóng râm. “Đó chỉ là một ảo giác,” Friston nói. “Một ảo giác do tôi dựng lên.”

Cậu bé Friston nhận ra chuyển động của những con rận gỗ không có mục đích gì cả, chí ít không phải mục đích theo nghĩa như khi một người lái xe ô tô đi làm một việc gì đó. Chuyển động của chúng là ngẫu nhiên; chúng đơn giản di chuyển nhanh hơn dưới nắng nóng8.

Friston gọi đây là nhận thức khoa học đầu tiên của mình. Đó là khoảnh khắc mà “mọi sự diễn giải có tính toán và nhân tính hóa về mục đích, sinh tồn và những thứ tương tự dường như rơi rụng hết,” ông nói. “Và cái ta quan sát vốn là như thế. Nghĩa là nó không thể tồn tại theo một cách nào khác.” Cha của Friston là một kỹ sư xây dựng, làm việc ở những cây cầu trên khắp nước Anh, và gia đình cứ phải chuyển chỗ ở theo ông. Cho đến 10 tuổi, cậu bé Friston đã học ở sáu trường khác nhau. Các giáo viên thường không biết phải làm gì với cậu, và hầu hết lòng tự tôn mong manh của ông đến từ việc giải toán một mình. Năm 10 tuổi, cậu thiết kế một robot biết tự đứng thẳng, và trên lý thuyết có thể mang một cốc nước qua một quãng đường không bằng phẳng, bằng cách sử dụng các bộ truyền động tự điều chỉnh hồi tiếp và các thăng bằng kế thủy ngân. Nhà trường mời một nhà tâm lý học đến để hỏi ông làm thế nào mà nghĩ ra nó. “Con rất thông minh, Karl à,” mẹ cậu trấn an cậu, và lần này chưa phải lần cuối. “Đừng để họ bảo con không thông minh.” Friston nói lúc đó ông không tin lời bà.

Khoảng 15 tuổi9, Friston có một khoảnh khắc rận gỗ nữa. Cậu vừa về phòng sau khi xem ti-vi, và thấy anh đào nở bên ngoài cửa sổ. Cậu đột nhiên bị ám ảnh bởi một ý nghĩ, và nó vẫn ám ảnh đến tận bây giờ. “Phải có một cách để hiểu mọi thứ bằng cách bắt đầu từ không gì cả. Nếu chỉ được bắt đầu với một điểm trong cả vũ trụ, liệu mình có thể từ đó suy ra mọi thứ khác?” Cậu nằm trên giường hàng giờ, thử nghĩ câu trả lời. “Tôi hoàn toàn thất bại, tất nhiên,” Friston nói.

Cuối cấp hai, Friston và các bạn cùng lớp là đối tượng thử nghiệm cho việc tư vấn có máy tính trợ giúp. Họ trả lời một loạt các câu hỏi, các câu trả lời được bấm lỗ vào các tấm thẻ và đưa vào một chiếc máy để tính ra lựa chọn nghề nghiệp hoàn hảo. Friston nói rằng cậu thích thiết kế điện tử và thích ở một mình giữa thiên nhiên, vì vậy máy tính khuyên cậu làm thợ lắp đặt ăng-ten truyền hình. Điều đó có vẻ không ổn, vì vậy Friston đến gặp một cố vấn hướng nghiệp của trường và nói rằng cậu muốn nghiên cứu về bộ não mà sử dụng toán và vật lý. Vị cố vấn bảo Friston nên trở thành bác sỹ tâm thần. Điều này có nghĩa là cậu sẽ phải học y, điều mà cậu rất sợ.

Cả Friston và vị cố vấn đều đã nhầm tâm thần học với tâm lý học, là ngành mà có lẽ cậu cần theo đuổi. Nhưng hóa ra đấy lại là một sai lầm may mắn, vì nó đưa Friston đến việc nghiên cứu cả tâm trí lẫn cơ thể10, và đến một trong những trải nghiệm định hình quan trọng nhất của đời mình – một trải nghiệm mở mang đầu óc.

Sau khi tốt nghiệp y, Friston đến Oxford làm tập sự nội trú tại bệnh viện Littlemore, một bệnh viện thời Victoria. Được thành lập bởi đạo Luật Điên 1845, ban đầu bệnh viện này có mục đích giúp chuyển những bệnh nhân điên nghèo từ các nhà tế bần vào các bệnh viện. Khi Friston đến vào giữa thập kỷ 1980, nó là một trong những nhà thương điên cũ cuối cùng ở ngoại ô các thành phố ở Anh.

Friston được giao cho một nhóm 32 bệnh nhân tâm thần phân liệt, những bệnh nhân nặng nhất của Littlemore, mà với họ điều trị gần như có nghĩa là nhốt lại. Friston luyến tiếc thấy rõ khi nhớ về những bệnh nhân cũ. Với ông, đó là lần đầu thấy được sự mong manh của các mối liên kết trong bộ não. “Đó là một nơi làm việc tuyệt vời,” ông nói. “Một cộng đồng nhỏ của bệnh học tâm thần dữ dội và đầy màu sắc.”

Mỗi tuần hai lần, ông chủ trì một buổi điều trị theo nhóm kéo dài 90 phút, trong đó các bệnh nhân cùng nhau khám phá bệnh tình của họ, tựa như những buổi “Hỏi Karl” hiện nay. Nhóm có những nhân vật đặc sắc, mà 30 năm sau vẫn truyền cảm hứng cho suy nghĩ của Friston. Có Hillary11, trông thì cứ tưởng bà có thể đóng vai bà đầu bếp trong phim truyền hình Downton Abbey, nhưng trước khi vào Littlemore đã chặt đầu người hàng xóm bằng một con dao làm bếp, vì tin rằng người này đã biến thành một con bò ác quỷ.

Có Ernest, thích áo len màu nhạt hiệu Marks & Spencer và giày thể thao hợp màu, là “một kẻ ấu dâm hung hăng và bất trị nhất mà anh có thể tưởng tượng ra”, theo lời Friston.

Rồi có Robert, một thanh niên nói năng mạch lạc, nếu không bị tâm thần phân liệt nặng thì đã có thể trở thành một sinh viên đại học. Robert ngẫm nghĩ một cách ám ảnh về phân của thiên thần; anh ta nghĩ xem nó là phúc lành hay là tai ương, và liệu mắt thường có nhìn thấy được nó không, và anh ta thấy khó hiểu vì những người khác không đặt ra những câu hỏi này. Đối với Friston, khái niệm phân thiên thần chính là một điều kỳ diệu. Nó cho thấy những người bị tâm thần phân liệt có khả năng lắp ráp những khái niệm mà một người có một bộ não bình thường không thể tiếp cận dễ dàng. “Nghĩ ra được một thứ như phân thiên thần là cực kỳ khó,” Friston nói với một vẻ gì giống như ngưỡng mộ. “Tôi thì chịu.”

Sau Littlemore, Friston dành phần lớn những năm đầu thập kỷ 1990 để sử dụng một kỹ thuật mới – kỹ thuật chụp PET – để cố gắng hiểu xem điều gì đang diễn ra trong bộ não của những người bị bệnh tâm thần phân liệt. Kỹ thuật vẽ bản đồ theo tham số thống kê được tạo ra trong quá trình đó. Friston có một quyết định khác thường so với thời điểm đó. Ông khăng khăng rằng kỹ thuật mới này nên được chia sẻ miễn phí, thay vì đem đi đăng ký sáng chế và thương mại hóa. Điều này lý giải phần lớn vì sao nó lại phổ biến đến thế. Friston có thể bay sang bên kia Trái đất – chẳng hạn đến Viện Y tế quốc gia Mỹ ở Bethesda, bang Maryland – để trao nó cho các nhà khoa học khác. “Tự tôi mang theo băng từ, lên máy bay, đến đó, tải nó, dành một ngày cài đặt cho nó chạy, dạy ai đó cách dùng, rồi về nhà nghỉ ngơi,” Friston nói. “Thời xưa phần mềm mã nguồn mở hoạt động như vậy đấy.”

Friston đến quảng trường Queen năm 1994, và trong vài năm trời, phòng làm việc của ông ở FIL chỉ cách Đơn vị Thần kinh học tính toán Gatsby có mấy cánh cửa. Gatsby – nơi các nhà khoa học nghiên cứu các lý thuyết về tri giác và sự học ở cả các hệ sống lẫn các hệ máy – khi đó được điều hành bởi người sáng lập ra nó, nhà tâm lý học nhận thức và nhà tin học Geoffrey Hinton. Trong khi FIL tự khẳng định là một trong những viện hàng đầu về hình ảnh não, Gatsby trở thành nơi đào tạo các nhà thần kinh học muốn áp dụng các mô hình toán học vào hệ thần kinh.

Như những người khác, Friston trở nên mê mệt bởi “lòng nhiệt tình trẻ thơ” của Hinton đối với những mô hình thống kê ít trẻ thơ nhất, và họ trở thành bạn bè12.

Dần dần, Hinton thuyết phục Friston rằng cách tốt nhất để hình dung bộ não là coi nó như một chiếc máy xác suất Bayes. Ý tưởng, có từ công trình của Hermann von Helmholtz ở thế kỷ 19, là bộ não tính toán và nhận thức một cách ngẫu nhiên, liên tục đưa ra dự đoán và điều chỉnh niềm tin dựa vào những gì các giác quan cung cấp. Theo cách nói Bayes phổ biến nhất hiện nay, bộ não là một “máy suy đoán” tìm cách tối thiểu hóa “sai số dự đoán”.

Năm 2001, Hinton rời London để chuyển đến Đại học Toronto, nơi ông trở thành một trong những nhân vật quan trọng nhất trong trí tuệ nhân tạo, đặt nền móng13cho phần lớn những nghiên cứu hiện nay trong học sâu (deep learning).

Trước khi Hinton đi, Friston đến Gatsby gặp bạn một lần cuối. Hinton nói về một kỹ thuật ông mới làm ra để giúp các chương trình máy tính giả lập quá trình đưa ra quyết định của con người một cách hiệu quả hơn. Đó là một quá trình kết hợp dữ liệu từ nhiều mô hình xác suất khác nhau, bây giờ được biết đến trong lĩnh vực học máy với tên “tích của các chuyên gia”.

Đầu óc Friston quay cuồng sau cuộc gặp. Dựa trên các ý tưởng của Hinton, và trong tinh thần trao đổi học thuật, Friston gửi cho Hinton một tập ghi chép về một ý tưởng để kết nối một số “thuộc tính [có vẻ] không liên quan với nhau của bộ não về giải phẫu, sinh lý học và tâm vật lý học14”. Friston công bố chúng năm 2006 – đó là những bài báo đầu tiên trong hàng chục bài báo ông sẽ viết về nguyên lý năng lượng tự do. (Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Thạch dịch

Nguồn: https://www.wired.com/story/karl-friston-free-energy-principle-artificial-intelligence/

——–

Chú thích: 

ND giữ tên tiếng Anh thay vì dịch thành “Đại học London”, để tránh nhầm lẫn với University of London, là đại học lớn mà UCL là một trường thành viên.

“Functional Imaging” nghĩa đen là “hình ảnh chức năng”, nhưng trong lĩnh vực của Karl Friston được hiểu theo nghĩa hẹp hơn, là môn khoa học nghiên cứu về bộ não dựa trên hình ảnh. Xem 2 2 http://www.scholarpedia.org/article/Functional_imaging(chú thích của ND).

3Tức là thế kỷ 19 – ND.

Voxel là khái niệm tương tự như pixel, nhưng trong không gian ba chiều – ND.

Để có giấy phép lái taxi ở London, tài xế cần ghi nhớ 320 con đường và nhiều địa điểm trong vòng 6 dặm tính từ trung tâm thành phố. Quy trình khắc nghiệt này gồm một bài kiểm tra viết và một loạt phỏng vấn với giám khảo. (Chú thích này, cũng như các chú thích tiếp theo không được nói rõ là của ND, là của bản gốc.)

Tài khoản có tên @FarlKriston.

7Một bài báo đăng trên tạp chí Naturevào năm 2018 phân tích hiện tượng các học giả “siêu năng suất”, được định nghĩa là những người có hơn 72 công bố trong vòng một năm.

8“Noise” cũng còn có nghĩa là nhiễu – ND.

9Một loại bọ thuộc phân bộ Oniscidea – ND.

10 Friston vẫn có thời gian để theo đuổi những thứ khác. Năm 19 tuổi, cậu dành cả một kỳ nghỉ để cố nhét hết toàn bộ vật lý vào một trang giấy. Cậu thất bại, chỉ thu gọn được cơ học lượng tử.

11 Tên các bệnh nhân đã được thay đổi.

12Cậu bé Friston có thể đã đúng. Nhiều loài rận gỗ bị mất nước dưới ánh nắng trực tiếp, và một số loài vận động nhiều hơn, bằng cách di chuyển loạn xạ, trước nhiệt độ tăng cao.

13Nguyên văn: “mid-teens” – ND.

14Psychophysics – ND.

 

Tác giả

(Visited 29 times, 1 visits today)