Kết nối ẩn trong không gian đô thị

Rút cục với con người, đô thị có ý nghĩa như thế nào? liệu con người có quyền được sống trong những đô thị đáng sống?

Công viên Thống Nhất trở thành một điểm đến ưa thích. Ảnh: Mỹ Hạnh

Câu hỏi này chợt dấy lên vào những ngày tháng ba, khi tốp tốp người lũ lượt kéo về chụp ảnh trước Hàm cá mập – tòa nhà trung tâm thương mại năm sáu tầng với các cửa hàng thời trang, cà phê… sang chảnh nằm ở giữa hai con phố Đinh Tiên Hoàng và Cầu Gỗ, nhìn ra quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. 

Được xây dựng vào đầu những năm 1990 trên nền Nhà xe điện và Bách hóa Bờ Hồ cũ, tòa nhà Hàm cá mập đã hứng chịu bao tai tiếng một thời bởi sự lệch pha của nó với toàn bộ không gian xanh hồ Gươm và các khối di sản kiến trúc Pháp duyên dáng xung quanh. Ba thập niên trôi qua, nỗi nhức nhối thị giác này đột nhiên chuyển thành cơn nuối tiếc của nhiều người, sau đề xuất phá bỏ tòa nhà Hàm cá mập để cải tạo không gian bên hồ Gươm của UBND thành phố Hà Nội.

Khoan hãy bàn về kế hoạch tạo dựng một không gian mới cho hồ Gươm của UBND thành phố Hà Nội, nỗi luyến thương Hàm cá mập khiến người ta phải suy nghĩ và tìm cách lý giải vì sao lại xảy ra nông nỗi này? Có phải mỗi nơi chốn nào đó trong đô thị cũng đều mang một giá trị nhất định với con người, nằm ngoài cả sự sắp xếp hoặc mong đợi của chính quyền thành phố? Có lẽ, “đô thị không chỉ là một nơi chốn trong không gian, nó còn là một vở kịch trong thời gian”, câu nói của nhà sinh học, xã hội học Scotland Patrick Geddes dường như gợi mở với chúng ta nhiều điều hơn về giá trị của đô thị đối với con người, một thứ giá trị cần được xem xét kỹ lưỡng hơn, dưới nhiều góc độ hơn bởi ngày nay, hơn một nửa dân số thế giới – 4,4 tỉ người – đều sống ở các đô thị. Kể từ cái mốc số dân sống ở đô thị vượt quá số người sống ở nông thôn vào năm 2008, con số này vẫn tiếp tục tăng đến mức được dự đoán sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2050, nghĩa là cứ 10 người thì sẽ có bảy chọn sống ở đô thị1.  

Giá trị ấy của đô thị có bất biến theo thời gian?

Các không gian trong thành phố 

Những quầng sáng rực rỡ của đô thị luôn thừa sức thu hút con người. “Chuyến tàu đêm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình như kém sáng hơn. Nhưng họ ở Hà Nội về! Liên lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn đối với Liên, khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu”. Bức tranh phân cực hai thế giới, nông thôn và thành thị, mà nhà văn Thạch Lam phác thảo trong truyện ngắn mang nỗi buồn man mác “Hai chị em”, từ gần tám thập niên trước, đã phần nào gợi mở về sức hấp dẫn của chốn phố phường ngay từ thuở đầu hình thành Hà Nội theo lối đô thị hiện đại như chúng ta thấy ngày nay. 


Không gian thứ ba thúc đẩy sự hình thành cộng đồng và các quy tắc ứng xử văn minh của thời đại họ sống. Và hơn thế, nó nằm ở tâm điểm sức sống của một cộng đồng, một đô thị. Tòa nhà Hàm cá mập chính là một nơi chốn thuộc về không gian thứ ba của thành phố.

Trải qua cả thế kỷ, với con người, sức hút của thành thị chưa bao giờ bị giảm sút, dẫu sau COVID-19, lác đác xuất hiện đây đó trào lưu ngược dòng “bỏ phố về quê”. “Đô thị luôn là miền đất hứa”, theo nhận xét của GS. Nguyễn Văn Chính (Khoa Nhân học và Tôn giáo học, trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN) trong “Di cư, đói nghèo và phát triển”. Sở dĩ có sức hút này là bởi đô thị luôn hứa hẹn về những không gian sinh tồn hiện đại, với việc thiết kế và quy hoạch cảnh quan, tạo dựng và nâng cấp các cơ sở hạ tầng thiết yếu mà chính quyền đô thị có thể gánh vác ở những mức độ khác nhau. Trong không gian đô thị, tất cả mọi thứ hàng hóa dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống dường như đều có sẵn để người ta có thể thu xếp cho mình, gia đình mình một cuộc sống dài hạn – trong phạm vi chi trả của mình – với các khả năng tiếp cận hệ thống giao thông, điện nước, vệ sinh, giáo dục, y tế, thông tin, văn hóa, giải trí… Việc con người đến và đi trong khoảng thời gian dài hay ngắn ở các không gian đô thị phụ thuộc không nhỏ vào các yếu tố này. 

So với làng xã truyền thống, đô thị vẫn là những nơi luôn nhận được sự phân bổ nhiều nguồn lực phát triển nhất. Các đô thị ngày nay đều được xây dựng để trở thành những trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa, công nghiệp, du lịch… của vùng, của đất nước, và theo quy luật phát triển thì càng thịnh vượng, các quầng sáng đô thị càng tạo ra nhiều hấp lực với con người. Sự thụ hưởng nguồn lực này không diễn ra một chiều, bởi chính những con người với các kỹ năng, hiểu biết, vốn sống khác nhau mà đô thị dung nạp, đến lượt mình kết tụ thành một nguồn sinh khí mới, tiếp sức cho sự phát triển đô thị. Đó cũng là lý do mà các nhà nghiên cứu đô thị trường ĐH Stanford cho rằng “Đô thị đều là những không gian sống mà về mặt lịch sử, được hình thành từ công sức tập thể và vô số bồi đắp của các cá nhân nhiều hơn hoặc chí ít cũng tương đương với bản thiết kế tổng thể của một nhà quy hoạch”2. Tuy nhiên, không phải lúc nào chính quyền đô thị cũng nhận ngay ra điều đó. “Có tài liệu lịch sử cho thấy ngay từ thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông đã từng ra lệnh đuổi tất cả những người dân tứ xứ đổ về Thăng Long kiếm kế sinh nhai, và chỉ kịp sửa sai sau khi nhận thấy chính những người di cư đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế của đô thành và đóng thuế nuôi triều đình”, GS. Nguyễn Văn Chính đã lưu ý về sự đóng góp của người di cư, một nguồn nhân lực dồi dào trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của Hà Nội3

Các ki ốt và quán nước vỉa hè là nơi nhiều người có thể lui tới. Ảnh: Mỹ Hạnh.

Trong các đô thị, những không gian sinh tồn của các cá nhân, các cộng đồng và xã hội vừa tách bạch, chồng lấn và giao thoa để hình thành một không gian tổng thể chứa đựng sức sống và bản sắc của mỗi đô thị. Nếu nhìn cận cảnh, có thể thấy những không gian đó được phân chia theo những chiều kích khác nhau mà người ta có thể dựa vào tính chất để đưa vào những ô khác nhau. Trong hai cuốn The Great Good Place (xuất bản năm 1989) và Celebrating The Third Place (xuất bản năm 2001),nhà xã hội học đô thị Mỹ Ray Oldenburg đưa ra khái niệm “không gian thứ ba” (third place) trong thành phố và nhận diện không gian này như một không gian công cộng trung tính mà người ta có thể tụ tập và tương tác với nhau. Nếu không gian thứ nhất (first place) mang tính riêng tư, biệt lập như nhà riêng, nơi con người sống, nương náu một cách an toàn, và không gian thứ hai (second place) mang tính trang trọng, chính thức, được cấu trúc theo định hướng của nghề nghiệp với những quy tắc điều chỉnh hành vi và quan hệ của con người với con người như công sở, trường học, bệnh viện…, thì tương phản với đó, không gian thứ ba mang lại sự thoải mái, thư giãn và trò chuyện, như các quán cà phê, chợ, thư viện, vườn hoa… Viện Zukunftsinstitut, một tổ chức nghiên cứu được thành lập vào năm 1998 và đóng vai trò quan trọng trong các nghiên cứu về xu hướng và tương lai xã hội ở Đức, cho rằng, không gian thứ ba “có thể là không gian công cộng trong một khu vực đô thị, nhưng cũng có thể là những nơi bán công cộng như nhà ga xe lửa, địa điểm thể thao hoặc địa điểm văn hóa” 4. Những không gian như thế có khắp quanh chúng ta, từ những ghế đá công cộng nơi chúng ta ngồi xuống đến những vỉa hè chúng ta băng qua, tất cả đều là một phần của thực tại xã hội chúng ta sống và cách chúng ta đối đãi, cư xử ở không gian ấy là một phần tồn tại xã hội chúng ta tham gia. 


Giá trị xã hội của đô thị chính là sự tập trung vào con người, các kết nối xã hội và chất lượng cuộc sống của họ.

Có thể thấy, không gian thứ ba tạo ra sự cân bằng cho con người giữa không gian thứ nhất và thứ hai, giữa sự riêng tư và khuôn khổ. Trong những không gian trung lập này, mọi người có thể tụ tập, gắn kết, đàm thoại một cách bình đẳng, vượt qua mọi khoảng cách địa vị, đẳng cấp, chủng tộc. Do đó, Oldenburg cho rằng, không gian thứ ba thúc đẩy sự hình thành cộng đồng và các quy tắc ứng xử văn minh của thời đại họ sống. Và hơn thế, nó nằm ở tâm điểm sức sống của một cộng đồng, một đô thị. 

Tòa nhà Hàm cá mập chính là một nơi chốn thuộc về không gian thứ ba của thành phố. Dù giá một cốc cà phê ở đó có thể đắt đỏ hơn các hàng quán vỉa hè và kiến trúc thì gây tranh cãi về tính thẩm mỹ nhưng cuối cùng nó cũng trở thành một tọa độ hò hẹn, thậm chí một điểm mốc nhận diện không gian phố phường, một cầu nối nữa khu vực kiến trúc Pháp và khu vực 36 phố phường. “Con người gắn bó với những công trình như vậy bởi nó cũng mang ý nghĩa biểu tượng nào đó, câu chuyện nào đó, kỷ niệm nào đó với họ, một cảm giác về nơi chốn. Lúc xây dựng thì đó chỉ là công trình nhưng việc con người thường xuyên gắn kết đã tạo ra sức sống cho nó”, TS. Stan BH Tan-Tangbau, nhà nhân học văn hóa Singapore từng sống và làm việc tại Việt Nam, tác giả cuốn Chơi jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội, nhận xét. Theo cách này, cảm nhận về nơi chốn đã trở thành lăng kính mà qua đó, con người trải nghiệm và tạo dựng ý nghĩa của trải nghiệm với nơi chốn.

Mặc dù không gian thứ nhất đem lại cho con người một đời sống gia đình riêng tư, không gian thứ hai gắn liền với nghề nghiệp, thu nhập, sinh kế thì không gian thứ ba mở rộng sự gắn kết xã hội. “Cuộc sống không giao tiếp với cộng đồng, với nhiều người, chỉ còn là một lối sống gói gọn trong chuyến di chuyển từ nhà tới nơi làm việc và ngược trở lại”, Ray Oldenburg viết trong The Great Good Place

Không gian thứ ba ấy liệu có đóng góp gì vào đô thị hiện đại? 

Giá trị xã hội của đô thị, giá trị của kết nối

Sức hút của đô thị không chỉ nằm ở những dãy phố hào nhoáng, những tòa nhà kiến trúc hiện đại, các xu hướng thời trang mới mẻ mà còn nằm ở những giá trị nó đem lại cho con người. Nhìn rộng ra ngoài cơ hội gia tăng thu nhập, sinh kế, đô thị còn cung cấp cho con người các kết nối xã hội, làm giàu vốn văn hóa, cải thiện chất lượng cuộc sống, và cuối cùng là đóng góp vào một xã hội công bằng và bền vững hơn. Đó chính là giá trị xã hội của đô thị. Trên thế giới, người ta thường dùng chỉ số đánh giá tác động xã hội (social  impact assessment (SIA) trong phân tích, đánh giá chất lượng cơ sở hạ tầng đô thị thông qua các nhân tố như chất lượng nhà ở, dịch vụ địa phương, môi trường sống, chăm sóc sức khỏe và an ninh, lối sống, các điều kiện vận chuyển… Nếu nhìn từ lăng kính này thì nói một cách đơn giản, giá trị xã hội của đô thị chính là sự tập trung vào con người, các kết nối xã hội và chất lượng cuộc sống của họ. 

Vỉa hè là một nơi kết nối mọi người một cách bình đẳng. Ảnh: Thanh Nhàn.

Có thể công cuộc mưu sinh khiến không mấy người quan tâm đến giá trị của những kết nối này nhưng cho đến một ngày, COVID-19 làm gián đoạn mọi hoạt động, những kết nối tưởng chừng vô hình đã được hiển thị một cách rõ ràng. Nếu trước đây, người nông dân bị giới hạn bởi lũy tre làng thì trong giai đoạn cao điểm của COVID-19, chính sách “ai ở đâu, ở yên đó” giữ mọi người giữa bốn bức tường. Nỗi khao khát được gặp gỡ, trò chuyện ở không gian mở như lề đường, vỉa hè, chợ, vườn hoa, quán cà phê… khiến nhiều người trong thời kỳ đó rơi vào cảnh bị phạt dở khóc dở cười. Tại sao lại như vậy? Con người về bản chất là sinh vật xã hội, được tiến hóa trong môi trường mà hợp tác là cách duy nhất để sống sót. Những kết nối xã hội tương ứng với ba không gian – mối quan hệ cá nhân và gia đình, các liên kết với mạng lưới rộng hơn của bè bạn, đồng nghiệp, và kết nối mang tính tập thể – đều quan trọng. Những tiếp xúc gần gũi thường xuyên với người mình yêu quý đến những tương tác ngẫu nhiên trên đường phố, chốn công cộng đều có giá trị riêng. “Tất cả đã trở thành một phần của cuộc sống, gắn bó như hơi thở cho sự sinh tồn”, GS. Nguyễn Văn Chính đã nhận xét trong “Lần đầu đến Hà Nội” (Tự sự dân tộc học).

Giá trị xã hội của đô thị chính là nằm ở việc tạo dựng và duy trì những kết nối giữa con người với con người như vậy, thông qua ba tầng không gian, đặc biệt là không gian thứ ba. Nếu hệ thống giao thông đô thị hiện đại cho phép con người di chuyển thì các nơi chốn được bố trí, cấu trúc trong thành phố như thư viện, quán cà phê, vỉa hè, vườn hoa, đài phun nước, nhà hát, phố đi bộ… cho phép họ gặp gỡ, trao đổi. “Nếu không có đời sống công cộng phi chính thức này, cuộc sống sẽ trở nên đắt đỏ hơn nhiều”, Oldenburg viết trong cuốn sách nổi tiếng của mình và lý giải rằng, khi không gian thứ ba, vốn những nơi mang nhiều ý nghĩa và đem lại sự thư giãn, giải trí cho con người, không còn được chia sẻ công khai, chúng có xu hướng trở thành của riêng và hàng hóa mà có thể số đông không thể tiếp cận. 


Khi không gian thứ ba, vốn những nơi mang nhiều ý nghĩa và đem lại sự thư giãn, giải trí cho con người, không còn được chia sẻ công khai, chúng có xu hướng trở thành của riêng và hàng hóa mà có thể số đông không thể tiếp cận. 

Trong những ngày này, có vẻ như Hà Nội đang nỗ lực củng cố những nơi chốn như thế. Các hàng rào ở công viên Thống Nhất, Cầu Giấy đã được hạ xuống, vỉa hè quanh công viên được nâng cấp để tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận dễ dàng và qua đó, hình thành không gian mở theo đúng nghĩa. Các trụ nước uống trực tiếp từ vòi cũng được lắp đặt tại vườn hoa Sơn Tây, tượng đài Lý Thái Tổ, cổng chợ Hàng Da, cổng chợ Đồng Xuân, hồ Thiền Quang… để cung cấp nước sạch, hợp tiêu chuẩn vệ sinh cho mọi người. Tuy nhiên, điều đó có vẻ như chưa đủ với một thành phố lớn nhất nhì quốc gia, thuộc một đồng bằng châu thổ đã được học giả người Pháp Pierre Gourou dự báo từ năm 1936,  trong cuốn Người nông dân đồng bằng Bắc Bộ rằng “khó mà đáp ứng được nhu cầu của lượng dân số tăng gấp đôi” vào cuối thế kỷ. Và giờ đây, Hà Nội không chỉ thuộc nhóm những đô thị có mật độ dân số lớn nhất thế giới (lên tới 404 người/ha) mà còn là thành phố có tỷ lệ không gian công cộng rất hạn chế, khi chỉ chiếm 0,3 % tổng diện tích thành phố 5.

Trong sự hạn hẹp không gian công cộng đó, ý tưởng cho thuê vỉa hè ở 123 tuyến phố để phục vụ kinh doanh, phát triển kinh tế đô thị của Hà Nội càng khiến gây tranh cãi. Dường như khi lên ý tưởng này, người ta quên mất rằng, đường phố và vỉa hè là “những không gian công cộng chính yếu của thành phố”, như nhận định của Jane Jacob, tác giả cuốn The Death and Life of Great American Cities (1961). Từ lâu, các nhà xã hội học đô thị đã nhận định rằng, việc kéo dài những bước chân trên vỉa hè hay dọc những lối đi cho người đi bộ có thể đem lại cơ hội cho họ trò chuyện, trẻ con chơi đùa, người buôn thúng bán mẹt quảy gánh hàng, các cửa hàng bày bán mặt hàng. Ở các thành phố Nam bán cầu, các vỉa hè là mạch sống của thành phố, đem lại nơi chốn gặp gỡ của nhiều người thu nhập thấp. Thật vậy ở Hà Nội, những thanh niên từ nông thôn tìm việc làm ở phố phường, muốn tìm nơi thư giãn để xả hơi với bạn bè sau giờ làm việc vất vả nhưng bị giơi hạn ở không gian chật chội, tồi tàn họ thuê trọ, phương tiện họ di chuyển, thậm chí cả sự kỳ thị xã hội, đã tìm thấy chốn mơ ước ở không gian thứ ba như quầy tạp hóa, quán trà đá vỉa hè hoặc phố đi bộ 6. Người ta vẫn tin rằng, ở những thành phố lớn, nơi có nhiều dòng người di cư đổ về như Hà Nội hay TPHCM, sự tương tác, kết nối xã hội để hình thành mạng lưới xã hội càng có giá trị đặc biệt. Các mạng lưới xã hội, vốn xã hội và vốn con người “được người di cư sử dụng như một chiến lược sinh tồn trong môi trường làm việc mới”, theo GS. Nguyễn Văn Chính. Đó chính là cách để con người tồn tại, bám víu trong một thế giới xa lạ và chuyển động không ngừng. “Trong khi vốn kinh tế có trong tài khoản ngân hàng của mỗi con người thì vốn con người lại ở trong đầu họ”, nhà xã hội học Mỹ gốc Cuba Alejandro Portes lưu ý. “Vốn xã hội vốn có ở trong cấu trúc các mối quan hệ của họ”. 

Do đó, mỗi mảnh của không gian thứ ba quanh chúng ta đều mang nhiều ý nghĩa. Bất chấp lo ngại các đô thị với nếp sống hiện đại luôn đi kèm với sự cô đơn và trống rỗng thì ở đó vẫn có vô vàn ý nghĩa và cơ hội thúc đẩy kết nối xã hội từ những không gian như thế, nơi con người vẫn có thể hưởng lợi ích về việc tương tác lẫn nhau và tạo được cảm giác thân thuộc về nơi chốn. Trong khi đó, niềm tin, sự cảm thông, kính trọng, hiểu biết, sự tin cậy và tinh thần đồng hợp tác, những phẩm chất thuộc về cốt lõi của kết nối xã hội, thường đến một cách dễ dàng hơn thông qua tương tác trực tiếp, theo hai nhà xã hội học Michael Schluter và David Lee.

Làm gì để có thành phố đáng sống?

Trong vài năm trở lại đây, người ta nói nhiều đến thành phố thông minh như một cách thức đem đến những không gian sống bền vững hơn, nhiều ý nghĩa hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua việc sử dụng các công nghệ số. Có thể, đó là đích đến của các thành phố trên con đường hiện đại hóa và tận dụng được lợi thế của các công nghệ tiên tiến. Hà Nội hay TPHCM và các thành phố khác của Việt Nam cũng không ngoại lệ với xu hướng này.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu xã hội học đô thị cũng lưu ý, khi chúng ta thiết kế các thành phố theo hướng ngày một gia tăng về quy mô và tích hợp các công nghệ ngày một phức tạp, có thể chúng ta cần tính đến nguy cơ lãng quên những ‘người sử dụng’ trong thành phố sẽ ngày một gia tăng. Và các thành phố được tăng cường các hệ thống công nghệ thông tin không nhất thiết là các thành phố mà con người muốn sống. 


Vấn đề cốt lõi của các đô thị vẫn là tạo dựng các không gian để kết nối con người với con người, thúc đẩy sự phát triển của họ, qua đó đóng góp vào sự phát triển thành phố họ sống.

Vì thế, vấn đề cốt lõi của các đô thị vẫn là tạo dựng các không gian để kết nối con người với con người, thúc đẩy sự phát triển của họ, qua đó đóng góp vào sự phát triển thành phố họ sống. Đó là lý do khái niệm thành phố bền vững, thành phố thành công được xem xét khi đảm bảo bốn yếu tố: vốn xã hội, niềm tin, sự gắn kết và hòa nhập. Sự kết nối xã hội là khối xây dựng thiết yếu giúp chúng ta đạt được điều đó. Ngày càng có bằng chứng cho thấy, nếu chúng ta muốn các thành phố phát triển, thu hút các nguồn lực quốc tế như mong đợi, chúng ta cần đưa ra những lựa chọn thiết kế đô thị có chủ đích để khuyến khích hình thành các tương tác của các nhóm cộng đồng xã hội, tăng cường sự hòa nhập 7. Theo nghĩa này, các thành phố sẽ trở thành những thành phố đáng sống cho mọi công dân. 

Sự phát triển của một đô thị, một vùng đất, một quốc gia không phải lúc nào cũng đi lên vĩnh viễn. Lịch sử cho thấy có vô số những khúc quanh và khoảng lùi lúc nào cũng chực chờ, bởi lẽ sự dâu bể có thể giáng xuống những nơi sầm uất, phồn hoa theo những cách khác nhau, dưới những hình thức khác nhau như thiên tai, địch họa, nạn đói, quyết sách không phù hợp… như trường hợp các thành cổ Lương Chử, Angkor, Tikal… Giờ đây, biến đổi khí hậu càng làm tăng thêm sự bất định. Do đó, chiến lược sinh tồn và phát triển của các đô thị chính là việc tập trung vào nguồn lực con người, xây dựng các đô thị trở nên nhân bản hơn mà việc tăng cường kết nối xã hội là một phần không thể thiếu.□

Tài liệu tham khảo

Nguyễn Văn Chính. Di cư, đói nghèo và phát triển. NXB Khoa học xã hội.

Jane-Frances Kelly. Social Cities

Chú thích:

1. https://www.worldbank.org/en/topic/urbandevelopment/overview 

2. https://news.stanford.edu/stories/2016/10/imagine-truly-human-cities

3. https://tiasang.com.vn/van-hoa/cau-truc-va-giai-cau-truc-ban-sac-van-hoa-ha-noi

4. https://www.alfred-mueller.ch/en/forum/article/third-places-cities-our-living-rooms

5. https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/kien-tao-cac-khong-gian-mo-cong-cong-da-chuc-nang-huong-toi-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-cua-thanh-pho.html

6.https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1002/psp.2614https://www.nature.com/articles/s41586-023-06757-3

7. https://www.nature.com/articles/s41586-023-06757-3

Bài đăng Tia Sáng số 7/2025

Tác giả

(Visited 47 times, 46 visits today)