Kế hoạch lớn của châu Âu đối với Lithium, Cobalt và đất hiếm
Lithium, coban và đất hiếm sẽ quan trọng hơn dầu khí trong tương lai. Cho đến nay, Trung Quốc thống trị về thương mại đối với nguồn khoáng sản này. EU muốn nhanh chóng thay đổi tình trạng này bằng một đạo luật. Tờ WELT của Đức đã giải thích về tính thực tế của đại kế hoạch này và về khả năng độc lập của châu Âu với các nguyên liệu này.
Kho báu mà EU muốn khai quật cách Brussels 2000 km, ở phía bắc băng giá của Thụy Điển. Theo tập đoàn khai thác mỏ LKAB, trữ lượng đất hiếm ở đây đạt hơn một triệu tấn.
Những kim loại được sử dụng trong ô tô điện, tua-bin gió và điện thoại thông minh. Tuy nhiên, LKAB ước tính rằng phải mất 15 năm nữa mới có thể bắt đầu đi vào sản xuất. EU muốn tăng tốc quá trình này thông qua ban hành luật. Đây thực sự là một cuộc chiến toàn cầu giành nguồn tài nguyên trong tương lai.
Một Ủy ban đang lên kế hoạch cho một quy định về cái gọi là các tài nguyên quan trọng, theo đó có 30 loại nguyên liệu, ví dụ như lithium, coban, niken và đất hiếm. Đây là các loại tài nguyên không thể thiếu đối với một thế giới hiện đại.
Nhu cầu đối với lithium rất lớn, nó được coi như “vàng trắng”. Theo Ủy ban của EU, nhu cầu đối với nguyên liệu này có thể sẽ tăng lên gấp 57 lần vào năm 2050. Brussels tin rằng kim loại này một ngày nào đó có thể quan trọng hơn cả dầu mỏ.
Cho đến nay, châu Âu đã bị cắt khỏi chuỗi giá trị toàn cầu. Châu Âu có ít kim loại quý hơn so với các nước khác. Thậm chí tại châu lục này không có các cơ sở tinh chế lớn, không có cơ sở để tái chế các chất liệu này.
Trung Quốc nắm giữ nguồn tài nguyên mà châu Âu đanng rất cần để đẩy mạnh phát triển. Trong khi đó, Trung Quốc lại không phải là một đối tác thương mại đáng tin cậy. Brussels muốn ít nhất châu Âu phải đáp ứng được 10% nhu cầu đối với các nguyên liệu quan trọng này thông qua khai thác mỏ tại chỗ. 15% sẽ có được thông qua tái chế. Khoảng 40% tất cả các nguyên liệu quan trọng này sẽ được xử lý ở Châu Âu. Chiếu theo mong muốn của ủy ban này thì không lâu nữa ở EU sẽ xuất hiện hàng loạt mỏ và cơ sở tinh luyện các nguyên liệu vô cùng quan trọng này.
Vấn đề là nhà nước phải đẩy nhanh quá trình phê duyệt để không mất 15 năm cho việc khai thác mỏ như LKAB lo ngại ở Thụy Điển. Đối với các dự án đặc biệt quan trọng, tức “các dự án chiến lược”, thời gian nghiên cứu, xem xét không quá hai năm kể từ khi nộp đơn. Đây thực sự là một cuộc cách mạng.
Gần đây, người ta đã phát hiện ra một lượng lớn phốt phát, titan và vanadi ở tây bắc Na Uy. Tài nguyên vô cùng quý giá này nằm ở độ sâu tới 4500 mét và có lẽ chỉ cạn kiệt sau nhiều thế hệ.
Nhưng liệu các mục tiêu này của EU có thực tế không? Cuộc chiến tranh Ukraine khiến châu Âu nhận thức được tính dễ bị tổn thương của chính mình. Khi Nga đột ngột ngừng cung cấp khí đốt vào năm ngoái, mọi người đều thấy rõ rằng việc cung cấp nguyên liệu nhất thiết phải được đảm bảo.
Các kế hoạch của Ủy ban không được đón nhận ở mọi nơi. Không ít người cho rằng, nếu không giám sát nghiêm ngặt thì nhiều vấn đề sẽ nảy sinh, đặc biệt là vấn đề về môi trường.
Thụy Điển có đất hiếm, Bồ Đào Nha có lithium. Và ở Brandenburg (Đức), một nhà máy tinh chế sẽ được xây dựng đề có thể tạo đủ lithium cho nửa triệu ô tô điện mỗi năm. Tuy nhiên, châu Âu có lẽ sẽ không bao giờ có thể tự đảm bảo được các nguồn nguyên liệu này mà chỉ đáp ứng khoảng 30%.
Cho đến nay, châu Âu không đóng vai trò gì trong cuộc tranh giành các loại kim loại quý giá này. Ví dụ, lithium chủ yếu được khai thác ở Chile và Úc, rồi vận chuyển đến Trung Quốc để tinh chế và trở thành linh kiện cho pin và máy tính. Từ đó, Trung Quốc xuất khẩu những sản phẩm này đi khắp thế giới, bao gồm cả châu Âu.
Trung Quốc gần như nắm độc quyền trong việc xử lý các nguồn tài nguyên quan trọng. Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức cho thấy, châu Âu phụ thuộc 100% vào nhập khẩu đối với 14 trong số 27 nguyên liệu quan trọng trong danh sách của Ủy ban.
Ai có thể bảo đảm Trung Quốc sẽ không ngừng xuất khẩu sang phương Tây nếu có tranh chấp, chẳng hạn như về Đài Loan? Cách đây không lâu, năm 2010, Bắc Kinh đã tạm dừng cung cấp đất hiếm cho Nhật Bản trong một thời gian ngắn. Vào thời điểm đó, hai nước đang tranh chấp một nhóm đảo. Trung Quốc đã biến nguyên liệu của họ thành vũ khí chính trị. EU muốn ngăn chặn không để đến một lúc nào đó bị tấn công theo cách này.
Xuân Hoài dịch
Nguồn: Der große europäische Plan mit Lithium, Kobalt und Seltenen Erden