Kết nối, sáng tạo xã hội ở khu vực Đông Á
Hội đồng Anh đã thúc đẩy sự hợp tác giữa những nhà hoạch định chính sách, các cơ sở giáo dục và các doanh nhân thông qua chương trình “Sáng tạo xã hội ở khu vực Đông Á”.
Sự quan trọng của đổi mới sáng tạo
Nhằm tìm kiếm và hỗ trợ những nhà sáng tạo xã hội với mong muốn xây dựng giải pháp cho các vấn đề ở khu vực Đông Á và ở nước Anh, Hội đồng Anh đã thúc đẩy sự hợp tác giữa những nhà hoạch định chính sách, các cơ sở giáo dục đại học, các doanh nhân xã hội thông qua chương trình “Sáng tạo xã hội ở khu vực Đông Á”.
Dự án được thực hiện trong 3 năm từ năm 2018 – 2021 tại 6 quốc gia thuộc khu vực Đông Á gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc và Myanmar.
Trong đó có câu chuyện điển hình về ứng phó với COVID-19. Chương trình nâng cao năng lực doanh nghiệp xã hội ở Đông Nam Á được áp dụng từ kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp xã hội của nước Anh và đã thực hiện các chương trình tập huấn cho lãnh đạo doanh nghiệp xã hội đang muốn đẩy mạnh mô hình kinh doanh của mình.
Doanh nghiệp xã hội InspiraComm thực hiện các hoạt động dành cho học sinh tại Malaysia
Chương trình được thiết kế bởi Hội đồng Anh và được thực hiện bởi Mạng lưới thiện doanh châu Á (AVPN, là mạng lưới các nhà đầu tư xã hội) và Học viện Doanh nghiệp xã hội quốc tế (nhà cung cấp chương trình đào tạo toàn cầu cho các doanh nhân xã hội), chương trình đã chào đón các doanh nhân xã hội từ Indonesia, Malaysia, Việt Nam Philippines và Hồng Kông.
Theo Trưởng bộ phận Kinh tế và tác động toàn cầu tại Hội đồng Anh, nghiên cứu chỉ ra rằng đổi mới sáng tạo và sự linh hoạt hiện nay đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Điển hình như doanh nghiệp xã hội InspiraComm của cô Nurlina Hussin, tổ chức các hoạt động tại các trường học ở Malaysia dành cho trẻ em từ những gia đình có thu nhập thấp gặp khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục. Từ năm 2018-2019, doanh nghiệp xã hội của cô đã làm việc với 500 học sinh. Năm 2021, cô hy vọng đạt 800 học sinh và đang đặt mục tiêu 5.000 học sinh/năm vào năm 2030.
Các trường học bị đóng cửa bởi COVID-19, Nurlina đã thay đổi mô hình kinh doanh của mình và bắt đầu cung cấp các hoạt động giáo dục trực tuyến cho những học viên khá giả – điều này giúp tạo ra nguồn thu nhập để hỗ trợ các dịch vụ giáo dục đối với những học sinh có điều kiện kinh tế khó khăn hơn.
Vì một thế giới không rác thải
“Công dân tích cực vì một thế giới không rác thải” là dự án không chỉ hướng tới việc nâng cao nhận thức của người dân trong cộng đồng mà còn giúp học sinh tác động đến cha mẹ để thay đổi hành vi của họ với rác thải nhựa”, cô Gấm Trần – quản lý cấp cao Chương trình Giáo dục và xã hội của Hội đồng Anh tại Việt Nam cho biết.
Việt Nam phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng môi trường ở cấp độ quốc gia, trong khi mỗi cộng đồng đều có sự khác biệt và có những cách tiếp cận khác nhau đối với các vấn đề cụ thể về môi trường. Đó là lý do tại sao Hội đồng Anh quyết định sử dụng cách tiếp cận công dân tích cực.
Theo đó, những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các vấn đề được trao quyền để trở thành người tạo ra thay đổi tích cực thông qua việc tìm hiểu về bản thân, điểm mạnh và điểm yếu của họ, trước khi đưa ra các giải pháp mà họ cảm thấy sẽ hiệu quả cho chính cộng đồng của mình.
Dự án “Công dân tích cực vì thế giới không rác thải” đã diễn ra tại Hà Nội, Thừa Thiên-Huế, TP.HCM và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Một trong những địa bàn tham gia dự án là tỉnh Đồng Tháp, có dải động thực vật rất phong phú, nhưng việc xử lý và đổ rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh đang đe dọa đến đa dạng sinh học ở đây.
Tham gia dự án, anh Tường giáo viên tiếng Anh được đào tạo để trở thành một tập huấn viên của chương trình Công dân tích cực bày tỏ: “Giáo viên nên hiểu đúng các vấn đề về môi trường để biết cách giúp học sinh bắt đầu áp dụng lối sống bền vững hơn. Quản lý rác thải không phải là vấn đề của một cá nhân mà là trách nhiệm của tất cả mọi người”.
Theo 1thegioi