Kết nối và tạo niềm tin
Đó là hai nội dung quan trọng liên quan đến vai trò của Nhà nước trong Đề án “Chương trình quốc gia hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025“ do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN xây dựng để trình Chính phủ trong năm 2015. Tia Sáng đã có cuộc trao đổi với chị Phan Hoàng Lan, một trong những thành viên trực tiếp soạn thảo Đề án.
Xin chị cho biết điểm yếu nhất của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam hiện nay là gì và dự thảo đề án đề xuất giải pháp nào để giải quyết điều đó?
Vấn đề đặt ra với Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay là hình thành các mối liên kết giữa các chủ thể của cộng đồng khởi nghiệp. Hầu hết các mối quan hệ giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp và các tổ chức hỗ trợ, hay giữa các tổ chức hỗ trợ với nhau được hình thành một cách tự phát và chưa có một hệ thống thông tin kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp. Điều này đang kìm hãm sự phát triển của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng như của cả hệ sinh thái nói chung. Ví dụ, do thiếu thông tin, các startup luôn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ và nguồn vốn. Tương tự, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp lại chỉ tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin mà bỏ qua lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, cơ khí… Các nhà đầu tư và quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài không theo sát được việc thay đổi các quy định, chính sách của Việt Nam và cũng không nắm được bức tranh toàn cảnh của hệ sinh thái khởi nghiệp nên còn e dè khi đầu tư vào vườn ươm của các trường đại học.
Giải pháp chính của đề án là xây dựng và khuyến khích thành lập mạng lưới giữa các tổ chức khởi nghiệp, tạo ra một “dây chuyền” cùng hỗ trợ các startup. Bên cạnh đó là xây dựng nền tảng chia sẻ thông tin cởi mở giữa các đối tượng trong hệ sinh thái để tạo ra sự tin tưởng đối với các nhà đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước.
Với mục tiêu lớn là kết nối và tạo niềm tin cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam, chị có thể nói cụ thể hơn về vai trò của Nhà nước trong dự thảo đề án này?
Trước hết, Nhà nước sẽ kết nối và thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp bằng cách thiết lập một cổng thông tin cập nhật liên tục các chính sách liên quan đến startups, xây dựng bản đồ Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam bao gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp được phân loại theo ngành nghề, giai đoạn phát triển; các nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ (phân loại theo quy mô và lĩnh vực ưu tiên); các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thứ hai là tạo niềm tin giữa các thành tố trong hệ sinh thái bằng cách cùng tham gia tổ chức và hỗ trợ tổ chức các sự kiện khởi nghiệp lớn và cung cấp các chương trình đào tạo chuyên nghiệp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp, các nhà đầu tư thiên thần… Thứ ba, Nhà nước sẽ đối ứng vốn cho các nhóm tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và cho các nhà đầu tư thiên thần thay vì đầu tư trực tiếp cho các startup như trước. Thứ tư, Đề án cũng hướng tới nâng cao văn hóa khởi nghiệp tại Việt Nam thông qua việc đưa các nội dung đào tạo về khởi nghiệp vào chương trình học tại các trường trung học phổ thông và đại học. Ngoài ra, các thành viên trong Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập Đề án trong quá trình soạn thảo thường xuyên làm việc trực tiếp, tiếp thu ý kiến của cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp để làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện các nội dung của Đề án liên quan đến các cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp.
Qua sự kiện Ngày hội khởi nghiệp công nghệ Việt Nam (Techfest 2015) vào tháng Năm vừa qua, có thể nhận thấy rằng, điều mà Nhà nước có thể làm ngay là tạo ra sự kết nối và tin tưởng… Việc một đơn vị Nhà nước là Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN, cùng Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với các đối tác của trong hệ sinh thái khởi nghiệp như Hub.IT, Topica Founder Institute, Hatch!Program, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam và Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP), Dự án FIRST,… cùng tổ chức sự kiện đã giúp tạo được niềm tin rất lớn và thu hút được đông đảo các nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ, doanh nghiệp, các trường đại học trong nước và quốc tế.
Về việc cấp vốn đối ứng hỗ trợ khởi nghiệp, theo chị Đề án nên xây dựng quy trình ra sao để khắc phục tình trạng xin – cho dẫn đến nhiều tiêu cực?
Ban Soạn thảo Đề án đã tham vấn kinh nghiệm của bà Lisa Delp, một trong những chuyên gia cố vấn của Ohio Third Frontier, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và tiếp cận vốn đầu tư ở bang Ohio, Mỹ- một hệ sinh thái khởi nghiệp có điểm xuất phát tương đồng với Việt Nam. Theo mô hình này, Nhà nước sẽ đối ứng vốn cho các nhà đầu tư và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp thay vì cấp vốn trực tiếp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Như vậy, vốn của Nhà nước bỏ ra không quá lớn nhưng được sử dụng hiệu quả do được quản lý bởi các đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực hỗ trợ khởi nghiệp, đồng thời lại tận dụng được vốn nhàn rỗi của tư nhân. Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, mô hình này không chỉ mang lại cơ hội tiếp cận nguồn vốn đầu tư mà với rất nhiều dịch vụ hỗ trợ cần thiết như tư vấn pháp lý, marketing, không gian làm việc chung v.v…
Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp được lựa chọn và nhận vốn đối ứng của Nhà nước là những đơn vị có kinh nghiệm, uy tín và nhiều mối liên kết với các đối tác khác trong cộng đồng khởi nghiệp. Những đơn vị đã hoàn thành chương trình đào tạo chuyên nghiệp nhằm trang bị các kỹ năng và kiến thức hỗ trợ khởi nghiệp sẽ được ưu tiên trong quá trình tuyển chọn. Quan trọng hơn, Nhà nước sẽ không hỗ trợ cho một tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đơn lẻ mà cho một nhóm tổ chức trên nhiều lĩnh vực hợp tác và liên kết với nhau để có thể hỗ trợ startup một cách toàn diện.
Để hạn chế tới mức thấp nhất những tiêu cực có thể đến khi tiến hành xuất vốn, Đề án dự định đề xuất áp dụng kinh nghiệm học hỏi từ Ohio Third Frontier, đó là sử dụng phần mềm tiêu chuẩn để minh bạch và công khai toàn bộ quy trình cấp vốn và báo cáo công tác hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Thông tin về các hoạt động hỗ trợ sẽ được công bố rộng rãi và kết quả của các hoạt động này sẽ được xác định bởi tình hình phát triển các doanh nghiệp, số lượng việc làm được tạo ra, số lượng doanh nghiệp được thành lập v.v…
Nếu được phê duyệt và đi vào hoạt động thì Đề án sẽ ưu tiên thực hiện những hoạt động nào?
Trong quá trình triển khai Đề án, việc liên kết với một số các đơn vị liên quan xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp, các nhà đầu tư và các huấn luyện viên khởi nghiệp luôn là một hoạt động được ưu tiên, nhằm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ hệ sinh thái khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, Đề án cũng chú trọng tổ chức các sự kiện khởi nghiệp tương tự như TechFest bằng cách thường xuyên liên kết với các mạng lưới startup, nhà đầu tư và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp để cùng kêu gọi nguồn lực, đồng thời tích cực tham gia và trở thành đối tác của các hệ sinh thái khác trong khu vực và trên thế giới.
Cùng với việc xây dựng một cổng thông tin bao gồm các thông tin cơ bản về startups, nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp… trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, Nhà nước sẽ hợp tác với một số tổ chức, cá nhân tình nguyện kết nối và xây dựng cộng đồng để tạo ra những nhóm tổ chức khởi nghiệp ở các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Bên cạnh đó, Chương IPP hợp phần hai đang thực hiện một dự án thống kê tất cả các nguồn lực startups của Việt Nam và một số cá nhân cũng đang xây dựng bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Đây sẽ là nguồn thông tin quan trọng, làm cơ sở để triển khai các hoạt động của Đề án sau này.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!