Karl Friston: người thực sự nắm giữ chìa khóa AI ? (Phần 2)

Nguyên lý năng lượng tự do của Karl Friston, mặc dù bị nhiều người cho rằng nhảm nhí và vô cùng khó hiểu, lại có thể chính là chìa khóa để tạo nên bộ não của máy tính.


Karl Friston giảng về suy đoán chủ động ở Đại học ETH, Thụy Sĩ. Nguồn: Twitter của CPC Zurich.

Chính Friston cũng không biết phải bắt đầu từ đâu khi mô tả nguyên lý năng lượng tự do. Ông thường chỉ cho người ta trang Wikipedia về nó. Nhưng với tác giả, có lẽ dễ dàng hơn nếu bắt đầu với tấm chăn phủ trên chiếc sofa giường1 trong phòng làm việc của ông.

Đó là một tấm chăn lông cừu trắng, có in hình chân dung đen trắng của một nhà toán học rậm râu nghiêm nghị người Nga, mất năm 1922, tên là Andrei Andreyevich Markov. Tấm chăn là một món quà vui từ con trai của Friston, một trò chơi chữ với một ý tưởng trung tâm của nguyên lý năng lượng tự do. Tên của Markov được đặt cho khái niệm tấm chăn Markov trong học máy, có thể coi là một tấm chắn để phân biệt giữa các tập hợp biến trong một hệ thống phân cấp nhiều tầng. Nhà tâm lý học Christopher Frith – có h-index ngang ngửa với Friston – từng mô tả một tấm chăn Markov như “phiên bản nhận thức của một màng tế bào, bảo vệ các trạng thái bên trong chăn trước các trạng thái bên ngoài”.

Trong tâm trí Friston, vũ trụ được hình thành từ các tấm chăn Markov lồng vào nhau. Mỗi người chúng ta có một tấm chăn Markov phân biệt chúng ta với cái không phải là chúng ta. Và bên trong chúng ta có những tấm chăn ngăn tách các cơ quan, trong các cơ quan có những tấm chăn ngăn tách các tế bào, đến lượt các tế bào lại có những tấm chăn ngăn tách các bào quan. Các tấm chăn xác định cách mọi thứ trong sinh học tồn tại theo thời gian và hoạt động riêng biệt lẫn nhau. Nếu không có chúng, chúng ta sẽ chỉ là những luồng khí tan biến vào ê-te.

“Cái chăn Markov mà anh đã đọc đấy. Đây chính là nó. Anh có thể sờ thử,” Friston nói khô khốc khi tôi lần đầu thấy tấm chăn trong phòng làm việc của ông. Không kìm nổi, tôi có đến gần để chạm vào nó bằng những đầu ngón tay. Kể từ lúc bắt đầu đọc về những tấm chăn Markov, tôi thấy chúng khắp mọi nơi. Tôi thấy những tấm chăn Markov quanh một chiếc lá, quanh một cái cây, quanh một con muỗi. Ở London, tôi thấy chúng quanh những nghiên cứu viên sau tiến sỹ ở FIL, quanh những người biểu tình mặc đồ đen trong một cuộc tuần hành chống phát-xít, và quanh những người sống trên thuyền dưới những con kênh. Những tấm áo choàng vô hình quấn quanh mọi người, và dưới mỗi tấm là một hệ sống tối thiểu hóa năng lượng tự do của nó.

 

Tối thiểu hóa sự bất ngờ

 

Khái niệm năng lượng tự do đến từ vật lý, bởi thế khó mà giải thích nó một cách chính xác nếu không dấn sâu vào các công thức toán học. Điều đó cũng tạo thêm sức mạnh cho nó: nó không chỉ là một khái niệm hùng biện mà là một đại lượng đo được và mô hình hóa được, bằng thứ toán học rất giống với thứ mà Friston đã dùng để đọc những hình ảnh bộ não và có tác động thay đổi thế giới. Nhưng nếu dịch khái niệm đó từ ngôn ngữ toán học sang ngôn ngữ đời thường, nó sẽ đại loại thế này: Năng lượng tự do đo sự khác biệt giữa những trạng thái anh kỳ vọng rơi vào và những trạng thái mà các giác quan cho là trạng thái thực sự. Hay nói cách khác, tối thiểu hóa năng lượng tự do nghĩa là tối thiểu hóa bất ngờ.

Theo Friston, mọi hệ sống2 kháng cự lại khuynh hướng hỗn loạn và tan rã sẽ phải tuân theo nguyên lý năng lượng tự do – dù đó là một sinh vật đơn bào hay là một đội bóng rổ chuyên nghiệp.

Một sinh vật đơn bào cũng có cùng xu hướng bắt buộc giảm thiểu bất ngờ như một bộ não.

Điểm khác nhau duy nhất là bộ não người là một hệ sống tự tổ chức vô cùng phức tạp: nó hút thông tin từ hàng tỷ thụ thể cảm giác, và nó cần sắp xếp một cách hiệu quả thông tin đó thành một mô hình chính xác về thế giới. “Nó là một cơ quan tưởng tượng theo nghĩa đen. Nó tạo ra những giả thuyết hay tưởng tượng thích hợp để cố gắng giải thích hằng hà sa số những chi tiết của luồng thông tin cảm giác mà nó tiếp nhận,” Friston nói. Bộ não tìm cách dự đoán thông tin mà đợt cảm giác tiếp theo, và những đợt tiếp sau nữa, sẽ mang đến, bằng cách liên tục suy luận, cập nhật niềm tin của nó dựa trên phản hồi của các giác quan, và cố gắng tối thiểu hóa các tín hiệu sai số dự đoán.

Bạn đọc có thể đã nhận thấy rằng những mô tả trên nghe có vẻ rất giống ý tưởng Bayes rằng bộ não là một “máy suy luận”, mà Hinton đã nói với Friston trong thập kỷ 1990. Friston quả thực coi mô hình Bayes như một nền tảng của nguyên lý năng lượng tự do (“năng lượng tự do” thậm chí có thể coi như đồng nghĩa với “sai số dự đoán”). Nhưng với Friston, mô hình Bayes có một hạn chế, ở chỗ nó chỉ giải thích sự tương tác giữa niềm tin và tri giác; nó không nói gì đến cơ thể hay hành động. Nó không thể giúp chúng ta đứng dậy khỏi ghế.


Tấm chăn Markov trong phòng làm việc của Karl Friston – “ủ ấm cho trạng thái nội tại của bạn từ 1856”.

Friston dùng cụm từ “suy đoán chủ động” để mô tả cách các sinh vật tối thiểu hóa những bất ngờ khi di chuyển. Theo ông, khi bộ não đưa ra một dự đoán chưa tức thời được xác nhận bởi phản hồi của các giác quan, nó có thể tối thiểu hóa năng lượng tự do bằng một trong hai cách: nó có thể đánh giá lại dự đoán của nó – đón chịu bất ngờ, thừa nhận sai lầm, cập nhật mô hình thế giới của nó – hoặc nó có thể hành động để hiện thực hóa dự đoán. Nếu tôi đoán là mình sẽ sờ vào mũi bằng ngón trỏ bên trái, nhưng các cơ quan thụ cảm lại bảo tôi rằng cánh tay đang
buông thõng, tôi có thể tối thiểu hóa tín hiệu sai số dự đoán của não mình bằng cách nhấc cánh tay lên và ấn một ngón tay vào giữa mặt mình3.

Và đây chính là cách nguyên lý năng lượng tự do giải thích mọi thứ chúng ta làm: tri giác, hành động, lập kế hoạch, giải quyết vấn đề. Khi tôi ngồi vào xe ô-tô để đi làm một việc gì đó, tôi đang tối thiểu hóa năng lượng tự do bằng cách khẳng định giả thuyết hay tưởng tượng của mình bằng hành động. Đối với Friston, việc đưa hành động và chuyển động vào trong phương trình là cực kỳ quan trọng. Ngay cả tri giác, ông nói, cũng “là nô lệ của hành động”: để thu thập thông tin, mắt phải liếc nhìn, cơ hoành hút không khí vào mũi, các ngón tay cọ xát với bề mặt. Và tất cả những vận động nhỏ này tồn tại trong một thể liên tục với những dự định, thám hiểm4 và hành động lớn hơn.

“Chúng ta lấy mẫu thế giới,” Friston viết, “để chắc chắn rằng những dự đoán của chúng ta trở thành lời tiên tri ứng nghiệm.”

Vậy điều gì xảy ra khi những lời tiên tri của chúng ta không thành hiện thực? Một hệ tràn ngập những bất ngờ trông sẽ như thế nào? Hóa ra nguyên lý năng lượng tự do không chỉ là một lý thuyết hợp nhất về hành động, tri giác và dự tính; nó còn là một lý thuyết về bệnh tâm thần. Khi bộ não quá xem nhẹ hoặc quá coi trọng những dấu hiệu của các giác quan, rắc rối sẽ đến. Chẳng hạn, một người bị tâm thần phân liệt có thể không kịp cập nhật mô hình của họ về thế giới để giải thích thông tin nhập vào từ đôi mắt. Một người hàng xóm thân thiện trong mắt người bình thường có thể được Hillary nhìn thành một con bò ác quỷ khổng lồ. “Nếu anh nghĩ về bệnh tâm thần, và thực ra là mọi bệnh về thần kinh, tất cả chúng đều là những niềm tin hoặc suy đoán sai – ảo giác và ảo tưởng,” Friston nói.

Vài năm trở lại đây, Friston và một số nhà khoa học khác đã dùng nguyên lý năng lượng tự do để giải thích những chứng lo âu, chán nản, rối loạn tinh thần, cùng với một số triệu chứng của bệnh tự kỷ, bệnh Parkinson, và bệnh rối loạn nhân cách. Trong nhiều ca, các nhà khoa học đã biết rõ – nhờ các phương pháp hình ảnh não của Friston – với mỗi rối loạn thì những vùng nào của não thường bị hỏng và những tín hiệu nào thường bị đứt. Nhưng như thế là chưa đủ. “Chỉ biết những synapse nào, những kết nối nào của bộ não hoạt động bất thường thì chưa đủ,” ông nói. “Cần phải có một môn giải tích về niềm tin.”

Như vậy, nguyên lý năng lượng tự do cung cấp một cách giải thích thống nhất về cách tâm trí hoạt động và một cách giải thích thống nhất về cách nó hỏng hóc. Sẽ là hợp lý nếu nó cũng có thể giúp chúng ta xây dựng một tâm trí từ số không.

 

Nguyên lý năng lượng tự do và tâm trí của máy tính

 

Vài năm trước, một nhóm các nhà khoa học người Anh quyết định xem xét lại các sự kiện liên quan đến chứng điên của vua George III bằng một công cụ phân tích mới. Họ nạp 500 bức thư tay của nhà vua vào một hệ thống học máy và huấn luyện nó nhận dạng nhiều đặc tính văn bản khác nhau: độ lặp từ, độ dài câu, độ phức tạp cú pháp, v.v. Sau khi được huấn luyện, hệ thống có thể đoán được liệu một bức thư đã được viết trong lúc vua bị điên hay trong lúc ông tỉnh táo.

Kiểu công nghệ nhận dạng này – về đại thể tương tự những kỹ thuật giúp máy tính nhận dạng khuôn mặt, ảnh mèo, giọng nói – đã thúc đẩy những tiến bộ khổng lồ trong tin học những năm gần đây. Nhưng nói đòi hỏi rất nhiều dữ liệu và sự giám sát của con người, và nó có thể không chắc chắn. Một cách khác để tiếp cận trí tuệ nhân tạo, được gọi là học tăng cường, đã thu được thành công khó tin trong các trò chơi: cờ vây, cờ vua, và trò chơi phá gạch Breakout của Atari. Học tăng cường không đòi hỏi con người phải dán nhãn cho thật nhiều dữ liệu để học; nó chỉ cần ra lệnh cho một mạng nơ-ron tìm cách đạt được một phần thưởng, thường là thắng lợi trong trò chơi. Mạng nơ-ron học bằng cách chơi đi chơi lại, tối ưu hóa những nước đi có thể giành thắng lợi, giống cách một con chó học làm trò để được cho ăn.

Nhưng cả học tăng cường cũng có những hạn chế khá lớn. Trong thế giới thực, hầu hết các tình huống không xoay quanh một mục tiêu duy nhất được định nghĩa chặt chẽ. (Đôi khi bạn phải ngừng chơi Breakout để đi vệ sinh, đi dập lửa, hoặc nói chuyện với sếp.) Và hầu hết các môi trường không ổn định và có luật lệ chặt chẽ như trong trò chơi. Ý tưởng đằng sau các mạng nơ-ron là chúng được cho là suy nghĩ giống chúng ta; nhưng học tăng cường không đưa chúng ta đến đích. Đối với Friston và những người ủng hộ ông, thất bại này hoàn toàn hợp lý. Rốt cuộc thì theo nguyên lý năng lượng tự do, động lực cơ bản của suy nghĩ của con người không phải là một phần thưởng nào đó từ bên ngoài. Động lực là tối thiểu hóa sai số dự đoán. Rõ ràng, các mạng thần kinh cũng cần phải tối thiểu hóa sai số dự đoán. May mà các công thức Bayes đằng sau nguyên lý năng lượng tự do – những thứ rất khó dịch ra ngôn ngữ bình thường – lại đã được viết trong ngôn ngữ tự nhiên của học máy.

Julie Pitt, trưởng bộ phận hạ tầng học máy của Netflix, khám phá ra Friston và nguyên lý năng lượng tự do vào năm 2014, và nó đã thay đổi suy nghĩ của bà. (Mô tả của Pitt ở trang Twitter cá nhân là “Tôi suy đoán các hành động của mình bằng suy đoán chủ động.”) Ngoài công việc ở Netflix, bà tìm cách ứng dụng nguyên lý năng lượng tự do, trong một dự án làm thêm có tên Order of Magnitude Labs. Pitt nói rằng vẻ đẹp của mô hình năng lượng tự do là ở chỗ nó cho phép một tác tử hoạt động trong mọi môi trường, kể cả một môi trường mới xa lạ. Trong mô hình học tăng cường, ta sẽ luôn phải đặt ra các luật mới và những phần thưởng con để giúp cho tác tử thích nghi với một thế giới phức tạp. Nhưng một tác tử năng lượng tự do luôn tự sinh ra phần thưởng nội tại của nó: sự tối thiểu hóa những bất ngờ. Và phần thưởng đó, theo Pitt, gồm cả yêu cầu đi ra ngoài và thám hiểm [môi trường mới].

Cuối năm 2017, một nhóm do Rosalyn Moran, một nhà thần kinh học và kỹ sư tại King’s College London5, dẫn đầu, cho hai đấu thủ trí tuệ nhân tạo đối đầu nhau trong một phiên bản của trò chơi bắn súng 3D Doom. Mục đích là để so sánh một tác tử suy đoán chủ động với một tác tử phần thưởng.

Mục đích của tác tử phần thưởng là hạ một con quái vật trong trò chơi, còn tác tử năng lượng tự do chỉ hướng đến tối thiểu hóa bất ngờ. Tác tử kiểu Friston khởi đầu chậm chạp nhưng dần dần hoạt động như thể đã có một mô hình của trò chơi, chẳng hạn nó có vẻ nhận ra rằng nếu đi sang trái thì con quái vật thường đi sang phải.


Rickmansworth, thị trấn của Friston, tình cờ lại được nhắc ngay trong trang đầu tiên của tác phẩm Bí kíp quá giang vào Ngân Hà, nơi “một cô gái ngồi một mình trong một quán cà-phê nhỏ” đột nhiên phát hiện ra bí mật để biến thế giới thành “một chốn tốt đẹp và hạnh phúc.

Sau một hồi thì kết luận trở nên rõ ràng: ngay cả trong môi trường trò chơi, tác tử phần thưởng “yếu hơn thấy rõ”; tác tử năng lượng tự do nắm được tốt hơn môi trường của nó. “Nó vượt qua tác tử phần thưởng vì nó thám hiểm,” Moran nói. Trong một mô phỏng khác, tác tử năng lượng tự do đấu với người thật, và câu chuyện cũng tương tự. Tác tử Friston khởi đầu chậm, chủ động thám hiểm các lựa chọn – kiếm ăn tri thức, như cách gọi của Friston – trước khi nhanh chóng đạt được trình độ của người.

Moran cho tôi biết rằng dù chậm, suy đoán chủ động bắt đầu lan vào những nghiên cứu chủ đạo của học sâu. Một số học trò của Friston đã đi làm ở DeepMind và Google Brain, và một trong số họ đã thành lập phòng thí nghiệm Lý thuyết Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence Theory) của Huawei. “Nó đang ra khỏi quảng trường Queen,” Moran nói. Nhưng nó vẫn chưa đến mức phổ biến như học tăng cường, môn được dậy ở bậc cử nhân. “Chúng ta chưa dạy nguyên lý năng lượng tự do cho sinh viên đại học.”

Khi tôi hỏi Friston lần đầu tiên về mối liên hệ giữa nguyên lý năng lượng tự do và trí tuệ nhân tạo, ông dự đoán rằng trong vòng 5 đến 10 năm, tối thiểu hóa năng lượng tự do sẽ có trong hầu hết lĩnh vực học máy. Lần thứ hai tôi hỏi, câu trả lời là một chuyện đùa. “Anh thử nghĩ xem tại sao nó có tên suy đoán chủ động.” Hàm răng đều trắng bóng hiện ra sau nụ cười khi ông chờ tôi hiểu trò chơi chữ. “Bởi nó là AI6. Vậy suy đoán chủ động có phải là AI mới? Đúng, là chữ viết tắt.” Không phải lần đầu tiên tôi bỏ lỡ một chuyện đùa của Friston.

 

Bí mật làm cho thế giới tốt đẹp và hạnh phúc

 

Khi tôi ở London, Friston có lần thuyết trình ở một công ty giao dịch tài chính định lượng. Khoảng 60 nhà giao dịch cổ phiếu mặt trẻ măng đến dự buổi thuyết trình vào cuối ngày. Friston giải thích cách dùng nguyên lý năng lượng tự do để lập mô hình tính tò mò của các tác tử nhân tạo. Sau khoảng 15 phút, ông đề nghị cử tọa ai hiểu thì giơ tay. Chỉ đếm được có ba cánh tay, vì vậy ông đề nghị ngược lại: “Hãy giơ tay nếu các vị thấy đó toàn là thứ nhảm nhí và các vị không hiểu tôi đang nói về cái gì.” Lần này rất nhiều người giơ tay, và tôi có cảm giác là những người còn lại không giơ vì lịch sự. Còn những 45 phút, Friston quay ra nhìn người chủ trì buổi thuyết trình như thể muốn hỏi Cái quái gì thế này? Vị giám đốc lắp bắp một chút rồi nói “Mọi người ở đây đều thông minh.” Friston nhẹ nhàng tán thành và kết thúc bài thuyết trình.

Sáng hôm sau, tôi hỏi Friston liệu ông có nghĩ rằng buổi thuyết trình đã thành công không, khi một vài trong số những bộ óc trẻ trung sáng láng đó có vẻ hiểu. “Sẽ có một phần đáng kể khán giả mà – nó không dành cho họ,” ông nói. “Đôi khi họ bối rối vì họ nghe nói nó quan trọng và họ không hiểu nó. Họ nghĩ rằng họ cần phải coi nó là rác rưởi và họ bỏ đi. Rồi anh sẽ quen.”

Năm 2010, Peter Freed, một bác sỹ tâm thần ở Đại học Columbia, tập hợp 15 nhà khoa học nghiên cứu về não để thảo luận một bài báo của Friston. Freed kể lại điều xảy ra ở tạp chí Neuropsychoanalysis: “Trong phòng có nhiều người biết toán: ba nhà thống kê, hai nhà vật lý, một nhà hóa học vật lý, một nhà vật lý hạt nhân, và một nhóm nhà nghiên cứu hình ảnh não – nhưng rõ ràng chúng tôi không đủ trình độ. Tôi gặp một nhà vật lý ở Princeton, một nhà sinh lý học thần kinh ở Stanford, một nhà sinh học thần kinh ở Cold Springs Harbor để thảo luận bài báo. Vẫn không ai hiểu gì: quá nhiều phương trình, quá nhiều giả định, quá nhiều thứ chuyển động, một lý thuyết quá tổng quát, không có cơ hội đặt câu hỏi – vì vậy mọi người bỏ cuộc.”

Nhưng có bao nhiêu người phát tức vì không lĩnh hội được Friston thì cũng có ngần ấy người cảm thấy rằng ông đã mở ra một thứ vĩ đại, một ý tưởng bao quát như thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin. Trước khi đọc Friston lần đầu tiên vào năm 2014, nhà triết học người Canada Maxwell Ramstead đã cố tìm cách kết nối các hệ sống phức tạp tồn tại ở nhiều quy mô khác nhau  – từ tế bào tới bộ não, tới các cá nhân, tới các nền văn hóa. Năm 2016 ông gặp Friston, và được bảo rằng thứ toán học áp dụng cho sự biệt hóa tế bào – quá trình biến các tế bào giống nhau thành các tế bào chuyên biệt – cũng có thể được áp dụng cho các vận động văn hóa. “Đấy là một cuộc nói chuyện đổi đời,” Ramstead nói. “Tôi suýt nữa thì chảy máu mũi.”

“Đây là điều hoàn toàn mới trong lịch sử,” Ramstead nói với tôi khi cùng ngồi trên một băng ghế ở quảng trường Queen, xung quanh là các bệnh nhân và nhân viên của các bệnh viện quanh đó. Trước khi Friston xuất hiện, “chúng ta như bị kết án vĩnh viễn lang thang trong không gian đa ngành mà không có một đồng tiền chung,” ông nói tiếp. “Nguyên lý năng lượng tự do cung cấp đồng tiền chung đó.”

Năm 2017, Ramstead và Friston, cùng với Paul Badcock ở Đại học Melbourne, viết chung một bài báo trong đó mọi sự sống được mô tả với những tấm chăn Markov. Một tế bào là một hệ thống phủ chăn Markov, tối thiểu hóa năng lượng tự do để tồn tại, và các bộ lạc hay tôn giáo hay loài cũng thế.

Sau khi bài báo được đăng, Micah Allen, một nhà thần kinh học nhận thức, khi đó làm việc tại FIL, viết rằng nguyên lý năng lượng tự do đã trở thành một phiên bản đời thực của khái niệm sử học tâm lý7 của Isaac Asimov8, một hệ thống giả tưởng quy cả tâm lý học, lịch sử và vật lý về một môn khoa học thống kê.

Và đúng là nguyên lý năng lượng tự do có vẻ như đã mở rộng thành gần như một lý thuyết vạn vật. (Friston bảo tôi rằng ung thư và các khối u có thể là thí dụ về suy đoán sai, khi các tế bào bị ảo tưởng.) Như câu hỏi của Allen: Một lý thuyết giải thích mọi thứ liệu có nguy cơ chẳng giải thích được gì?

Ngày cuối cùng của chuyến đi, tôi đến thăm nhà Friston ở Rickmansworth. Ngôi nhà đầy những động vật nhồi9, sở thích của vợ ông.

Tình cờ làm sao, Rickmansworth được nhắc đến ngay trang đầu tiên của Bí kíp quá giang vào Ngân Hà; đó là thị trấn nơi “một cô gái ngồi một mình trong một quán cà-phê nhỏ” đột nhiên phát hiện ra bí mật để biến thế giới thành “một chốn tốt đẹp và hạnh phúc.” Nhưng số phận trớ trêu, “trước khi cô có thể gọi điện thoại kể cho ai đó, một thảm họa khủng khiếp và ngớ ngẩn đã xảy đến, và ý tưởng đó vĩnh viễn mất đi.”

Không rõ nguyên lý năng lượng tự do có phải là bí mật làm cho thế giới trở thành một chốn tốt đẹp và hạnh phúc, như một số tín đồ của nó có thể nghĩ, hay không. Chính Friston thì có xu hướng thận trọng hơn khi chúng tôi tiếp tục câu chuyện, ông chỉ gợi ý rằng duy có suy đoán giả định và các hệ quả của nó là khá hứa hẹn. Không ít lần ông thừa nhận là mình có thể chỉ đang “nói xàm”. Trong buổi họp nhóm cuối cùng mà tôi tham dự ở FIL, ông nói với cử tọa rằng nguyên lý năng lượng tự do là một khái niệm “không chắc” – nó không đòi hỏi mọi vật sống phải tối thiểu hóa năng lượng tự do để tồn tại; nó chỉ đủ để giải thích sự sống tự tổ chức.

Mẹ Friston mất đã vài năm, nhưng gần đây ông bắt đầu nhớ về những lời bà thường trấn an khi ông còn nhỏ: Con rất thông minh, Karl à. “Tôi chưa bao giờ tin bà,” ông nói. “Thế mà giờ đây tôi đột nhiên thấy thích điều bà nói. Bây giờ tôi tin rằng mình thực sự khá thông minh.” Nhưng lòng tự tôn mới phát hiện này, ông nói, cũng khiến ông phải xem lại tính vị kỷ của mình. Friston nói rằng việc ông làm có hai động cơ chính. Tất nhiên sẽ rất tốt nếu một ngày nào đó được chứng kiến nguyên lý năng lượng tự do dẫn đến trí tuệ nhân tạo thực sự, ông nói, nhưng đó không phải một ưu tiên hàng đầu của ông. Thay vào đó, mong muốn lớn nhất của ông là phát triển nghiên cứu về bệnh tâm thần phân liệt, để giúp sửa chữa bộ não của những bệnh nhân như những người ông từng biết ở nhà thương điên. Và động cơ chính thứ hai, ông nói, “ích kỷ hơn rất nhiều.” Nó quay ngược về buổi tối hôm đó, ở trong phòng mình, cậu thiếu niên Friston nhìn cây anh đào và tự hỏi “Mình liệu có thể giải thích nó theo cách đơn giản nhất có thể?”

“Và đó là một điều rất buông thả. Nó không hề có lòng trắc ẩn vị tha ở đằng sau. Nó chỉ là ham muốn ích kỷ, ham muốn thử và hiểu được mọi thứ một cách đầy đủ nhất và chính xác nhất và đơn giản nhất có thể,” ông nói. “Tôi thường nghĩ về những chuyện đùa người ta kể về mình – đôi lúc ác ý, đôi lúc rất buồn cười. Và tôi nghĩ: Tôi có viết cho các vị đâu, tôi viết cho tôi.”

Friston bảo rằng thỉnh thoảng ông lỡ chuyến tàu cuối về nhà, khi mải mê với một bài toán làm ông mất hàng tuần. Khi đó, ông sẽ ngủ lại phòng làm việc, cuộn tròn trên chiếc sofa giường, trong tấm chăn Markov, bình yên và tách biệt với thế giới bên ngoài.

 

Nguyễn Hoàng Thạch dịch

Nguồn: https://www.wired.com/story/karl-friston-free-energy-principle-artificial-intelligence/

——-

Chú thích:

1 Nguyên văn “futon”, một loại giường đệm có thể gấp gọn thành xô-pha – ND.

2 Năm 2013, Friston chạy một mô hình mô phỏng một thứ xúp nguyên thủy chứa đầy những phân tử trôi nổi. Ông

lập trình để chúng tuân thủ các luật vật lý cơ bản và nguyên lý năng lượng tự do. Mô hình sinh ra những kết quả

trông giống như dạng sống có tổ chức.

3 Câu này đọc rất kỳ cục, nhưng vì trong bản gốc tiếng Anh nó đã kỳ cục như thế.

4 Friston sử dụng thuật ngữ “kiếm ăn tri thức” (epistemic foraging) để chỉ kiểu thám hiểm này. Ông nổi tiếng vì cách đặt thuật ngữ, được các đồng nghiệp gọi là “tiếng Friston”.

5 Đại học của Vua – ND.

6 “Active inference” – suy đoán chủ động – và “artificial intelligence” – trí tuệ nhân tạo – đều được viết tắt là AI – ND.

7 Psychohistory. Trong tiểu thuyết Foundation (1951), một nhân vật của Asimov định nghĩa nó như “một nhánh của

toán học nghiên cứu phản ứng của những cụm người trước những kích thích xã hội và kinh tế cho trước.

8 Nhà văn khoa học giả tưởng nổi tiếng – ND.

9 Một thứ bảy mới đây, một người đến gõ cửa hỏi bà vợ Friston có nhà không. Khi Friston trả lời có, người đó nói “Tốt quá, tôi có mang một con mèo chết đến đây.” Ông ta muốn nhồi nó.

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)